Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)

PGS TS Cao Văn Liên

11/11/2021 08:38

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy-qu2x-1636594289.jpg
Đền thờ tướng Phạm Bạch Hổ tại Tp Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, người có công đánh quân Nam Hán, không chỉ phò nhà Ngô, giúp nhà Đinh dẹp loạn mà ông còn là “hổ trắng” lừng lẫy.  Khi qua đời, ông hóa ra mây ra gió giúp vua đánh giặc rồi được phong là Đằng Vương, tức vua Mây. Nguồn: Internet.

 

KỲ 17.

Đọc xong thư, Phạm Bạch Hổ ngồi suy nghĩ và thấy Đinh Bộ Lĩnh viết đúng tình thế và nguy cơ hiện nay và mai sau của đất nước, nỗi thống khổ của bách tính bởi chiến tranh, nguy cơ mất nước do bị chia rẽ. Thống nhất đất nước, cứu lê dân, cứu nước cũng là nguyện vọng nung nấu bấy lâu của ông. Cần phải hợp tác giữa các sứ quân có lòng vì nước để tiêu diệt những sứ quân chỉ vì lợi ích riêng. Nhưng lòng người không dễ đo lường được. Không biết Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh có thực lòng không hay chỉ là mưu kế. Ông nói với Phạm Thành:

- Tướng quân về nói với Đinh sứ quân rằng nếu một mình Đinh Sứ quân sang Đằng Châu làm khách của ta thì lão phu sẽ hợp tác.

Phạm Thành nói:

- Mạt tướng sẽ trình bày lại nguyện vọng này của chúa công cho Đinh sứ quân.

Sau khi nghe Phạm Thành nói lại yêu cầu của Phạm Bạch Hổ, Trần Minh công hỏi Đinh Bộ Lĩnh:

- Con có định một mình sang làm khách ở bản doanh của Phạm Bạch Hổ Không?

Tướng Phạm Công Đình nói:

- Đinh sứ quân không nên đi.

Sau Phạm Công Đình thì tất cả các tướng đều can ngăn. Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Bẩm nhạc phụ, con sẽ đi, không vào hang cọp sao ta có thể bắt cọp. Vả lại đây là Phạm Phòng Át thử thách xem ta có tin tưởng ông ta không. Ta không đến là tỏ ra không tin ông ta. Nếu đã không tin thì ta dụ hàng làm gì? Vả lại, Phạm Bạch Hổ là người cương trực, không thể giết người một cách hèn hạ, sẽ mang nỗi nhục suốt đời với anh hùng hào kiệt. Con người đã có tên tuổi như Phạm Bạch Hổ sẽ rất coi trọng danh dự.

Lưu Cơ nói:

- Trần chúa công đừng lo, chuyến đi của Vạn Thắng Vương sẽ thành công.

Trần Minh Công hỏi:

- Vậy con có cần đem quân hỗ trợ hoặc phòng bị gì không?

- Bẩm nhạc phụ, suốt từ sáng cho đến xế chiều mà con không về thì nhạc phụ cho Nguyễn Bặc làm chủ soái tấn công Đằng Châu và điều Lê Hoàn ở Cổ Loa tấn công mặt Bắc từ hướng Lục Đầu Giang.

Đêm đó Trần phu nhân lo lắng hỏi:

- Chàng một mình vào hang cọp định đối phó thế nào?

- Nàng yên tâm, trong người ta sẽ mặc hai lần áo giáp sắt, còn nếu đầu độc thì không thể vì ta sẽ ngồi ăn cùng Phạm Bạch Hổ. Vả lại nàng yên tâm, Phạm Bạch Hổ là con người nhân nghĩa, coi trọng danh dự, không thể hành động hèn hạ được. Xưa nay ta nhìn người chưa bao giờ sai.

Hai đôi mắt đẹp của Trần Nương dường như có ngấn lệ:

- Thiếp vẫn thấy lo lắng.

- Đã bảo nàng yên tâm mà.

Ngày hôm sau, Trần Minh Công, Trần Nương và các tướng đưa tiễn Đinh Bộ Lĩnh lên đường đi Đằng Châu chỉ một người một ngựa trong tâm trạng bất an. Nguyễn Bặc nói:

- Chúa công nên bảo trọng.

Đinh Bộ Lĩnh tạm biệt Trần Minh Công, Trần Nương và các tướng lĩnh rồi phi ngựa về hướng Đông- Bắc. Mọi người nhìn theo cho đến khi người và ngựa xa dần và biến vào nơi gió bụi xa xăm.

Trời đã già sớm non trưa, nắng như tơ rải lấp lánh xuống cây lá, sông nước trang Trà Hương tươi đẹp. Phạm Bạch Hổ đang ngồi nhâm nhi chén trà thì gia nhân vào báo:

- Dạ, bẩm chúa công, có Đinh Bộ Lĩnh ở ngoài xin vào gặp.

- Đi bao nhiêu người, có quân đội đi theo không?

- Dạ, chỉ một mình Đinh Bộ Lĩnh.

- Khá lắm, cũng to gan.

Rồi Phạm Bạch Hổ đứng dậy tự đi ra ngoài dinh đón khách. Các gia nhân ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên chủ nhân của họ làm như vậy. Đinh Bộ Lĩnh trông thấy một võ tướng gần 60 tuổi, mặt to tai lớn, người lực lưỡng, biết đó là Phạm Bạch Hổ liền chắp tay thi lễ:

- Xin kính chào chúa công Phạm Phòng Át.

- Rất hân hạnh được gặp Đinh tướng quân. Xin mời tướng quân vào tệ xá của lão phu.

Hai người đi qua mấy người lính cầm gươm canh ngoài cửa, bước vào gian đại sảnh của Phạm Bạch Hổ. Đinh Bộ Lĩnh chói mắt trước bàn ghế bằng gỗ quý chạm khắc hoa văn cầu kỳ và khảm trai trắng bóng. Gian giữa đặt những bàn thờ đầy bài vị lư hương sơn son thếp vàng óng ánh. Phạm Bạch Hổ cùng Đinh Bộ Lĩnh vừa uống trà vừa đàm đạo. Phạm Bạch Hổ nói:

- Tướng quân đã đến đây một mình theo lời đề nghị của lão phu tức là đã tin tưởng lão phu, vậy có thể hợp tác với nhau được vì sự nghiệp thống nhất đất nước, cứu lê dân.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Đa tạ chúa công. Đã hợp tác với nhau thì phải tin tưởng nhau. Tất cả vì sự nghiệp nhanh chóng thống nhất đất nước trước khi cục diện 5 đời 10 nước ở Trung Hoa kết thúc, nếu không nước nhà sẽ lâm nguy. Nếu ở Trung Nguyên đã ra đời một triều đại thống nhất mà Nước Việt còn chia cắt thì làm sao đủ sức chống ngoại bang xâm lược. Đa tạ Phạm chúa công đã nghĩ cho nước, cho lê dân.

Phạm Bạch Hổ nói:

- Ta cả đời chinh chiến qua đời Dương Tiết độ sứ, qua mấy đời nhà Ngô cũng chỉ vì một mục đích vì quốc gia, dân tộc. Lão phu và Đinh tướng quân là hai chí lớn gặp nhau rồi. Ha!ha!ha!...

Đinh Bộ Lĩnh cũng cười.

Phạm Bạch Hổ gọi:

- Bay đâu.

- Dạ.

- Bày tiệc rượu để ta khoản đãi Đinh tướng quân

- Dạ.

Trong khi chờ đợi người nhà sắp mâm thì xuất hiện hai võ tướng bước vào sảnh đường. Phạm Bạch Hổ giới thiệu:

- Đây là tướng quân Đinh Bộ Lĩnh, Chủ soái quân đội Hoa Lư và quân Bố Hải Khẩu. Hôm nay tướng quân đến đây để đón chúng ta về quân doanh của tướng quân, bắt đầu một sự hợp tác của chúng ta với chúa công Trần Minh Công và Đinh tướng quân.

Đinh Bộ Lĩnh đứng dậy thi lễ:

- Xin chào các tướng quân, rất hân hạnh được gặp mặt.

Các tướng vừa vào cũng chắp tay thi lễ. Phạm Bạch Hổ nói tiếp:

- Đây là hai cháu của lão phu, tướng quân Phạm Hạp, tướng quân Phạm Cự Lượng. Nay mai sẽ chiến đấu dưới trướng của Đinh tướng quân.

Hai tướng đứng dậy đáp lễ:

- Nghe đại danh của Đinh tướng quân đã lâu, nay mới được gặp, hân hạnh, hân hạnh.

Đinh Bộ Lĩnh cũng thi lễ nói:

- Không dám, không dám, thật là hân hạnh được gặp hai tướng quân.

Khi gia nhân đã rót rượu và bày thức ăn, Phạm Bạch Hổ nói:

- Xin mời Đinh Tướng quân cạn chén.

- Đa tạ, kính mời Phạm chúa công, kính mời hai tướng quân.

Tiệc xong, Phạm Bạch Hổ, Phạm Cự Lượng, Phạm Hạp cùng các tùy tướng mặc áo giáp, lên ngựa, nổi trống tập trung quân đội Đằng Châu, cùng Đinh Bộ Lĩnh sẽ dẫn 3 vạn quân tiến về Bố Hải Khẩu. Quân Đằng Châu quân phục màu nâu, vũ khí sáng lòa, cờ vàng bay phấp phới tung theo gió rợp trời. Phạm Bạch Hổ ghì cương ngựa trước hàng quân nói:

- Đây là tướng quân Đinh Bộ Lĩnh, chủ soái quân đội Hoa Lư nổi tiếng bách chiến bách thắng nên được gọi là Vạn Thắng Vương. Tướng quân đã về hợp tác với quân Bố Hải Khẩu của chúa công Trần Minh Công để đấu tranh cho sự thống nhất đất nước, sớm chấm dứt chiến tranh. Theo sự thỏa thuận của ta với Trần Minh Công và Đinh tướng quân, quân Đằng Châu của chúng ta cũng sẽ về với quân Hoa Lư và quân Bố Hải Khẩu để góp phần dẹp loạn các sứ quân vì sự nghiệp thống nhất đất nước, sớm chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự đau khổ của lê dân, bách tính. Các tướng lĩnh và binh sĩ Đằng Châu có muốn đóng góp cho sự nghiệp chính nghĩa vì đất nươc, vì bách tính không?

Tiếng của ba vạn binh sĩ vang lên như sấm:

- Chúng tôi thề đi theo sự nghiệp chính nghĩa thống nhất đất nước của chúa công Phạm Phòng Át, của chủ soái Hoa Lư Đinh tướng quân.

Phạm Bạch Hổ nói:

- Ta hạ lệnh hành quân về Bố Hải Khẩu để hợp tác với quân Hoa Lư.

- Chúng tôi tuân lệnh chúa công.

(Còn nữa)

CVL

                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn