Tự Đức là vị vua hay chữ, yêu thích văn thơ, nhưng bản tính nhu nhược, thiếu linh hoạt trong việc đối nội, đối ngoại, vì vậy dưới triều đại ông, anh em nội tộc bất hòa, quan lại xiểm nịnh, lòng dân không yên, Ông chỉ đạt một số kỷ lục đơn giản là vị vua tại vị lâu nhất (từ 1847 – 1883), xây lăng đẹp nhất trong các vị vua nhà Nguyễn.
Trong sách Đại Nam thực lục ghi chép: Vào tháng 9 năm Tự Đức thứ 17 (1864), nhà vua chuẩn định ngôi Vạn niên cát địa. Sau khi các quan chuyên về địa lý đi coi đất và chọn được vị trí ở làng Dương Xuân Thượng, vua Tự Ðức đã “châu phê chuẩn định” đồ án kiến trúc lăng tẩm theo sở thích của mình vào tháng 10/1864, nhưng còn phải coi ngày tốt nữa, nên đến tháng 12 năm ấy mới khởi công xây dựng.
Toàn bộ công tác kiến trúc lăng được dự liệu sẽ thi công trong 6 năm với 3.000 lính và thợ, họ sẽ được thay phiên về nghỉ 3 tháng một lần, nhưng viên nịnh thần - Biện lý bộ Công là Nguyễn Văn Chất tâu rằng có thể thực hiện trong 3 năm mà thôi, Triều đình liền chuẩn tấu, cử ông Chất và thống chế Lê Văn Xa ở bộ Binh đứng ra coi sóc việc thi công.
Ngày nay nhìn lại hoàn cảnh khó khăn bấy giờ của đất nước và qui mô kiến trúc lớn lao tốn kém của lăng, thì các danh xưng Khiêm cung, Khiêm Lăng được dùng để đặt tên cho nó, là một mâu thuẫn nội tại của nhà vua. Nhà cửa ở Khiêm Cung thì đều làm bằng gỗ quý, khu vực lăng mộ đều xây bằng gạch, đá từ các nơi đem về triều cống, đáng nói là tấm bia khắc thơ của vua, to lớn nhất Việt Nam cao chừng 5m, được bảo vệ bằng một tòa nhà kiên cố với cột to, vách dày và xây cửa cuốn- gọi là Bi đình. Rồi cả hệ thống thoát nước trong lăng tẩm cũng được thiết kế, xây dựng rất tốn công, tốn của:
Vạn Niên là Vạn Niên nào?
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Câu ca dao này nói về việc vua Tự Đức xây Vạn Niên cơ tức Khiêm Lãng.
Theo sự đốc thúc của biện lý Nguyễn Văn Chất, người dân và binh lính đã không được thay phiên nhau về nghỉ lại còn bị cưỡng chế lao động đến mức tối đa trong những điều kiện khó khăn thiếu thốn, nên 3.000 lính và thợ bất mãn, nghe theo tiếng gọi nổi dậy của Ðoàn Trưng. Ðêm 16 rạng ngày 17/9/1866 họ dùng chiêu bài tôn phò "Ngũ đại hoàn tôn" kéo về Kinh thành để lật đổ Tự Ðức nhằm đưa Ưng Ðạo, cháu nội 5 đời của vua Gia Long lên ngôi. Nhưng khi vào đến được điện Thái Hòa thì bị quân của triều đình phản ứng nên thất bại. Cuộc nổi loạn bị dập tắt hoàn toàn nhưng uy tín của nhà vua bị tổn thương trầm trọng, vì đây là lần đâu tiên trong lịch sử triều Nguyễn, một cuộc chính biến nổ ra ngay giữa kinh đô Huế.
Người cầm đầu loạn chày vôi là Đoàn Hữu Trưng, quê làng An Truyền, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Vào năm Giáp Tý 1864, ông được Tùng Thiện Vương Miên Thẩm gả con gái là Công nữ Thể Cúc. Ông cùng hai em là Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực và các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu mưu cuộc đảo chính. Năm Bính Dần 1866, ngày 8 tháng 9 âm lịch cuộc khởi nghĩa được phát động, sau khi thất bại, cả nhà Ưng Đạo đều bị hại, Tùng Thiện Vương bị liên lụy, ông Trưng và hai người em bị giết.
Sau 3 năm đốc thúc quyết liệt, lăng Tự Ðức hoàn thành- năm 1867 trên diện tích 475ha, hiện nay thuộc thôn Thủy Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Hai phần chính: tẩm điện và lăng mộ được bố trí song song với nhau. Cung Khiêm Môn là không gian nghỉ ngơi và làm việc của nhà vua, trong đó có nhà hát Minh Khiêm trình diễn nhã nhạc và hát bộ.
Hoạt động của ban quản lý lăng Tự Đức hiện nay có sự khác nhau giữa mùa hè và mùa đông. Mùa hè mở cửa từ 6h30 – 17h30, mùa đông trễ hơn 30 phút, từ 7h – 17h. Lăng chỉ cách cầu Trường Tiền 6 km nên việc đi lại dễ dàng, khách có thể đi xe máy, xe đạp theo đường Bùi Thị Xuân từ Ga Huế, rồi rẽ trái vào đường Huyền Trân Công Chúa sẽ đến nơi.