Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)

17/02/2022 06:12

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 29.

Trong tổng hành Dinh ở Vạn Lại-An Trường, Trịnh Tùng nhận được cấp báo:

-Dạ, cấp báo, Mạc Kính Điển đem quân đánh Nghệ An, tổng trấn Nghệ An Nguyễn Bá Quỳnh không đánh đã bỏ chạy. Nghệ An đã mất vào tay nhà Mạc rồi ạ.

chuytrinhtung1-1645026602.jpg
Tranh minh họa: Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng. Nguồn: Internet.

 

Trịnh Tùng nổi giận:

-Thằng Nguyễn Bá Quỳnh đồ ăn hại. Bay đâu.

-Dạ.

-Cho gọi các tướng Nguyễn Cảnh Hoan, Phan Công Tích vào đây.

-Dạ.

Nguyễn Cảnh Hoan và Phan Công Tích tiến vào.

Trịnh Tùng nói:

-Mạc Kính Điển đã lấy được Nghệ An, sẽ hình thành thế gọng kìm Nam đánh ra, Bắc đánh vào để tấn công ta. Nam Triều ta nguy to rồi. Ba tướng đem 5 vạn quân vào lấy lại Nghệ An bằng mọi giá.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh Tiết chế.

Quân Nam Triều vừa tới đất Nghệ An thì quân Mạc đã rút khỏi thành. Khi quân Lê vào thành, Nguyễn Cảnh Hoan hỏi một tên lính Lê hàng mạc nhưng trốn lại:

-Tại sao Mạc Kính Điển rút lui? Mạc Kính Điển có mưu kế gì chăng?

-Dạ bẩm chủ tướng, nghe nói quân Mạc hết lương thực, đi vơ vét bách tính Nghệ An nhưng ở đây chiến tranh liên miên, đồng ruộng bỏ hoang, dân vô cùng đói khổ nên quân Mạc không vơ vét được gì ạ.

Quân Nam Triều lại làm chủ Nghệ An. Trịnh Tùng cho Thái Phó Vi Quận Công Lê Khắc Thận, con lão tướng Lê Bá Ly vào trấn thủ Nghệ An, gọi hai tướng Nguyễn Cảnh Hoàn, Phan Công Tích về trấn thủ Thanh Hóa. Năm sau, quân Mạc lại tiến đánh Nghệ An, tổng trấn Lê Khắc Thận đầu hàng. Trịnh Tùng nổi giận:

-Đao phủ đâu.

-Dạ.

-Đem con của Thận là Lê Tuần, Lê Khoái, Lê Thám ra chém.

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Mời các tướng Lại Thế Khanh, Nguyễn Cảnh Hoan, Phan Công Tích vào dinh.

-Dạ.

Ba tướng bước vào hành lễ:

-Kính chào Tiết chế. Tiết chế cho gọi?

-Ba tướng quân đem 5 vạn quân giải phóng Nghệ An.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

Ba tướng đem 5 vạn quân vào đến Nghệ An. Cũng giống như năm 1573, quân Mạc chưa đánh đã rút ra ngoài Bắc. Từ đó, nhà Mạc hoàn toàn mất Nghệ An.

Cùng với đạo quân Mạc đánh Nghệ An, còn có 60 chiến thuyền của quân Mạc chở 1 vạn quân do Lập Bạo chỉ huy vượt biển đánh vào Thuận Hóa, cờ vàng rợp trời, buồm trắng rợp biển miền Trung. Lập Bạo hỏi tên tùy tướng dẫn đường:

-Đây là đâu?

-Dạ bẩm tướng quân, đây là Minh Linh, cách thủ phủ Ái Tử của Nguyễn Hoàng 10 dặm.

Lập Bạo ra lệnh:

-Đổ bộ lên bờ, chuẩn bị chiến đấu.

-Dạ, tuân lệnh.

Quân Mạc rời thuyền đổ bộ lên bờ thuộc làng Hồ Xá và làng Lạng Uyên thuộc Minh Linh. Chiều sang, Lập Bạo đang ngồi trong hành dinh uống rượu, chợt có tùy tướng vào báo:

-Dạ, có sứ giả của Nguyễn Hoàng muốn vào gặp tướng quân.

-Cho vào.

-Dạ.

Hai người lính khênh một chiếc hòm màu son, đi theo sau là một thiếu nữ xinh đẹp. Cả ba cúi đầu hành lễ:

-Chào tướng quân, chúa công chúng tôi muốn giảng hòa với tướng quân để dâng đất Thuận Hóa này về cho nhà Mạc. Đây là chút lễ mọn chúa công tôi gửi tặng tướng quân.

Lập Bạo sai mở hòm, nắp hòm vừa bật ra thì một luồng ánh sáng từ trong hòm hắt ra chói lòa, một hòm đầy vàng bạc châu báu ngọc ngà. Lập Bạo sướng quá cười ha hả:

-Ha!ha!ha!...Ta đã nghe danh Nguyễn Hoàng từ lâu, nay quả là người biết điều. Thế còn người đẹp này cũng là quà tặng ta chăng? Tên nàng là gì?

Thiếu nữ e lệ trả lời, hai má như hoa đào:

-Thiếp tên là Ngô Thị. Chiều nay nếu tướng quân đến ngôi Đình Tranh cách đây hai dặm uống rượu hội thề với chúa công Nguyễn Hoàng thì đêm nay thiếp là quà tặng của tướng quân.

Lập Bạo nghe tiếng nói của Ngô Thị hay như tiếng nhạc, hai mắt đẹp đưa tình lung linh, hai má như hoa đào đỏ rực thốt nhiên như bị thôi miên liền nhận lời:

-Ta sẽ đến. Nàng nói phải giữ lấy lời nha.

-Đa tạ tướng quân, hẹn gặp lại đêm nay.

Bóng đêm xuống dần bao phủ miền Ái Tử. Lập Bạo chỉ đem theo vài tùy tùng đến nơi Nguyễn Hoàng hẹn lễ dự thề. Đến một con đường hẹp gần Đình Tranh, cây cối rậm rạp thì phục binh quân Nguyễn đổ ra đánh giết. Lập Bạo bị giết ngay tại trận. Trong khi đó, một đạo quân Nguyễn khác đã bao vây quân Mạc ở Minh Linh và xông vào chém giết. Hầu hết quân Mạc gục chết ở miền đất xa lạ, số còn lại đầu hàng, được Nguyễn Hoàng cho sống trên đất Cồn Tiên, đặt ra 36 phường. Từ đó nhà Mạc mất hẳn miền Thuận Hóa, không nhòm ngó đến nữa.

  Năm 1573 do giang sơn Nam Triều trở nên vững chắc nên Trịnh Tùng nói với vua Lê Thế Tông phong Lại Thế Khanh, Hoàng Đình Ái làm Thái phó, Vũ Sư thước là Trào Quận Công, Nguyễn Hữu Liêu là Dương Quận Công.

Năm 1572, đại thần nhà Mạc là Nguyễn Kính mất, mai táng tại quê nhà Cần Kiệm, Thạch Thất, Sơn Tây, được nhà Mạc truy tặng Tây Kỳ Vương. Nguyễn Kính phục vụ cả 5 đời vua Mạc, các con đều là đại thần nhà Mạc, cho đổi họ Nguyễn sang họ Mạc và phong chức tước, như Mạc Nguyên là Thái Bảo Phú Quốc Công, Mạc Ngọc Liễn là phò mã nhà Mạc, tước Thái Bảo Đà Quốc Công Chưởng Phủ Sự, Mạc Hữu Mệnh là võ tướng cao cấp.

Một sáng trong tư dinh ở Đông Kinh, Mạc Kính Điển đang ngồi uống trà thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Khiêm Vương, có tướng Nguyễn Quyện xin vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Nguyễn Quyện vào hành lễ:

-Xin kính chào Khiêm Vương.

-Chào tướng quân, xin mời ngồi. Bay đâu, rót nước.

-Đa tạ Khiêm Vương.

Sau một lượt trà, Mạc Kính Điển hỏi:

-Tướng quân có việc gì chăng?

Nguyễn Quyện nói:

-Chỉ là mạt tướng thấy nay chúng ta đã mất đất Thuận Hóa thì nên quyết tâm đánh chiếm Nghệ An để thực hiện chiến lược gọng kìm, trong đánh ra ngoài đánh vào Thanh Hóa thì mới tiêu diệt được Nam Triều. Mạt tướng xin dẫn quân vào Nghệ An một chuyến nữa.

Mạc Kính Điển nói:

-Tướng quân nói chính hợp ý ta. Ta cũng đang định mời tướng quân đến để bàn việc này. Mai tướng quân đem 3 vạn quân đánh Nghệ An, ta đem 5 vạn quân đánh Thanh Hóa để phân tán lực lượng Trịnh Tùng, ta hỗ trợ cho nhau, may ra chiến thắng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn