Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)

PGS TS Cao Văn Liên

27/11/2021 09:01

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dt-ha-1637978379.jpg
Lăng mộ Đinh Tiên Hoàng là một trong những điểm tham quan Ninh Bình quan trọng. Lăng nằm trước đền Đinh, trên đỉnh Mã Yên Sơn, cao 265 bậc. Lăng mộ vị vua hào kiệt ngày nay thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Lăng mộ Đinh Tiên Hoàng được đặt ở chính giữa núi, nơi có hình yên ngựa. Người dân ở đây đã an táng vị vua hào kiệt này ở đây để người như bất tử, vẫn còn ngồi trên yên ngựa cứu nước, giúp dân. Nguồn: Intyernet.

 

Kỳ 33.

Sớm hôm sau, Ngô Nhật Khánh một ngựa, công chúa Phất Kim một ngựa bí mật rời Hoa Lư, chạy theo đường thiên lý về hướng Nam của Đại Cồ Việt. Đi ròng rã ba ngày đêm đói khát. Ngày thứ ba đến bờ Bắc sông Gianh, vượt qua sông là tới lãnh thổ của Vương quốc Chiêm Thành. Thuyền Chiêm thành cập bờ Bắc để đón hai người. Khi đó đột nhiên Ngô Nhật Khánh rút dao nhọn ra, di lưỡi dao vào má công chúa Phất Kim giận dữ mắng:

- Mẹ con ta khi về với bố con nhà ngươi đã bị khinh rẻ, đối xử như nô tì, anh trai ngươi Đinh Liễn đã giết em ta là Hạng Lang. Ta hận là không băm vằm Đinh Liễn và Đinh Tiên Hoàng ra làm trăm mảnh. Ngươi nhận vết dao này về nói với cha ngươi ta sẽ mượn quân đội vương quốc Chiêm Thành về hỏi tội cha ngươi và anh ngươi, rửa hận cho mẹ con ta và cho Đinh Hạng Lang.

Nói xong Ngô Nhật Khánh cứa hai nhát dao vào má công chúa. Máu tươi ứa chảy ròng ròng trên má hồng xinh đẹp. Công chúa Phất Kim kêu thét lên đau đớn thì ít mà kinh hoàng thì nhiều. Ngô Nhật Khánh bỏ phu nhân của mình đứng gào khóc mà lên thuyền. Công chúa giơ tay lên trời cào vào không khí mà kêu lên:

- Đừng đi, Phò mã Đô úy quay lại đi. Đừng bỏ thiếp, đừng phản quốc, phò mã ơi. Hu!hu!hu!

Con thuyền xa dần đưa Ngô Nhật Khánh sang bờ Nam mờ mịt. Công chúa phất Kim trong hoảng loạn định lao mình xuống dòng sông. Chợt nghĩ ra nếu mình mất tích, phụ hoàng và các anh chị ở Hoa Lư biết đâu mà tìm và muôn đời không có lời giải đáp sự bí ẩn đau thương này. Nàng xé vạt áo băng vết thương, bao che khuôn mặt chỉ còn hở ra hai con mắt, thay trang phục thường dân để dọc đường không ai để ý, thân gái dặm trường đầy nguy hiểm, cho hai con ngựa uống nước. Xong, công chúa lên một con, dắt theo một con, phi nước đại quay về hướng Bắc. Nàng tự trách mình sao lại quá yêu và quá tin vào tên phản bội để hắn đưa nàng vào tận cùng cuối đất của Đại Cồ Việt. May mà hắn không đâm chết nàng và vứt xác xuống sông Gianh. Không biết có ai là cành vàng lá ngọc mà bi kịch như mình không. Về đến Hoa Lư, công chúa Phất Kim vẫn chưa hết hoảng loạn bởi hành động của Ngô Nhật Khánh. Nàng bị tổn thương và sống trong đau buồn uất hận theo ngày tháng.

Vài tháng sau, kinh đô Hoa Lư ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão. Bầu trời mùa đông u ám, gió lạnh thổi cắt da, sương trắng vừa chiều xuống đã lan tỏa khắp nơi, ánh nắng vàng vọt dần tắt. Núi đá vẫn trơ trọi một màu xám với thời gian, nắng gió vô tình. Trong đại sảnh của cung đình, mọi người ra vào tấp nập. Hôm nay là ngày giỗ của thái hoàng thái hậu, cụ bà thân sinh ra Đinh Tiên Hoàng Đế. Đêm nay, nhân ngày giỗ thân mẫu, Đinh Tiên Hoàng làm tiệc chiêu đãi các quan lại và hoàng tộc trong cung. Đèn dầu trong cung điện sáng trưng, cỗ bàn đầy sơn hào hải vị, rượu ngon trong kho rượu của cung đình đem lên hàng chum, rót ra như suối. Cung điện náo nhiệt tưng bừng trong tiếng chuyện trò, ăn uống rôm rả. Trong đêm rằm trăng sáng vằng vặc như ban ngày, soi rõ núi non thành quách lâu đài như chìm trong giấc mộng. Các đại thần, các quan viên thay nhau lần lượt đến cụng ly với Đinh Tiên Hoàng Đế và với Nam Việt Vương Đinh Liễn, vua của Đại Cồ Việt trong tương lai. Ai cũng tranh nhau để có được vinh dự ngắn ngủi này. Đêm đã khuya, các đại thần, các quan viên lần lượt cáo biệt ra về trong tư thế say sưa lảo đảo. Các thị nữ đầu bếp cũng đã thu hết bát đĩa các mâm không còn thực khách. Duy chỉ còn Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn còn ngồi khề khà trên chiếc bàn đặt giữa đại sảnh đường. Đèn dầu với những ngọn lửa như ngón tay cháy leo lét trên những chiếc đĩa bằng đồng lập lòe lấp lánh khi mờ khi tỏ. Trong đêm trường, bỗng nhiên những tiếng quạ kêu lên thảm thương như than khóc vang lên bi thảm khắp không gian. Những người lính ngự lâm vẫn đứng từ xa canh phòng cho vua và cho Nam Việt Vương, những thị nữ vẫn khoanh tay đứng từ xa chờ vua sai khiến. Đêm đã khuya, hai thị nữ thấy một bóng người ăn mặc kiểu nội quan đi lại bàn và rót rượu cho Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn. Vua và trưởng nam lại uống và sau đó lại gục xuống. Chừng canh giờ sau không thấy hai người uống nữa mà chỉ gục ngủ xuống bàn. Bóng quan nội thị lại xuất hiện từ xa. Một thị nữ gọi:

- Lính đâu.

Hai người lính gần nhất chạy ra:

- Có mạt tướng.

- Hoàng thượng và Nam Việt Vương say rồi, lại hộ giá về cung đi. Ai như bóng quan nội thị nào kia?

Hai người lính và hai thị nữ nhìn thì bóng người mất như bóng ma. Hai người lính và hai thị nữ tiến lại gần vua và Nam Việt Vương thì trên bàn trào ra hai vũng máu. Cả bọn người hoảng hốt:

- Người đâu, có thích khách!

- Người đâu, có thích khách!

Lính ngự lâm bốn hướng đông như kiến cỏ chạy ra bao vây cung điện. Bốn người đỡ Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương ngồi lên thì miệng hai ngươi đầy máu.

- Người đâu, gọi thái y nhanh lên. Hoàng Thượng và Nam Việt Vương bị hành thích.

Một lát, các nội quan và Thái y đến. Thái y lau miệng cho hai người, bắt mạch, nghe hơi thở và hoảng sợ nói:

- Đinh Tiên Hoàng Đế và Nam Việt Vương Đinh Liễn trúng kịch độc đã băng hà rồi.

Người lính ngự lâm nói:

- Thúc trống ngũ liên gọi quan Điện Tiền chỉ huy sứ, huy động lực lương bao vây cung điện bắt thích khách.

Trong đêm khuya, kinh đô Hoa Lư vang lên hồi trống ngũ liên dồn dập. Một lát sau, Điện Tiền chỉ huy sứ Lý công Uẩn ra lệnh cho ba nghìn cấm quân bao vây thành Hoa Lư, nội bất xuất. Ai trái lệnh chém.

Lính ngự lâm đưa thi hài Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn về cung. Trong cung của hai người sau đó vang lên tiếng khóc thê thảm của các hoàng hậu: Ngô Hoàng Hậu, Vạn Thắng Vương Dương Hoàng hậu, Trần hoàng hậu, Đan Gia hoàng hậu, Trinh Minh hoàng hậu, Kiều Quốc hoàng hậu, Cồ Quốc hoàng hậu, Ca Ông hoàng hậu. Các công chúa Minh Châu, Phất Kim, Phất Ngân, Ngô tiểu thư, phu nhân của Đinh Liễn khóc vật vã. Hai phò mã Trần Thăng và Trần Nguyên Thái đứng lặng đau buồn. Toàn bộ mang trên đầu những vành khăn trắng bi thương. Đinh Toàn, hoàng tử của Đinh Tiên Hoàng đầu buộc khăn trắng, hai cháu nội của Đinh Tiên Hoàng, con của Đinh Liễn và Ngô Tiểu thư còn bé cũng buộc khăn tang màu trắng và vàng, ai nhìn thấy cũng không cầm được nước mắt. Kinh Đô Hoa Lư và Đại Cồ Việt chìm trong tang tóc, chấn động kinh hoàng bởi cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn, những anh hùng đánh đông dẹp Bắc, mang lại sự thống nhất cho non sông không chết tại chiến trường, lại chết trong thời bình bởi những âm mưu chính trị bẩn thỉu, đê hèn.

Ngày hôm sau, gia tộc Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu, gia tộc họ Đinh ở Hoa Lư, châu Trường Yên, gia tộc họ Dương ở Ái Châu, gia tộc họ Ngô ở Đường Lâm, tất cả các quan viên các đạo, các châu, các tướng lĩnh trấn thủ các đạo, các đại thần ở Hoa Lư và gia đình đã dự lễ Quốc tang, đưa Đinh Tiên Hoàng Đế và Nam Việt Vương Đinh Liễn về mai táng ở quê nhà, trên núi Mã Yên, Trường Yên, Hoa Lư. Đó là tháng 10 năm Kỷ Mão 979. Đinh Tiên Hoàng thọ 55 tuổi, ở ngôi 12 năm.

Suốt dọc đường từ Hoa Lư đến quê Đinh Tiên Hoàng, bách tính đứng hai bên đường tiễn đưa hai người về nơi an nghỉ cuối cùng đông như nêm cối. Đi đầu là lư hương, theo sau là hai quan tài màu vàng trên xe do ngựa kéo. Hai bên xe là hai hàng võ sĩ mặc áo đen, theo sau hai xe là gia quyến đầu phủ vải màu trắng tang tóc, theo sau là các quan viên đại thần và quân đội. Trời mùa đông u ám, màu cờ đen vàng rợp trời ủ rủ, bụi cuốn người đi kéo dài tới 4 dặm. Nhìn hai cỗ quan tài cùng một lúc, bách tính hàng nghìn người không cầm được nước mắt đau buồn. Một tốp cụ già đứng bên đường nói:

- Thật bi thương, chưa có đám tang nào của đế vương mà lại cùng một lúc là vua và hoàng thái tử.

- Không biết đã bắt được hung thủ chưa?

- Nghe nói chiều qua bắt được rồi.

- Làm sao mà bắt được? Kẻ nào mà to gan vậy, giết một lúc cả vua và thái tử?

- Nghe nói một thị nữ trông thấy một cánh tay trên mái nhà cung điện thò xuống vớt nước mưa uống, liền báo cho quân ngự lâm bắt. Thì ra đó là tên hoạn quan Đỗ Thích. Nhưng Đại tướng Nguyễn Bặc đến đem nó ra xé xác ngay mà không tra hỏi gì cả, thành ra không biết ai đứng đằng sau Đỗ Thích.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn