Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)

06/02/2022 06:15

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 18.

Trong căn phong sang trọng, gian giữa là bàn thờ gia tiên sơn son thếp vàng, bài vị lư hương cũng son vàng lấp lánh. Giữa gian bày bàn ghế gỗ quý chạm khắc cây lá, hoa văn tinh xảo. Hai bố con Phạm Quỳnh và Phạm Giao đang ngồi đối diện uống trà với nhau. Sau khi cạn một hơi, Phạm Giao đặt bát xuống và nói với cha:

-Trong cái triều đình nhà Mạc này, vua Mạc Tuyên Tông thì còn bé nhỏ, quyền bính nằm trong tay Nhiếp chính Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Thân mẫu của con là nhũ mẫu của Khiêm Vương. Khiêm Vương được như ngày nay là nhờ giọt sữa của thân mẫu con. Thế mà nay quyền thế giàu sang không bằng ai, nhất là so với nhà Lê Bá Ly. Cha thấy có bực mình và có mất mặt không?

chmkd1-1644073408.jpg
Tranh minh họa Khiêm vương Mạc Kính Điển. Ông là cháu nội của Vua Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung (1483-1541) và là con thứ ba của Vua Mạc Thái Tông Mạc Đăng Doanh (mất năm 1540). Ông là một người tài giỏi, làm phụ chính cho hai đời Vua Mạc trong thời kỳ Nam Bắc Triều chiến tranh ác liệt. (Nhà Mạc chiến với nhà Lê Trung Hưng). Nguồn: Internet.

 

Phạm Quỳnh nhấp ngụm chè rồi gật gù nói:

-Con nói phải, thế lực trong triều đình bây giờ nhà Lê Bá Ly là nhất. Kể ra nhà đó về võ công cũng đã lập nhiều chiến công với nhà Mạc. Lê Bá Ly đã cùng Nguyễn Kính đánh bại cuộc nổi loạn của Phạm Tử Nghi, của Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh trong cuộc   tranh giành ngôi báu với hoàng thượng Mạc Tuyên Tông. Còn nữa, sau khi Mạc Chính Trung thất bại đã chạy sang nhà Minh tố cáo Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính chuyên quyền đã đuổi người thừa kế ngai vàng hợp pháp là Mạc Chính Trung và đưa Mạc Tuyên Tông lên. Lê Bá Ly đã cùng Mạc Kính Điển hộ giá Mạc Tuyên Tông lên trấn Nam quan gặp sứ Minh. Lê Bá Ly đã viết tờ biện bạch khiến nhà Minh phải công nhận Mạc Tuyên Tông. Sau chuyến ngoại giao đó, Lê Bá Ly được phong chức thái tể, quyền hạn rất lớn.

Phạm Giao hỏi:

-Quyền lớn như thế nào cha?

Phạm Quỳnh đáp:

-Lê Bá Ly thông gia với Thượng thư bộ lại Quận Công Nguyễn Thiến. Con trai trưởng của Lê Bá Ly là Lê Khắc Thận là tổng trấn Sơn Nam, là phò mã nhà Mạc, con trai thứ ba là Thuần Hương Hầu chỉ huy cấm binh của triều đình. Một người cháu của Lê Bá Ly là Vạn An Hầu cũng là phò mã nhà Mạc, giữ chức Kim ngô Vệ sư, con rể Lê Bá Ly là Phái Văn Hầu Nguyễn Quyện, là con trai của Nguyễn Thiến giữ Vệ phù nam, con nuôi Lê Bá Ly là Tả Ngự Hầu giữ Vệ cẩm y. Một thông gia khác của Lê Bá Ly là Đổng Giáng Hầu là Bùi Trụ, giữ chức Tán lý quân vụ.

Phạm Giao cả sợ:

-Thế lực nhà Lê Bá Ly quá nhiều và lớn, tay chân giăng khắp triều đình, ai dám đụng đến?

Phạm Quỳnh nói:

-Quả như thế. Ta đã nói điều đó với Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Điển tái mặt đáp:

-Thân phụ chớ đụng đến nhà ấy. Thế lực rất to lớn. Vả lại nhà Lê Bá Ly là trụ cột, chỗ dựa của triều đình. Trong cuộc tranh đoạt ngôi vị vừa qua, ta đã mất đi những tướng giỏi như Phạm Tử Nghi và con ông ta là Phạm Tử Lưu, mất đi những hoàng thân quan trọng như Mạc Chính Trung, Mạc Văn Minh và hàng vạn quân tinh nhuệ của nhà Mạc. Ta đang muốn chinh phạt Lê Trung Hưng nhưng lực lượng tướng lĩnh thiếu hụt chưa bù đắp được. Mong nghĩa phụ lấy xã tắc làm trọng, không nên ghen ghét gây ra một cuộc biến loạn nữa.

Phạm Giao nói:

-Vì giang sơn xã tắc nhà Mạc nhưng nhìn nhà Lê Bá Ly giàu sang quyền thế hơn nhà ta, con không thể nuốt trôi cục tức này.

Phạm Quỳnh nói;

-Con đừng để cục hận đó làm gầy hao sức khỏe, ta đã có cách.

-Cách gì thưa cha?

-Mai ta vào nói với Mạc Tuyên Tông rằng Lê Khắc Thận, con Lê Bá Ly ở Sơn Nam có ý làm phản. Hắn đã cho xây cung điện gọi là Long Phượng Thành, đóng kiệu vàng tán vàng để đi lại. Thận còn nói ngai vàng của nhà Mạc sắp chuyển sang nhà Lê Bá Ly. Sau đó cha sẽ xin Mạc Tuyên Tông đi bắt giữ nhà Lê Bá Ly.

Phạm Giao cả sợ:

-Vu cáo đại thần là tội chết. Vả lại vua Mạc Tuyên Tông có nghe cha không?

-Vua trẻ con bao giờ chả đa nghi và sợ bị cướp ngôi. Cứ trông vua Lê Chiêu Tông nhà Lê Sơ, toàn nghe bọn gian thần dèm pha tự giết Trần Chân và nhiều đại thần khác là tay chân của mình. Cuối cùng bị Mạc Thái Tổ giết chết.

-Cha này, cha tự cho mình là gian thần sao?

Phạm Quỳnh cười:

-Ha!ha!ha!...Trong chính trị không làm được trung thần thì phải làm gian thần. Ta không làm được trung thần thì cũng phải phải làm gian thần để tồn tại.Ha!ha!ha!...

Hôm sau, Phạm Quỳnh vào gặp Mạc Tuyên Tông và nói:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Bình thân, đây có phải thiết triều ở cung Càn Nguyên đâu mà khanh hành lễ. Khanh vào gặp trẫm có việc gì vậy?

-Hoàng thượng anh minh, thần có việc quan trọng liên quan đến ngai vàng của hoàng thượng, của nhà Mạc ta.

-Việc gì mà quan trọng vậy?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, quan trấn thủ Sơn Nam Lê Khắc Thận, phò mã nhà Mạc, con của Thái tể Lê Bá Ly có ý làm phản, đã xây cung điện gọi là Tử Cấm Thành, dùng kiệu vàng tán vàng khi đi lại, còn nói ngai vàng nhà Mạc sắp sang nhà Lê Bá Ly.

Mạc Tuyên Tông cả sợ:

-Thế lực nhà Lê Bá Ly rất lớn, nếu làm phản thì nhà Mạc nguy to. Bay đâu.

-Dạ, bẩm hoàng thượng.

-Đi gọi khiêm Vương Mạc Kính Điển đến đây ngay.

Phạm Quỳnh nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, Khiêm Vương đang đi kinh lý miền An Bang rồi ạ.

Mạc Tuyên Tông lúng túng:

-Khiêm Vương đi vắng, ái khanh có kế gì hay không?

Phạm Quỳnh đáp:

-Thần vì hoàng thượng, vì nhà Mạc, đêm nay thần sẽ đem quân vây bắt cả nhà Lê Bá Ly.

-Quân bản bộ của Khanh làm sao chống nổi lực lượng Lê Bá Ly?

-Nửa đêm bất ngờ bao vây tư dinh, Lê Bá Ly không kịp điều động quân bản bộ, chắc bó tay chịu trói.

Mạc Tuyên Tông nói:

-Trẫm chờ tin vui của ái khanh.

-Dạ, đa tạ hoàng thượng.

Cũng trưa hôm đó sau bữa cơm Lê Bá Ly đang ngồi uống trà, có một gia nhân tên là Đồi Mồi vào báo:

-Dạ bẩm chủ nhân, con có chơi thân với một gia nhân nhà Phạm Quỳnh nên nó bảo con trao bức thư này cho Thái tể. Nó nói nếu chậm trễ thì chết cả nhà.

Lê Bá Ly vội mở thư và đọc. Thư viết: “Đêm nay, Phạm Quỳnh, Phạm Giao, Đặng Văn Trị, Nguyễn Văn Thái vâng lệnh Mạc Tuyên Tông sẽ đem quân bao vây bắt cả nhà ngài và nhà Thượng thư Nguyễn Thiến với tội danh phản nghịch nhà Mạc. Mong Thái tể sớm định liệu”. Lê Bá Ly đọc xong thư thất kinh, vội gọi:

-Người đâu.

-Dạ, bẩm Thái tể.

-Ngươi vào bảo tổng quản đem cho ta 20 lạng vàng ra đây nhanh lên.

-Dạ, tuân lệnh Thái tể.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn