Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)

PGS TS Cao Văn Liên

18/09/2021 09:11

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

     

ba-trieu-1q-1631930957.jpg
Hàng năm, từ ngày 19 đến 24.2 Âm lịch, Lễ hội đền Bà Triệu (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là một trong những lễ hội truyền thống - di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân dân trải qua nhiều thế hệ. Nguồn: Internet..

                                       

Kỳ 34.

Sau trận huyết chiến ở Yên Mô, Vô Thiết, quân Đông Ngô bị tổn thất nặng nề, 1 vạn quân bị giết chết, nhưng thất bại nặng nề nhất là về tinh thần. Quân Đông Ngô hoàn toàn khiếp đảm trước lối đánh táo bạo dũng mãnh của quân Việt, đặc biệt là nữ Chủ tướng của họ. Khi con voi trắng một ngà xung trận thì ngựa chiến của Đông Ngô hoảng sợ quay đầu chạy làm cho các tướng Đông Ngô không thể giao chiến được. Con voi trắng đã dùng vòi dài cứ một lần cuốn vài ba lính Ngô tung lên trời quật xuống hoặc dùng chân dày xéo cho chết. Lại thêm chủ nhân của nó là một nữ tướng kiều diễm nhưng phi thường, múa đôi kiếm dài tỏa ánh hào quang như cái máy chém quân Ngô tơi tả. Một vài tướng Ngô đã bắn tên trộm vào Triệu Trinh Nương, nhưng đường gươm nhanh như gió đã chém các mũi tên văng xuống đất. Trong xung trận, cứ gặp voi trắng và chủ nhân của nó thì quân Ngô chưa đánh đã hỗn loạn, chạy tan tác. Quân Ngô đặt cho Triệu Trinh Nương một biệt danh kính trọng là “ Lệ Hải Bà Vương” và truyền tụng một câu trong toàn quân:

“Hoành qua đương hổ dị

Đối diện bà Vương nan”.

  Lục Dận sai tiểu tướng của mình về Đông Ngô xin Tôn Quyền tăng viện. Tôn Quyền tăng cho Lục Dận thêm 2 vạn tinh binh và các tướng cao thủ của Đông Ngô và chỉ dụ cho Lục Dân phải tiêu diệt được Triệu Trinh Nương bằng mọi giá.

  Sau trận Yên Mô, dù tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhưng quân Việt cũng tổn thất nặng nề. Triệu Trinh Nương biết chưa đủ lực lượng tấn công ra Giao Chỉ liền lui quân về căn cứ Bồ Điền để bổ sung lực lượng. Lục Dận được tăng viện, tiến đánh Bồ Điền bằng hai mặt, mặt Bắc từ Yên Mô đánh thẳng vào, mặt Nam từ cửa Lạch Trường đánh vào nhằm ngăn chặn không cho Triệu Trinh Nương rút về căn cứ Núi Nưa theo đường sông Mã. Lục Dận xây dựng những cứ điểm, canh phòng nghiêm ngặt, không cho nhân dân quanh vùng Bồ Điền bổ sung lực lượng hoặc tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Trong 6 tháng ròng bao vây, Lục Dận mở 30 trận công phá vào Bồ Điền. Cả 30 trận, quân Việt từ sau các tường thành chiến lũy dùng tên và đá hộc bắn và ném ra như mưa, quân Ngô tổn thất nặng nề. Trong khi đó đạo quân phía Nam cũng không làm được gì trước chiến lũy kiên cố.

  Tấn công quân sự khó khăn, Lục Dận liền nghĩ tới kế ly gián và mua chuộc. Hắn cho rằng đã là con người thì ai cũng ham sống sợ chết, ai cũng ham công danh và phú quý, quyền cao chức trọng. Triệu Trinh Nương cũng là con người và có thể là một con người như thế. Nghĩ vậy, Lục Dận cho rằng trước hết hãy mua chuộc Nhụy Kiều Tướng quân. Hắn ra lệnh cho tùy tướng đem giấy, bút, mực đến và chong đèn trong Tổng hành dinh rất khuya để viết thư. Sáng hôm sau, Triệu Trinh Nương đang ngồi trong Tổng hành dinh để bàn cách phòng thủ chống địch thì một thám mã vào báo:

-Bẩm Chủ tướng, có một bức thư của quân Đông Ngô gửi cho Chủ tướng.

-Ai đưa đến?

-Dạ, thư được buộc vào tên và bắn ghim vào gốc cây gần căn cứ của ta.

  Người lính trình thư lên. Triệu Trinh Nương mở thư đọc. Trong thư Lục Dận viết: “Kính gửi Nhụy Kiều tướng quân, tại hạ là Lục Dân, Thứ sử kiêm Hiệu úy tổng binh Giao Châu. Tại hạ nghe danh của Ngụy Kiều tướng quân từ lâu, rất lấy làm khâm phục chí lớn và tài năng của Nhụy Kiều tướng quân. Với tài năng đó, con đường vinh hoa, phú quý của Nhụy Kiều tướng quân thật rộng mở. Nay nếu như Nhụy Kiều tướng quân đem tài năng đó phục vụ cho nhà Đông Ngô ta thì tại hạ bảo đảm tâu Ngô Hầu phong Nhụy kiều tướng quân làm Phó Thứ sử Giao Châu, kiêm phó Hiệu úy, phó Tổng binh, kiêm Thái thú quận Cửu Chân, vinh hoa phú quý cực phẩm một thời, đồng thời vinh thăng tước hiệu “Lệ Hải Bà Vương” để ghi dấu ấn muôn thuở, cũng là chấm dứt được nạn binh đao, mang lại hòa bình cho bách tính Châu Giao thì thật là vạn phúc. Mong Nhụy Kiều tướng quân suy tính thiệt hơn. Tại hạ chờ thư phúc đáp.

Nay kính thư.

Thứ sử kiêm Hiệu úy Tổng Binh Giao Châu: Lục Dận”.

  Triệu Trinh Nương đọc thư xong, giận tím mặt, đập tay xuống bàn:

-Bọn chó Ngô dám xem thường người Việt ta vậy sao? Mau đem giấy mực ra đây!

Vệ nữ vội đem giấy bút mực ra. Triệu Trinh Nương ngồi xuống bàn viết trong cơn giận dữ. Vệ nữ ngắm trộm chủ tướng. Trong khi tức giận nom Nhụy kiều tướng quân càng thêm xinh đẹp.

  Hôm sau, ngoài căn cứ Bồ Điền, một tên lính Ngô nhặt được một bức thư cũng do mũi tên ghim vào gốc cây. Tên thám mã đem thư về trình Lục Dận. Lục Dận mở thư đọc: “ Trong cõi thiên địa bao la, trời đã vạch sẵn giang sơn ranh giới đất đai cho mọi giống người để lập nên những quốc gia xã tắc riêng biệt. Trong quốc gia độc lập đó, cùng nòi giống nên mới thương yêu chăm lo được bách tính của mình sao cho đủ ăn, đủ mặc, sống giản dị thanh bình, sinh con sinh cháu để duy trì nòi giống. Nay các vua chúa nhà Hán rồi lại đến nhà Đông Ngô các ngươi không hiểu đạo trời, bất chấp đạo lý đơn giản đó, cậy sức mạnh người đông đi chiếm giang sơn xã tắc của người Việt, đẩy dân Việt vào muôn trùng khổ ải và đứng trước họa diệt vong nòi giống. Ta đây sinh ra là người Viêt, sống trên đất Việt, nguyện đem hết sức quyết sống mái với giặc Ngô tàn bạo các ngươi để mong đem lại giang sơn cho người Việt. Nếu ngươi biết lẽ phải của con người và đạo trời, hãy rút quân về, trả non sông cho người Việt. Đó không chỉ là phúc phận của dòng họ Lục nổi tiếng nhà ngươi, phúc cho dân Đông Ngô và hiển nhiên đó cũng là phúc cho người Việt. Sử sách Ngô và Việt sẽ ghi mãi công lao của ngươi. Ngươi hãy suy xét, bỏ gian tà phi nghĩa mà hành hiệp trượng nghĩa. Vinh hoa phú quý có nghĩa lý gì khi mà dân tộc bị nô lệ và lầm than. Nếu ngươi vẫn đi theo sự tam tàn bạo ngược, đi cướp nước người khác như cha ông ngươi thì ta quyết với ngươi một trận tử chiến.

Kính thư-Triệu Thị Trinh.”

  Lục Dân đọc thư xong, giận đến mức chân tay run lẩy bẩy, đập bàn quát:

-Nữ tặc thật là ngang ngạnh. Ta mua chuộc ngươi không được thì ta sẽ mua chuộc tùy tướng của ngươi. Ở nước ta, thời nào cũng có Ngô gian, Hán gian tham vàng bán nước thì ở nước ngươi ta tin rằng thời nào cũng có Việt gian tham vàng, tham vinh hoa phú quý mà bán nước, Ha!Ha!Ha!...

  Từ đó, đột nhiên hàng ngày trong căn cứ của nghĩa quân ở Bồ Điền liên tục có nhiều bức thư của quân Ngô theo những mũi tên bắn vào. Các tướng sĩ của nghĩa quân theo lệnh của Triệu Trinh Nương nhặt được thư không được đọc mà đem đốt đi. Mọi người biết đó là những bức thư mua chuộc, dụ dỗ để các tướng sĩ phản bội nghĩa quân, phản bội dân tộc Việt. Nhưng có một tiểu tướng của quân Việt là Lâm Tiểu Khẩu. Hắn không đốt thư như quy định mà lấm lét nhìn quanh, khi biết không có ai trông thấy, hắn lén lút cho thư vào tay áo, tìm chỗ vắng người bóc thư ra đọc. Thư viết: “ Gửi các tướng sĩ người Việt. Ta biết bọn quan Hán và Đông Ngô trước đây gây ra nhiều tội ác với dân Việt. Các ngươi vì căm phẫn nhất thời mới theo Triệu Thị Trinh. Nay bản Thứ sử tới chinh phạt, đã đang và sẽ chiến thắng trong nay mai. Nếu các người chịu làm nội ứng, hợp tác với bản Thứ sử, ta sẽ bảo đảm cho 1000 cây vàng cùng với chức quan Thái thú quận Cửu Chân, ngươi và gia tộc sẽ vinh hoa phú quý cực đỉnh. Vả lại, sau khi bình định được giặc Triệu Thị Trinh, ta sẽ là Thứ sử cai trị Giao Châu, ta bảo đảm sẽ mang lại no ấm và hạnh phúc cho bách tính người Việt. Ngô, Việt là anh em một nhà. Chờ thư hồi âm.

Thứ sử kiêm Hiệu úy Tổng binh Giao Châu: Lục Dận”

  Lâm Tiểu Khấu bị số vàng bạc và chức tước trong thư mê hoặc, chân tay hắn run lẩy bẩy như đang có 1000 cây vàng trong tay, mắt hắn hoa lên mơ tưởng đang ngồi trên ghế Thái thú Cửu Chân oai vệ ở thành Tư Phố. Hắn tìm chỗ kín đáo viết một bức thư cho Lục Dận và bí mật bắn ra ngoài cho quân Ngô. Quân Ngô nhặt được thư đem về trình Lục Dận. Lục Dận mở thư ra đọc. Thư viết: “Kính bẩm quan Thứ sử Giao Châu kiêm Hiệu úy Tổng binh Lục Dận. Tôi là tiểu tướng trong quân của Triệu Thị Trinh. Nay nếu như Thứ sử giữ lời hứa thưởng vàng bạc và chức tước như thư ngài đã viết, tôi xin làm nội ứng. Giờ tý đêm mai, tôi và anh em chúng tôi sẽ mở toang cửa ở phía Bắc và ở phía Nam căn cứ Bồ Điền để quân Ngô xông vào chém giết. Sau khi thắng lợi xin ngài Thứ sử không được quên anh em chúng tôi. Tín hiệu khi mở cửa xong sẽ là những phát tên có lửa bắn lên trời.

Nay kính thư: Lâm Tiểu khấu”.

  Một ngày ở vùng Bồ Điền trôi đi nhanh chóng và đêm xuống dần. Đầu mùa xuân gió về đêm se lạnh. Gió khua cây cối rung lá xào xạc. Núi rừng và không gian nhuộm một màu đen đặc. Những vì sao nhấp nhánh trên bầu trời. Những tốp nghĩa quân vẫn đi tuần nghiêm ngặt quanh căn cứ Bồ Điền. Kể cả cửa phía Bắc và phía Nam của căn cứ cũng đã thay lính gác nhiều ca. Đến canh ba giờ tý, một tốp lính gác do Lâm Tiểu Khấu thay ca ở cửa phía Bắc và một tốp là tay chân của hắn thay ca ở cửa phía Nam. Hai cửa này là tử huyệt của căn cứ Bồ Điền, đi thẳng vào trung tâm căn cứ và Tổng hành dinh của Triệu Trinh Nương. Sau khi mở cửa, bọn Lâm Tiểu Khấu bắn lên trời những phát tên châm lửa. Một người lính trông thấy quát lên:

-Ngươi, ngươi làm phản…

  Nhưng tiếng của người lính tắc nghẽn vì bị một nhát gươm của Lâm Tiểu Khấu đâm xuyên bụng, người lính ngã vật xuống, một vài người lính đã chạy thoát. Cùng lúc đó, quân Ngô đã bí mật bò sát vào gần cửa Bắc và cửa Nam, trông thấy tín hiệu tên lửa làm ám hiệu đã nhất tề đứng lên ào ạt xông vào căn cứ Bồ Điền chém giết. Quân Việt bị đánh bất ngờ và bị ép cả hai hướng nhưng không hề run sợ, quơ gươm đã đặt sẵn gần nơi ngủ vung dậy chiến đấu mãnh liệt. Các lán trại của quân Việt phút chốc bị đốt cháy soi sáng cuộc hỗn chiến chém giết hỗn loạn trong thung lũng, gươm dao chạm nhau tóe lửa, sáng loáng, thây người đổ gục, máu phun đỏ ối. Tiếng reo hò kinh thiên động địa như thung lũng đang sụt lở. Khắp nơi, xác người ngổn ngang, máu chảy thành suối.

  Đang trong Tổng hành dinh thì nghe náo động bên ngoài, Triệu Trinh Nương biết là có biến. Đội cận vệ đã dắt voi trắng đến. Triệu Trinh Nương bao giờ cũng mặc chiến bào và áo giáp sẵn, chỉ cần đội mũ và mang gươm là phi người lên voi. Đội cận vệ và Triệu Trinh Nương mở đường máu đánh ra. Đội vệ binh vung gươm bổ vào giặc Ngô như chém chuối. Voi trắng một ngà giơ vòi cuốn nhiều tên giặc và quật chết một lúc. Đôi gươm của Triệu Trinh Nương cuốn như gió giết không biết bao nhiêu tên địch. Đội cận vệ và Triệu Trinh Nương khắp mình đều đỏ vì máu giặc, nhìn kỹ thì mọi người đã lên đến núi Tùng. Trên cao, Triệu Trinh Nương nhìn xuống, căn cứ Bồ Điền đang cháy tan hoang. Xác người chồng chất quân Việt lẫn quân Ngô. Triệu Trinh Nương biết trong số đó 1 vạn nghĩa quân thân yêu của mình đã nằm xuống. Triệu Trinh Nương biết rằng sự nghiệp đại nghĩa cứu nước đã hoàn toàn thất bại, không thể cứu vãn được nữa. Triệu Trinh Nương đưa mắt nhìn toàn cảnh Bồ Điền lần cuối: Núi non sơn hà gấm vóc trùng điệp. Xa xa là miền Tư Phố, miền Quân Yên-quê hương yêu dấu đã ghi dấu ấn một thời niên thiếu, thời thiếu nữ tươi đẹp nhưng đầy giông bão, xa hơn nữa là Núi Nưa, nơi khởi đầu sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Trời xanh thăm thẳm mênh mông đen tối. Biết bao giờ mối quốc thù mới được rửa sạch, bao giờ dân Việt mới khỏi ách nô lệ, non sông xã tắc mới được độc lập tự do. Thôi đành trông chờ vào hậu thế.

 Triệu Trinh Nương đột nhiên rút gươm ra và quyên sinh. Đội nữ binh cận vệ kêu lên đau đớn:

-Đừng, Nhụy Kiều Tướng quân!

-Đừng, Nhụy Kiều tướng quân!

  Thốt nhiên trời tối xầm lại, gió thổi ù ù. Trên không trung như có tiếng nhã nhạc và tiếng nói vang vọng:

-Ta là Trưng Nữ Vương. Ta đến đón Triệu Thị Trinh, đứa cháu anh hùng của ta đây.

Kèm theo đó là tiếng sấm rền vang, chớp giật từng cơn sáng lóa khắp vùng. Rồi trời đất trở lại yên tĩnh. Đội nữ vệ binh mở mắt ra thì không thấy Triệu Trinh Nương và con voi trắng một ngà đâu nữa. Đội cận vệ nói:

-Hai Bà Trưng đã đón Chủ tướng Nhụy Kiều Tướng quân và chú voi trắng về cõi thánh thần rồi.

Hôm đó là ngày 21 tháng 2 Mậu Thìn (năm 248). Triệu Trinh Nương khi đó tròn 23 tuổi.

Bằng mọi thủ đoạn hèn hạ, cuối cùng Lục Dận đã chiến thắng. Tuy vậy, Lục Dận cũng vô cùng kinh hãi trong trận Bồ Điền, 2 vạn quân Ngô đã chết trong trận giáp lá cà với 1 vạn quân Việt trong thung lũng không rộng lớn này. Còn đang suy nghĩ mông lung thì một tên lính Ngô vào báo:

-Dạ bẩm Thứ sử, tên tiểu tướng Việt làm nội ứng cho chúng ta đã bị hành hình rồi.

-Ai giết hắn?

-Không rõ, xin Thứ sử ra xem.

Lục Dận đi ra theo tên lính.Cách căn cứ Bồ Điền một dặm, tên Lâm Tử Khấu đã bị mổ bụng phanh thây, moi hết gan ruột, cổ bị buộc thừng, xác bị treo lên khóm tre, dưới có dòng chữ viết bằng chính máu của tên phản bội vào tấm gỗ: “ Kẻ nào bán nước, làm nội gián cho giặc mong vinh thân phì gia thì hãy nhìn gương thằng Việt gian phản bội này.”

Lục Dận ớn lạnh toàn thân. Hắn biết rằng chiến thắng của hắn năm 248 này chỉ là tạm thời, còn nền thống trị của Đông Ngô dù được tái lập lại trên đất nước Việt này cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Một đất nước mà có những phụ nữ anh hùng bất khuất như hai Trưng Nữ Vương, như Triệu Trinh Nương thì thật là kỳ lạ và sẽ không bao giờ khuất phục ngoại bang.

(Còn nữa)
CVL

Bạn đang đọc bài viết "   Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn