Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)

PGS TS Cao Văn Liên

17/09/2021 10:58

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

    

ba-trieu-au-1631851020.jpg

Nguồn: Internet.

       

  Kỳ 33.

                                                        IV                                                    

Cuộc nổi dậy của nhân dân quận Cửu Chân do Triệu Trinh Nương lãnh đạo đã làm rung động Châu Giao và chấn động cả triều đình Đông Ngô ở Kiến Nghiệp trên bờ Trường Giang. Vào một buối sáng năm 247, Tôn Quyền phải thiết triều để bàn đối sách đối với Châu Giao, cử quân tướng sang đàn áp. Khi bá quan văn võ đã đông đủ, Tôn Quyền nói:

-Đất Giao Châu trong đó có các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam tuy xa xôi nhưng đông người nhiều của, nhiều vàng bạc châu báu, rất quan trọng đối với Đông Ngô ta. Mấy năm chiến tranh liên miên với Ngụy, Thục, Giao Châu đã cung cấp biết bao nhiêu lính tráng, phu phen và của cải, tiền bạc, góp phần làm cho Đông Ngô tồn tại và phát triển phồn vinh như ngày nay. Các khanh không biết điều đó sao?

Ngừng một lát, Tôn Quyền nói tiếp:

-Tuy nhiên trưng thu nhiều, sưu cao thuế nặng, đồng hóa giết chóc nhiều thì gây hờn oán nhiều cho dân Việt xứ ấy. Vì thế, ta đã sai Lữ Đại là một người hiểu biết đạo Nho, giỏi vỗ về cai trị làm Thứ sử Châu Giao, Tiết Kính Hàn cũng là đồ đệ của Nho Gia làm Thái thú quận Cửu Chân để vỗ về dân Việt, để vừa trưng thu được nhiều của cải nhưng dân Việt vẫn không phản đối. Nhưng Lữ Đại và Tiết Kính Hàn cũng là đồ vô dụng. Kết quả, quận Nhật Nam và Cửu Chân phản loạn, chính quyền hai quận đó sụp đổ. Thái thú, Huyện lệnh các huyện là người Ngô chạy trốn hết về Quảng Châu. Thái thú Tiết Kính Hàn, Tư mã và hàng vạn quân ở thành Tư Phố bị tiêu diệt, Thứ sử Lữ Đại mất tích đi đâu không rõ tung tích. Quận Giao Chỉ đang bị đe dọa hàng ngày. Nếu mất Giao Châu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đông Ngô, ảnh hưởng đến sức mạnh của ta trong cuộc chiến tranh với Ngụy, Thục, mất Giao Châu chúng ta sẽ mất một hậu phương cực kỳ quan trọng. Các khanh có kế sách gì để bình định Giao Châu chăng?

Một viên quan đứng dậy. Mọi người nhìn ra thì là quan Thái sử Gia Cát Khác, con Gia Cát Cẩn. Gia Cát Khác nói:

-Bẩm chúa công, Giao châu là đất của người Lạc Việt và Âu Việt. Dân xứ này nóng nực nên rất ương ngạnh và bất khuất. Dù trải qua 200 năm bị các triều Tây Hán, Đông Hán cai trị nhưng chưa bao giờ dân xứ đó chịu khuất phục. Năm 40, hai chị em Trưng Nữ Vương đã lật đổ chính quyền nhà Đông Hán và xây dựng độc lập được 3 năm. Năm 43, Hán Quang Vũ Đế phải dùng Phục Ba tướng quân Mã Viện. Mã Viện vừa dùng sức mạnh, vừa dùng mưu kế mới thu lại được miền đất Giao Châu. Nay Giao châu phản loạn lại do một nữ tướng tài ba lãnh đạo. Thần nghĩ phải cử một tướng tài ba như Mã Viện, vừa dùng quân sự và mưu trí thì mới thắng lợi được.

Tôn Quyền gật đầu:

-Khanh nói phải. Nhưng Đông Ngô ta tìm đâu cho được một tướng tài như Mã Viện ngày xưa?

Gia Cát Khác tiến cử:

-Bẩm chúa công, người đó không ai khác ngoài quan Ngự sử Lục Dận, cháu gọi Đại Đô đốc danh tiếng Đông Ngô ta là Lục Tốn bằng bác.

Tôn Quyền hỏi, đưa mắt tìm trong số các quan văn võ ngồi dưới:

-Quan Ngự sử Lục Dận đâu?

Một người đàn ông khoảng 50 tuổi, lực lưỡng, mặt vuông, mắt gian xảo đứng dậy:

-Dạ bẩm chúa công, hạ thần là Lục Dận.

Tôn Quyền hỏi:

-Theo lời của quan Thái sử Gia Cát Khác, quan Ngự sử có tài năng như ông bác của khanh là Lục Tốn chăng?

-Dạ bẩm chúa công, thần là cháu của Đại Đô đốc Lục Tốn, tài không dám so sánh với bậc chú bác, nhưng nếu chúa công tin tưởng cho thần đi Giao Châu thần sẽ không làm hổ danh nhà họ Lục.

Tôn Quyền cười ha hả:

-Khá lắm, nay phong cho khanh chức Thứ sử Giao Châu kiêm Hiệu úy, toàn quyền về dân sự, hành chính và quân sự, đem 5 vạn quân thủy bộ dẹp loạn Triệu Thị Trinh để Giao Châu vẫn nằm trong Đông Ngô của ta.

  Đoạn Tôn Quyền quay sang bảo quan Thượng thư bộ lại:

-Trao ấnThứ sử và ấn Hiệu úy cho Lục Dận để sớm ngày mai xuất phát Nam chinh!

-Dạ, thần tuân lệnh chúa công.

Vào một buổi sáng, trên bờ Trường Giang, gần kinh đô Kiến Nghiệp, đạo quân thủy của Lục Dận theo sông Trường Giang ra biển, theo đường sông Bạch Đằng, vào Lục Đầu Giang Giao Chỉ, đạo bộ binh đi đường Quảng Châu, theo đường huyện Ngô Hưng  mà vào Thủ phủ Luy Lâu.

Sau khi vào Luy Lâu, việc làm đầu tiên của Lục Dận là bình định, giữ vững quận Giao Chỉ, không cho thế lực của Triệu Trinh Nương lan rộng ra. Thực hiện kế hoạch đó, Lục Dận phái 2 vạn quân chặn con đường thiên lý từ Cửu Chân đi ra Giao Chỉ ở Yên Mô, huyện Vô Thiết, Cửu Chân. Mặt khác, Lục Dận dùng nhiều vàng bạc và chức vụ mua chuộc hào trưởng và các thủ lĩnh người Việt ở quận Giao Chỉ. Bên cạnh đó, Lục Dận dùng quân sự đàn áp chém giết những ai bị nghi ngờ chống đối quân Ngô. Vì thế, hàng vạn dân và thủ lĩnh, hào trưởng ở Quận Giao Chỉ đã bị giặc Ngô khống chế, khuất phục, hoặc không dám công khai ủng hộ nghĩa quân.

                                                                   V

Thấy chưa thể tiến ra Giao Chỉ tấn công thành Luy Lâu, từ thành Tư phố, Triệu Trinh Nương cho quân tiến ra xây dựng căn cứ Bồ Điền, huyện Dư Phát, quận Cửu Chân. Bồ Điền là căn cứ có thể tấn công ra Giao Chỉ qua ngã Thần Phù, có thể dựa vào địa thế hiểm trở để cố thủ. Thung lũng Bồ Điền nằm giữa hai núi đá vôi, dãy Châu Lộc phía Bắc là đoạn cuối của núi chạy từ Hòa Bình vào, ngăn địa giới huyện Câu Lậu, Giao Chỉ và Cửu Chân. Dãy thứ hai là dãy núi Tam Đa ở phía Nam thung lũng, là đoạn chót của dãy núi chạy từ Tây Bắc về Nam sông Mã. Bồ Điền còn là căn cứ khi cần nghĩa quân có thể ngược dòng sông Lèn, sông Âu ra sông Mã về Quân Yên và về Núi Nưa. Trên núi Chung Chinh của Bồ Điền, nghĩa quân đã xây dựng bảy đồn lũy và một đồn quân doanh của Triệu Trinh Nương.

  Vào một buổi sáng, trong Tổng hành dinh của Triệu Trinh Nương, thám mã vào báo:

-Bẩm Nhụy Kiều tướng quân, tướng Ngô Lục Dận đang tiến vào Cửu Chân theo hai đường, đạo quân bộ tiến theo đường Tạc Khẩu, qua hành lang Hoằng Lương-Chính Đại-Bạch Ác, ngược sông Lèn đánh vào Bắc Bồ Điền, đạo Thủy quân theo đường biển, qua của sông Sung, cửa Lạch Trường đánh vào phía Nam Bồ Điền của chúng ta.

Triệu Trinh Nương nói:

-Cảm tạ huynh. Ta đã có cách phá giặc.

-Dạ.

  Triệu Trinh Nương cho 1 vạn quân chấn giữ phía Nam Bồ Điền, còn tự cầm 1 vạn quân tiến ra phía Bắc chống Lục Dận. Triệu Trinh Nương cưỡi voi trắng một ngà đi đầu, dẫn 1 vạn quân hành quân theo đường sông Lèn, sông Đào lên Yên Mô, huyện Vô Thiết, quận Cửu Chân dàn trận ở một khu đất bằng phẳng nhưng hai bên có núi non hiểm trở. Đó là Núi Tam Điệp và phía Nam là đồi bãi của vùng Đồng Giao rậm rạp. Trong một buổi chiều mùa đông, 5000 quân Việt dưới những lá cờ vàng óng tung bay phần phật chặn ngang đường tiến quân của 3 vạn quân Lục Dận. Khi lại gần quân Việt, Lục Dận cho dàn quân theo hình chữ nhất. Lục Dân biết đang đối mặt với người nữ Chủ tướng nổi tiếng là Triệu Trinh Nương, của một đội quân nổi tiếng. Quả nhiên, Lục Dận thấy lời đồn đại không sai, đó là một nữ tướng cực kỳ kiều diễm xinh đẹp. Trang phục của Triệu Trinh Nương toàn một màu vàng, áo chiến bào vàng, áo giáp đồng vàng, mũ đồng vàng có thắt khăn tang màu trắng để tang Triệu Quốc Đạt hy sinh trong trận Tư Phố. Con voi trắng một ngà mà Triệu Trinh Nương cưỡi nom rất hung dữ. Trên con voi và Triệu Trinh Nương, lá cờ màu vàng thêu chữ soái màu đỏ chói tung bay phần phật. Tuy nhiên, điều làm cho Lục Dận yên tâm là quân Việt chỉ khoảng 5000 người so với 3 vạn quân của y thì quân Ngô có ưu thế binh lực rất lớn. Lục Dận thét lớn:

-Có ai ra bắt Triệu nữ tặc cho ta?

  Một tướng Đông Ngô võ phục màu đen, cưỡi ngựa đen, múa ngọn giáo xông ra. Bên quân Việt, tướng Lý Gia võ phục màu nâu, cưỡi ngựa màu nâu, tay vung trường thương xông ra như gió, miệng quát:

-Bọn chó Ngô hãy đền tội.

   Hai ngựa và người xáp nhau, giáo chạm vào trường thương tóe lửa kêu lên tiếng sắt thép. Quân hai bên reo hò vang động hòa cùng âm thanh vang rung không khí của tiếng cồng. Chỉ 10 hiệp, tướng Đông Ngô Mã Giang Long bị Lý Gia đâm một thương ngã ngựa. Trong hàng ngũ quân Việt, một mũi tên châm lửa bắn lên trời. Quân Ngô còn đang ngơ ngác thì Triệu Trinh Nương trỏ kiếm về phía trước thét to, giọng nữ vang lên lảnh lót:

-Toàn quân xông lên giết giặc Ngô trả thù nhà nợ nước!

  Chủ tướng chưa dứt lời, con voi một ngà đã xông lên dùng vòi cuốn lấy quân Ngô tung lên trời, chân thì xéo xác quân thù. 5000 quân Việt dũng mãnh xông lên nhất tề chém giết. Trong khi đó, bên đồi Tam Điệp cánh hữu và đồi Đồng Giao cánh tả mỗi bên 2000 quân tràn xuống đánh vào hai sườn quân Ngô. Quân Ngô dù đông nhưng bị lọt vào vòng vây, bị đánh ba bên tối tăm mặt mày, tan vỡ đội hình tháo chạy về phía Bắc. Quân Việt thỏa sức tung hoành chém giết. Thân người gục như chuối bị chém, máu chảy thành sông. Đất Yên Mô trời đất mịt mờ, không gian rung động trong tiếng reo hò, hòa với những âm thanh như sấm rền của cồng, chiêng. Đó là trận giáp lá cà khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Ngô-Việt. Chỉ đến chiều tối, khi quân Ngô chạy hết về phía Bắc, quân Việt mới ngừng chiến. Quân Ngô bỏ lại trên chiến trường Yên Mô 1 vạn xác chết. Quân Việt 2000 nghĩa binh đã hy sinh để trả thù nhà nợ nước.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "    Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn