Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)

PGS TS Cao Văn Liên

04/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.          

Kỳ 17.

CHƯƠNG II

CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU TRẦN-HỒ

I

   Bấy giờ là mùa đông năm 1370, Đại Việt đang dưới sự cai trị của vương triều Trần mà hoàng đế là Trần Nhật Lễ. Dòng sông Đạo Lại (Đò Lèn) của phủ Thanh Hóa, một nhánh phụ lưu của sông Mã vẫn thản nhiên tuôn nước ra biển. Hai bên bờ sông, làng xóm xanh tươi cây lá uốn lượn theo dòng sông tạo nên bức tranh thủy mặc. Lênh đênh trên sông là những con thuyền xuôi ngược giang hồ tự do cuộc đời sông nước. Phía tây, dãy núi Hàm Rồng nhô lên kỳ vĩ. Trên trời, vài đàn chim sải cánh bay về phương Nam tránh rét. Những cánh đồng lúa mênh mông đang vào mùa thu hoạch phơi một màu vàng như những tấm thảm. Dòng sông Đạo Lại sáng hôm nay có sự bất thường. Trời vừa mới rạng đông đã có một chiếc thuyền lớn chở vài trăm thủy binh từ biển đi vào. Dân tình cho đó là thuyền của quân đội hay của quan viên nhà Trần đi du ngoạn. Dân tình đoán đúng nhưng chỉ đúng một nửa. Đó là thuyền của hoàng tử nhà Trần Cung Định Vương Trần Phủ, con của Trần Minh Tông và Anh Từ Phu Nhân. Vua Trần Minh Tông tại vị từ năm 1314 đến năm 1329, sau đó nhường ngôi cho Trần Hiến Tông và làm Thái thượng Hoàng từ năm 1329 đến năm 1357. Cung Định Vương Trần Phủ đi thuyền suốt đêm cùng Lê Quý Ly và vài trăm quân bản bộ là để chạy loạn, tránh cuộc truy sát của hoàng đế Trần Nhật Lễ.

chtrnguydan-1651587665.jpg
Tranh minh họa: Trần Nguyên Đán là vị quan am hiểu thời thế đac cố gắng giữ cơ nghiệp nhà Trần. Nguồn: Internet.

 

Cung Định Vương cho thuyền thả neo ở phía tây đường cầu phao Đò Lèn, cách đường thiên Lý khoảng 4 dặm, hai người ăn sáng. Sau khi ăn sáng, Trần Phủ và Lê Quý Ly ngồi uống trà. Lê Quý Ly có dáng người văn quan võ tướng, tai dài, mắt sáng lanh lợi thông minh. Lê Quý Ly sinh năm Ất Hợi (1335), quê Đại Lại, Vĩnh Lộc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, dòng dõi Hồ Hưng Dật. Thân mẫu Lê Quý Ly là con gái Phạm Bân, tên là Phạm Thị Mỗ, người huyện Vĩnh Lộc, là quan thái y giỏi nhất trong triều Trần Anh Tông. Nhờ Phạm Bân, hai cô của Lê Quý Ly trở thành phi tần của Trần Minh Tông, một bà là Anh Từ phu nhân, sinh ra Cung Định Vương Trần Phủ. Một bà là Đôn Từ phu nhân sinh ra Cung Tuyên Vương Trần Kính. Trần Minh Tông rất sủng ái hai bà. Nhờ vậy, em của hai bà là Lê Quốc Kỳ, tức là thân phụ của Lê Quý Ly và bản thân Lê Quý Ly cũng được vào triều chính, trở thành quan lại trong triều đình. Như vậy, Lê Quý Ly là em họ ngoại của cung Định Vương Trần Phủ và Cung Tuyên Vương Trần Kính.

  Bỗng Trần Phủ muốn uống rượu liền gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem vò rượu ngon ra đây.

-Dạ.

  Gia nhân đem rượu ra rót đầy hai bát, Trần Phủ ngồi uống với Lê Quý Ly, vừa uống vừa suy ngẫm về sự suy vi của triều đại nhà Trần từ sau khi Thái thượng hoàng Trần Minh Tông băng hà…

  Nhà Trần từ sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho đến nay đã trải qua 7 vị hoàng đế: thứ nhất là Thái Tông Trần Cảnh tại vị năm 1225 đến năm 1258, làm Thái thượng hoàng từ 1258 đến 1277. Người nối ngôi là Trần Thánh Tông, tên húy Trần Hoảng, tại vị từ 1258 đến năm 1278, làm Thái thượng hoàng từ 1278 đến năm 1290. Tiếp đó là vua Trần Nhân Tông, tên húy Trần Khâm, tại vị từ 1278 đến năm 1293, Thái thượng hoàng từ 1293 đến năm 1308. Kế vị là Trần Anh Tông, tên húy là Trần Thuyên, ở ngôi từ 1293 đến 1314, Thái thượng hoàng từ 1314 đến 1330. Vua thứ 5 là hoàng đế Trần Minh Tông, tên húy Trần Mạnh, tại vị từ năm 1314 đến năm 1329, Thái thượng hoàng từ 1329 đến năm 1357. 5 vị vua trên là những vị vua anh minh, tài giỏi, biết sử dụng nhân tài như Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hải, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nhật Duật, Phạm Sư Mạnh. Trong các đời vua đó, pháp luật nghiêm minh, duy trì chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự, chính trị. Cho nên Đại Việt trong nhiều thập kỷ qua không ngừng phát triển và cường thịnh. Hoàng đế thứ 6 của nhà Trần là Trần Hiến Tông, tại vị từ 1329 đến 1341 thì băng hà khi mới 22 tuổi. Hoàng đế Trần Dụ Tông lên thay ở ngôi 28 năm, từ năm 1341 đến năm 1369. Trần Dụ Tông lên ngôi lúc 5 tuổi, lớn lên ham mê hưởng lạc, say mê bài bạc, say mê xây cất cung điện nguy nga tráng lệ. Trần Dụ Tông đưa cơ nghiệp nhà Trần vào thời kỳ lụn bại suy vong. Chơi bời quá độ nên cơ thể Trần Dụ Tông suy nhược, không thể có con nối nghiệp cho nên nuôi con nuôi của người anh là Trần Nguyên Dục làm con. Con nuôi của Trần Nguyên Dục là Trần Nhật Lễ. Nguyên mẹ của Trần Nhật Lễ là đào kép, vợ của kép hát Dương Khương. Cô ta múa vở Vương Mẫu hiến bàn đào, thân hình rất đẹp, Trần Nguyên Dục si mê, buộc nàng ta bỏ chồng về với mình khi nàng đã có mang 3 tháng với Dương Khương. Sau khi Nhật Lễ sinh ra, Trần Nguyên Dục tự nhận là con của mình.

  Khi Trần Dụ Tông bệnh nặng, triều đình muốn lập con thứ ba của Trần Minh Tông là Cung Định Vương Trần Phủ lên ngôi nhưng Hiển Từ hoàng hậu khăng khăng đòi lập Trần Nhật Lễ vì nhầm đó là cháu thực sự của mình. Triều đình đành phải nghe theo.

  Trần Nhật Lễ lên ngôi, tôn thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, Trần Nguyên Trác làm thượng tướng Thái tể. Vị vua này bỏ bê chính sự, ham mê tửu sắc và hát xướng. Trần Nhật Lễ muốn đổi lại họ Dương và như vậy là nhà Trần diệt vong, ngai vàng và triều đình là của họ Dương. Thái hoàng thái hậu muốn truất phế Dương Nhật Lễ nhưng Lễ ra tay trước, ngầm sai bỏ thuộc độc giết chết Thái hoàng thái hậu. Hoàng tộc nhà Trần bất bình, hoảng loạn. Thái tể Trần Nguyên Trác cùng con là Trần Nguyên Tiết với hai cháu trai là con của Thiên Ninh công chúa âm mưu đột nhập vào cung bắt Dương Nhật Lễ nhưng công việc bại lộ, Trần Nguyên Trác cùng các con và các cháu bị Dương Nhật Lễ giết hại. Triều đình chấn động. Cung Định Vương Trần Phủ dù có con gái là hoàng hậu của Lễ nhưng sợ bị giết nên đã ngầm với em là Cung Tuyên Vương Trần Kính, Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, công chúa Thiên Ninh cùng đem quân bản bộ về sông Đạo Lại để dấy quân bắt Dương Nhật Lễ cứu cơ nghiệp nhà Trần.

  Canh giờ sau thám mã vào báo làm đứt dòng suy tưởng của Trần Phủ:

-Bẩm Cung Định Vương, thuyền của Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán đã tới ạ.

-Cho cập vào thuyền của ta và mời Chương Túc Quốc Thượng hầu sang đây.

-Dạ.

  Thuyền cập vào xong thì Trần Nguyên Đán bước sang thuyền của Trần Phủ. Trần Phủ và Lê Quý Ly ra đón:

-Kính chào Chương Túc  hầu.

-Không dám, xin chào Cung Định Vương.

  Lê Quý Ly chắp tay chào Trần Nguyên Đán

-Kính chào Chương Túc hầu.

-Không dám, kính chào tiên sinh.

  Nếu Cung Định Vương là người mặt vuông mắt sáng, quắc thược nghiêm nghị, có vẻ hà khắc thì Trần Nguyên Đán là người có vẻ phong lưu nho nhã. Ba người vừa xong một lượt trà thì gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm Cung Định Vương có thuyền của Cung Tuyên Vương Trần Kính và Thiên Ninh công chúa đến ạ.

  Mời hai người vào.

  Một lát sau Trần Kính và Thiên Ninh công chúa bước vào. Trần Phủ, Lê Quý Ly và Trần Nguyên Đán đứng dậy:

-Chào Thiên Ninh công chúa, chào Cung Tuyên Vương.

-Dạ, xin chào Cung Định Vương và Chương Túc Quốc Thượng hầu và Lê tiên sinh.

-Xin mời ngồi.

-Đa tạ, đa tạ.

 Năm người xong một lượt trà. Trần Phủ nói:

-Kính thưa các vị, nhà Trần ta từ khi tiên đế Trần Dụ Tông qua đời đã đưa Trần Nhật Lễ lên ngôi. Trần Nhật Lễ là con nuôi của Trần Nguyên Dục, anh của Trần Dụ Tông. Nhưng Trần Nhật Lễ là con nuôi nên họ Dương-Dương Nhật Lễ. Đã không phải họ Trần nhưng khi lên ngôi lại là hôn quân, ăn chơi vô độ, say sưa bài bạc, ca hát, bất nhân, bất nghĩa. Lễ đã bỏ thuốc độc giết chết thái hoàng thái hậu, người đã kiên quyết đưa Nhật Lễ lên ngôi, đã xuống tay tàn sát Thượng tướng quốc Thái tể Trần Nguyên Trác, con của ngài là Trần Nguyên Tiết và hai cháu, chính là hai con của Thiên Ninh công chúa, đã giết cả chồng của em gái ta là Huy Ninh công chúa. Sự tàn sát tôn thất nhà Trần chưa dừng lại ở đó... Dương Nhật Lễ còn muốn đổi sang họ Dương, cải chính từ vương triều Trần sang vương triều họ Dương. Nhà Trần đứng trước nguy cơ diệt vong và tôn thất nhà Trần đứng trước tình thế vô cùng nguy cấp, đứng trước hiểm họa. Hôm nay ta hội quân với các ngài và với công chúa Thiên Ninh tính kế diệt trừ Dương Nhật Lễ, bảo vệ vương triều, trừ đi một tai họa cho con cháu họ Trần. Công chúa và ba ngài có cao kiến gì không?

  Công cúa Thiên Ninh khóc và nói:

-Mong các thân vương bắt giết Dương Nhật Lễ, báo thù cho thái hoàng thái hậu, cho Thái tể Trần Nguyên Trác, đại công tử Trần Nguyên Tiết và các cháu đã bị Dương Nhật Lễ sát hại. Hu!Hu!hu!...

  Trần Kính nói:

-Sau vụ của Thái tể Trần Nguyên Trác, nay hẳn là Dương Nhật Lễ đã đề phòng, không dễ gì đột nhập được vào Tử cấm thành. Quân bản bộ của bốn chúng ta chỉ được 400 người, ngang nhiên tuyên chiến thì không đủ số lượng chống lại quân triều đình đông hàng vạn. Không biết có cách gì ít đổ máu hơn không?

  Cả bốn người đang trầm ngâm suy nghĩ, chợt có thám mã của Trần Phủ về báo:

-Dạ, bẩm Cung Định Vương, tin chính xác là Dương Nhật Lễ đưa xa giá ra Nam Định đánh bạc và chơi bời.

  Trần Phủ vỗ bàn:

-Thật là trời giúp ta chuyến này. Ngươi nói rõ hơn, đánh bạc ở nhà ai thôn nào?

-Dạ thưa, ở nhà hào trưởng Trần Mai, thôn Gia Hưng, Vụ Bản, Nam Định.

-Tốt, lui ra, có tin gì mới báo tiếp.

-Dạ.

  Trần Phủ nói tiếp:

-Rắn đã ra khỏi hang. Ăn cơm xong chúng ta phải cho thuyền ra đi ngược lên Vị Hoàng, giả làm lái buôn, đêm khuya bao vây đột nhập vào nhà Trần Mai bắt Dương Nhật Lễ. Với cấm quân ai đầu hàng thì tha, ai chống cự thì giết.

-Dạ, tuân lệnh Cung Định Vương.

  Sau khi cơm nước xong, ba thuyền nhổ neo rời sông Đạo Lại, ra cửa sông đi lên phía bắc. Trong đêm, ba thuyền vào cửa biển Vị Hoàng, 4 người cùng 400 lính lặng lẽ lên bờ, âm thầm tiến vào bao vây nhà hào trưởng Trần Mai. Đêm đã từ canh ba chuyển sang canh tư, vài tiếng gà eo óc, vài tiếng chó sủa xa xa. Thôn làng chìm trong giấc ngủ say. Bóng đêm mịt mù, gió mùa đông khua xạc xào lạnh lẽo. Một đám lính ngự lâm đi tuần phía ngoài của lũy tre trang viên. Thốt nhiên những bóng đen nhảy ra và ghì cổ, chụp những chiếc khăn vào miệng chúng. Những chiếc khăn này có tẩm thuốc mê. 10 tên lính ngự lâm gục xuống. 10 bóng đen thay trang phục ngự lâm và đi qua vọng gác:

-Ai?

-Mày mù à, chúng tao vừa đi tuần về.

(Còn nữa)

CVL                                                                      

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn