Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)

08/03/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Ky 5.

Ven bờ sông Hồng quanh phủ chúa là các trại thủy binh. Ngoài thành có xây chuồng voi, có kho thuốc súng, bãi duyệt binh, kho súng ống và kho đạn thần công. Bãi duyệt binh còn là nơi tế cờ và nơi thi đấu võ, thi múa đèn. Tổng cộng trong phủ chúa có khoảng 52 cung điện, lâu đài, phủ.

chuyddtu-1646665740.jpg
Tranh minh họa: Đào Duy Từ cho đắp lũy Thầy (Quảng Bình). Nguồn: Internet

 

Một ngày mùa hè năm 1627, chúa Trịnh Tráng đang thiết triều ở Nghị Sự Đường. Tham gia gồm tất cả các quan văn võ của phủ chúa như Thế tử Trịnh Tạc, Trịnh Toàn, Trịnh Căn, Đào Quang Nhiêu, Lê Thì Hiến, Nguyễn Khắc Liệt, Lê Văn Hiểu… Chúa Trịnh Tráng nói:

-Hiện nay chúng ta ngoài dồn sức tiêu diệt tàn dư của nhà Mạc ở Cao Bằng, còn phải lưu ý đến sự bất phục tùng của họ Nguyễn Phúc ở Thuận Hóa. Từ năm 1600, khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng trốn vào Nam đến nay, trấn thủ Thuận Hóa không nộp thuế, không ra Thăng Long nghe chỉ dụ hàng năm theo quy định. Vừa rồi ta có sai người mang sắc chỉ của hoàng thượng Lê Thần Tông vào Phước Yên đòi Nguyễn Phúc Nguyên hoặc con trai trưởng phải đem thuế ra Thăng Long nộp và nghe phủ dụ, đến nay chưa có hồi âm.

Trịnh Tráng vừa dứt lời thì có quan nội thị vào báo:

-Dạ, bẩm chúa công, có tùy tướng của Nguyễn Phúc Nguyên từ Thuận Hóa ra muốn xin vào gặp.

Trịnh Tráng nói:

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Một lát sau nội thị dẫn tùy tướng của Nguyễn Phúc Nguyên vào. Người đó nói:

-Kính chào chúa công. Chúa công thiên tuế, thiên thiên tuế. Thần là Văn Khuông, thừa lệnh trấn thủ Thuận Hóa ra gặp chúa công.

-Miễn lễ, đứng dậy trình bày đi. Trấn thủ Thuận Hóa Nguyễn Phúc Nguyên hay con ông ta  có ra Thăng Long theo sắc chỉ không?

 Văn Khuông đáp:

-Dạ bẩm chúa công, trấn thủ Thuận Hóa sai mạt tướng ra thu xếp trước rồi Người sẽ ra sau. Đây là món lễ mọn của chúa công tôi dâng chúa công trước để tạ tội ạ.

-Trịnh Tráng nói:

-Đưa lên đây.

Nội thị bê một mâm đồng xếp đầy vàng bạc châu báu đặt lên bàn chúa Trịnh. Trịnh Tráng hỏi Văn Khuông:

-Nguyễn Phúc Nguyên bao giờ thì ra được?

-Dạ, chúa công tôi hiện đã xuất phát, khoảng 10 ngày nữa thì ra đến nơi ạ.

Trịnh Tráng nói:

-Người đâu.

-Dạ, bẩm chúa công.

-Đem Văn khuông về quán dịch nghỉ ngơi ăn uống.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

-Đa tạ chúa công.

Khi Văn khuông đi rồi, Trịnh Tráng bảo quan nội thị.

-Cất vàng bạc và mâm đi.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Trịnh Tráng tiếp tục nghị sự triều chính, canh giờ sau quan nội thị tay cầm phong thư, tay cầm chiếc mâm đồng đã vỡ vào và tâu:

-Bẩm chúa công, thần nhỡ tay đánh rơi mâm thì mâm bị vỡ, hóa ra là chiếc mâm có hai đáy, bên trong chứa đựng lá thư này ạ.

Cả triều đình nhà Trịnh ngạc nhiên:

-Hả, đựng thư trong mâm hai đáy?

-Sao lại có kiểu ngoại giao kỳ lạ như vậy?

Trịnh Tráng nói:

-Đưa thư lên đây.

-Dạ.

Trịnh Tráng bóc thư ra, bên trong chỉ có một bài thơ ngắn:

“Mẫu nhi vô dịch

Mịch phi kiến tích

Ái lạc tâm trường

Lực lai tương dịch”.

 Trịnh Tráng đọc đi đọc lại bài thơ ba lần không hiểu bài thơ này nói gì, liền bảo quan nội thị:

-Ta đọc không hiểu. Quan nội thị đọc to và chậm xem có ai hiểu gì không.

-Dạ.

Quan nội thị đọc to chậm ba lần. Trịnh Tráng hỏi:

-Có ai hiểu bài thơ viết gì không xin chỉ giáo.

Bá quan văn võ ngồi im phăng phắc. Thái Bảo Diễm Quận Công Lê Bật Tứ đứng dậy tâu:

-Dạ bẩm chúa công, đây là bài thơ của Đào Duy Từ viết hộ Nguyễn Phúc Nguyên ạ.

Bá quan văn võ ồ lên:

-Hả, Đào Duy Từ tự ví mình là Ngọa Long tiên sinh, tài học cao rộng, kiến thức uyên bác mọi lĩnh vực lừng danh thiên hạ, nay đã vào theo Nguyễn Phúc Nguyên rồi ư?

Trịnh Tráng sốt ruột hỏi:

-Đào Duy Từ viết gì vậy?

-Dạ, bẩm chúa công, câu đầu bắt đầu từ chữ mâu, bỏ một nét phẩy thành ra chữ dư, dư có nghĩa là ta. Câu thứ hai bắt đầu từ chữ mịch, mịch bỏ chữ kiến thành ra là chữ bất tức là không. Câu thứ ba bắt đầu từ chữ ái, ái bỏ chữ tâm thành ra là chữ thụ hay là nhận. Câu cuối là chữ lai ghép với chữ lực thành ra chữ sắc. Toàn bộ bài thơ này có nghĩa là ta không nhận sắc. Nói rõ hơn Nguyễn Phúc Nguyên viết là ta không nhận sắc.

-Hả, không nhận sắc chỉ của hoàng thượng sao?

-Phản rồi, làm phản rồi.

Trịnh Tráng cũng đập bàn tức giận:

-Phản thật rồi. Người đâu.

-Dạ, đi bắt Văn Khuông, kẻ đưa thư tới đây.

-Dạ.

Một lát sau tùy tướng bước vào:

-Dạ, bẩm chúa công, Văn Khuông đã rời Thăng Long rồi ạ.

Lại có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm chúa công, có thám mã ở Thuận Hóa về cấp báo ạ.

-Cho vào.

-Dạ.

Thám mã vào quỳ và nói:

-Dạ bẩm chúa công, có việc khẩn cấp, Đào Duy Từ theo lệnh Nguyễn Phúc Nguyên đã xây dựng hai chiến lũy kiên cố ở Nam sông Nhật Lệ, gọi là lũy Trấn Ninh và lũy Trường Dục, trên đặt hàng trăm đại bác, máy bắn đá để ngăn chặn quân ta tiến vào sông Nhật Lệ. Bách tính Thuận Hóa gọi đó là lũy Thầy, nhiều kẻ còn thách chúa công có giỏi thì mang quân vào đánh ạ.

Trịnh Tráng nói:

-Đào Duy Từ quê ở đâu, một người giỏi như vậy sao không lấy ông ta đỗ trạng nguyên hay tiến sĩ để triều đình ta dùng. Các khanh quên câu “Nhân tài là nguyên khí quốc gia sao”?

Lê Bật Tứ thưa:

-Dạ bẩm chúa công, Đào Duy Từ quê ở phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa, tự ví mình là Ngọa Long tiên sinh thời nay, có đi thi nhưng triều đình không cho vì cha của Đào Duy Từ làm nghề hát chèo vì luật triều đình ta cấm tất cả những người hát chèo và con cái họ không được đi thi, còn gọi họ là “xướng ca vô loài”. Đào Duy Từ do đó phẫn uất đã vào Thuận Hóa theo Nguyễn Phúc Nguyên ạ.

Trịnh Tráng thở dài:

-Cái luật này không biết đã làm chìm đắm bao nhân tài của đất nước.

Cho gọi  hai tướng Lê Khuê và Nguyễn Khái vào đây.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn