Vĩnh Phúc: Tư duy kinh tế thị trường của người Thổ Tang

Nguyễn Đình Bảng

14/12/2022 08:40

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận của tác giả Nguyễn Đình Bảng - Chủ tịch Hội Nhà báo Vĩnh Phúc “Tư duy kinh tế thị trường của người Thổ Tang” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.

tho-tang-vinh-tuong-vinh-phuc-1670558499.jpg
Tấp nập hoạt động giao thương tại thị trấn Thổ Tang

Thổ Tang là thị trấn thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 526,8 ha, dân số 18.414 người, 4.914 hộ tính đến tháng 11-2020. Người dân Thổ Tang với truyền thống đoàn kết, tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn có khát vọng làm giàu, nhạy bén, chịu khó lao động, sản xuất, đặc biệt trong kinh doanh, buôn bán... đã góp phần quan trọng xây dựng thị trấn Thổ Tang ngày càng trù phú và sầm uất không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà mang tầm cả nước trong nhiều năm qua.
Thị trấn Thổ Tang cách quốc lộ 2 khoảng 2 km; có đường tỉnh lộ 304 chạy qua trung tâm thị trấn; cách thị trấn Vĩnh Tường khoảng 4,2 km về phía Nam; cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 18km về phía Đông Nam. Phía Đông giáp xã Vĩnh Sơn; phía Bắc giáp xã Tân Tiến; phía Đông Bắc giáp Đại Đồng; phía Tây giáp xã Lũng Hoà; phía Nam giáp xã Thượng Trưng; phía Tây Nam giáp xã Tân Cương
Thổ Tang là trung tâm kinh tế của huyện Vĩnh Tường, trọng tâm là phát triển thương mại dịch vụ; là đô thị hạt nhân, đô thị phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trung tâm phát triển các chức năng đô thị mới đặc biệt là nhà ở của huyện.
Nói đến Thổ Tang, là nói đến làng kinh doanh, thương mại nổi tiếng cả nước; là nói đến sự nhạy bén về thị trường - tư duy kinh tế thị trường của người dân nơi đây, mà ít nơi trên phạm vi cả nước có được. Vậy, tư duy kinh tế thị trường của người dân Thổ Tang có từ bao giờ? Nó được hình thành trên những cơ sở nào? Diện mạo kinh tế thị trường hiện nay ở nơi đây ra sao? Định hướng cho sự phát triển Thổ Tang trong thời gian tới?... là những câu hỏi đặt ra mà trong tham luận này cần đi sâu tìm hiểu, lý giải.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là một mô hình kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu. Sản xuất và giá cả hàng hóa được xác định bởi quy luật giá trị, đồng thời có sự cạnh tranh giữa các cá nhân, doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu. Các loại hình cùng tham gia, vận động và phát triển trong một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định. Nền kinh tế cho phép cạnh tranh một cách tự do. Nó tạo ra động lực để các cá nhân, doanh nghiệp có thể đổi mới, phát triển.
Tư duy kinh tế thị trường của người dân Thổ Tang có từ bao giờ? Như trên đã trình bày, hoạt động giao thương, buôn bán của người dân Thổ Tang đã được hình thành từ rất sớm. Do nhu cầu trao đổi hàng hóa, Thổ Tang đã xác lập được vị trí là trung tâm kinh tế, trao đổi hàng hóa nổi tiếng của cả một vùng rộng lớn, không chỉ ở riêng Vĩnh Tường mà còn tạo thành cầu nối phát triển kinh tế giữa miền thượng du Bắc Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng giàu có và nhiều nơi khác trong cả nước. Kinh tế hàng hóa phát triển ở Thổ Tang khá sớm so với nhiều vùng quê khác trong tỉnh và cả nước. Trước thời kỳ đổi mới (năm 1986), hoạt động kinh doanh, buôn bán ở Thổ Tang đã phát triển mạnh; kể cả trong lúc cả nước thực hiện cơ chế kinh tế cũ – cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, việc ngăn sông cấm chợ rất gắt gao, thì người dân Thổ Tang vẫn đi buôn bán, kinh daonh ở nhiều nơi. Điểm đặc biệt là ở Thổ Tang có nhiều loại chợ như: chợ sáng, chợ chiều, chợ đêm, chơ trâu - bò, chợ Giang, đặc biệt là “chợ lao động” có từ rất lâu (những năm 60 của thế kỷ XX) đã cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc trong ngày của người dân nơi đây. Việc hình thành hệ thống các chợ đông đúc, sầm uất với nhiều loại hàng hóa khác nhau là những biểu hiện sinh động thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động buôn bán nơi đây, ít thấy có ở vùng quê khác. Trong các loại chợ ở đây, chợ Giang theo các cụ cao niên kể lại, chợ được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX, chợ đã từng họp ở sân đình làng, trải qua 10 lần thay đổi địa điểm, đến nay chợ Giang được đặt tại trung tâm thị trấn Thổ Tang, nằm giáp trục đường tỉnh lộ 304 đi qua thị trấn. Trong đình làng còn có biểu ghi lại nghề buôn của người dân Thổ Tang.
Như vậy, cùng với sự phát triển của nghề thủ công làm sành sứ, vàng mã, nghề trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt lụa từ trước thế kỷ X của người dân Thổ Tang, tư duy kinh tế thị trường của người dân Thổ Tang đã sớm được hình thành.
Tư duy kinh tế thị trường của người dân Thổ Tang được hình thành trên những cơ sở nào? Thông qua các tư liệu lịch sử, các bức trạm khắc tại đình Thổ Tang, qua nghiên cứu thực tiễn, đối chiếu với các sự kiện cho thấy tư duy kinh tế thị trường của người dân Thổ Tang được hình thành bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, xuất phát từ vị trí địa lý là nơi đặt phủ lỵ Vĩnh Tường (từ năm 1914), nơi có dòng sông Phan chảy qua, ở vị trí trung tâm huyện, cách đường quốc lộ nối Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không xa, là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giao thương, buốn bán cả trên bộ và dưới sông nước.
Thứ hai, là nơi có nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh, đó là nghề trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt lụa, nghề làm sành sứ, vàng mã nên rất cần sự giao thương trao đổi hàng hóa với các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh và cả nước.
Thứ ba, người dân Thổ Tang có tư duy năng động, sáng tạo, cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, có tư duy nhạy bén thị trường. Hiện nay, trong nhân dân vẫn truyền tai nhau câu nói về sự chịu khó của người dân Thổ Tang, nhất là người phụ nữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình: “phụ nữ Thổ Tang ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng một canh”. Vì hằng ngày cứ 9 đến 10 giờ tối mới đi làm về, sáng ra 2-3 giờ sáng đã thức dậy chuẩn bị đồ đi bán cho kịp chuyến chợ. Có câu chuyện kể rằng, ngay trong ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, đã có người dân Thổ Tang mang cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ vào Sài Gòn để bán. Câu chuyện này muốn nói về tư duy năng động, nhạy bén về thị trương, tư duy kinh tế thị trường của người dân nơi đây, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để kinh doanh buôn bán, làm giàu chính đáng.
Thứ tư, người dân Thổ Tang luôn có khát vọng làm giàu, khát vọng vươn lên, không chịu nghèo khổ. Không biết từ bao đời nay, cha truyền con nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoạt động kinh doanh, buốn bán đã ăn sâu vào trong tâm trí, khối óc, thậm chí là cả trong máu của người dân Thổ Tang. Ngay từ nhỏ, các cháu đã được cha mẹ, anh chị, ông bà hướng dẫn cách kinh doanh, buốn bán, và được nghe 4 chữ “phi thương bất phú”. Từ bao đời nay, đi đến đâu trong thị trấn cũng thấy người dân nơi đây trao đổi về cách làm kinh tế, không chỉ về kinh doanh, buốn bán mà cả sản xuất nông nghiệp. Ngay cả thời kỳ bị “ngăn sông cấm chợ”, người dân Thổ Tang vẫn tìm được cách để kinh doanh, buôn bán. Đi buôn thực sự là máu di truyền từ bao đời nay của người dân Thổ Tang. Rất khó tìm thấy vùng quê nào mà người dân vừa giỏi trong kinh doanh, buốn bán, vừa giỏi trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị thu nhập cao như ở Thổ Tang. Và cũng có rất ít vùng quê trên cả nước như Thổ Tang, từ lâu đã có “phố” trong làng.
Thứ năm, người dân Thổ Tang luôn tự hào về truyền thống của mình. Đó là truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu đói nghèo. Những truyền thống tiêu biểu đó là điểm tựa và nội lực quan trọng để Thổ Tang không ngừng hòa nhập, vững bước vượt qua khó khăn, thử thách vươn lên trở thành địa phương giàu có như ngày nay.
Phát huy tư duy kinh tế thị trường của người dân Thổ Tang, diện mạo kinh tế thị trấn Thổ Tang đã có bước phát triển cao. Trong giai đoạn 2015-2020, quy mô kinh tế của Thị trấn Thổ Tang ngày càng mở rộng. Năm 2020, giá trị sản xuất đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Tăng trưởng giá trị sản xuất của Thị trấn cao, gần như luôn trên hai con số; giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng bình quân 16,8%/năm. Tuy vậy, năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế nói chung và đến ngành dịch vụ nói riêng, đã khiến giá trị sản xuất năm 2020 của Thổ Tang tăng trưởng âm (-4%); năm 2021 ngành dịch vụ đạt 873 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguyên nhân do ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thị trấn Thổ Tang.
Thổ Tang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Tường, thể hiện ở mức đóng góp lớn và ngày càng gia tăng trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện, tăng từ 10,7% năm 2015 lên 12,4% năm 2020. Đặc biệt, ngành dịch vụ của Thổ Tang chiếm 35% trong giá trị sản xuất ngành dịch vụ của huyện Vĩnh Tường năm 2020 (tăng 12,3 điểm % so với năm 2015), thể hiện vai trò là trung tâm thương mại của huyện nói riêng và là nơi trung chuyển hàng hóa vào loại bậc nhất của miền Bắc nói chung. 
Thổ Tang có vai trò rất quan trọng trong phát triển các ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh. Mặc dù mức đóng góp trong giá trị sản xuất toàn tỉnh của thị trấn Thổ Tang chỉ khoảng 0,65% năm 2020, song ngành dịch vụ của Thị trấn chiếm 4,37% trong tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ của toàn tỉnh và có xu hướng ngày càng tăng (từ 3,05% năm 2015 lên 4,37% năm 2020). Đặc biệt, trong hai năm khó khăn 2019 và 2020, trước những biến động phức tạp của thế giới (Chiến tranh thương mại và dịch Covid-19), thương mại, dịch vụ Thổ Tang thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình, cho thấy sự ổn định so với tổng thể phát triển ngành thương mại của tỉnh.
Cơ cấu kinh tế của Thổ Tang tiếp tục chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp, thủy sản. Cụ thể: ngành thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Thị trấn năm 2020 với 83,79%, tăng nhanh từ mức 75,38% năm 2015 (tăng 8,41 điểm %); ngành công nghiệp – xây dựng giảm nhẹ tỷ trọng từ 11,96% xuống còn 9,47% trong cùng giai đoạn (giảm 2,49 điểm %); tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản giảm từ 12,66% năm 2015 xuống còn 6,74% năm 2020 (giảm gần 6 điểm %).
Có thể thấy, trong khi tỷ trọng của ngành công nghiệp, xây dựng chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế của huyện Vĩnh Tường, thì Thổ Tang thương mại, dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và cách biệt xa so với hai ngành còn lại trong cơ cấu kinh tế của thị trấn. Hơn nữa, tỷ trọng này đang có xu hướng tiếp tục gia tăng, ngược với xu hướng giảm tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế huyện Vĩnh Tường.  
Kinh tế phát triển, kéo theo các dịch vụ xã hội và đời sống người dân tại Thị trấn cũng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 30,3 triệu đồng năm 2015 lên 53,1 triệu đồng năm 2020 (tăng gần 1,8 lần) và năm 2021 tăng lên 61,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,29% năm 2015 xuống còn 2,18% năm 2020 và 1,87% năm 2021. Tuy vậy, Thị trấn Thổ Tang vẫn là khu vực có số lượng hộ nghèo lớn nhất huyện Vĩnh Tường, chiếm gần 12% tổng số hộ nghèo toàn huyện năm 2020. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89%. 
Trong hoạt động thương mại, Thổ Tang có khoảng 2.000 hộ kinh doanh trên tổng số 5.000 hộ toàn thị trấn; đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết các vấn đề về tiêu thụ và phân phối hàng hóa, đảm bảo không thiếu hụt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn thị trấn Thổ Tang cũng tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp lớn vào khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2020, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.545,2 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, kéo theo mức đóng góp của Thị trấn vào khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn tỉnh tăng 2 điểm % (từ 3% năm 2015 lên 5% năm 2020). Các mặt hàng kinh doanh của các hộ gia đình khá đa dạng, như: xe đạp trẻ em, chăn ga gối đệm, may mặc, giày dép, tạp hóa, máy móc công nông nghiệp, thiết bị điện, nông sản, đồ gia dụng, thực phẩm khô.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại ở Thổ Tang còn có những hạn chế, bật cập. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ như hạ tầng giao thông (chủ yếu là các tuyến đường nhỏ hẹp, không đảm bảo nhu cầu giao thông ngày càng tăng); hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, kho tàng chưa được đầu tư đồng bộ, hạ tầng thương mại xuống cấp, hệ thống môi trường, cây xanh, xử lý rác thải, nghĩa trang... chưa được quan tâm đầu tư tạo thành rào cản cho sự phát triển kinh doanh, thương mại của thị trấn Thổ Tang. Hoạt động kinh doanh, thương mại chưa có sự liên doanh, liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp, còn nhỏ lẻ mang khuynh hướng hộ gia đình, cá thể. Các hộ kinh doanh còn hạn chế trong cách quản lý (chủ yếu tự làm, tự quản lý), trong hoạt động thương mại còn mang đậm tính tự phát, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Dịch vụ hỗ trợ, khách sạn, nhà hàng... tại đây chưa phát triển, chưa được đầu tư. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn vào đầu tư phát triển cho thương mại - dịch vụ tại địa phương còn hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế trên, có nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm đầu tư, tạo ra động lực cho sự phát triển ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn thị trấn Thổ Tang. Công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, định hướng phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn thị trấn còn hạn chế; chưa phát huy tối đa thế mạnh của người dân thị trấn, còn để lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển mang tính tự phát. Nhận thức, trình độ của một bộ phận hộ kinh doanh còn hạn chế, chưa bắt nhịp được xu thế hiện đại nên chưa phát huy được thế mạnh để thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ .
Định hướng cho sự phát triển Thổ Tang trong thời gian tới? Để Thị trấn Thổ Tang ngày càng phát triển, trong thời gian tới cần xác định phương hướng phát triển cho Thị trấn theo hướng: Xây dựng thị trấn Thổ Tang thành trung tâm thương mại cấp khu vực phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với định hướng phát triển thị trấn Thổ Tang theo tiêu chí đô thị loại IV. 
Phát triển thương mại theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại trên cơ sở kế thừa và khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng của thị trấn, đồng thời cải tạo các loại hình thương mại truyền thống, nhằm tạo ra sự thay đổi cơ bản về trình độ tổ chức kinh doanh đảm bảo phát triển đồng bộ, theo hướng văn minh hiện đại, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hộ cá thể; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. 
Phấn đấu lĩnh vực thương mại - dịch vụ luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ đưa thị trấn Thổ Tang trở thành trung tâm thương mại cấp khu vực với cơ sở hạ tầng hiện đại, thương mại, dịch vụ phát triển.
Thực hiện được các mục tiêu trên, là cơ sở quan trọng để phát huy tư duy kinh thế thị trường của người dân Thổ Tang đã có từ bao đời nay. Tư duy đó sẽ tiếp tục được phát triển trong thời gian tới, gióp phần xây dựng Thị trấn Thổ Tang ngày càng giàu đẹp, văn minh, đáng sống.
 

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Tư duy kinh tế thị trường của người Thổ Tang" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn