Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)

PGS TS Cao Văn Liên

09/11/2021 08:55

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy-dbl1-1636422755.jpg
Tranh minh họa: Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ dẹp loạn  12 sứ quân. Nguồn: Internet.

 

KỲ 15.

Sau đêm yến tiệc vui vẻ, sáng hôm sau Trần Minh Công họp các tướng lĩnh ở Đại sảnh đường. Chung quanh đại sảnh có hai hàng võ sĩ canh phòng cẩn mật. Trần Minh Công ngồi ghế chủ soái. Hai bên, tướng lĩnh ngồi theo hai dãy ghế và bàn kê dọc. Các tướng lĩnh áo chiến bào màu nâu, áo giáp sắt, mũ đâu mâu nhọn, oai phong lẫm liệt. Trần Minh Công mặc chiến bào màu vàng, áo giáp đồng vàng, mũ đâu mâu vàng. Trần Minh Công nói:

- Sau khi Đinh Sứ quân, các tướng và quân đội Hoa Lư về tụ nghĩa, lực lượng Bố Hải Khẩu của chúng ta càng thêm hùng mạnh. Về địa bàn, chúng ta đã kiểm soát hầu hết vùng đồng bằng Bố Hải Khẩu, vùng Câu Lậu và vùng Vô Công của Ái Châu rộng lớn. Đã đến lúc chúng ta có đủ lực lượng đánh dẹp các sứ quân để thống nhất đất nước. Các tướng quân có cao kiến gì không?

Đinh Bộ Lĩnh đứng dậy chắp tay:

- Kính thưa chúa công, thưa các tướng quân, hiện nay Lã Tử Bình chiếm giữ Cổ Loa, khống chế một vùng rộng lớn của Giao Châu trù phú nhiều nhân lực, đó là vùng đồng bằng sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Tô Lịch và thành Đại La. Mạt tướng nghĩ rằng việc đầu tiên là phải tiêu diệt Lã Tử Bình, làm chủ Đại La, Cổ Loa, nối Bố Hải Khẩu với một vùng đồng bằng rộng lớn, từ đó có thể đánh lấy Phong Châu, Tam Đái, Vũ Ninh, Hồng Châu, Đằng Châu và vươn ra toàn quốc.

Trần Minh Công nói:

- Đinh sứ quân quả là có con mắt chiến lược nhìn xa trông rộng. Vậy tướng quân nào có thể đảm đang trách nhiệm đánh Lã Tử Bình?

Các tướng im lặng, Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Mạt tướng bất tài nhưng nếu chúa công tin cậy, mạt tướng xin đi lấy Cổ Loa, Đại La và toàn bộ vùng đồng bằng về dâng chúa công.

Trần Minh Công vui mừng:

- Ta chờ tin thắng trận của Đinh Sứ quân.

- Xin đa tạ chúa công.

Ngày hôm sau, Đinh Bộ Lĩnh đem hai vạn quân bản bộ, thêm 2 vạn quân Bố Hải Khẩu và tất cả các tùy tướng hành quân tiến đánh Cổ Loa, mở đầu cho cuộc trường chinh tiêu diệt các sứ quân, thống nhất đất nước. Quân Hoa Lư còn cách thành Cổ Loa một dặm đã thấy Lã Tử Bình đem quân dàn hàng chữ nhất nghênh chiến. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng thấy một người ngồi trên ngựa trắng đầu đội mũ đâu mâu vàng, chiến bào vàng, áo giáp đồng vàng, trên đầu phấp phới lá cờ màu vàng có chữ đen “Lã Bình Vương”. Hai bên là các tướng cưỡi ngựa, gươm giáo uy nghiêm hộ vệ.

Đinh Bộ Lĩnh lớn tiếng gọi:

- Người mặc áo vàng kia có phải là Lã Tử Bình đó không?

Lã Tử Bình đáp:

- Chính ta đây. Nhà ngươi có phải là Đinh Bộ Lĩnh không? Thấy bản vương sao không xuống ngựa hành lễ. Đúng là quân rừng rú Hoa Lư không biết lễ nghĩa là gì.

Đinh Bộ Lĩnh đáp:

- Quân với vương cái thá gì nhà ngươi, nhận di mệnh của Nam Tấn Vương không làm theo, lại phản nghịch cướp ngai vàng của Ngô Xương Vương. Nếu đầu hàng ta tha tội phản nghịch cho.

Lã Tử Bình nổi giận đáp:

- Kẻ nào đã nổi dậy chống lại nhà Ngô đầu tiên. Hôm nay ta bắt nhà ngươi phải đền tội.

Lã Tử Bình chưa nói hết câu đã bị một mũi tên cực mạnh của Đinh Ngọc Trung bắn trúng giữa mặt ngã lăn xuống đất. Quân Cổ Loa rối loạn. Quân Hoa Lư xông lên chém giết. Quân Cổ Loa tháo chạy vào thành cố thủ. Đinh Bộ Lĩnh cho cắt đầu Lã Tử Bình, dùng sào tre giơ lên cao và cho quân kêu gọi:

- Loa loa loa… ta biết các ngươi hầu hết là quân Khúc - Dương của nhà Ngô, các ngươi bất đắc dĩ phải theo Lã Tử Bình. Nay nếu đầu hàng thì được bảo toàn mạng sống về với gia đình hoặc nếu theo quân Hoa Lư thì sẽ dung nạp và có thưởng.

Quân Cổ Loa thấy Lã Tử Bình đã chết, lại bị vây hãm, không nhằm mục đích gì mà cố thủ, đa số đồng ý đầu hàng để giữ mạng sống, liền cử một tùy tướng lên mặt thành hỏi:

- Đinh Sứ quân có giữ lời hứa không?

Đinh Bộ Lĩnh cầm mũi tên bẻ gãy và nói:

- Ta nuốt lời hứa thì thân xác sẽ như mũi tên này.

Viên tướng đáp:

- Đa tạ chúa công.

Rồi trên cao thành Cổ Loa xuất hiện những lá cờ trắng, Cổng thành mở toang. Quân Khúc- Dương tay không vũ khí lần lượt ra hàng. Quân Hoa Lư thu nạp những người muốn gia nhập, còn ai không muốn thì cho về. Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng tiến vào Cổ Loa trong sự chào đón của bách tính.

Tin Đinh Bộ Lĩnh đánh lấy được Cổ Loa làm chấn động các châu của đất Việt. Các sứ quân đều lo sợ, càng ra sức chiêu mộ thêm quân và củng cố căn cứ phòng thủ. Lê Hoàn nói với Đinh Bộ Lĩnh:

- Chúa công không cần rút quân về Bố Hải Khẩu, chỉ cần viết thư về báo tin thắng trận cho Trần Minh Công và xin tiến quân đánh Kiều Công Hãn.

Đinh Bộ Lĩnh còn phân vân:

- Tướng quân nói đúng, chớp thời cơ là một trong những điều binh pháp đã dạy, nhưng vừa mới về với Trần Minh Công, không thể hành động mà không được phép của soái, sẽ gây bất lợi, gây nghi ngờ.

Đang lúc đó có tùy tướng vào báo:

- Bẩm sứ quân, có sứ bộ của Trần Minh Công xin vào gặp:

- Cho vào.

Gia nhân của Trần Minh Công bước vào vái chào:

*- Dạ, xin chào Đinh sứ quân, tôi vâng lệnh của Trần Minh Công trao cho Đinh sứ quân một bức thư.

Đinh Bộ Lĩnh nhận thư và nói:

- Đa tạ, đa tạ. Chúa Công Trần Minh Công và đại tiểu thư có khỏe không?

- Dạ, đa tạ Đinh sứ quân, chúa công, gia đình và đại tiểu thư khỏe mạnh.

Đinh Bộ Lĩnh gọi:

- Người đâu!

- Dạ, bẩm chủ soái

- Chuẩn bị cơm rượu cho đệ đây tử tế, bố trí phòng nghỉ và cho ngựa ăn thóc uống nước, rõ chưa.

- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Người gia nhân đi ra với người tùy tướng. Đinh Bộ Lĩnh bóc thư của Trần Minh Công. Thư viết: “Ta ở Bố Hải Khẩu đã nhận được tin thắng trận của Đinh sứ quân ở Cổ Loa, ta rất vui mừng. Trước khi mở những trận đánh mới, tướng quân tạm để cho một tướng trông coi Cổ Loa và quân đội, về Bố Hải Khẩu, ta có vài việc quan trọng cần bàn. Nay kính thư. Trần Minh Công”.

Đinh Bộ Lĩnh lập tức giao cho Lê Hoàn quyền Chủ soái, Nguyễn Bặc làm phó chủ soái trong coi Cổ Loa với 4 vạn quân rồi đem 2 vạn quân đi gấp về Bố Hải Khẩu. Trần Minh Công ra đón Đinh Bộ Lĩnh, sau đó cho mở tiệc mừng chiến thắng ở Cổ Loa trong đại bản doanh và trong toàn quân doanh. Ngày hôm sau, Trần Minh Công cho mời Đinh Bộ Lĩnh vào Đại sảnh. Sau khi hai người dùng một lượt trà, Trần Minh Công nói:

- Ta có điều này muốn nói, không biết Đinh sứ quân có chịu nghe không?

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Mạt tướng từ lâu đã coi chúa công là nghĩa phụ, đã là nghĩa tử đâu dám không nghe lời của nghĩa phụ.

Trần Minh Công nói:

- Con đã biết rồi, ta chỉ có một đứa con gái là duy nhất là Trần Nương, con đã gặp và thấy nó rồi. Nay ta muốn tán thành cho con và nó nên nghĩa phu thê. Người đến cầu mong nhận ta là nhạc phụ không phải là ít nhưng ta chọn con vì con là người có tài, có đức, có chí, có nghị lực để có thể gánh vác cơ nghiệp và trách nhiệm nặng nề thống nhất đất nước mà ta phó thác.

Đinh Bộ Lĩnh hơi bất ngờ nhưng là người biết nắm bắt cơ hội rất nhanh nên vội quỳ xuống chắp tay:

- Con xin đa tạ ơn tình và sự yêu quý của nhạc phụ. Con thề sẽ làm tròn bổn phận trung hiếu với nhạc phụ.

Trần Minh Công cũng xúc động nói:

- Đứng dậy đi, ngày mai sẽ tiến hành các thủ tục và các nghi lễ hôn nhân để hai con thành phu thê.

Rồi Đinh Bộ Lĩnh thông báo cho các tướng lĩnh và quân đội ở Hoa Lư, ở Cổ Loa biết việc thành hôn của mình với Đại tiểu thư Trần Nương, con gái Trần Minh Công. Đinh Điền về Hoa Lư đón Đinh Liễn, chú Đinh Thúc Dự và họ hàng ở Hoa Lư ra Bố Hải Khẩu, đại diện cho gia đình nhà trai. Tướng Phạm Phổ đi Cổ Loa thông báo và mời các tướng ở đó về dự, chỉ để lại Lê Hoàn là quyền chủ soái ở lại.

Lễ ăn hỏi do Đinh Thúc Dự, chú của Đinh Bộ Lĩnh dẫn đầu. Sau lễ ăn hỏi là lễ vu quy diễn ra vui vẻ ở Đại sảnh của Trần Minh Công, từ đó đã bắt đầu tiệc rượu linh đình, ngày thứ ba là lễ cưới diễn ra ở Tổng hành dinh của quân đội Bố Hải Khẩu tưng bừng. Bách tính trong điền trang, tướng lĩnh, hào trưởng, quan viên, bạn bè của Trần Minh Công, của Đinh Bộ Lĩnh đến đông như ngày hội. Rượu hàng trăm chum, trâu bò hàng nghìn con, lợn gà hàng vạn con, xôi chất cao như núi, ăn uống náo nhiệt tưng bừng say sưa ba ngày ba đêm. Từ xưa đến lúc nay, ở Bố Hải Khẩu chưa bao giờ có một đám cưới nào mà tưng bừng náo nhiệt như vậy. Ai đi dự cưới cũng đều vui mừng cho cuộc hôn nhân của đôi trai tài gái sắc.

(Còn nữa)

CVL

                                                         

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn