Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)

PGS TS Cao Văn Liên

27/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 3.

 Thủ tướng Pháp Em min lơ Mu tan ban cũng đứng dậy:

     -Thưa hoàng thượng, ngài giáo sĩ Pen lơ ranh nói đúng. Đại Nam đang suy yếu, lại là nước giàu có, có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á. Chúng ta phải xâm lược ngay kẻo bị các đế quốc khác, nhất là nước Anh chinh phục trước. Cái cớ  để đánh Đại Nam thì chúng ta cứ nói với thế giới là bảo vệ các giáo sĩ, bảo vệ việc truyền đạo Thiên Chúa, rằng Đại Nam không tiếp nhận Quốc thư của Hoàng đế Pháp, rằng Đại Nam làm nhục quốc kỳ Pháp. Thưa hoàng thượng, đã là gây chiến thì không thiếu gì lý do, không có lý do thì phải bịa ra lý do. Chân lý trong tay kẻ mạnh. Thưa hoàng thượng.

     Na pô lê ông III nói:

     -Ngài thủ tướng nói phải lắm. Nay ta quyết định tiến hành chiến tranh chinh phục Đại Nam. Ngài Pen lơ ranh cầm chỉ dụ của ta, ra lệnh cho hạm đội Viễn Đông của Pháp nổ súng gây chiến tranh chinh phục Đại Nam.

       Pen lơ ranh đáp:

      -Thần tuân chỉ.

      -Ngài Nam tước Bơ ren ni en nghe chỉ:

      -Dạ tâu hoàng thượng, có thần.

     -Ngài hãy thành lập Ủy ban Đông Dương chuyên nghiên cứu về Đại Nam, Lào, Căm bốt để hỗ trợ tình hình cho quân ta đánh Đại Nam và đánh chiếm toàn bộ Đông Dương.

     -Thần tuân chỉ.

II

     Bấy giờ là tháng 8 năm 1858. Vùng biển Nam Trung Hoa sóng triều mênh mang bát ngát. Sóng vỗ xanh rờn đưa nước từ phía Đông sang phía Tây. Sóng vỗ suốt ngày đêm vào đảo Hải Nam, một đảo cực Nam tận cùng của lãnh thổ Trung Hoa. Sóng vỗ vào bán đảo Lôi Châu tràn vào lục địa Trung Hoa rộng lớn. Sóng vỗ vào hàng trăm tàu chiến của các nước phương Tây vừa tham gia cuộc chiến tranh thuốc phiện lần 2 xâu xé Trung Quốc, giờ tập trung ở vùng biển này ăn mừng chiến thắng. Bằng súng đạn tối tân, các nước tư bản phương Tây cầm đầu là Anh và Pháp đã buộc nhà Thanh phải ký những hiệp ước bất bình đẳng, buộc Trung Quốc bồi thường cho họ nhiều triệu lạng vàng bạc, mở nhiều cửa biển cửa sông cho tàu bè các nước tự do đi lại buôn bán, cắt nhiều thành phố và đất đai cho họ lập đặc khu, tô giới và khu vực ảnh hưởng, cho Anh thuê Hồng Công 99 năm, cho Bồ Đào Nha thuê Ma Cao 99 năm. Trung Quốc đã biến thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến, tức là không còn là nước độc lập hoàn toàn nữa mà đã mất đi rất nhiều quyền độc lập, kể cả về lãnh thổ. Trong số hàng chục quốc kỳ nhiều màu sắc của các nước phương Tây bay phấp phới trên đỉnh những chiến hạm chan hòa nắng gió có 14 quốc kỳ trên 14 chiến hạm của hạm đội Viễn Đông của nước Pháp. Đó là những con tàu chạy bằng máy hơi nước. Thân những con tàu bằng sắt đen sì, mõm tàu buông xuống biển những sợi xích sắt to lớn buộc neo cho tàu đứng yên tại chỗ. Trên boong tàu bốn phía đặt hàng chục đại bác hiện đại đang chĩa nòng hiên ngang sẵn sàng nhả đạn và khi xuống mục tiêu những viên đạn này nổ như sấm sét tàn phá sát thương rất lớn. Đây là những vũ khí hiện đại nhất chỉ các nước phương Tây đã công nghiệp hóa mới có được. Các nước phương Đông, châu Á như Trung Quốc, Đại Nam... còn trong tình trạng nông nghiệp thì không thể có được loại đại bác này nên rất bất lợi trong cuộc chiến tranh với phương Tây trong thời kỳ cận đại. Trên đỉnh những con tàu Pháp, những lá cờ tam tài xuất hiện trong cuộc cách mạng tư sản vĩ đại năm 1789-1794 đã từng tung bay khắp nước pháp, tung bay khắp châu Âu trong những cuộc tiến quân xâm lược của hoàng đế Na Pô lê ông I, bây giờ nó lại tung bay khắp châu Á, châu Phi để xâm lược thuộc địa, giành giật thị trường cho nền kinh tế thị trường, mong mang lại lợi nhuận to lớn cho chủ nghĩa tư bản Pháp. Đến bây giờ, mùa hè năm 1858, lá cờ ba màu tím, trắng, đỏ lại bay trên hải phận và lục địa Trung Hoa khi quân pháp cùng 14 nước Liên minh tham gia cuộc xâu xé Trung Quốc.

            Chiếc pháo hạm lớn nhất, oai phong nhất, đặt nhiều đại bác, sang trọng nhất là pháo hạm chỉ huy của hạm đội Viễn Đông của Pháp. Đô đốc Sác lơ Ri gôn Đơ giơ nu di đang ngồi trong phòng chỉ huy của tàu uống rượu Săm pa nhơ. Từng chai rượu được chính tay Đơ giơ nui rót ra cốc pha lê trong suốt. Rượu màu hồng chảy vào cốc tỏa ra hương thơm. Đơ Giơ nu di đang hứng khởi nên uống hết cốc này đến cốc khác. Lý do hứng khởi của Đơ giơ nu di là liên quân Anh- Pháp đã thắng lợi lớn trong cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai với Trung Quốc nổ ra từ ngày 20 -5-1858. Trung Quốc là một nước lớn đông dân nhất thế giới, ước tính khoảng 700 triệu dân với diện tích 9,6 triệu km2 giàu có sung túc. Nhưng cũng như các nước châu Á khác, dưới sự thống trị của chế độ phong kiến, đặc biệt là chế độ phong kiến ngoại tộc Mãn Thanh đã giam hãm Trung Quốc trong tình trạng vô cùng lạc hậu và yếu kém. Ngày 20-5-1858, Liên quân tấn công vào Quảng Châu, sau trận chiến chủ yếu ở pháo đài Đại Cô Bảo, pháo đài để bảo vệ Thiên Tân, tháng 6 năm 1858 trận Đại Cô Bảo lần hai, Trung Quốc thất bại, phải ký hiệp ước bất bình đẳng lần hai là Hiệp ước Thiên Tân ký với Anh, Pháp, Nga, Mỹ... (Hiệp ước bất bình đẳng lần 1 là hiệp ước Nam Kinh Trung Quốc ký với Anh-Pháp). Nội dung Hiệp ước Thiên Tân quy định Trung Quốc tiếp tục mở thêm mười một hải cảng cho tàu bè các nước liên minh vào buôn bán. Đó là các cửa biển Ngươn Trang, Đàm Thủy, Hán Khẩu, Nam Kinh... Các nước Anh, Pháp, Nga, Mỹ... có quyền thành lập cơ quan công sứ (Đại sứ quán) ở Bắc Kinh, kinh đô của Trung Quốc nên đã đóng kín từ trước đến nay, nay buộc phải mở cửa. Tất cả tàu bè nước ngoài được đi lại tự do trên sông Dương Tử (Trường Giang). Người nước ngoài được tự do đi lại trên đất Trung Quốc. Trung Quốc phải trả bồi thường chiến phí 4 triệu lạng bạc cho Anh và 2 triệu lạng cho Pháp. Sác lơ Đơ giơ nu di vừa nhấm nháp rượu, miệng thả ra những làn khói cuồn cuộn từ điếu xì gà mua từ quần đảo Ca ri bê Trung Mỹ. Điều ước Thiên Tân chưa phải là mốc cuối cùng của chiến tranh thuốc phiện. Nhưng với Hiệp ước Thiên Tân, quyền lợi của nước Pháp ở Trung Quốc đã được bảo đảm. Pháp được chia một phần quyền lợi béo bở chỉ sau Anh ở Trung Quốc. Nhưng với đà suy yếu hèn nhát của phong kiến nhà Thanh, liên quân còn cướp đoạt được nhiều quyền lợi hơn nữa bằng vũ lực, bằng nhiều hiệp ước bất bình đẳng nữa. Trung Quốc và các nước châu Á phải biết chúng ta không chỉ là quân đội hiện đại bậc nhất thế giới, của cường quốc công nghiệp, mà còn là những tên lái buôn, những tên thực dân, những tên cướp biển tham lam và hung bạo, không hề sợ chết, không hề biết thỏa mãn.Ha! Ha! Ha!

         Có tiếng gõ cửa phòng. Đơ giơ nu di nói:

         -Vào đi.

Một người cao to, vai mang quân hàm đại tá bước vào. Thì ra đó là đại tá Rây no.

-Chào Đô đốc.

-Chào đại tá. Có việc gì vậy?

         -Dạ, bẩm Đô đốc, có giáo sĩ Pen lơ ranh từ Pa ri sang, đem theo chỉ dụ của hoàng thượng cho Đô đốc.

-Cho ông ta vào.

-Dạ.

Giáo sĩ Pen lơ ranh bước vào. Đơ giơ nu di đứng dậy:

-Xin chào đức cha.

Pen lơ ranh đáp khúm núm:

-Xin chào Đô đốc.

-Mời đức cha ngồi.

         Đơ giơ nu di rót thêm hai chén rượu nữa, một cho Pen lơ ranh, một cho Rây no:

-Mời đức cha, mời đại tá.

-Cảm ơn, mời Đô đốc.

Ba người dốc cạn 3 cốc rượu săm pa nhơ. Đơ giơ nu di vừa rót tiếp rượu vào ba cốc vừa hỏi:

-Đức cha vừa ở Pa ri sang. Hoàng thượng có chỉ dụ gì mới cho hạm đội Viễn Đông không? Thưa cha.

Pen lơ ranh chỉ chờ câu hỏi này liền đáp:

-Thưa Đô đốc, nội các dưới sự chủ tọa của hoàng thượng đã họp bàn về việc tiến đánh chinh phục Đại Nam. Hoàng thượng đã khẩu dụ cho Đô đốc rằng phải tổ chức tiến đánh Đại Nam càng nhanh càng tốt. Thứ nhất là nhà nước vương triều Nguyễn hiện nay rất bạc nhược, hèn nhát và suy yếu. Thứ hai là Đại Nam là một nước giàu có, nhân công rẻ mạt, lại có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á, có vùng hải phận rộng lớn, từ bắc tiến xuống, từ ngoài biển tiến vào khu vực Đông Dương và Nam Á, từ Thái bình Dương qua Ấn Độ Dương đều phải qua Đại Nam. Chiếm được Đại Nam là củng cố vị trí của Pháp ở miền Nam Trung Hoa. Hơn nữa trong cuộc đấu tranh giữa các cường quốc châu Âu trên con đường thôn tính thuộc địa, ta không chiếm nhanh thì Đại Nam sẽ rơi vào tay của kẻ khác mà đáng lo ngại nhất là vương quốc Anh.

Đại tá Rây no nói:

-Vậy chúng ta phải nhanh chóng tiến đánh Đại Nam đi. Theo chỗ tôi biết, quân Anh có thể từ My an ma tiến đánh Đông Dương, chiếm Đại Nam. Như vậy toàn bộ bán đảo Trung Ấn và Đông Dương, những vị trí giàu có, quan trọng về chiến lược sẽ thuộc về Anh quốc, chúng ta sẽ bị hất cẳng khỏi Đông Dương và Đông Nam Á.

Đơ giơ nu di nói:

-Cha và đại tá nói phải lắm, vả lại có chỉ dụ của hoàng thượng nên ta phải khẩn trương đánh Đại Nam. Hiềm vì lực lượng của ta quá ít. Ta có đọc qua lịch sử Đại Nam, biết được đó là một dân tộc bất khuất, ương ngạnh, đã từng đánh bại nhiều cuộc xâm lược to lớn của Trung Hoa, kể cả đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII là Nguyên-Mông. Ngày nay dân số Đại Nam khoảng 30 triệu. Nếu triều đình của họ quyết chiến, kêu gọi toàn dân chống lại thì cuộc chinh phục của chúng ta sẽ thất bại.

  Pen lơ ranh hào hứng nói:

-Đô đốc đừng lo, Đại Nam ngày nay là thời điểm suy yếu nhất trong lịch sử phong kiến. Triều đình thì bảo thủ, vẫn theo tư tưởng của Khổng Tử-Nho gia hàng nghìn năm trước với những lý thuyết viễn vông trên mây trên gió, không gắn gì với cuộc sống hiện thực, không giải quyết được những vấn đề đất nước đang đặt ra. Họ giam hãm đất nước trong vòng suy yếu lạc hậu để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của giai cấp họ. Thực hiện chính sách đối ngoại “bế quan tỏa cảng”, giam hãm đất nước trong vòng lạc hậu. Quan lại kết với bọn cường hào ác bá, thả sức bọc lột nông dân và cướp đoạt ruộng đất của họ. Sưu thuế rất nặng. chúng thu thuế theo phương châm định mức chi của triều đình để đánh thuế, bất chấp hoàn cảnh thực tế bần cùng đói khát của nông dân. Nhà nước không chăm sóc thủy lợi đê điều. Đê Văn Giang vỡ liên tục đến mức đồng bằng phì nhiêu Hải Dương-Hưng Yên biến thành rừng lau sậy mênh mông, dân cư chết đói hoặc phiêu tán hết. Quan lại tham nhũng, tha hóa, chỉ lo vinh thân phì gia. Vì thế, nông dân Đại Nam đã liên tục khởi nghĩa chống lại triều đình. Trong lịch sử Việt Nam, chưa có một triều đại nào vừa mới thành lập đã bị nông dân chống lại quyết liệt như vậy. Chính trị, tư tưởng, kinh tế đã suy sụp  thì quốc phòng quân đội cũng lạc hậu suy yếu. Quân đội Đại Nam trang bị chủ yếu là giáo, mác, 3 người lính mới có một khẩu hỏa mai. Đại bác thì đạn không nhồi thuốc cho nên bắn ra không nổ, không có sức công phá và sát thương, như ta ném quả tạ gang. Vả lại đại bác cũng chỉ đặt trên thành lũy hoặc trên chiến thuyền, không di chuyển cơ động chiến đấu được. Tinh thần binh lính thì sa sút vì cuộc sống binh lính và gia đình họ quá cực khổ. Tướng lĩnh ngày nay không có tướng tài, quan lại hèn nhát, kể cả tướng lĩnh võ quan. Đô đốc lo nếu như triều đình Nguyễn kêu gọi nhân dân chiến đấu thì đúng là ta khó khăn nhưng điều này không thể xảy ra vì nhà Nguyễn sợ nông dân hơn là sợ giặc bên ngoài. Cho nên, khi chiến tranh nổ ra, những kẻ chạy theo ta, giúp ta sẽ là bọn quan lại chứ không ai khác. Thời nào cũng có bọn Việt gian. Đó là lực lượng cộng tác đắc lực của chúng ta mà thiếu họ công cuộc chinh phục sẽ không thành công. Mong ngài Đô đốc yên tâm.

(Còn nữa)

CVL                                                                                                                                                                                     

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn