Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)

02/03/2022 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

KỲ 42.

  Mạc Kính Cung mở cổng thành phía Nam, đem 3 vạn quân ra ngoài thành nghênh chiến. Trịnh Kiều trông thấy quân Mạc ào ào ra khỏi thành. Mạc Kính Cung đội mũ đâu mâu vàng, áo bào vàng có thêu rồng, áo giáp vàng, đi hài vàng, mang một thanh gươm lớn, cán vàng, cưỡi ngựa nâu, có võ sĩ cầm lọng vàng che trên đầu, cao trên lọng là lá cờ vàng mang chữ Mạc. Mạc Kính Cung thấy quân Trịnh Kiều dàn hình cánh cung, sẵn sàng triển khai thế bao vây. Trông thấy quân Mạc, Trịnh Kiều hô to:

-Xông lên giết.

chutrtacj-1646149204.jpg
Một phác thảo thường phục chúa Trịnh Tạc. Nguồn: Internet

  Quân Mạc chưa kịp dàn trận, lại đa số là lính mới, chưa quen chiến trận nên nhanh chóng tan vỡ tháo chạy. Quân Trịnh khép vòng vây chém giết, thây đổ ngổn ngang, máu nhuộm đỏ cả sông Bằng Giang. Mạc Kính Cung và các tướng muốn phá vòng vây nhưng không được. Thủ hạ tử trận hết và hoàng đế Càn Thống bị bắt, bị đem về Đông Kinh và bị giết. Mạc Kính Cung ở ngôi 32 năm (1592-1525).

 Trịnh Kiều rút quân về thì Mạc Kính Khoan lên thay, biết không đủ lực lượng chống lại Lê-Trịnh, Mạc Kính Khoan dâng biểu xin thần phục, được vua Lê Thần Tông phong là Thái úy Thống Quốc Công, con cháu được trông coi đất Cao Bằng, hàng năm chỉ nộp cống mà thôi. Mùa xuân năm 1638 Mạc Kính Khoan qua đời, ở ngôi 13 năm (1625-1638).

  Con Mạc Kính Khoan là Mạc Kính Vũ lên ngôi, họp triều đình Bản Phủ ở Ly Cung. Mạc Kính Vũ nói:

-Mười ba năm nay, phụ vương ta do chưa đủ lực lượng mà thần phục Lê-Trịnh. Nay lực ta đủ mạnh, lại dựa vào địa thế hiểm yếu của Cao Bằng, từ nay ta không thần phục, không nộp cống nữa. Các khanh có tấu gì không?

  Văn võ bá quan đồng thanh:

-Hoàng thượng anh minh.

-Ta lấy đế hiệu là Thuận Đức hoàng đế.

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Các khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

  Từ đó nhà Mạc cắt đứt quan hệ với Lê-Trịnh. Từ năm 1638 đến năm 1666 chúa Trịnh liên tục sai các tướng mang quân tấn công Bản Phủ. Nhưng do địa thế hiểm yếu, khí hậu khắc nghiệt, quân Lê -Trịnh nhiều lần phải lui binh. Có lần chúa Trịnh Tráng thân chinh nhưng phải rút quân vì quá nóng nực.

  Ngày 28 tháng 5 năm 1657 chúa Trịnh Tráng qua đời, hưởng thọ 81 tuổi, ở ngôi chúa được 34 năm, được truy phong Văn Tổ Nghị Vương.  Con là Trịnh Tạc lên ngôi chúa, là vị chúa thứ tư tính từ thời Trịnh Kiểm.

 Tháng 9 năm Đinh Mùi 1667, Trịnh Tạc quyết dồn đại binh tiêu diệt bằng được Mạc Kính Vũ. Trịnh Tạc ra lệnh:

-Thái Phó Trịnh Đống, Thiếu úy Trịnh Kiều, Thiếu phó Lê Thời Hiến, Đô Đốc Đồng Tri Đinh Văn Tả, Tả thị Lang Hoàng Triều Ninh nghe lệnh.

-Dạ có chúng mạt tướng.

-Các tướng quân do Đô đốc Đồng Tri Đinh Văn Tả thống lĩnh đem quân tiến theo đường Lạng Sơn tới Cao Bằng.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

-Thị Lang Nguyễn Năng Thiệu, Lê Sĩ Triệt, Dương Hào do Dương Hào làm đốc tướng theo đường Thái Nguyên, Bắc Cạn tiến lên Cao Bằng

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

  Trịnh Tạc nói tiếp:

Ta sẽ đi theo đường Lạng Sơn lên Cao Bằng và thống lĩnh cả hai đạo quân. Các tướng quân rõ chưa?

Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

Trời mùa thu, gió se lạnh, mây bay lẫn với sương mù quấn khăn mỏng mơ màng trên cây lá. Núi rừng đường Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng ở phía Tây cũng như ở phía Đông Kinh Bắc, Lạng Sơn rung chuyển bởi bước chân của 6 vạn quân Lê -Trịnh, cờ vàng rợp trời bay  phấp phới, tiếng ngựa kêu voi gầm dữ tợn. Hai đạo quân họp lại tại Bó   Lài chuẩn bị tấn công Bản Phủ.

   Tại Bản Phủ, Mạc Kính Vũ đang họp triều đình bàn cách đối phó với quân Lê-Trịnh. Phụ Quốc Công Thượng tướng quân Kim Pha nói:

-Bẩm hoàng thượng, quân Lê- Trịnh thiện chiến, lại đông đến 6 vạn, ta tạm thời lánh sang châu Tiểu Trấn Yến của Trung Quốc, sau đó  quân Trịnh rút đi, ta sẽ quay về .                                                                            Mạc Kính Vũ nói:

 -Khanh nói chính hợp ý ta. Ta ra lệnh rút quân đội, triều đình khỏi Bản Phủ, dời xa giá sang châu Tiểu Trấn Yến.

    Bản Phủ bỏ không, Trịnh Tạc kéo quân vào cho hiểu dụ bách tính Cao Bằng, cắt cử quan lại cai trị các châu rồi rút quân về.

 Tả Thị Lang Hoàng Triều Hoa nói:

-Nhà Mạc đã chiếm Cao Bằng 75 năm, trước sau đất nước cũng phải thu về một mối. Nguyên Soái nên để nhiều quân do thám ở lại nắm tình hình các vùng, đặc biệt là địa thế Cao Bằng, cách bố phòng của nhà Mạc để sau này nếu có chiến sự sẽ tác chiến dễ dàng.

  Trịnh Tạc nói:

  -Khanh đúng là biết nhìn xa trông rộng.

  Rồi Trịnh Tạc ra lệnh rút quân về Đông Kinh.

  Mạc Kính Vũ lại quay về Bản Phủ, cai trị Cao Bằng.

  11 năm sau, vào tháng 2 năm 1677 thám mã báo về phủ chúa ở Đông Kinh:

-Dạ bẩm Tây Định Vương, nhà Mạc ở Cao Bằng rất suy yếu có thể tiêu diệt được rồi ạ.

   Trịnh Tạc ra lệnh:

-Tướng quân Đô Đốc Đinh Văn Tả cùng Thiếu úy Hoàng Triều Ninh đi theo đường Lạng Sơn tấn công Bản Phủ.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Thái Phó Nguyễn Hữu Đăng, Thiếu úy Hoàng Triều Hoa dẫn quân đi theo đường Thái Nguyên-Bắc Cạn đánh Bản Phủ.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Đạo quân đi theo đường Thái Nguyên- Bắc Cạn lên đến Cao Bằng tiến vào Bò Mèo, Khua Mu, xuyên qua rừng Ha đến Đại đồn Khau Cút nhưng gặp phải tuyến phòng thủ bờ tả sông Mã Giang quá kiên cố. Tướng Nguyễn Hữu Đăng ra lệnh:                                                                                                                             -Vượt sông tấn công.                                                

Tướng Hoàng Triều Hoa nói:

-Tấn công như vậy rất tổn thất mà khó thu thắng lợi, nên chờ đạo quân Lạng Sơn lên cùng phối hợp.

  Nguyễn Hữu Đăng nói;

-Tướng quân nói chí phải.

Đạo quân theo đường Lạng Sơn tháng 5 năm 1677 đến Thất Tuyền. Đinh Văn Tả hạ lệnh:

-Đánh bất ngờ cốt ở bí mật, mau hạ cờ im trống tiến quân.

-Tuân lệnh tướng quân.

Đạo quân 3 vạn người im lặng bí mật tiến vào châu Thạch Lan, Cao Bằng, canh ba bao vây tiêu diệt đồn Mục Mã. 3.000 quân Mạc đêm đang say rượu và say ngủ, quân Lê-Trịnh tiến vào đâm chết gần như toàn bộ, số còn lại đầu hàng. Mạc Kính Vũ ở Ly Cung ra lệnh cho tuỳ tướng:

-Tướng quân chạy ngựa gấp báo cho đại đồn Khau Xắm phải chặn được quân Lê-Trịnh, nếu không kinh đô Bản Phủ nguy ngập.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Đinh Văn Tả hỏi thám quan Ma Khánh đã nằm vùng từ 11 năm trước:

-Tướng quân có biết con đường nào gần nhất mà lại bí mật đến Khau Xắm không?

-Dạ, mạt tướng biết.

-Tướng Quân dẫn đường đi.

-Mạt tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn