Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 65)

PGS TS Cao Văn Liên

19/10/2021 08:37

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

     

d-dn3-1634607315.jpg
Lần thứ ba: Nam Hán sai tướng Trần Bảo đem quân sang hỗ trợ Lý Tiễn. Khi Trần Bảo tới, thành Giao Châu đã bị mất. Trần Bảo bèn cho quân vây thành, quyết tiêu diệt bằng được Dương Đình Nghệ. Trong trận giao tranh Trần Bảo bị chém đầu, toàn bộ quân sĩ Nam Hán hoảng hốt bỏ chạy thục mạng. Nguồn: danviet.vn

   

Kỳ 65.

-Bây giờ cho quân sĩ ăn cơm, chuẩn bị và đêm nay hành quân đánh thành Đại La.

Các tướng lĩnh đồng thanh:

-Dạ, xin tuân lệnh chúa công.

Sau bữa cơm trưa, tiếng trống, thanh la, tiếng tù và của quân đội Khúc-Dương vang lên khắp Dương Xá, làng Giàng, 5 vạn quân khỏe mạnh hiên ngang quân phục màu nâu, mang áo giáp đồng vàng óng, mũ nhọn, gươm giáo cung tên, hành quân nườm nợp dưới bóng những lá cờ vàng mang chữ Khúc đậm nét màu đen. Đi đầu mỗi hàng quân là Đinh Công Trứ, Dương Tam Kha và Ngô Quyền. Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Phạm Bạch Hổ đi trung quân, trên đầu có lá cờ vàng to viết chữ Soái bay phần phật theo gió. Bách tính làng Giàng và dọc đường thiên lý từ Ái Châu ra Đại La đem chè nước, bánh trái ra úy lạo. Toàn An Nam bước vào một mùa hè nóng bỏng với quyết tâm đánh bại Nam Hán, giành lại La Thành.

                                                                         V 

Trong Đại sảnh đường của thủ phủ thành Đại La phơi bày sự sang trọng choáng ngợp của các đồ vật trang trí trưng bày như vàng, bạc, ngà voi, sừng tê giác, ngọc ngà châu báu, những bàn ghế gỗ lim chạm khắc hoa văn cầu kỳ, khảm trai bóng loáng. Thứ sử Lý Tiến và Tư mã Lý Khắc Chính đang ngồi bàn về việc thành Đại La bị Dương Đình Nghệ tiến đánh trong nay mai. Lý Tiến nói:

-Thám mã về báo Dương Đình Nghệ đã đem 5 vạn quân, 3000 dũng sĩ với những tướng tài giỏi như Đinh Công Trứ, Dương Tam Kha, Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ đang tiến về thành Đại La. Cũng may trước đó, ta đã cho người về Phiên Ngung xin quân cứu viện.

 Lý Tiến vừa dứt lời thì có thám mã hốt hoảng về báo:

-Dạ bẩm Thứ sử cùng Tư mã, Dương Đình Nghệ đã dàn quân ở phía Đông thành, cách Đại La chừng một dặm.

Lý Khắc Chính nói:

-Đã đến mức này mạt tướng xin đem ba vạn quân ra ngoài thành phá địch.

Lý Tiến nói:

-Ta nên cố thủ chờ viện binh tới, trong đánh ra, ngoài đánh vào mới thắng được.

Lý Khắc Chính gạt đi:

-Cố thủ sẽ làm mất nhuệ khí quân ta.Thứ sử không thấy cách đây bảy năm chỉ một trận là phá tan quân của Khúc Thừa Mỹ đó sao. Vả lại, nay quân địch hành quân từ Ái Châu ra đây đã mỏi mệt. Lấy quân nhàn hạ đánh quân mỏi mệt thì ắt thắng lợi. Đây là điều mà binh pháp đã dạy.

Lý Tiến nói:

-Thôi thì tùy tướng quân quyết định, nhưng nhớ là nếu ra ngoài mà thấy yếu thế thì phải rút ngay vào thành cố thủ

-Đa tạ lời khuyên của Thứ sử. Thứ sử yên tâm, mạt tướng biết cách phải làm như thế nào.

Rồi Lý Khắc Chính điểm 3 vạn quân cùng các tùy tướng mở cổng thành xông ào ạt như vũ bão về hướng Đông, nhìn  thấy Dương Đình Nghệ đã dàn quân hình chữ nhất đông như kiến cỏ. Dương Đình Nghệ đứng dưới lá cờ vàng có chữ Soái. Quân Khúc-Dương đứng dưới hàng vạn lá cờ cũng màu vàng với chữ Khúc-Dương màu đen bay phần phật trong gió. Quân Việt rất khí thế hiên ngang. Lý Khắc Chính hơi chột dạ nhưng vẫn quát to:

-Dương Đình Nghệ, vua ta đã phong cho nhà ngươi làm Thái thú trông coi Ái Châu, sao lại làm phản?

Dương Đình Nghệ quát to:

-Ai bắt thằng giặc này cho ta, rửa hận cho Khúc Hậu Chủ?

Một tướng trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú, oai phong lẫm liệt phi thường, cưỡi con ngựa dũng mãnh màu hồng, múa đại đao xông ra. Mọi người nhìn ra đó chính là Ngô Quyền, con ngựa màu hồng chính là con ngựa của tiểu thư Dương Thị Như Ngọc. Lý Khắc Chính cũng mua đao trên lưng con ngựa màu đen xông ra. Hai ngựa và hai người xáp nhau, hai thanh đao chạm nhau tóe lửa, phát ra những tiếng kêu khô khốc, tiếng reo hò của quân sĩ, tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng tù và vang động cả đất trời Đại La. Thốt nhiên trong hàng quân Việt, hai phát tên châm lửa bay vút lên không trung. Nhận được tín hiệu, 3000 dũng sĩ phi như bay từ nơi dấu quân từ hướng tây sang hướng đông. 1000 quân dùng cung cứng nỏ mạnh bắn lên mặt thành, qua lỗ của các nữ tường tiêu diệt quân địch, 1000 dũng sĩ dùng ván che tên đạn xông vào cổng thành còn mở giết lính gác xông vào, theo sau là 1 vạn quân của Đinh Công Trứ lao vào chém giết. Trong khi đó 1000 dũng sĩ cùng 1 vạn quân của Dương Tam Kha ào ạt đánh tập hậu vào quân của Lý Khắc Chính. Thế trận quân Nam Hán tan vỡ rối loạn. Lý Khắc Chính thấy vậy phân tâm, bị hở sườn, bị Ngô Quyền lia một nhát đại đao, đầu rơi xuống đất. Quân Việt reo hò xông lên chém giết. Quân Nam Hán chạy về thành nhưng thành đã bị quân Việt chiếm. Quân Nam Hán đại bại, 3 vạn quân kẻ bị giết, kẻ nhảy xuống sông Tô Lịch chết đuối, 5000 quân bị bắt. Dương Đình Nghệ cho tìm Lý Tiến nhưng không thấy. Có thể Lý Tiến đã mở cửa Bắc tháo chạy ngay từ khi Lý Khắc Chính đem quân xuất trận ra khỏi thành.

  Dương Đình Nghệ vào thành Đai La ra sức ổn định tình hình sau trận chiến. Bỗng có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm báo chúa công, vua Nam Hán đã sai Thừa chỉ Trần Bảo đem 5 vạn quân đã tiến vào đất Lạng Châu.

-Chúng tiến đến đâu rồi?

-Dạ chúng vượt qua Quỷ Môn Quan rồi ạ.

Dương Đình Nghệ nói:

-Ta bận đánh thành Đại La để Trần Bảo qua được Quỷ Môn Quan, nhỡ một cuộc mai phục tiêu diệt chúng ở đấy. Tiếc quá.

Quân sư Phạm Bạch Hổ nói:

-Bẩm chúa công vẫn chưa muộn. Trên đường từ Lạng Châu tiến về Vũ Ninh, có rất nhiều địa thế hiểm trở có thể mai phục được.

Dương Đình Nghệ ra lệnh:

-Tướng quân Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, hai người đem 3 vạn quân lên Lạng Châu chống giặc. Giặc có 5 vạn quân, thế rất mạnh. Ngoài dùng sức, các tướng quân phải dùng mưu, đặc biệt là chọn địa hình hiểm trở mai phục, tập kích thì mới có thể chiến thắng được.

Ngô Quyền và Đinh Công Trứ đáp:

-Xin tuân lệnh chúa công.

Ngô Quyền và Đinh Công Trứ ngay hôm đó đã dẫn 2000 dũng sĩ, 3 vạn quân rời khỏi thành Đại La, vượt sông Cầu và hành quân gấp lên Vũ Ninh. Quân đi rầm rập, gió bụi, cờ bay rợp trời, người ngựa nườm nượp dưới nắng hè chói chang. Đến gần hết địa phận Vũ Ninh, sang địa phận huyện kê Từ  và Lạng Châu, Ngô Quyền cho quân dừng lại và ngồi trên ngựa quan sát địa hình và nói với Đinh Công Trứ.:

-Chỗ này có thể là đất tử địa của địch. Tướng quân cho quân mai phục, tôi lên khiêu chiến kéo quân Trần Bảo vào trận địa cho tướng quân tiêu diệt.

Đinh Công Trứ gật gù:

-Tướng quân nói chí phải.

Ngô Quyền dẫn một vạn quân đi tiếp lên phương Bắc. 2 vạn quân và 1000 dũng sĩ do Đinh Công Trứ chỉ huy bố trí mai phục hai bên sườn núi rừng rất hiểm trở trên đoạn đường dài khoảng 2 dặm chờ địch. Đi một dặm đường, quân Ngô Quyền đã trông thấy quân Nam Hán cờ vàng rợp trời, giữa các lá cờ ghi chữ Lưu- Nam Hán màu đen. Thấy quân Việt, quân Nam Hán dàn trận. Tướng Kiều Công Thuận xông ra quát:

-Giặc Trần Bảo ra đây chịu trói đi!

Trần Bảo thân hình cao lớn, mặc áo giáp đen, chiến bào màu xanh, đội mũ đâu mâu màu đồng, cưỡi ngưạ màu nâu, sử dụng giáo dài xông ra và quát bằng tiếng Hán, không ai hiểu hắn nói gì. Hai ngựa xáp nhau, hai người vung dao và giáo chạm nhau tóe lửa. Quân sĩ reo hò, chiêng trống vang động rừng núi. Được 10 hiệp, Kiều Công Thuận núng thế quay ngựa chạy, Trần Bảo tế ngựa đuổi theo, 5 vạn quân Hán nhất tề xông lên đuổi theo quân Việt và ngày càng lọt vào con đường thiên lý nhỏ hẹp. Thốt nhiên hai bên rừng núi rậm rạp chiêng trống vang lừng. Quân của Ngô Quyền đang chạy quay lại, quân Việt mai phục bên sườn đồi, thấy quân Nam-Hán đã lọt vào trận địa liền trút những trận tên như mưa xuống quân giặc. Hàng nghìn quân Nam Hán gục xuống đường tắc nghẽn lối đi, máu chảy như suối. Tiếp đó, quân Việt ba bên lao vào chém giết, tiếng sắt thép chạm nhau khô khốc, tiếng reo hò và tiếng trống như sấm rền bão cuốn, thây quân Nam Hán tiếp tục đổ xuống. 5 vạn quân Nam Hán bị xé nát đội hình, tan tác. Trần Bảo cùng các tùy tướng mở đường máu mới chạy thoát về phía Bắc. Ngô Quyền đánh trống thu quân. Khoảng 3 vạn quân Nam Hán chết tại trận, phía quân Việt khoảng 2000 chiến sĩ đã hy sinh. Trời đã tối. Trần Bảo cho quân tụ họp ở một thung lũng không thành trì, không rào chắn dựng lều trại ăn uống nghỉ ngơi. Trần Bảo nói với các tùy tướng:

-Ta vừa thua xong, Ngô Quyền vừa thắng, khí thế đang lên, thế nào đêm nay cũng sẽ đến cướp trại quân ta, ta sẽ mai phục thế nào cũng bắt được Ngô Quyền.

Trần Bảo vẫn cho đốt đèn đuốc trong trại, để lại một ít quân, còn tất cả lui ra mai phục xung quanh lều trại chờ quân Việt.

Thám mã về báo cho Ngô Quyền và Đinh Công Trứ:

-Dạ, bẩm hai tướng quân, quân Nam Hán dồn hết vào thung lũng và hạ trại ăn uống nghỉ ngơi.

Đinh Công Trứ bảo Ngô Quyền:

-Quân Giặc vừa thua một trận còn choáng váng, đêm nay ta vào cướp trại chắc toàn thắng.

Ngô Quyền đáp:

-Trần Bảo là tướng mưu lược nên chắc đã có đề phòng, ta cứ cho 1000 dũng sĩ võ nghệ cao cường 1 địch 10 vào cướp trại, khi Trần Bảo đem quân mai phục xuống núi đánh các dũng sĩ của ta thì gần 3 vạn quân ta từ ngoài đánh vào, trong đánh ra, ngoài đánh vào, phen này Thừa chỉ Trần Bảo chắc chết.

Đinh Công Trứ nói:

-Kế hay lắm.

Canh ba đêm đó, 1000 dũng sĩ im lìm vào doanh trại sáng đèn lửa của quân Nam Hán. Nhưng đó là doanh trại trống rỗng. Theo kinh nghiệm, 1000 dũng sĩ liền nằm xuống để tránh những trận mưa tên của quân mai phục. Sau những trận mưa tên thì những hồi trống nổi lên, gần 2 vạn quân Nam Hán ào ạt xông xuống chém giết. 1000 dũng sĩ vùng dậy quyết chiến. Đó là những dũng sĩ có võ nghệ phi thường, lại mặc áo giáp hai lần nên không hề bị thương tích, liền  hăng hái chếm giết nên quân Nam Hán gục đổ như thân chuối trước những đường gươm như chớp, như mưa gió của họ. Quân Nam Hán đông như kiến cỏ đang cố vây hãm để tiêu diệt họ. Thốt nhiên, thế trận quân Nam Hán rối loạn, gần 3 vạn quân Việt từ bên ngoài đánh vào. Quân Nam Hán bị trong đánh ra, ngoài đánh vào rối loạn và chết như ngả rạ, thây chồng như núi, máu chảy thành suối. Quân giặc cố phá vòng vây nhưng không được. Trần Bảo đang cùng các tùy tướng cố mở đường máu để chạy, một dũng sĩ Việt dương cung cực mạnh bắn bừa vào một tướng trên đầu có lá cờ chữ Soái. Chính tướng đó là Trần Bảo. Đang tả xung hữu đột, Trần Bảo bị trúng tên vào mặt ngã lăn xuống đất. Gần sáng cuộc hỗn chiến kết thúc. Cả chiến dịch, 5 vạn quân Nam Hán và Tổng chỉ huy Thừa chỉ Trần Bảo và nhiều tùy tướng tử trận. Tin bại trận bay về làm chấn động Phiên Ngung. Vua Nam Hán Lưu Nghiễm vô cùng tức giận đã sai đem Khúc Thừa Mỹ, khi đó đang lưu đày ở Phiên Ngung ra giết chết. Giết xong Khúc Hậu Chủ, Lưu Nghiễm vẫn còn khiếp sợ, đến mức 7 năm sau không dám động binh gây hấn với người Việt.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "         Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 65)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn