Mặc dù đã 16 năm trôi qua, nhưng ấn tượng về chuyến khám phá Vương quốc Anh, qua cả Scottland, Lochness, vượt những ngọn núi cao nhất, luồn vào những hang động dài nhất, đến Yorkshire, Manchester, London... vẫn đậm nét trong tôi.
Hà nội 06 tháng 07 năm 2005
Sau bao lâu chuẩn bị, hôm nay rồi cũng đến ngày xuất phát. Không biết chuyến đi sẽ như thế nào nhưng bắt đầu không thuận lợi lắm với những trục trặc linh tinh. Trước 1 tuần, trộm vào nhà vào tận trong phòng riêng và mò đến tận đầu giường rồi lục túi lấy đi ví tiền, ví giấy tờ và điện thoại. May mắn sáng hôm sau tìm lại được toàn bộ giấy tờ nó để lại ngoài cổng.
Điện thoại không còn nên dùng cái CDMA thay thế nhưng hôm qua cũng bị giở chứng, bị khoá cả hai chiều với chẳng lý do gì và cũng không hiểu sao luôn. Nhiều ghi chép trong điện thoại, sổ địa chỉ.v.v không còn cũng bí thật. Bạn gái thì đi công tác trước hôm đi 2 ngày nên chẳng có ai đưa tiễn. Quà mua cho mọi người gửi từ trong Đà nẵng ra bị vỡ sạch, thật chán. Hôm qua mới phải đi mua lại ngoài này. May rồi cũng mua được đủ quà, chỉ sợ mang sang đến nơi lại cũng bị vỡ thì toi, nên chuẩn bị thêm một lọ keo con Voi! Đồ mang đi chỉ là quần áo nhưng do có quà cho họ nên cũng bị nặng lên nhiều, tới 26kg!
Cả buổi sáng chẳng làm gì, gọi điện đến văn phòng rồi ngồi xem tivi. Đúng là nhàn rỗi đâu có sướng? Xe đến đón lúc gần 13 giờ, trời nắng nóng sau được vài ngày mưa mát mẻ để chuẩn bị đón một cơn bão đang đến. Hy vọng sẽ không gặp bão trên đường bay! Đến sân bay tưởng sớm để mua một số thứ còn thiếu nhưng cuối cùng chẳng mua được gì cả. Vì không nhớ ra từ ở nhà nên máy ảnh và GPS chưa có Pin, vì là Pin phổ thông AAA dễ mua nên chủ quan.
Vì chỉ đi Quốc nội, mà Quốc nội đã bỏ lệ phí phục vụ sân bay nên cứ tưởng Quốc ngoại cũng vậy, thành ra mất mấy lượt như thằng khùng chạy ra chạy vào vì tờ khai xuât nhập cảnh và cái lệ phí chết tiệt đó. Vào phòng chờ quả là cho xuất cảnh nên cũng có khác hơn, tuy các cô bán hàng ngồi ngủ gật bên ngoài quầy trên các ghế chờ của khách giống như trong ga Hàng cỏ ngày xưa nhưng các cửa hàng cửa hiệu nhiều và hàng hoá đa dạng hơn của khu Quốc nội. Tôi đi tất cả các quầy hỏi mua Pin, mọi người đang ngủ gật bị thức dậy nhin tôi như người ngoại quốc – “làm gì có ai bán Pin ở đây mà hỏi, ra ngoài kia mà mua…” – Choáng!!!
Tôi xin Hải quan cho ra ngoài nhưng họ không đồng ý. Tiếp theo, tôi lại hỏi một bảo vệ xem có thể gọi điện thoại ở đâu, cũng giống như khi hỏi mua Pin, họ nhìn tôi như người hành tinh khác – “ở đây không có phục vụ điện thoại!” - Đỡ choáng hơn!!! Cuối cùng đành ngồi chờ xem tivi tiếp! Trong đám hành khách tôi thấy 1 toán người Việt nam mặc đồng phục công nhân có chữ trên mũ là Sông đà, chắc là đoàn đi lao động, họ có khoảng 20 người cả nam và nữ rất trẻ. Một nhóm là người Malaysia, còn lại một số ít là người phương tây.
Lên máy bay, điều bất ngờ là đội ngũ tiếp viên, họ không xinh bằng tiếp viên Việt nam nhưng ấn tượng bởi nụ cười trên gương mặt tự nhiên và sự sẵn sàng giúp đỡ của họ, không giống các cô nhà ta cũng với nụ cười nhưng mà chỉ để làm duyên! Máy bay của nó nhỏ xíu và cũ rích như xe đò trong miền nam thời Thiệu. Đám khách Malay đi lại, cười nói ồn ào kiểu đặc trưng của người Trung quốc, được một lúc họ quây lại với nhau chơi bài và ồn ào như trên xe buýt tuyến Hà đông ngày xưa với bọn đỏ đen. Tôi bắt chuyện một ông trong đám đó, ông ta nói chuyện không cần tôi hỏi thêm khi biết tôi là người Việt – “Bọn tôi đi du lịch sang Việt nam 4 ngày 3 đêm, ở Hà nội buồn quá, chẳng có gì làm, chẳng có gì chơi, mang tiền đi rồi mang về, mọi người đành chơi bài trong khách sạn. Nghe nói Sài gòn, à tp. HCM chắc hay hơn nhiều?” – Thực sự không phải là lần đầu tôi được nghe hay đọc về điều trên nhưng vẫn cứ thấy thế nào đó! Tôi lảng đi và nhìn qua cửa sổ, nhìn những cánh đồng đầy nước lấp lánh, bay dọc biển Việt nam, xuyên qua rừng núi miền Trung qua vịnh Thái lan…
Kuala Lumpur 06 tháng 07 năm 2005
Máy bay hạ cánh đúng giờ. Đến đây tôi bị già đi một tiếng đồng hồ, tuy khi hạ cánh nhiều mây tưởng sẽ mưa nhưng thời tiết bên ngoài cũng giống Hà nội hôm nay. Xuống máy bay, tôi quen như sân trong nước, cứ đi theo bọn Mã lai, thấy chúng nó áp cái hộ chiếu lên máy rồi xạch một cái nó đi qua, tôi liền định bắt chước, nhưng may là cái vốn IT nó mách cho là hộ chiếu của mình không có chỗ nào để máy nó đọc cả! Quay sang nhìn xem có ai là người Việt không để hỏi nhưng chỉ có toán công nhân họ đang bị dồn vào một góc sân bay chắc để hướng dẫn. Tôi hỏi một bà mặc áo sắc phục, trùm khăn trên đầu. Bà ta chỉ ra bàn gần đó nói phải điền tờ khai nhập cảnh. Đúng là quê quá! Điền xong, lúc này tôi mới để ý phải xếp hàng, hàng dài vì nhiều người ngoại quốc đến KL trên nhiều tuyến dồn về. Có đến 500 người xếp hàng vòng vèo. Thời gian xếp hàng mất hơn một tiếng, lúc xuống là 7h kém 20 nhưng xếp hàng đến lượt đã gần 8h tối. Lúc đó mới nhìn các cô Hải quan của họ, ăn mặc đồng phục nhưng vấn khăn trên đầu như các bà đẻ và tính tình thì chẳng khác gì các nhân viên Hải quan Việt nam, cũng cáu bẳn như nhau! Đám công nhân Việt nam, đúng là có đi ra ngoài mới thấy trình độ hoà nhập của Việt nam còn thấp quá, đi làm rồi nhưng đến nơi mới khép nép rụt rè như đám trẻ con xa mẹ, chẳng biết làm gì nếu không có người đi kèm, có thể lần sau họ sẽ sành điệu hơn? Điều này thua xa các nước xung quanh, họ vào môi trường mới, dù khác biệt ngôn ngữ họ vẫn rất tự tin và đàng hoàng đi lại, hỏi thăm (có thể bằng tay) chứ không quá thụ động như quân ta. Khi tôi xong thủ tục, đám công nhân vẫn ngồi trong góc sân bay với những chiếc mũ Sông đà trên đầu…
Ra ngoài sau gần 2 tiếng nên hành lý đã được họ bỏ xuống khỏi băng chuyền, tôi lấy ba lô của mình và đi tìm lái xe. Lạ kỳ là chẳng có ai kiểm tra xem tôi lấy ba lô nào, bao nhiêu cái… cứ thế mang đi, cái tích kê trong vé chẳng thấy ai hỏi cả? Không nhẽ họ tự giác đến thế?
Giống Việt nam, đám Taxi đến gạ gẫm về khách sạn khá đông. Sau khi xem Voucher của tôi, một người nói, “mày bị muộn 2 tiếng, chẳng ai đợi đâu, tao đưa mày về rồi khách sạn trả tiền cho mày sau.” May mà tôi chần chừ tìm nơi điện thoại nên có một nhân viên sân bay ra hướng dẫn tìm đại diện khách sạn. Họ nhiệt tình chỉ đường và nơi xe đỗ cho tôi…
Malay nó củ chuối hơn Việt nam về công nghệ thông tin, Tại sân bay hay khách sạn lớn của Việt nam có WIFI vào thoải mái, nhưng ở đây đừng hòng, tiền ngay mới cho vào, Internet 0.5$/phút nhé, điện thoại Internet hả? Không có, gọi điện thoại bàn đi, chỉ có 3$/phút thôi. Khách sạn tôi ở khổng lồ, khuôn viên nó rộng bằng khu công nghiêp Quang minh! Mênh mông với nhiều toà nhà – Pan Pacific Glenmarie, thế nhưng dịch vụ Internet và điện thoại cũng thế! Được mỗi lễ tân xinh xắn và nhanh nhẹn hướng dẫn trả tiền trước để được gọi điện thoại từ trong phòng và xài Internet trả tiền. Khách sạn to hiện đại là thế, nhưng lễ tân vẫn sử dụng các chương trình quản lý phòng, tính tiền bằng máy tính mà V-TRAC đã vứt đi 4 năm trước và phần mềm chạy trên FoxPro DOS mà Hệu ỏng đã chán phè. Không hiểu ở nhà có ai tìm tôi mà Hương nói nhắn tin từ số lạ.
Manchester 07 tháng 07 năm 2005
Chuyến đi hoá ra thật là dài, xuất phát tại Kuala Lumpur lúc 9h45 giờ Việt nam và theo dự định thì sẽ đến Man lúc 22h30, nghĩa là chuyến bay mất có 13 giờ bay! Từ trước đến giờ đã đi xa như này đâu, bay lâu nhất cũng chỉ 6 giờ thôi.
Sáng nay đi ra sân bay sớm, cũng đúng vì làm thủ tục phải xếp hàng đông nên không thể đến muộn như ở nhà. Sân bay rộng, từ chỗ làm thủ tục trên tầng 5 đến chỗ ra máy bay phải đi tầu điện khoảng 7 phút. Máy bay Boing 747 là loại khổng lồ với 4 động cơ và 2 tầng nên không có đủ khách, tôi chiếm ngay một hàng ghế trống và xuay xở đống gối, chăn làm chỗ nghỉ ngơi, có thể nằm thoải mái. Một mình có 3 màn hình tivi riêng biệt với 12 kênh nhạc, 10 kênh Video, 1 kênh chơi vài Games cũ rích và một kênh thông tin hướng dẫn về tất cả các thành phố trên thế giới, có cả Hà nội. Video của nó khá cập nhật, tôi xem được cả phim “hoa hậu FBI” Mà Hà nội đang chiếu trong các rạp.
Từ trên máy bay nhìn xuống Malay thật đẹp, họ không có các ô vuông của ruộng đồng như bên ta, nhưng bát ngát màu xanh của rừng cây, rừng dừa, cọ, và cây gì đó tương tự cọ. Rất khó có thể thấy được một vùng đồi núi nào của Malay trọc như bên ta, hoàn toàn màu xanh của rừng. Những khoảng trống có thể thấy là những khu công nghiệp, các khối nhà, khu chung cư, Biệt thự (như khu Ciputra). Việt nam tự hào với rừng vàng, chắc chắn sẽ xấu hổ khi so với rừng của Malay, chúng ta tự hào với bờ biển dài, nhưng hầu hết hoang hoá sau khi phá sạch rừng nguyên sinh, chỉ có rất ít thành phố ven biển như Đà nẵng, Nha trang, hay Hải phòng, Hạ long… Bờ biển của Malay hoặc là cảng biển, hoặc khu du lịch, hoặc nếu không là khu dân cư thì cũng được phủ kín màu xanh của rừng, khó mà nhìn thấy được khoảng trống nào không được trồng cây hay để hoang hoá. Họ có hơn gì Việt nam nhưng lại phát triển hơn nhiều quá?
Trên máy bay họ phục vụ khá chu đáo, cứ nửa tiếng hoặc một giờ lại một lượt đem nước uống, kem, lạc rang hay bánh ngọt, đồ uống có cả rượu tây hay bia bất cứ lúc nào yêu cầu. Thời gian bay lâu nên mọi người ngủ chán dậy bắt chuyện với nhau. Mấy người hỏi nhau vị trí hiện tại trên bản đồ, người đoán thế này người thế nọ (con 747 này họ không chạy chương trình thông tin định vị vệ tinh.), bực mình tôi lôi GPS ra và chỉ chính xác nơi đang bay, độ cao, vận tốc và hướng bay… bọn họ lác mắt vì bất ngờ. Cũng nhờ GPS mà tôi biết mình đang bay qua Apganistan, một màu nâu của sa mạc, của dãy núi trùng điệp không màu xanh, chỉ thỉnh thoảng dọc theo khe núi có dòng sông nhỏ và dân cư sống bám theo. Trông cứ như các tảng đá ven suối bị bám rêu. Nếu có cái bàn chải khổng lồ mà cọ rửa các mảng rêu – khu dân cư – thì chắc chắn cả khu vực của quốc gia này là vùng không sự sống. Tuy thế cũng có rất nhiều đường mòn ở đây, tôi đoán là đường đi đến và các đường ống dẫn dầu và giếng dầu. Trên máy bay có thể nhìn khá rõ từng mỏm núi nhỏ, không hiểu Bin laden trốn thế nào? Bay qua các nước châu Âu nhìn xuống khác hẳn, những cánh đồng rộng và vuông vắn mênh mông, bay qua sông Von ga, Rostop trên sông Đông, qua Kiev, Vac sa va, rồi bầu trời Đức. Do chênh lệch thời gian nên tôi có 2 bữa trưa cùng thời gian là 13h trong ngày 07/07/08. Khi còn khoảng 2 giờ bay, kiểm tra GPS thì đang trên bầu trời Đức, phục vụ phát Postcard của hãng, tôi làm 2 cái gửi cho bạn gái và cơ quan tại độ cao 15000m, 52o Bắc và 15o Đông với tốc độ khoảng 895kph.
Lúc hạ cánh, điều ấn tượng với mật độ tại sân bay là có hệ thống như kiểu đèn xanh đỏ giao thông trong thanh phố. Máy bay hạ cánh phải chờ 5 chiếc khác cất cánh để có thể cập bến, khi đó, 5 chiếc khác lần lượt hạ cánh cùng bị tắc đường chờ phía sau! Nghĩa là khoảng 1-2 phút có 1 chiếc cất cánh và hạ cánh. Tại một góc sân bay vẫn còn một chiếc Concorq đỗ ở đó, chắc là để kỷ niệm. Vào đến sân bay, tại hải quan tôi bị nhầm khi đi theo 1 gia đình Việt kiều 7 người vừa ở Việt nam sang, họ có hộ chiều Anh nên nhanh chóng qua không phải kiểm tra gì cả, cũng giống ở KL đến lượt tôi họ mới nói, người ngoài các nước EC phải xếp hàng riêng. Lúc đó phải xếp lại cuối hàng, nhưng cũng vì thế mới chú ý là có 2 loại cửa khẩu cho EC và các nước khác. Đồ đạc của tôi phải mở tung hết ra để kiểm tra nên Martin phải chờ ngoài cổng gần 2 giờ liền. May mắn mọi việc suôn sẻ sau đó.
Martin đưa tôi về nhà Watto cách sân bay khoảng 2 giờ ô tô, đường cao tốc nhiều xe nhìn Martin lái kim chỉ tốc độ khoảng 80 sao mà nhanh thế? Hoá ra đồng hồ chỉ tốc độ là Mile/giờ. Trên đường có các bảng báo hiệu điện tử cảnh báo cho lái xe biết tắc đường hay không và radio chỉ dẫn nên đi đường nào, tôi thấy nhiều cảnh báo là không nên đến London vào hôm nay. Hai bên đường là các cánh đồng, toàn là trồng cỏ chia thành nhiều ô, có ô có bò sữa đang ăn, có ô là đàn cừu. Từ sân bay về nhà Watto cảnh hai bên đường yên bình, nhà cửa chỉ 2 hay 3 tầng kiểu biệt thự, không có một cao ốc nào cả!
Hồi đầu tôi tưởng nhóm người Anh sang Việt nam đi thám hiểm nên họ ăn mặc quần áo như vậy, quần thun hay thụng nhiều túi với áo phông, áo khoác nỉ.v.v. đến hôm nay nhìn Martin trên đât nước anh ta vẫn ăn mặc như vậy, và người đi đường cũng thế. Rất ít người như là nhân viên văn phòng ăn mặc sơ mi cà vạt và quần âu như Việt nam. Có lẽ chỉ ở Hà nội là mọi người luôn đóng thùng áo trong quần lịch sự cả ngày.
Martin cũng lần đầu đến nhà Wattor nên phải tìm đường theo bản đồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến ngôi nhà giống như đã gặp trên đường, nhà xây bằng đá tự nhiên (như là đá bazan) họ đẽo thành những viên vuông, nhưng không bằng nhau. Tường nhà trông như được ốp đá màu xám sần sùi mà Hà nội họ bán để làm giả nhà đá. Mái nhà cũng lợp bằng đá phiến lớn bằng khoảng 2/3 tờ A4, hò phải lóc những phiến đá này trong núi về. Trước cửa nhà và cửa sổ được treo các giỏ hoa đầy màu sắc rất đẹp. Tôi nhìn thấy có cả điện thoại công cộng thùng màu đỏ nổi tiếng mà gần đây họ nói bị thay thế dần bằng loại hiện đại hơn… Watto nghe tiếng xe chạy ra đón tôi, ông ta nồng nhiệt mang đồ vào nhà và chỉ cho tôi xem khắp nhà. Bên trong nhà được trải thảm khắp nơi, tường dán giấy bồi, nhiều cửa sổ, phòng nào cũng sáng và có ánh nắng mặt trời. Watto có một miếng vườn nhỏ phía sau, khoảng 300 m2 nhưng nuôi khá nhiều thứ, một con chó 8 năm tuổi, 4 con chuột 4 năm tuổi, đàn bồ câu, 2 con vịt một con đang ấp trứng, và một đàn gà đẻ. Thật thanh bình.
Phòng dành cho tôi nhỏ nhắn đầy đồ đạc và có một điểm đặc biệt là rất nhiều, phải vài chục tượng voi to nhỏ, tranh ảnh về voi, đồ dùng hình con voi... Sau khi chỉ cho tôi phòng, Watto dẫn tôi đi thăm nơi ông ta làm việc và nhà ông chủ. Nơi làm việc không xa, chỉ khoảng 5 phút, là một nông trang. Trên đường đi rất nhiều thỏ chạy sang đường, thỏ ở đây là thỏ hoang, chẳng ai săn bắn thỏ cả nên nó phát triển rất nhiều. Cáo và Hươu cũng có trên cánh đồng, nông dân phải canh chừng và săn cáo cũng là một môn thể thao của họ ở đay. Nhà ông chủ rất đẹp, nó được xây dựng phải vài trăm năm rồi. Nhà được xây thành hình vuông bao quanh một cái sân khá rộng. Bên trong khung nhà bằng gỗ cũng vài trăm năm, ông bà chủ chỉ tân trang lại mấy phòng gồm bếp, phòng khách, thư viện, phòng ngủ. Chúng chiếm có 1 góc của toà nhà, còn lại để nguyên. Tầng 1 là xưởng đủ mọi thứ. Ông chủ này ở đây đã nhiều thế hệ, có khoảng 2000 hetar nông trại, thuê 10 người làm công, có xưởng chế biến sản phẩm sữa. Hai ông bà chủ trông rất quý phái nhưng hiếu khách, dẫn tôi đi xem tất cả các phòng và tự hào nói về tuổi ngôi nhà họ có, về các view mà cửa số trông ra… Xem một số nhà của người Anh tôi thấy người ta nói “Ăn Tầu, vợ Nhật, nhà Anh, đường sắt Bỉ, …” thực ra nhà Anh cũng rất đơn giản, nhiều đồ đạc và bài trí không hơn Việt nam, vật liệu còn kém xa, họ có hai ưu thế đó là: khí hậu, thời tiết khô ráo nên mọi vật liệu rất bền cho dù chỉ là gỗ thông, tường nhà dán giấy nên đẹp hơn, vật dụng đơn giản nhưng bền lâu và thứ hai là không gian, họ có không gian cho một ngôi nhà rất rộng, đến 500-1000 m2 cho một ngôi nhà, nên tha hồ thiết kế có cả vườn và các cửa sổ cho các phòng. Sau khi xem một vòng, về nhà Watto rủ cả vợ đi uống bia, vào một quán nhỏ gần nhà, có đủ loại bia. Do mệt nên tôi chỉ thử một cốc nhỏ, bia khá ngon. Watto có 2 con trai, Sam 18 tuổi cũng làm trong trang trại. Adam 16 tuổi vừa mới học xong và đang theo học trường 3 năm gần nhà, nhưng cũng đi làm. 2 cậu này cao to hơn cả Watto nhưng khá ngoan ngoãn và chăm chỉ.
Watto đưa đến nhà mẹ ông ta, nhà cách đó khoảng 20 phút trong một thị trấn khá đẹp. Đến nơi đã gần 10h tối, trời vẫn sáng. Bà mẹ ở một mình tự chăm sóc mình, nấu nướng và chăm một mảnh vườn nhỏ. Bà gần 80 trông không khoẻ lắm nhưng minh mẫn, mắt vẫn tinh tường đọc sách báo. Bà có vẻ rất tự hào về con trai và gia đình. Trở về lúc gần 11h, trời hơi lạnh, xe chạy trên đường nông thôn Anh tuyệt vời đẹp. Hai bên đường hoặc là hàng rào bằng đá rất cổ, hoặc là những hàng cây xanh làm con đường như là đường hầm xanh, hoặc là các thảm cỏ với hoa dại đủ màu sắc như trong tranh, hoặc nếu đi qua thị trấn thì nhà hai ven đường luôn có các giỏ hoa treo muôn màu sắc trên các cửa sổ, cổng, hay mảnh vườn nhỏ. Mùa này tháng Bảy và tháng Tám tranh thủ muôn hoa rực rỡ nên mọi nơi đều rực rỡ theo.
Tối về tranh thủ vào Internet máy nhà Watto, vì vùng nông thôn nên phải sử dụng Dial up nên tốc độ chậm như dial up ở nhà. Tranh thủ đọc mail của cơ quan, và của Hương, có cả mail của Dũng ở nhà, lúc này tôi mới biết là London vừa bị đánh bom tại 4 nơi và làm chết hàng chục người cùng trên 700 người bị thương, đấy cũng là lý do mà tôi bị kiểm tra gắt gao ở sân bay và trên đường có cảnh báo không đến London hôm nay. Lúc này đã gần 11h mà trời vẫn sáng, vẫn còn ráng hồng của mặt trời, thật lạ!
York City 08 tháng 07 năm 2005
Xong một ngày dài gần 30 tiếng hôm qua, tôi đã có một giấc ngủ khá ngon, mới 5h vì phòng có cửa sổ trông ra vườn nên tiếng chim, vịt, gà và chó đánh thức tôi sớm. Xuống nhà thấy Watto đang chuẩn bị bữa sáng. Tôi chén gọn bánh mỳ, 2 quả trứng gà, một xúc xích và thịt hun khói ngon lành…
7h sáng Watto cùng tôi xuất phát, lúc đó cả nhà vẫn đang ngủ. Chúng tôi sẽ có một ngày thăm York city, thành phố cách nhà khoảng 100 km. Xe của Watto là Pơ-giô máy có 1 chấm nhưng đường tốt nên chạy rất nhanh, đều đều lúc nào cũng 50 dặm. Trên đường thỉnh thoảng có một tốp xe máy chạy, toàn xe to cỡ vài trăm phân khối trở lên, họ phải ăn mặc quần áo và mũ riêng, tốc độ cũng trên 80dặm vì họ luôn vượt xe tôi. Tất cả xe máy đều giống như ta thường xem đua xe trên ti vi. Watto nói, cuối tuần nào cũng có tai nạn xe máy chết người cả vì bọn thanh niên đi xe rất nhanh. Không như bên ta cánh lái xe phải ra hiệu có bắn tốc độ phía trước cho các xe ngược chiều, ở đây có luôn biển báo camera tốc độ cách ½ dặm…
Qua Harrogate, qua vài thị trấn nhỏ trên đường, gần 9 giờ chúng tôi đến York. Đỗ xe rất đắt, chúng tôi đỗ đến 13h phải trả 7,5 bảng (xấp xỉ 250 ngàn). York không lớn lắm đường ngoằn nghèo và nhỏ như Hà nội nhưng nhà cửa rất đẹp, ở đây cũng không có nhà cao tầng. Thành cổ York minster được bao quanh tường hào bằng đá, có một con sông như sông Hương chạy ngang thành phố trên đó có các thuyền du lịch. Watto định dẫn tôi đi thăm bảo tàng xe lửa nhưng đến nơi lại quá sớm vì hơn 10 giờ mới mở cửa.
Chúng tôi quay lại đi một vòng thành phố trên tường thành rồi vào nhà thờ lớn nhất ở đây. Nhà thờ rất đẹp, nó phải trên 800 năm và to khoảng 3 lần nhà thờ Đức bà ở tp. HCM. Nhà cửa ở đây ngoài xây bằng đá còn có nhiều nhà bằng gỗ xiêu vẹo và họ cố gắng duy trì nó như trong Hội an, nhưng chắc chắn cổ hơn Hội an nhiều, cũng phải gần 1000 năm! Vì khí hậu ở đây khô ráo nên mọi thứ tồn tại được lâu hơn. Không ai biết chính xác Cơ đốc giáo (Christianity) vào York từ bao giờ, nhưng ngay từ khi người La mã chiếm đóng thì nó đã là một trung tâm kinh tế chính trị và quân sự của nước Anh, nhà thờ được xây dựng khoảng đầu năm 300 và đến tận năm 314 thì họ có giám mục riêng của mình. Khoảng thế kỷ thứ 5, người La mã rút khỏi thành phố nhưng đến năm 625 thì đạo Cơ đốc quay trở lại. Suốt lịch sử tồn tại của thành phố là những cuộc chiến đấu bảo vệ chống các đạo quân khác nhau, do đó, bao quanh phố cổ vẫn còn tường thành khá nguyên vẹn. Egbert, là vị tổng giám mục đầu tiên được La mã công nhận và điều hành từ năm 732 đến năm 766. Suốt thời gian đó, ông xây dựng trường học, thư viện phát triển văn hoá và không có trường học, thư viện nào như vậy tồn tại ở bắc dãy Alps, York là một trung tâm của nền văn minh. Tuy năm 741 nhà thờ bị thiêu rụi nhưng nó được xây lại ngay sau đó và đến 793 thì những đoàn quân cướp biển đổ bộ vào lần đầu tiên phá huỷ nhà thờ, nhiều năm tấn công trên toàn nước Anh, năm 855 những tên cướp biển đã chiến thắng. Năm 867 người Đan mạch chiếm phía đông nước Anh và năm sau họ chiếm lên phía bắc và thành phố York. Tới tận thế kỷ 10, lần lượt các thế lực đô hộ thành phố sau Đan mạch, West Saxon, người Ailen.v.v và nhiều tổng giám mục của các đế chế qua các thời kỳ đó đã làm cho nhà thờ có một sắc thái riêng khác với đạo của nơi khác trên thế giới và sâu sắc nhất là thời người Normans. Năm 1137 nhà thờ lại bị thiêu trụi lần nữa. Để xây dựng lại, nhiều mỏ đá được mở ra để lấy đá xây nhà thờ. Rồi họ bổ sung dàn hợp xướng, tháp chuông.v.v Việc mở rộng và tu bổ nhà thờ kéo dài 250 năm. (http://www.yorkminster.org).
Chúng tôi mất 3 bảng mỗi người để leo lên hơn 300 bậc của tháp chuông nhà thờ. Lên đó, có thể nhìn bao quát cả thành phố, thành phố những mảng xanh và đỏ của mái nhà, toàn nhà như khu biệt thự Quang minh, xa xa ba hướng có tới 3 nhà máy phát điện khổng lồ, nhà máy nhiệt điện không phải là điện nguyên tử. Nhà thờ xây hoàn toàn bằng đá tồn tại với thời gian rất đẹp, mái nhà có chỗ lợp bằng chì tấm hay là kẽm thì phải (không hiểu sao ở đây nhiều nhà lợp bằng vật liệu này?) Khi xuống dưới đã là 10 giờ, khá đông khách du lịch đến, nhiều khách Trung quốc và Nhật bản.
Bảo tàng xe lửa khá rộng, trong đó chứa rất nhiều đầu máy hơi nước từ thời ban đầu đến đầu máy siêu tốc, họ thu nhặt từ các nước trên thế giới về như một số từ Trung quốc, một cái Bullet từ Nhật bản. Nhìn nhiều đầu máy hơi nước mà họ bày ở đây (tất nhiên toàn bộ vẫn hoạt động) tôi nhớ thật tiếc ở Việt nam việc trong Đà lạt người ta bán sắt vụn cho Tậy ban nha một đầu máy xe lửa 2 năm trước. Sau khi mang về nước đầu máy đó được tân trang lại và cho vào bảo tàng, nó trên một trăm tuổi và còn rất ít! Ngoài một số ít đầu máy thời cổ, còn lại từ năm 1960 mà họ coi là quý giá, ở ta chắc còn đầy chuẩn bị bán sắt vụn để rồi con cháu hối tiếc. Trong bảo tàng họ giữ hàng trăm lôgô của các hãng xe lửa khắp nước Anh, có cả một nhà ga to như thật của những năm đầu thế kỷ 20. Có những tủ trưng bày tất cả các loại vé (vé xịn đã qua sử dụng) từ xưa đến nay. Tại mỗi vị trí đứng xem, mỗi khi có khách, cảm biến tự động bật âm thanh nội dung giới thiệu, không cần hướng dẫn viên. Tôi được xem cả một đầu máy của xe goòng đã dùng để đào đường hầm xuyên biển sang Pháp.
Cùng đi xem tôi đố Watto tại sao nước Anh lại có giao thông bên trái, tại sao khoảng cách hai đường ray của Anh và Mỹ lại như vậy? (khoảng 147cm) nhưng ông ta không biết! Giao thông bên trái là từ xa xưa quân đội Anh đeo kiếm bên trái, để tránh người ngược chiều va phải kiếm họ thường đi bên trái… Còn khoảng cách của hai đường ray là một câu chuyện dài trên báo Hoa học trò của Chi. Vì sao tên lửa phóng tầu con thoi của Mỹ lại hẹp khoảng 1,5 mét? Vì phải hẹp vừa với đường tầu kéo nó ra bệ phóng. Sao đường tàu lại hẹp chỉ có 147cm? Vì người ta mang khuôn mẫu từ nước Anh sang thời cách mạng Công nghiệp thế kỉ 18. Sao ở Anh lại làm đường sắt kích thước đó? Vì người làm đường sắt đầu tiên là những người thợ mộc làm xe ngựa, họ mang khuôn mẫu xe ngựa để đóng toa xe lửa. Tại sao xe ngựa có khoảng cách bánh xe như vậy? Hàng ngàn năm trước các đường mòn bị các bánh xe gỗ đi lại thành hai vệt sâu xuống, người thợ đóng xe phải làm trục xe đúng kích thước nếu nhỏ hơn hay rộng hơn sẽ không đi được. Tại sao lại có vệt xe như thế? Vì với khoảng cách như vậy, hàng ngàn năm trước những người La mã (người Ý) sang đây (thời Hai Bà Trưng.) nó vừa với một xa kỵ với 2 ngựa kéo. (Nước Anh từ sau công nguyên có 2 lần bị đô hộ bởi La mã và German Saxon.).
Trên đường về Watto dẫn tôi thăm một công trường khai thác đá với hệ thống nghiền khá to và hiện đại của công ty Tarmac, công ty này sử dụng nhiều thiết bị của Caterpilar do công ty FINNING CAT tại đây cung cấp và bảo dưỡng. Hiện tại công trường đang khai thác tầng thứ năm khá sâu dưới mặt đất. Những thiết bị thi công cũng như ở Việt nam, máy sử dụng cho dây chuyền nghiền dùng của Cat, nhưng đáng nói ở đây là máy tầu hoả chở sản phẩm đá của Tarmac, đầu kéo không hiểu anh Hưng bán lớn đến đâu còn Tarmac dùng máy có thể kéo 28 toa chỏ đá trên 35000 tấn, hình như là loại lớn thứ hai ở châu Âu? Các xe vào ra công trường thực hiện khá nghiêm ngặt hai điều đó là trọng tải và vệ sinh, xe nào cung được cân và rửa tự động trước khi ra khỏi công trường. Khi biết tôi là công ty đại lý Cat ở Việt nam, xe service của FINNING rất nhiệt tình đưa đi mọi ngóc ngách công trường giới thiệu.
Rời công trường khoảng 5 giờ chiều (11 giờ đêm Việt nam) về nhà Watto, Sweeny đã chờ ở đây, chiều nay mọi người cùng đi bắn súng. Khoảng 6h, Howard và Martin và một cậu tôi không nhớ tên cùng bạn gái đến cùng đi, hình như là Robert. Tất cả ra cánh đồng cách nhà 15 phút. Ra đến nơi đã có một số người ngoài đó, họ mang 4 máy bắn đĩa để làm mục tiêu bay. Có 12 người tất cả, hầu hết là mới bắn lần đầu trừ hai gia đình nhà Watto và hàng xóm. Để tổ chức được cuộc bắn như này, cuộc chơi của dân quý tộc, phải chuẩn bị rất nhiều, có 6 khẩu súng loại 2 nòng (giá rất đắt từ 5000 đến 42000 bảng, có loại second hand vài trăm bảng), gần 1 ngàn viên đạn với gần ngàn đĩa và 4 máy bắn đĩa. Phải có không gian rộng để tổ chức…
Ban đầu nhìn rất khó để bắn, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể bắn được đĩa như chim bay trên trời, đĩa được bắn cao khoảng trăm mét và bay, đĩa nhỏ bằng đĩa chén uống trà. Súng bắn giật khá mạnh, những người lần đầu như tôi đều bị bầm tím vai. May có cái bịt tai nên tiếng nổ không làm giật mình. Tôi bắn hai lần, mỗi lần 10 viên đều được 4 đĩa. Có người không hạ được cái nào. Adam cậu thứ hai nhà Watto bắn vô địch, 9/10 phát trong đó có phát họ bắn ra hai đĩa liền lúc và với hai viên đạn Adam hạ cả hai!
Kết thúc cuộc chơi khoảng 10h đêm (4h sáng Việt nam) nhưng vẫn còn mặt trời. Tất cả đi đến quán hôm qua uống bia rồi cùng đến thị trấn Skipton ăn tại nhà háng Ấn độ. Các món ăn cơ bản giống như ở quán đường Bảo khánh Hà nội, mọi người ăn ngon lành sau một ngày dài. Tận gần 12h đêm mới về đến nhà đi ngủ, khá mệt.
Ingleton 09 tháng 07 năm 2005
Sáng sớm Watto dậy chuẩn bị bữa sáng, ông ta làm ốp lếp và bánh mì, xúc xích, ăn xong chỉ kịp chào hai cậu con trai của Watto, chúng tôi đến nhà Martin cách đó khoảng 30 phút tại thị trấn Ingleton của Skipton. Nhà Martin trong một xóm yên tĩnh có những mảnh nhỏ của cánh đồng cỏ và các cây sồi to lâu năm - khoảng 3-400 năm – Nhà xây bằng đá và gỗ kiểu nhà sàn ở Hoà bình cua dân tộc Mường 2 tầng, tầng dưới chủ yếu là kho và xưởng vật dụng. Tại cổng, xe ô tô của Martin đã có 2 chiếc thuyền trên nóc. Vào nhà trên tầng 2, có sân đúng kiểu nhà sàn dân tộc của Việt nam bằng gỗ. Cậu con trai Mathew mới 3 tuổi trông ngộ nghĩnh thẹn thùng thấy khách lạ chạy vội vào trong nhà. Trong nhà trải thảm mọi nơi, kể cả trong bếp và toa lét. Chỉ phòng ngủ cho tôi xong, Martin lấy các thứ cần thiết đi hang động cho tôi cùng Watto đi đến nhà Howard.
Vợ chồng Howard đang đợi chúng tôi ở quán cùng với một số người, hình như mọi người ở đây đều biết nhau và thường đến quán này với cùng sở thích thám hiểm hang động, Howard giới thiệu tôi với một số người và với Davis, cậu bạn học với Andy đang ở Newzeland, sẽ cùng đi hôm nay với chúng tôi. Ăn sáng xong Watto mượn thêm các đồ dùng cho tôi trong quán, 10h sáng chúng tôi xuất phát và sau khoảng 15 phút chạy xe chúng tôi đến đỉnh đồi sau nhà, từ đây nhìn được rất xa xung quanh vì khu vực này không có núi cao mà chỉ có các triền đồi thoai thoải mênh mông cánh đồng cỏ giống như ở Lương sơn và Xuân mai hay Mộc châu nếu ở đó không có nhà và cây cối. Mọi người thay đồ thám hiểm, quần áo, đèn, mũ cùng với thiết bị. Xe để lại trên đồi, chìa khoá giấu vào hàng rào đá, chúng tôi bắt đầu đi xuống thung lũng phía dưới.
Howard chỉ cho tôi cửa hang, thật bất ngờ vì cửa hang bé tẹo sâu hoắm xuống dưới như cái giếng và được đậy bằng một nắp bằng sắt như nắp cống nước trên đường Hà nội 60cm2. Gió thổi từ dưới lên khá lạnh. Hang này mới được phát hiện và mất mấy năm hội Howard mới tạo được đường vào hang như hiện nay, đường vào là cái giếng sâu xuống khoảng 150m rất lạnh và chỉ đủ một người lách xuống, bốn vách được các tuýp nước bó xung quanh chống đá lở ra và làm bậc thang đi xuống như trong hầm lò ẩm ướt. Xuống sâu tới đáy là ngã ba với tiếng nước chảy của một con suối, một đường là giếng chúng tôi, một đường xuôi chiều nước chảy và một đường ngược dòng suối. Hang mở rộng hơn, đi lại được thoải mái, dòng suối nước lạnh như trong tủ lạnh và giống như một con suối chảy trong một khe đá hẹp. Hang không rộng, hai bên vách đá có nhiều hoá thạch, các nhũ đá rất ít và nhỏ. Hang này dài khoảng 7 km, nước lạnh, nhỏ và khó đi như vậy, nhiều chỗ phải bơi thậm chí phải lặn thế nhưng họ đã đo đạc được toàn bộ. So với hang ở Việt nam thì khác hẳn, nhỏ hơn, lạnh hơn và không đẹp bằng… Vùng này địa mạo khá giống với Sơn la Mộc châu, vùng cao nguyên đồng cỏ với vùng đồi đá nên có nhiều hang động phía dưới mặt đất, miệng hang là giếng chứ không phải hang nằm ngang chân núi như nơi khác. Ở vùng này hệ thống hang rất nhiều, có một hang được khám phá từ trên 30 năm nay với hệ thống nhánh chằng chịt như mạng nhện dưới đất, với tổng chiều dài khoảng 70 km và Howard đang tìm tiếp hang Notts mà tôi đang vào với tổng chiều dài khoảng 30 km, nếu nó nối với hệ thống trên thì hang này sẽ là dài nhất nước Anh với trên 100 km dài. Mọi người phì cười khi tôi thay đồ lúc quay trở lại vì nhiều mẩu đá tôi nhặt nhạnh đang rơi tung toé xuống.
6h30 chiều chúng tôi chia tay, Watto đưa tôi về nhà Martin. Vào nhà chỉ có Martin, cậu con trai Mathew đang ở nhà hàng xóm. Chia tay ông già tốt bụng Watto, tôi đi tắm rửa sau đó Martin đưa tôi sang nhà Duncan hàng xóm, người này tôi đã gặp năm 2003. Nhà Duncan đang xây thêm, hiện đang có khách không kể tôi thì có 3 gia đình đang tổ chức bữa ăn tự nấu ngoài trời –barbecue - một kiểu ăn người Âu rất thích khi có thời tiết đẹp hiếm hoi như này. Bữa ăn gồm các món thịt lợn, cừu, bò, xúc xích nướng trên bếp than quả bàng cùng với bánh mỳ, bia, salat do các bà vợ làm, và rau sống. Duncan đi làm về muộn khi mọi thứ vừa bắt đầu. Anh ta có hai đứa con gái rất xinh, khoảng 3 và 8 tuổi, Mathew cùng chơi với chúng, trẻ con ở đây rất độc lập trong mọi việc, tuy mới 3 tuổi nhưng tự đi giầy, mặc áo, ăn uống… ít khi làm nũng. Ăn xong cũng là hơn 9h, trời vẫn sáng nhưng do uống bia nên tôi đi ngủ sớm. Martin dành cho một buồng ngủ đủ tiện nghi như khách sạn 4 sao ở Kuala vừa qua.
Scottland 10 tháng 07 năm 2005
Sáng nay dậy sớm, Martin chuẩn bị xong và ăn sáng lúc 8h30. Buộc lại chắc chắn 2 chiếc thuyền trên nóc xe, chúng tôi sang nhà Howard. Deb không di cùng, chỉ có ba chúng tôi, thời tiết đẹp, Martin kiểm tra dự báo trên Internet nói không mưa, và là khoảng thời gian hiếm hoi ở đó có được thời tiết như này trong năm. Cả ba xuất phát lúc 9h30, hôm nay là Chủ nhật cuối tuần nên rất nhiều xe đi nghỉ, họ thường kéo theo cả một toa xe phía sau trong đó như một phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi cho cả gia đình. Có rất nhiều xe kéo theo thuyền máy hoặc chất thuyền nhỏ trên nóc như xe chúng tôi. Cũng vì Chủ nhật nên xe máy chạy rất nhiều, toàn xe to các loại, Howard nói từ 600-2000 phân khối. Họ phóng rất nhanh vượt cả chúng tôi dù xe chúng tôi cũng 80 dặm giờ (144kmh).
Để chuẩn bị cho mấy ngày trong núi, Martin rẽ vào một siêu thị ven đường, siêu thị này giống như Mettro rất to, hàng hoá rẻ hơn nhiều so với các nơi khác và có đủ mọi thứ. Cuối tuần, thời tiết đẹp nên rất nhiều gia đình cũng đi siêu thị mua đồ, họ mua rất nhiều, cho cả tuần sau đó, chắc theo thói quen những ngày mưa sẽ ngại ra ngoài đi siêu thị.
Đường đi đẹp thật, đường cao tốc xe phóng vèo vèo vì họ chấp hành luật rất nghiêm nên không bao giờ có tiếng còi xe. Hai bên đường không có nhà cửa như Việt nam, có nhiều hàng rào chắn, không phải chắn người mà chắn thú chạy ngang đường như Hươu, cừu, bò, v.v. Những hàng cây xanh làm cho con đường không có cảm giác nóng bức, những cánh đồng cỏ, những đàn cừu, bò yên bình gặm cỏ 18 tiếng mỗi ngày. Xe đi qua Glasgow, một thành phố lớn của Scotland, một ngọn đồi phía xa, có một lâu đài cổ toạ trên vách đá trông rất uy nghi, Martin noi, lâu đài này rất nổi tiếng, nó trên ngàn năm tuổi và đã có nhiều chương trình TV về nó, kể cả Discovery. Thành phố rất đông đúc so với các thị trấn tôi đã qua, nhưng cũng chỉ có vài toà nhà cao tầng, còn lại vẫn một kiểu đặc trưng là nhà 2 đến 3 tầng riêng rẽ bằng đá với màu xám đặc trưng. Cây xanh trong thành phố thì Hà nội cũng phải gen tị, rất nhiều và tốt tươi…
Qua Glasgow nhà cửa ít dần, dân cư thưa thớt hơn, nhưng xe cộ vẫn rất đông, nhất là hướng đi đến Scotland, có lẽ Scotland chỉ là nơi để người ta đến nghỉ cuối tuần. Nói là nghỉ cuối tuần nhưng họ đến đây là để tham gia các hoạt động như leo núi, chèo thuyền, đi bộ hay đạp xe đạp. Scotland bắt đầu có những cánh rừng thông rậm rạp và với diện tích lớn. Vào mùa đông, tuyết phủ kín khu vực này. Thỉnh thoảng mới có một vài xóm nhỏ ven núi hay đi qua một vài nhà nghỉ cuối tuần. Bỏ đường cao tốc sau 6 tiếng đi đường chúng tôi vào đường nhỏ hơn thuộc công viên quốc gia Caravan park. Công viên này mênh mông bằng một tỉnh, bao gồm toàn bộ hệ thống sông hồ Loch mênh mông nối cả ra Đại tây dương, trong đó có hồ Loch Ness với quái vật huyền thoại. Toàn bộ đồi núi ở đây mênh mông không có rừng rất đẹp, là nơi trượt tuyết vào mùa đông và là nơi đi bộ vào mùa này, họ thường đi bộ hay xe đạp khoảng 40 đến 70 km, mang cả trại hay túi ngủ đi cùng. Những con đường đi bộ trên các núi ở đây rất nổi tiếng. Dân cư ở đây gần như không thấy, chỉ có khách từ Anh đến nghỉ cuối tuần. Thêm 2 giờ nữa, chúng tôi xuống bãi đỗ của một hồ nước mặn, thuỷ triều đang lên, phía xa có một làng nhỏ vài ngôi nhà yên bình và có biển báo là vùng Grid Castle. Bây giờ là 5h30 (11h30 tối Hà nội), chúng tôi thả thuyền và đồ đạc cần thiết cho mấy ngày trên núi. Howard một mình trên thuyền đơn, tôi, Martin trên thuyền đôi và Holley, con chó của nhà Martin, nó rất khôn và đã được 10 năm tuổi, nó nằm ngoan ngoãn tại khoang giữa thuyền sao 8 tiếng mệt mỏi trên ô tô đến đây.
Lần đầu tiên chèo thuyền, tôi phải đổi tay liên tục, Martin ngồi sau thường phải chuyển bên theo khi tôi yêu cầu. May hôm nay thời tiết tốt nên gió nhẹ và sóng không lớn. Nước thuỷ triều lên mang theo nhiều sứa biển trắng mặt nước như trong cốc tào phớ ở nhà. Khoảng một giờ chèo, mỏi quá đành cập một đảo nhỏ nghỉ và sau đó quen tay tôi đã chèo tốt hơn. Sau ba giờ chèo thuyền, tôi đếm được hơn 3000 lần chèo, quả là không thể tin được là đã vượt được qua quãng đường như vậy chỉ để đi chơi mà người Anh thường làm hằng tuần.
Nơi cập bến là một con suối chảy từ trên núi xuống xả ra hồ này, tại bến, rất nhiều đá cuội bằng cái bát như thường có ở suối Việt nam. Chúng tôi kéo thuyền vào và dỡ đồ đạc ra. Holley có vẻ bị say sóng nên lừ đừ tìm chỗ nằm. Howard và Martin nhanh chóng tìm chỗ cắm trại và hướng dẫn tôi làm. Trại cá nhân bằng vải dù, mỗi người một chiếc được cắm lên nhanh chóng, trong đó được bao kín và khoá kéo chống muỗi, mọi người đồng thời trải túi ngủ bên trong và kiểm tra sẵn sàng. Vì ở đây rất nhiều muỗi, không phải như muỗi thường thấy, nó rất nhỏ nhưng nhiều và tấn công hàng đàn, hôm nay là ít nếu không mọi người phải trùm mạng như người lấy mật ong để có thể nói chuyện và nấu ăn. Cắm trại xong gần 10h tối, mặt trời đang lặn xuống phía núi trước mặt rất đẹp với các đám mây đang xuống thấp dần, nhiệt độ cũng giảm nhanh chóng khoảng trên 10oC. Phía mặt trời lặn là nước Mỹ và biển Đại tây dương.
Martin và Howard nổi lửa các bếp cồn và xăng nấu ăn. Đồ ăn của họ tôi ăn không nhiều nhưng cảm thấy rất tốt, không thấy đói. Hôm nay Martin mang cả gạo đi nên tôi đã được ăn cơm tuy không phải như cơm Việt nam. Không thể ngồi lâu hơn, ai nấy đều phải về lều của mình vì muỗi đang tấn công cho dù tôi đã trùm kín mặt bằng mũ rộng. Một giấc ngủ đến nhanh sau một ngày đi đường dài vì với 8 tiếng trên đường với tốc độ khoảng 70-80 dặm giờ (130-140kmh), 3 tiếng chèo thuyền, nghĩa là xấp xỉ 1000km!
Khoảng 4h trời đã sáng, tôi mở lều ngó ra chỉ thấy màu trắng sương mù và ngay lập tức đàn muỗi bay vào tấn công. Sau khi cài lại cửa lều, phải một lúc sau mới diệt hết muỗi thâm nhập và tiếp tục ngủ. 9h sáng, mọi người cùng dậy, lúc này sương mù đã đỡ hơn, đã nhìn thấy mây hồng của mặt trời, quả là mặt trời mọc tuyệt đẹp (tuy đã 9h sáng!) dải mây thấp ngang lưng núi được điểm hồng rực rỡ. Chúng tôi nhanh chóng nấu ăn sáng và lựa ít nước uống, đồ ăn trưa, bỏ lai mọi thứ trong lều và xuất phát lúc 10h.
Martin chỉ cho tôi dãy núi phía xa nói đó là nơi chúng tôi sẽ trèo lên hôm nay. Những đỉnh núi cao xen trong mây, nhưng không có cây rừng, phía dưới chân núi có những hàng rào ngăn hươu hay cừu chạy ra của những cánh đồng cỏ bên sườn, còn phía trên là những thảm cỏ dày được mọc năm này qua năm khác tạo thành thảm thực vật đến 30-40cm ẩm ướt. Nhìn từ xa có nhiều vũng nước, dòng nước chảy ra từ những thảm cỏ này, giống như trong nhà có tấm thảm tưới nước và nó xâm xấp như vậy. Do mưa quanh năm và ít nắng nên không cần cây trên núi, chỉ cần thảm cỏ cũng đủ giữ nước cho các dòng suối chảy quanh năm xuống hồ phía dưới. Hôm nay trời rất nắng, Howard và Martin nói là tôi may mắn vì đến 90% trời sẽ u ám hoặc mưa ở vùng này. Càng lên cao càng mệt vì trời nắng, mà toàn lên vách núi, hơn nữa cũng là giữa trưa gần 12h nên tôi bị nắng cháy hay tay và gáy. Từ trên cao nhìn xuống tuyệt đẹp vì thuỷ triều đang rút ra và lộ ra nền cát cùng đá phía dưới của hồ Loch. Nghỉ trưa trên một mỏm núi tôi chỉ uống nước và ăn vài cái kẹo, không muốn ăn vì nắng quá. Trước mặt còn 3 ngọn núi rất cao nữa, khi lên còn ngọn núi cuối cùng, tầm nhìn được rõ hơn, cũng là may mắn, nên có thể nhìn rõ rất xa với trời xanh không mây mà cũng khủng khiếp với tôi vì bị cháy nắng. Toàn bộ hệ thống hồ Loch nhìn rất đẹp, từ đỉnh núi rất hẹp nên một bên là nhìn hồ Loch, một bên là nhìn ra biển Đại tây dương, có những hòn đảo nổi tiếng như, đảo Rum, nổi tiếng rượu Whisky, đảo trứng.v.v của Scotland. Cứ khoảng 30 phút lại có 1 cặp máy bay tiêm kích bay dưới thung lũng, dưới chân chúng tôi. Núi non nước Anh nhiều nhưng không cao, ngọn cao nhất ở Scotland cũng chỉ khoảng 1400m, núi chạy theo mọi hướng và sông suối cũng theo mọi hướng ra biển, vì biển bao quanh nên không có vị trí nào trên đất Anh xa biển được 120 km! (Dài 1000km, rộng 500km.)
Ngọn núi hôm nay chúng tôi lên cao nhất là 1020m, rất nổi tiếng vì mọi người đến đây để đi bộ leo núi đến ngọn này làm mốc. Từ đây nhìn ra được bốn phía, chúng tôi đã ăn hết đồ ăn và nước uống ở đây vì đường về chỉ là xuống dốc. Holley rất hăng hái nhưng rồi cũng đã mệt nhoài không còn chạy trước nữa, nó lầm lũi đi theo mọi người. Tuy giờ đã là 3 giờ chiều mà mặt trời vẫn trên đỉnh đầu và gió thổi mạnh nên vẫn thấy lạnh khi ngồi nghỉ. Trên đường về qua thung lũng chúng tôi gặp một đàn hươu khá đông đến vài chục con, có cả hươu có gạc to đùng trên đầu. Martin nói, người ta vẫn tổ chức săn hươu ở đây nhưng vé săn rất đắt, một ngày mất 100 USD tiền vé. Hươu cần săn bớt để giữ cân bằng sinh thái. Xuống được nửa đường khát nước nên chúng tôi tắt đường xuống suối, nghe tiếng nước chảy và nhìn thấy suối nhưng giống như hồi lạc trên Sapa, phải mất hơn 1 tiếng mới đến nơi. Và từ suối về lều mất 45 phút nữa với đường đi như trong rừng Quảnh bình qua các nương rẫy của người dân tộc.
Về lều, điều đầu tiên tôi làm là đi tắm. Nước suối rất lạnh nhưng đi nóng nên vẫn tắm ngon lành. Điều lạ lùng là suối như của Việt nam nhưng không có một con cá hay con gì cả, chắc do lạnh quá và mùa đông băng tuyết nơi đây. Vì hôm qua tôi thả cơm thừa ở đây nhưng đến giờ vẫn còn nguyên. Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị bữa tối và chui ngay vào lều tránh muỗi. Hoàng hôn lúc 9h tối tuyệt đẹp nhưng phải thưởng ngoạn trong lều. Qua một ngày hoạt động mệt nữa với trên 20 dặm đường trên các đỉnh núi (trên 35 km) nên tôi cũng đi ngủ sớm ngay.
Sáng dậy sớm lúc 8 giờ, sương phủ kín và mây nhiều hơn hôm qua, chắc chắn sẽ không thuận lợi và thú vị cho việc vừa leo núi và vừa ngắm cảnh như tôi. (Người Anh họ đã quen nơi đây và họ đến đây chủ yếu là để thể thao.) Chúng tôi xếp trại và đồ đạc lên đường. Trời hửng dần, thuỷ triều đang lên và có gió thổi vào nhưng bị vách núi chắn nên gió nhiều hướng không thuận lắm. Chèo được nửa đường tôi đã mệt nhanh chóng, chắc do hôm qua đi nhiều? Martin quyết định ghé đảo và chuẩn bị bếp cho bữa ăn sáng. Holley chắc đã quen nên không ỉu xìu như hôm trước, nó nhanh chóng chạy đùa xung quanh. Tôi uống ít rượu vang đỏ, ăn ít đồ khô, không muốn ăn bánh mỳ. Thuỷ triều lên nhanh, xong bữa sáng chúng tôi lên thuyền và chèo một mạch đến bến thuận lợi. Mất 2 tiếng, nhanh hơn hôm trước hẳn 1 tiếng nhờ gió và thuỷ triều. Trên bên khi chúng tôi chất thuyền lên bờ, đang có mấy gia đình hạ thuyền xuống làm cuộc hành trình như chúng tôi vừa qua. Bây giờ gần 11h trưa.
Đường về xa, nhưng rất đông xe ngược chiều, họ bắt đầu chuyến du lịch đến Scotland. Nhiều đoạn đường đang sửa nên tắc nghẽn khá xa. Đường chỉ vừa 1 xe đi nhưng khoảng 500 – 1000 mét là có 1 chỗ phình rộng để xe tránh nhau. Tuy thế nhưng xe chạy vẫn được trên 60 dặm giờ. Nơi sửa đường họ làm rất chuyên nghiệp, cảnh báo từ xa 2 dặm, làm hệ thống đèn xanh đỏ đúng tiêu chuẩn tự động như trong thành phố. Mọi người rất kiên nhẫn, không có 1 tiếng còi nào. Các xe đi, đỗ rất đúng vị trí nhường đường cho xe ngược chiều…
Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi vào quán ven đường ăn trưa. Quán rất chuyên nghiệp, mọi thứ sạch sẽ và khách là người du lịch khắp nơi đi qua, Cả vùng Scotland rất thưa dân, nên quán như này chỉ sống nhờ khách du lịch, thế nhưng họ vẫn hoạt động rất hiệu quả. Howard đưa cho tôi xem tờ báo ngày hôm nay, trong đó nói về thời tiết ngày hôm qua ở Scottland, một sự kiện khác thường, là ngày nắng nóng nhất trong 10 năm qua, nhiệt độ có lúc lên đến 29oC! Không hiểu đó là may mắn với tôi hay không nữa, nhưng hay cánh tay và gáy của tôi đang đỏ rực lên, sẽ biết ngay kết qua 2 tuần nữa thôi. Sau gần 8 tiếng đi đường (do nghỉ trưa nên lâu hơn lúc đi.) chúng tôi đưa Howard về nhà. Tối nay tôi vẫn ở nhà Martin Holroy. Sau khi tắm rửa, Martin làm cho tôi một tô mỳ Ý to, tôi ăn ngon lành vì khá giống với vị ở nhà.
Nhà Martin già ngày 13 tháng 07 năm 2005
Sáng dậy sớm, Martin thu xếp đồ đạc của tôi lên xe cùng đồ giặt hôm trước chưa khô sang nhà Martin già. Nhà ông này khá sang trọng so với các nhà tôi đã qua. Trước đây nó là trường trung học nữ, nay cho các gia đình đến ở, nhà 3 tầng (một tầng âm) rộng rãi có cửa sổ nhìn ra cánh đồng rất đẹp, có vườn hoa cây cảnh, vườn cỏ làm sân chơi mà tôi chỉ thấy trong tạp chí Nhà đẹp. Vợ Martin là cô giáo. Họ có 2 đứa con gái tóc vàng xinh như búp bê, một đứa là học sinh lớp 4 của chính mẹ nó, đứa kia lớn hơn, học lớp 8. Chúng nó rất ngoan chào hỏi tôi trước khi đi học.
Martin làm việc cho sở Lâm nghiệp, ông ta phụ trách việc khai thác gỗ và phát triển rừng trong khu vực. Một công việc mà theo người khác nói đó là việc rất tốt. Sáng nay ông ta sẽ đưa tôi đi tham quan những nơi ông ta quản lý. Điểm đầu tiên, giữa một khu rừng đã khai thác hết gỗ, chủ yếu là gỗ thông, những cây tạp vẫn để nguyên lại thành rừng tự nhiên. Martin nói, họ không muốn tròng rừng ở đây nữa, mà sẽ để trống như vậy trồng cỏ và hoa cho chăn nuôi và góp phần trong công viên Quốc gia của vùng Yorkshire Dale này. Tại bãi trống có 3 người đang làm nhà bằng gỗ. Nhà họ làm bằng nguyên những thân cây thông to dài khoảng 7-10 mét, đã lóc vỏ và được cắt rãnh để xếp chồng lên nhau thành tường nhà. Một ngôi nhà nhỏ tốn phải cả trăm cây. Tôi tưởng nhà này làm để ở, nhưng không phải, nó là nhà có 2 gian, không cửa sổ để nhốt bò và cừu vào mùa đông. Nhà bằng thân cây dày trên 50 phân nên rất ấm tránh mưa tuyết bên ngoài.
Rời ngôi nhà gỗ, chúng tôi lên ngọn đồi cách đó vài dặm, ở đây rừng thông đang được khai thác. Trên ngọn đồi, những con đường cỏ hai bên đầy hoa đủ màu sắc, giống hệt như trên những đồi nông trường chè ở Lương sơn, chỉ khác là không có chè mà thôi. Chúng tôi gặp 2 ông bà già đang đi lên, tay cầm vợt bắt bướm, tay cầm tờ tiêu bản mẫu, họ đang đi tìm cho bộ sưu tập của mình. Sau khi hỏi chuyện, thì ra họ là những người đã trồng khu rừng này 40 năm trước, giờ đã về hưu nên lên thăm và xem khai thác đồng thời đi chơi.
Công trường khai thác gỗ chỉ có 2 người, một người điều khiển máy chặt cây (máy của Malasia loại vừa, chúng tôi cũng có bán ở Việt nam loại của Cat.), tuốt cành và cắt thành từng súc ngắn. Mỗi cây được chặt, tuốt và cắt ngắn hoàn tất trong khoảng 2 phút. Tôi đứng một lúc mà đã có hơn 10 cây thành gỗ súc thành phẩm nằm rải phía sau xe gọn gàng. Người thứ hai sử dụng xe chuyên chở (Lift log) đi vào khu khai thác và tự hành thu nhặt các súc gỗ chất lên xe đưa ra khỏi rùng. Để xe lên được trên này, họ dùng chính những cành cây lót đường, đoạn phía dưới trải lớp nilon và rải đường đá lên trên để khi khai thác xong, họ phải giải phóng con đường đá này. Người điều khiển máy thấy chúng tôi liền dừng lại và xuống nói chuyện, anh ta rất lấy làm thú vị khi biết tôi làm cho Cat và tự hào kể về con xe đang vận hành của mình.
Chào người khai thác gỗ, chúng tôi về văn phòng nơi Martin làm việc, văn phòng Lâm nghiệp. Lúc này đã hơn 1h chiều, Martin đưa tôi sang cantin ăn trưa, đã cẩn thận với các menu nhưng tôi vẫn bị order một bữa ăn quá nhiều. Không nghỉ, Martin đưa tôi vào công viên, công viên này cũng là ông ta quản lý, nó giống như Bách thảo của ta với rất nhiều cây to các loại, những cây Sồi vài trăm năm tán rộng, những cây thông già cao trên 50 mét gốc to ba người ôm… họ làm những con đường đi nhỏ và dọc đường có những hình con thú, con côn trùng bằng gỗ, chất dẻo… to bằng cái bàn và đồng thời họ in thành tài liệu hướng dẫn rồi cho học sinh cấp 1, mẫu giáo đi thăm quan, khám phá, tìm những con thú theo hướng dẫn. Martin dẫn tôi sang khu vực khác, nơi này họ bố trí nhiều chòi trên cây thông cao, cách mặt đất cỡ 30 mét, nối các thân cây là những sợi giây thừng, những miếng gỗ đung đưa, tấm lưới… và tổ chức thành khu chơi kiểu Tazan. Tôi và Martin cũng tham gia chơi, vé khá đắt, 15 bảng một người nhưng chắc do công ty Martin nên không phải mua vé. Hệ thống trò chơi này giúp cho người chơi làm quen với các thiết bị bảo hiểm khi leo núi, khi leo lên và xuống bằng dây thừng và làm quen với các nguyên tắc đóng mở khoá an toàn qua từng điểm dừng. Đây là lần đầu nên rất hữu ích cho tôi sau nay khi tham gia leo núi và thám hiểm hang sâu.
Harogate ngày 14 tháng 07 năm 2005
Đi chơi về, ở nhà vợ Martin đang chuẩn bị bữa tối, hai cô con gái chơi ngoài vườn, chẳng có ai nói chuyện nên đành lên xem tivi đến tận bữa tối. Chắc do không hiểu nhau hay thế nào đó nên tận khuya rất mệt mỏi mà Martin vẫn không chỉ phòng đi ngủ. Gần 12h đêm hết phim mới đi ngủ. Chẳng thay đồ, tôi làm một giấc tận 8h30 sáng, dậy rửa mặt xuống nhà mới biết sáng nay Deb sẽ đến đón đi chơi và chiều về nhà bên đó. Chúng tôi ra quán nơi tụ tập của hầu hết bạn bè Howard và gặp Cow ở đây. Deb để xe lại và cả 3 đi chung xe Cow qua nhà Watto lấy vé đi xem hội chợ.
Hội chợ Harogate là hội chợ nông trại mỗi năm tổ chức một lần. Vùng Yorkshire này thường tổ chức nhiều các hội chợ lớn, sang tháng Tám sẽ có hội chợ hàng không quân sự quốc tế, sẽ có may bay tiêm kích đời mới nhất được trình diễn. Hội chợ nông trại lần này trưng bày các thiết bị nông trại, các con giống, các sản vật và các hoạt động vui chơi truyền thống. Ngay cửa ra vào là gian hàng trưng bày các thiết bị của Cat, tôi lại bắt chuyện với một nhân viên gian hàng, họ hồ hởi khi nghe tôi nói cũng làm cho Dealer của Cat ở Việt nam, sản phẩm của họ trưng bày là các máy cắt cỏ, cày, cẩu, gặt… loại nhỏ. So với một số hãng khác ở đây, Cat không phải là thương hiệu nổi tiếng lắm như JCB, KOM…
Chúng tôi qua các gian hàng vật nuôi, bò sữa quả là ấn tượng, một con bò sữa có thể đủ trang trải mọi thứ cho một gia đình nông dân, có sữa họ có tất cả. Cũng qua lần này mà tôi cảm nhận được giá trị con bò sữa trong “Không gia đình”. Những con bò rất to, to hơn cả trâu Việt nam, những con bò đực khổng lồ, mình nó cuồn cuộn các thớ thịt nhìn như con tê giác nhưng mặt rất hiền. Lợn thì không ấn tượng lắm vì giống lợn Yorkshire đã rất phổ biến ở Việt nam mấy chục năm trước, lợn đại bạch, những con trên 1 tạ là bình thường. Ở đây người ta cũng tổ chức cuộc thi điều khiển lợn khá ngộ nghĩnh. Cừu quả là ấn tượng vì nhiều loại, đen, trắng, lông thẳng, lông xoăn, những con cừu đực rất có giá trị, có con giá lên đến 80 ngàn USD. Nhưng hơn tất cả là ngựa, quả là chỉ xem trên tivi không hình dung được. Ngựa phương tây to phải gấp đôi ngựa Việt nam, ngày nay ngựa không còn đóng vai trò quan trọng trong nông trại hay các cuộc đi săn như trong phim và truyện nhưng vẫn được các gia đình nuôi để đua ngựa, để chơi Polo, và các cuộc thi ngựa khác… Đi dạo một vòng quanh các chuồng gia súc thì Watto gọi điện cho Deb và hẹn gặp nhau ngoài cổng. Mới mấy ngày nhưng Watto rất nồng nhiệt chào tôi khi gặp mặt, vẫn với giọng nói to và chất phác, ông ta đi cùng con của ông chủ trang trại tôi đã gặp hôm bắn súng, hãnh diện khoe với tôi các sản phẩm, các thiết bị mà nông dân Anh như ông ta sử dụng hằng ngày. Chúng tôi tiếp tục đi xem các gian hàng thủ công sau khi có bữa ăn trưa nhẹ. Các gian hàng thủ công không ấn tượng lắm vì chủ yếu các sản phẩm bằng gỗ nhưng mẫu mã thì có phần đáng để xem, rất phong phú. Nhiều kiểu dáng rất đơn giản những lại rất bắt mắt nếu ở Việt nam ta mà học tập họ thì các sản phẩm loại này của chúng ta sẽ có giá thành thấp hơn nhiều. Qua khu vực lâm nghiệp, họ trồng hai cây thông cao khoảng 35 mét, tổ chức cho khách thi leo cây. Những thí sinh leo cũng rất tuyệt vời bằng sợi dây lèo như người trèo dừa, tất nhiên cây này cao gấp 2 lần cây dừa nếu không phải là người khoẻ mạnh và đã từng leo thì không thể tham gia được. Ở đây họ cũng tổ chức cắt cây bằng cưa máy, thi dùng cưa máy và một khúc gỗ tạo ra đồ vật, người tạo thành con thỏ, người tạo thành cái ghế, nên thu hút khá đông người xem. Trong hội chợ cũng có nhiều gian hàng bán đồ may mặc, đồ da, đồ lưu niệm nhưng hàng hoá không phong phú, không tốt lắm mà lại rất đắt. Ví dụ một giây lưng da ở Việt nam khoảng 10 USD thì ở đây khoảng 50 Bảng (Gần 90USD), một chậu hoa cúc nhỏ như ở Hà nội mua dịp Tết giá 15 bảng. Ở đây tôi thấy mọi người đều phải trả tiền và sẵn sàng trả tiền cho mọi thứ, mọi dịch vụ, từ những thứ thật bình thường, những việc thật đơn giản và họ coi đó là điều đương nhiên như hít thở vậy. Có lẽ vậy mà mức sống được xem là cao bởi các chi phí đó, và cũng có lẽ vậy mà kiếm sống cho các sinh viên nước ngoài ở đây không khó lắm với nhiều công việc đơn giản.
Rời các gian hàng khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi vào khu vực đua ngựa. Do có vé thành viên hội chợ nên tôi tiết kiệm được 3,5 bảng vào đây. Đây là một sân thể thao, lúc tôi vào đang có trình diễn cưỡi ngựa truyền thống, người cưỡi ngựa là các thiếu niên nữ với quần áo truyền thống rất ấn tượng, họ diễu quanh sân mấy vòng. Sau đó là cuộc đua xe song mã với 2 người trên xe. Tiếp theo là một trận chơi Pôlô mà tôi chỉ được xem trên ti vi và sách báo. Cuối cùng ấn tượng nhất là cuộc thi ngựa nhảy vượt rào. Cuộc thi này tôi từng xem trên chương trình thể thao ở nhà. Những con ngựa to mạnh mẽ nhẹ nhàng nhảy qua những rào cản đủ hình như các thanh ngang cả chiều cao và chiều rộng, bức tường giả, rào chắn... thật may mắn tôi ngồi ngay sát rào nên đã chụp được một số ảnh khá ấn tượng.
Chương trình còn khá dài nhưng đã muộn nên chung tôi phải ra về. Trên đường về, Cow cho xe chạy một vòng quanh căn cứ quân sự của Mỹ, căn cứ này toàn rada trên cánh đồng trông như những quả bóng golf khổng lồ, trắng xoá. Họ nói, những rada này thu phát các thông tin quân sự từ vệ tinh cho các căn cứ của NATO trên toàn cầu, nó mới thu hẹp lại chứ trước đây chiếm cả vùng đất xung quanh. Xa xa những dãy đồi núi thấp thỉnh thoảng có một hàng cây phát điện chạy gió khổng lồ trắng xoá, nhưng hình như không còn hoạt động. Nó được để đó chỉ để làm kỷ niệm hoặc vì không ai tháo gỡ được, khi có gió nó vẫn mệt mỏi quay một cách vô thức! Về đến thị trấn gần nhà khoảng 8h tối, chúng tôi nghỉ ăn tối “chip and fish”, trời khá lạnh và cũng vì đói một ngày đi xem nên tôi đã ăn hết suất của mình ngon lành mà ngày đầu đi với Watto tôi chỉ ăn được một phần ba.
Chia tay với Cow, Deb đưa tôi về nhà. Nhà Howard và Deb nằm trên một quả đồi trong một xóm 6 gia đình cách xa thị trấn khoảng 10 phút đi qua cánh đồng cỏ và phải dừng xe đóng mở cổng 2 lần khi đi qua đồng cỏ có cừu và bò đang ăn. Hai bên đường là hai hàng rào bằng đá xếp cao. Từ ngoài đường chính vào khu nhà phải gần 1km trông như một ốc đảo, xung quanh là những đồng cỏ, sau nhà là núi đá, trước mặt là một mỏ khai thác đá khá lớn. Do khí hậu tốt nên tuy trơ trọi như vậy nhưng khu nhà vẫn không bị nắng khô hay gió. Giữa nhà và mỏ khai thác đá là dòng suối mà người ta gọi là Waterfall. Con suối này có thể tả giống như Khoang xanh trên Sơn tây, dọc hai bên suối người ta để cây rừng thiên nhiên mọc, cũng vì nó là khe giữa hai dãy núi nên cũng mát mẻ. Con đường đi bộ dọc suối được hình thành trên 100 năm nay và rất phổ biến cho mọi người đi bộ với khoảng cách trên 40 km theo bờ suối với những đoạn có hồ nước, có thác nhỏ. Có một điểm trên đường đó là nơi khai thác đá trước kia. Đá ở đây nó xếp thành lớp như gỗ xẻ, họ bóc từng lớp và cắt thành hình vuông về làm mái nhà. Mỗi viên khoảng 30x40cm và dày khoảng 2-3 cm trông rất ấn tượng.
Howard mua nhà này được 5 năm, nhưng mới về ở được khoảng hơn 2 năm. Trước nó là một khu nhà giữ súc vật vào mùa đông. Cũng phải nói về súc vật ở đây, chủ yếu là bò sữa và cừu, vào mùa hè chúng ăn và ở ngoài đồng không phải trông nom gì cả. Một ngày chúng ăn phải 18 tiếng vì 11h đêm mới hết mặt trời. Nắng quá có những tán cây sồi cổ thụ, nước có bể hoặc suối tự nhiên. Mỗi trang trại có hàng chục đồng cỏ ngăn ra bởi các hàng rào bằng đá xếp, hàng rào cũng trên 600-1000 năm (Grid Castle). Khi lũ bò và cừu ăn hết cỏ, chúng sẽ được chuyển sang khu mới. Nếu ở xa, sẽ có chó chuyên dụng (Sheep Dog) lùa chúng lên ô tô để chở đi. Vào mùa đông, chúng sẽ được nhốt trong nhà và ăn cỏ khô. Howard mua nhà phải sửa sang toàn bộ bên trong, bên ngoài không được thay đổi, mọi kích thước, vị trí cửa, cửa sổ, vật liệu đều được quy định cấm thay đổi vì nơi này nằm trong khu vực vườn Quốc gia YorkShire Dales National Park. Trên các đồng cỏ là các tuyến đi bộ hàng chục km cho khách du lịch ̣foot paths xuyên qua các hàng rào bằng đá vượt qua các ngọn đồi với các bãi đá xếp hàng tự nhiên trật tự như đàn cừu. Để không ảnh hưởng giữa khách du lịch và đàn bò cừu trong các đồng cỏ, các hàng rào luôn có các cánh cổng hoặc thang gỗ cho người trèo qua, khách đi qua rất ý thức việc đóng mở cổng mà không cần có ai nhắc nhở. Một số nơi họ làm trên mặt cổng đổng cỏ các ống thép tròn qua một mương nhỏ và không cần cánh cổng, xe và người có thể qua dễ dàng nhưng cừu và bò sẽ bị thụt chân qua rãnh và không qua được. Với cánh đồng cỏ mênh mông vượt qua các ngọn núi, đồi chỉ rất ít nhà vậy nhưng lại rất nhiều người qua lại, có thể một hai người cũng có thể một nhóm khá đông, họ là khách du lịch đến nghỉ cuối tuần. Không phải nghỉ như nghĩa đen của ta mà là đi hoạt động cuối tuần. Mỗi người nếu đi bộ hay đi xe đạp leo núi cũng ít nhất 40-70 km trong thời gian cuối tuần.
Khi tôi và Deb về, nhà cửa đang bề bộn, sau hai năm họ lại muốn sửa lại nội thất. Nhân công sửa nhà toàn là bạn bè. Mỗi người giúp một chút, người làm sàn nhà, người làm sân, người xếp đá tường bao, người làm điện nước.v.v Công việc cũng phải mất cả tháng. Ngôi nhà hai tầng xây bằng đá, tường dày gần 1 mét, bên ngoài để nguyên nhưng bên trong được trát và trang bị rất hiện đại với hệ thống điện nước, khí gas, hơi nóng. Vì ở nơi các biệt nên như các nhà khác, nhà Howard cũng có một thùng bằng composit chứa khí gas để sưởi ấm mùa đông. Nhà nào vùng này cũng có thùng đó trông y hệt Việt nam ta với các thùng đựng nước trên trần nhà vậy. Trong nhà toàn bằng gỗ với nền trải thảm, khí hậu khô ráo nên trong ngoài đều sạch sẽ, không ẩm mốc cho nên kể cả trong WC cũng được trải thảm. Gỗ chỉ là gỗ thông nhưng rất đẹp vì gỗ không giống như ta thấy ở Việt nam, nó được xẻ từ những cây thông to 2 người ôm, cao 30 mét và cũng phải 50-70 năm tuổi, khi sử dụng phải được cơ quan trách nhiệm kiểm định tẩm sấy rất nghiêm ngặt. Tầng hai chính là tầng mái nhưng nhà lợp đá và không nắng như Việt nam nên không nóng, hơn nữa tường nhà gần 1 mét cũng giữ ấm và mát quanh năm. Mua đông tuyết phủ kín không hề gì. Có hai phòng nhưng đều đang sửa. Tầng 1 có một phòng ngủ, một phòng làm việc, phòng khách và bếp. Tôi được ở phòng tầng 1, hai ông bà ở tầng hai đang sửa. Sau này tôi mới biết là lúc đó chỉ còn 1 nhà vệ sinh trong phòng tôi, thế mà tôi cứ ngủ đến tận 9 giờ sáng sau khi một trong hai người đi làm. Trong nhà Howard treo nhiều tranh Việt nam và những ảnh thám hiểm hang động, họ cũng để nhiều mẫu đá thu nhặt được khi thám hiểm, những hòn đá như ngọc tôi thấy bán ở cửa hàng khoảng 300 – 700 bảng (500-1000$) cũng được để khắp các kệ cửa sổ. Hai ông bà là bác sĩ nhưng làm ở hai bệnh viện khác nhau. Deb làm cách nhà một giờ rưỡi (gần 150km), còn Howard làm cách nhà 45 phút.
White Scar cave ngày 15 tháng 07 năm 2005
Sáng nay dự định sẽ đi bay nhưng do thiết bị hỏng động cơ nên thay đổi. Howard phải đi làm từ sáng sớm nên Deb đưa tôi đi chơi. 8 giờ sáng gió thổi mạnh từ phía đông bắc rất lạnh giống Việt nam vào mùa đông. Chúng tôi vào hang WhteScar, hang này ngay gần nhà, phía núi đối diện xa hơn mỏ đá một chút. Hang này được sinh viên Christopher Long khám phá năm 1923, nó là hang động mở cửa cho du lịch dài nhất của nước Anh.
Hang này tôi đã xem thông tin qua Internet ở nhà nghĩ là nó rất hoành tráng nên muốn xem như thế nào, vì nó mở cửa cho du lịch nên thu tiền khá đắt, gần 7 bảng một người thời gian đi khoảng 2 giờ vì phải xếp hàng cho họ tổ chức từng đoàn 20 người. Đến đây tôi mới thấy, sự thất vọng của tôi khi thăm động Phong nha không bằng đến hang này. Động Phong nha không đẹp bằng những hang động tôi đã từng khám phá cùng đoàn nhưng nó đẹp gấp hàng ngàn lần cái sẹo trắng này. Ở Phong nha, khách được đi thuyền, vào động rộng và nhiều cảnh hoành tráng thơ mộng... vào đây chỉ là một cái hang nhỏ theo con suối ngầm chảy trong núi, nó nhỏ hơn những hang nhỏ nhất ở Việt nam tôi đã qua, chỉ như một đường hầm nhỏ, hay như chui xuống một cái cống thoát nước ngầm loại lớn của Hà nội là cùng. Trong hang nghèo nàn nhũ đá, chỉ có vài cái, có cái bị khách làm gãy nên họ băng bó rồi rào thép xung quanh rất trân trọng. Con đường cho khách vào được làm bằng sắt giống như trong hang Đầu gỗ ở vịnh Hạ long, nhưng nó nhỏ lắm. Tôi chú ý khách đến tham quan nhẫn nại chờ đến lượt ̣khoảng 1 tiếng, những tiếng trầm trồ vẻ ngạc nhiên thích thú... bà Deb biết tôi thất vọng nhưng vẫn đứng quan sát khi thấy tôi chú ý đến họ mới lên tiếng. Hang này bà cùng Howard và Martin đã từng đi suốt các nhánh của nó, kể cả lặn, tuy không to nhưng khá thú vị với chiều dài khoảng 19km phải bơi, lội leo trèo. Đây là một trong số ít các hang trong vùng loại nằm ngang ̣Horizontal, nên rất thuận tiện cho tổ chức du lịch. Khách được đi vào khoảng gần 1 dặm là khoảng 1,8 km. Bà biết nó không hấp dẫn tôi nhưng tôi thấy cũng nên đi, vì có đi mới biết họ có những gì và họ trân trọng những gì họ có như thế nào. Việt nam ta có nhiều điều kiện thiên nhiên nhưng đã không biết cách tận dụng và phát huy. Người hướng dẫn thao thao kể về các hoạt động của các chuyên gia thám hiểm, nhưng ông ta không biết mặt bà Deb và càng không nghĩ là bà đứng ngay đây, nên nhiều khi ông ta cũng giới thiệu liều, giống tôi hồi đi thăm Phong nha như khách du lịch năm 2004. Thực tế trong vùng vườn quốc gia này có rất nhiều hang động nhưng vì toàn hang sâu khó tổ chức cho du lịch, như một số hang tôi tham gia đào, có cái họ phải đào đến năm năm liền như đào giếng sâu gần 150 mét mới gặp suối chảy ngầm và đi được 17 km xa. Đó là hang Notts, trong hang rất lạnh, nước như suối Sapa mùa đông.
Sau hai tiếng quan sát, tôi có nhiều so sánh về hang động và ý thức cùng cách phát triển du lịch của người Anh và ở Việt nam, chúng tôi trốn đoàn sang một nhánh hang khác, bà Deb giới thiệu tôi những nhánh hang hiện đã bị cấm mà trước kia bà cùng đoàn thám hiểm đã thực hiện. Bên ngoài khi chúng tôi ra, đang có mấy nhóm đợi đến lượt vào thăm... Chúng tôi tiếp tục lên đường theo kế hoạch trong ngày. Sau khi xem hang động chúng tôi sẽ đi tàu hoả đến Kirby Stephan để tham quan một lâu đài cổ, một nhà thờ cổ.
Tầu hoả 12 giờ trưa mới đến nên sau khi gửi xe, chúng tôi đi xem cây cầu tầu hoả bằng đá nổi tiếng Ribblehead Viaduct. Cây cầu được xây toàn bằng đá năm 1874 và được bảo dưỡng thường xuyên nên đến nay vẫn phục vụ tốt. Từ đây nhìn đến ngọn núi nối tiếng là trường quay nhiều phim viễn tưởng sau nhà Martin, Ingleborough rất đẹp dưới ánh mặt trời. Cây cầu Ribblehead Viaduct này nổi tiếng nhất Anh quốc nếu không nói là nhất thế giới. Từ dưới thung lũng lên mặt cầu cao khoảng 400 mét. Kết cấu đá trên 100 năm nên nhiều vị trí người ta phải gia cố bằng cách khoan xuyên tâm trụ (phải 5-10 mét) rồi bắt bu lông khổng lồ ép các khối đá lại với nhau. Rất nhiều người chết khi xây dựng cây cầu này, các ngôi mộ của họ không còn nữa do thời gian nhưng cây cầu vẫn còn đó. Nhờ vào cuộc phát động khôi phục lại những năm 1980s mà cây cầu được mở lại hoạt động cho đường sắt như ngày nay. Nó cũng là một trong những điểm dừng cho hơn 12 tuyến đi bộ trong khu vực này, mỗi tuyến đi bộ (footpath) qua các cánh đồng cỏ, các ngọn đồi, con suối với chiều dài từ 7 dặm đến 14 dặm (12-25 km). Hôm nay thời tiết rất đẹp nên khá nhiều người đi bộ nơi đây. Đồ ăn thức uống họ phải mang đi, vì không có quán nào cả ngoại trừ một cái lưu động ngay đường cái mà chúng tôi đang ngồi nghỉ nạp năng lượng cho bữa trưa sau khi đi một vòng quanh cầu.
Trở lại nhà ga để chờ tầu, nhà ga vắng tanh và bé như một nhà của một gia đình, có mọt phòng trưng bày như bảo tàng, một phòng quản lý và phía xa là phòng chờ cho khách với hệ thống sưởi ấm cùng các tờ rơi thông tin đường sắt. Xung quanh ga rất sạch sẽ và đầy hoa tươi trong các chậu đặt ngoài hiên và các cửa sổ nên nhìn rất đẹp. Tầu đến, tôi nghĩ sẽ vắng khách nhưng 2 toa tầu kín chỗ khi chúng tôi lên chắc cũng chủ yếu là khách du lịch? Tàu chạy khá nhanh, nhìn từ trên cầu xuống thung lũng rất đẹp, hai bên đường hoa dại đủ màu sắc từng vạt một như được trồng vậy. Qua khoảng 5 ga chúng tôi đến Kirby Stephan và Cow đang đứng đợi ở đây. Trên cầu vượt Cow đang bực mình vì mang máy ảnh đi để chụp cho chuyến đi hôm nay nhưng mở ra mới biết không mang Pin! Xung quanh không có hàng quán dịch vụ như ở thành phố nên chịu đành phải bỏ lại trong xe. Cow chở chúng tôi vào thị trấn cách ga khoảng 15 phút.
Nhà thờ chúng tôi vào thăm tại Kirby Stephan, nó được xây bằng đá tuyệt đẹp với những đường nét cong trên khung cửa, mái vòm. Bên trong rất sạch sẽ và thoáng, phía trong cùng có một hệ thống đàn ống (organ) bàn phím như Piano nhưng hệ thống ống khổng lồ như nhà máy nước chiếm trọn một phòng lớn, giống như một đầu tàu hơi nước. Bên cạnh có một phòng nhỏ trong đó có 2 gia huy hai bên cùng với bàn ghế riêng của từng gia huy. Cow nói, đó là vị trí riêng của hai gia đình danh gia vọng tộc, người nhà của các gia đình này đi nhà thờ sẽ ở trong vị trí riêng này, mọi thứ từ thảm chân, bàn ghế, sách kinh... đều in với gia huy riêng. Nhà thờ này khoảng 500 năm tuổi, qua bao thời gian vậy mà nó vẫn tốt nguyên chỉ bị huỷ rất it phía bên ngoài.
Rời nhà thờ chúng tôi đến một lâu đài cổ cách đó không xa trên một ngọn đồi. Lâu đài này được xây năm 1021 nghĩa là gần 1000 năm. Nó bị bỏ hoang đến thế kỷ 17 có một quý bà đến sửa sang và sống trong đó. Nhưng khi bà này chết, khoảng gần 50 năm sau, nó bị bỏ hoang đến tận bay giờ và sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại phế tích. Cạnh lâu đài này là một bãi đất bằng ngày xưa 1000 năm trước là nơi quân La mã đóng quân. Lâu đài rất rộng, cũng phải bằng cả khuôn viên nhà Hát lớn Hà nội. Tường nhà xây bằng đá suối có nơi dày đến 3 mét. Theo sơ đồ tôi vào vị trí là phòng bếp và nơi giặt giũ ngày xưa, nó còn khá nguyên hình dáng với các cửa sổ trông ra ngoài cánh đồng nhìn đàn cừu và ngựa đang gặm cỏ. Ô cửa sổ chỉ bé khoảng 40x60cm nhưng với chiều dày của bức tường đến gần 2mét chỗ này nên trông nó như một cái ống. Nhìn ra xa cả một khung cảnh như nhìn qua một ống nhòm khá thú vị. Có lẽ vì cần để bảo vệ lâu đài nên cửa sổ không làm to hơn và nó giống như lỗ châu mai hơn, cũng có thể do kiến trúc với kết cấu bằng đá không cho phép làm rộng hơn. Không gian xung quanh rộng mở trước cánh đồng cỏ mênh mông ngăn cách bằng các hàng rào đá trải qua hàng trăm năm vẫn như vậy. Vẫn đàn cừu, bò gặm cỏ, bầy chim bay bên trên, có khác chắc ngày xưa có nhiều ngựa hơn dùng cho giao thông và chiến binh.
Xung quanh vùng này còn có vài lâu đài cổ nữa nhưng muộn nên chúng tôi không đi xem tiếp mà quay về nhà Cow chơi. Nhà Cow rộng rãi cũng bằng gỗ và đá, nhà kho rất nhiều vật dụng cho làm vườn và thể thao. Nhà hàng xóm bên trái là của một bà goá đã chuyển đi 5 năm trước nên giờ bỏ hoang, Hàng xóm bên phải là một ông già 80 tuổi, nên vợ chồng Cow chăm sóc hết cả mấy mảnh vườn xung quanh, khá rộng, cũng phải chục sào vườn. Vợ chồng Cow không có con như nhà Howard, họ đã từng sang Việt nam và cũng có đề xuất du lịch cho một số tỉnh. Trong nhà khá nhiều tranh ảnh Việt nam treo trên tường. Vườn trồng khá nhiều loại rau, đậu, và hoa, họ ủ phân bò trong thùng phi và rất hãnh diện kể về cách thực hiện. Thú vị nhất là hoa, mảnh vườn trước sân nhà ông 80 tuổi hoa được trồng và chăm nom rất cẩn thận và rực rỡ nhiều màu sắc. Cow có một con chó màu trắng đã 10 tuổi, nó rất thông minh, sau khi dạo một vòng quanh mấy nhà, chúng tôi ra cánh đồng đi dạo, nó phóng ngay ra phía bờ hàng rào đá, lúc đó tôi mới phát hiện nó đang đuổi thỏ, thỏ rất nhiều có thể nhìn thấy trên đồng như vật nuôi vậy. Nhưng những hàng rào đá với các lỗ hổng đã giúp cho chúng không bị con chó nhà Cow bắt được. Đi dọc con suối, trông rất giống suối ở Việt nam với những bãi đá, thỏ xuất hiện nhiều hơn hai bên bờ. Hàng rào bằng đá cao khoảng 60 cm có thêm dây thép gai khoảng 20cm nữa, chân hàng rào rộng cũng phải gần 2 mét vậy mà con chó nhà Cow nó phóng qua ngon lành, cứ như trong phim hình sự trên ti vi vậy. Loài chó ở đây đúng là đặc biệt, nó rất yên lặng, hiếm khi sủa, rất nghe lời chủ, và thân thiện. Nhất là loại chó chăn cừu còn đặc biệt hơn, nhưng tôi chỉ được nghe kể thôi.
Thời tiết mát mẻ, không khí trong lành và thời gian rộng rãi (đúng nghĩa đen, vì giờ gần 8 giờ tối mà cứ như 3 giờ chiều.) làm cho mọi người thư tha hơn, đúng là miền quê yên bình. Trang trại bên cạnh có đám thanh niên đang tập đua xe máy địa hình trên đồng cỏ, tiếng xe máy nổ vang trên cánh đồng làm đàn chim hàng trăm con, chốc chốc lại đồng loạt bay lên. Đến đây đố ai nghĩ được vẻ hiếu chiến của Tony Blair trong các cuộc chiến cùng với Mỹ. Cow đưa chúng tôi ra ga để về nhà. Lên tàu tôi mới phát hiện lúc đi chúng tôi đã không phải mua vé vì lên giữa đường, xuống giữa đường lúc đó không có ai soát vé. Giá vé khá đắt, 13 bảng, trên tàu khá đông khách, chủ yếu người lớn chắc đi du lịch. Thế là kết thúc một ngày đi chơi, nhiều điều mới lạ trên đất nước này. Tối nay Deb phải đi trực, mai Howard đi làm tối và tôi có một giấc đến tận 8 giờ sáng.
Xe đạp ngày 16 tháng 07 năm 2005
Sáng dậy trước khi đi làm Howard lấy xe đạp cho tôi, Deb đã chuẩn bị cho tôi một chai nước và ba lô nhỏ, một cái mũ bảo hiểm đạp xe đạp. Chúng tôi đã hẹn từ hôm đầu tiên đến nước Anh là sẽ đi xe đạp với Sweeny nên đúng 8 giờ sáng, Sweeny đến mang cho tôi một cái áo chuyên dụng của người đi xe đạp. Tôi không kịp ăn sáng, chỉ với một cốc trà sữa rồi háo hức soạn sửa xuất phát.
Sweeny kiểm tra lộ trình trên bản đồ, con đường vắt qua những đỉnh đồi từ nhà Howard rồi vòng qua đâu đó tôi không hình được nhưng nghe nói khá hấp dẫn vì đây là lộ trình dài và có thể cắt ngang để về nếu mệt giữa chừng. Xe đạp của Howard giống hệt kiểu xe của tôi ở nhà, tôi không nghĩ nó có thể đi được trên đường núi toàn đá. Ngay lúc khởi đầu, đoạn đường dốc sau nhà dẫn lên đỉnh núi rất đứng, chỉ khoảng gần 1 km nhưng đường gấp khúc, đá nhiều như triền núi trên Sapa ở Việt nam. Đi được 15 phút tôi quá mệt, không tin là xe có thể leo được lên như vậy, nhích lên từng mét với số nhẹ nhất, nhiều đoạn phải xuống dắt bộ mà vẫn mệt, quả là chưa bao giờ tôi phải cố gắng hết sức như thế. Tôi đã nghĩ thế này thì làm sao mà theo cho hết chặng đường một ngày được? Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng lên được đỉnh núi sau gần 30 phút, Sweeny chỉ cho tôi bao quát cả không gian mênh mông xung quanh, con đường chúng sẽ đi và nói đoạn vừa rồi là khó nhất, rất ít người đi lên được, thường thì họ đi đường khác hoặc dắt xe lên! Trên đây khá bằng phẳng, gió to thổi qua dãy đá vôi (limstones) thẳng hàng tăm tắp trằng xoá bạt ngàn như đàn cừu mà trong ảnh chụp tôi đã nhìn nhầm ở nhà Watto.
Do khởi động với đoạn đường gắng sức trên nên tôi có vẻ khá hơn sau khi uống nước và nghỉ ngơi, hơn nữa đoạn tiếp theo đi trên thảm cỏ dày xam xấp nước và hơi xuống dốc nên cũng đỡ mệt, nhưng thỉnh thoảng cũng bị loạng choạng bởi những hố nước, bùn trong đám cỏ. Nhìn Sweeny phóng phía trước tôi nghĩ anh ta không to hơn tôi, không nhẽ mình không theo được? Các cánh đồng cỏ có rào bao quanh, nhưng vì là công viên quốc gia (Yorkshire Dales) nên ở đây có rất nhiều lộ trình cho đi bộ (Footpaths) và cho xe đạp, các lộ trình xuyên qua các cánh đồng cỏ, do đó qua các cánh cổng chúng tôi phải xuống xe mở khoá và đóng lại. Họ thực hiện thao tác này rất tự giác và có ý thức để tránh các gia súc chạy sang cánh đồng khác. Cả một khu vực rộng lớn như này, mênh mông núi đồi nhìn được cả biển phía xa khi không có mây, nhưng rất ít dân cư, đồi núi không như bên ta, hoặc có rừng hoặc trọc trơ trọi đá, ở đây do mưa nhiều nên hàng ngàn năm không có rừng tồn tại mà cỏ vẫn mọc tốt, các trang trại vân sung túc. Chính vì không có rừng nên tầm nhìn rất tốt. Nhà dân ở rất xa nhau, họ ở từng cụm thành xóm khoảng trên dưới chục gia đình, có nơi chỉ một gia đình với đầy đủ phương tiện, xe cộ... tôi có cảm giác như trong phim Ngôi nhà nhỏ trên Thảo nguyên ngày nào. Từ trên cao nhìn phía xa là cây cầu đá nổi tiếng Ribblehead Viaduct mà tôi đã thăm hôm trước, nhìn nó bé như cái que bắc qua khe núi. Khi chúng tôi đạp xe qua những xóm nhỏ đó, cũng rất ít gặp người ở đây, họ đi làm hoặc đi chơi cuối tuần đâu cả nên chúng tôi cứ lẳng lặng mở cửa vào và ra một cách tự nhiên.
Sau khi xuống hết đỉnh núi thứ nhất, qua 2 trang trại, chúng tôi đi theo một con đường trải sỏi như con đường trên sơn tây, nhưng cũng rất nhiều dốc, đi xuống thì dễ, leo lên luôn luôn là thử thách với tôi, bao giờ Sweeny cũng phải chờ tôi trên đỉnh dốc. Gần 10 giờ sáng chúng tôi đến chân cầu Ribblehead Viaduct, tôi không nghĩ là đi mệt đến như vậy. Chúng tôi ngồi nghỉ tại quán lưu động duy nhất ở đây, hôm nay cũng có khá đông khách du lịch, cũng có nhiều người đi xe đạp. Tôi uống một cốc trà sữa trong khi Sweeny mời tôi ăn, nhưng vì mệt và cũng vì còn sớm nên tôi không muốn ăn. Có điểm lạ là mệt và đi nhiều như vậy nhưng tôi ra rất ít mồ hôi, chính thời tiết này đã làm cho các môn thể thao phát triển ở đây với mọi người, mọi lứa tuổi, tầng lớp. Ở Việt nam hay các nước nhiệt đới, chỉ cần đi một vài giờ trên đường bằng thôi, mồ hôi ra mất sức nhanh chóng, chính vì vậy chỉ có những người khoẻ mạnh mới hoạt động thể thao suốt ngày như bên này. Nghỉ ngơi xong, tôi nghĩ sẽ đi đường nhựa nhưng sau khoảng 1km, Sweeny dẫn sang một con đường dốc đứng lên đỉnh một ngọn núi, nó đối diện với núi tôi vừa đi qua với cây cầu Ribblehead. Con đường dốc như lên các đồi chè miền núi phía bắc Việt nam, nhưng toàn sỏi và đá giống trên một con suối cạn. Vì rất phổ biến cho đi bộ và xe đạp nên các hòn đá nhẵn thín tròn cạnh to bằng cái bát hay cái xoong to giữa đường. Không thể tránh và chọn chỗ để đi, tôi nhìn Sweeny phía trước để nhích lên từng mét trèo lên các hòn đá nhảy tưng tưng. Lên được đến đỉnh núi, lần này Sweeny phải đợi tôi khá lâu vì tôi phải nghỉ đến chục lần, tôi chỉ nhanh hơn nhóm đi bộ được một chút, mất gần 2 tiếng, đúng 12 giờ trưa. Có một nhóm khác đi xe đạp ngược chiều xuống, họ lao vù vù thật sợ.
Ngồi nghỉ, Sweeny san cho tôi bình nước ngọt và nói. Bây giờ mới là lộ trình chính, quãng đường vừa qua tôi đã đi lâu quá. Mới đi được tổng cộng khoảng chục km. Chụp một số ảnh xong lên đường, tôi bắt đầu thấy đói và tiếc đã không ăn lúc ở dưới kia. Từ giờ chỉ có đường trên núi sẽ không có gì ăn nữa, tôi chỉ còn có chai nước ngọt! Đường đi dễ dàng hơn, chủ yếu xuống dốc nhưng không trên các thảm cỏ mà chủ yếu trên đường mòn toàn đá và tôi đã có cảm giác lao xuống dốc bằng xe đạp địa hình như trên các chương trình thể thao, xe lao vun vút với tốc độ không phanh, trên nền đá sỏi cuội to luôn luôn chực hất văng tôi xuống. Tôi nghĩ nếu mà ngã bây giờ chắc chắn vỡ đầu nên phó mặc và lao. Qua một vài dốc như vậy, tôi đã quen và thấy thú vị hơn nhiều. Đi được khoảng 5 km chủ yếu xuống như vậy, chúng tôi đến một con suối cạn dưới thung lũng, Sweeny chỉ cho tôi một số cửa hang mà nó dẫn ra dòng suối phía xa kia, những hang này họ đều đã thám hiểm, chúng đều nằm rất sâu dưới lòng núi. Người Anh cũng thật lịch sự không phớt Ăng lê như tôi nghĩ, từng nhóm đi bộ ngược chiều hay tôi vượt qua đều chào chúng tôi bằng câu Hello hay How do you do. Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi xuống đến Lingill, một làng nhỏ phía dưới chân núi. Tôi quá mệt và lững thững mỗi khi phải lên dốc, qua đói vì từ hôm qua đến giờ mới được có hai cốc trà sữa, ngoài ra chỉ có nước ngọt.
Ngồi nghỉ giữa ngã ba đường nhựa, tôi những tưởng xuống đến đây sẽ có cái gì đó để ăn, nhưng vài nóc nhà trong xóm nhỏ chẳng có cửa hàng hiệu gì cả. Sweeny đưa bản đồ ra cho tôi xem và nói chúng tôi đã đi được nữa quãng đường, khoảng hai chục km, có hai lựa chọn cho tôi, nếu tôi mệt thì đi đường nhựa để về nhanh hơn, nó mất khoảng 2,5 giờ. Nói là đường nhựa nhưng lên dốc xuống đèo như trên Sapa cũng chẳng dễ dàng gì. Tôi vừa được thưởng thức một dốc từ Lingill rồi. Thứ hai là đi đường núi như vừa qua, sẽ mất khoảng 3,5 đến 4 giờ nữa. Lúc này nghỉ khá lâu và tôi quyết đình chọn đường núi, vì có mệt nhưng đường núi sẽ đi chậm hơn và tôi có thể nằm nghỉ không ai nhìn thấy. Vì đã xuống hết dốc đến 5 km nên bây giờ là hành trình leo dốc. Dốc đầu tiên tôi làm Sweeny ngạc nhiên vì tôi đã leo lên ngon ơ! Tôi cũng không tin mình có thể lên được như vậy. Dốc bên này đường tốt hơn, không nhiều đá sỏi, Sweeny luôn đến trước các cổng rào đợi tôi để mở và đóng cổng. Lên trên đỉnh là một bãi bằng phẳng, dốc rất thấp, đường đi dễ dàng hơn. Tại một cổng của đồng cỏ, có hai ông bà già cũng đạp xe đang ngồi nghỉ ăn trưa. Họ phải trên 50 tuổi, nhìn tôi ì ạch một cách khích lệ. Mệt quá, toàn đường bằng mà tôi phải nghỉ sau mỗi 500m-1km. Đi được có 2 km thì hai ông bà lão vượt tôi, họ đi cùng lộ trình với tôi và rẽ lên đỉnh núi nổi tiếng borough, Sweeny chọn lộ trình men theo sườn núi ít dốc hơn cho tôi và cố gắng liên lạc về nhà gọi xe đi đón mà không được. Và cuối cùng thì đường lên dốc cũng đã hết, bắt đầu con đường lao xuống, lao qua các trang trại rồi ra đến đường cái sát xóm nhỏ Newby nhà Martin. Tại vị trí này về nhà Howard còn hơn 3 dặm nữa (khoảng 5km) đi đường nhựa nhưng tôi quá mệt nên kệ Sweeny dong xe dạp cho tôi còn tôi lững thững đi bộ và thỉnh thoảng nằm lăn ra vệ đường khiến nhiều xe ô tô đi qua phải dừng lại hỏi có cần giúp đỡ gì không. Cũng lúc này hai vợ chồng già cũng đã qua đỉnh núi và đi về Ingleton, họ nhìn tôi và cười thông cảm, quả là họ khoẻ thật, họ đi tuyến đường chắc chắn khó hơn tôi đã đi nhiều. Mỗi lần xuống dốc Sweeny lại để xe ở đó cho tôi thả xuống. Về qua thị trấn Ingleton chi còn con dốc cuối cùng, tôi hoàn toàn kiệt sức sau hơn 10 tiếng trên đường từ 8 giờ sáng đến hơn 6 giờ chiều không có gì vào bụng, mồ hôi lạnh toát ra, người tái mét chân tay run rẩy. Leo đến cổng cánh đồng thì gặp Howard lái xe đi ra, thật mừng. Sweeny đưa xe đạp về nhà, tôi lên ô tô đi cùng Howard. Cả ngày Howard dọn nhà, ông ta chở rác đi đổ ở bãi rác cách nhà gần chục km. Trên đường về qua siêu thị, Howard mua cho tôi mấy thanh chocolate và chai nước, lúc này tôi mới tỉnh táo trở lại.
Ngày hôm sau Howard nói chuyện lại với tôi, về nhà Sweeny kiểm tra lại bản đồ quãng đường chúng tôi đã đi là trên 26 dặm (khoảng 42 km). Howard nói, rất ít người đi được quãng đường như vậy. Hai vợ chồng già tôi gặp trên đường họ cũng chỉ đi một nửa sau hành trình của chúng tôi. Sweeny tuần nào cũng đi xe đạp luyện tập nên có thể đi được như vậy. Họ nói chính họ cũng ngạc nhiên khi thấy tôi có thể theo được đến vậy! Thật là một hành trình đáng nhớ, nó cho tôi hiểu được hoạt động thể thao của người bản xứ và cũng hiểu được giá trị của của xe đạp địa hình mà tôi có ở nhà. Trước khi đi làm buổi tối, Howard làm cho tôi một bánh Piza to, tôi đã có một bữa tối ngon lành và được làm chủ nhà một buổi tối. Xem tivi chán tôi vào mạng gửi thư rồi đánh một giấc đến sáng...
Đào hang động ngày 17 tháng 07 năm 2005
Hôm nay là Chủ nhật, do ở nhà một mình nên tôi dậy khá muộn, 8h sáng đã có mấy người bạn nhà Howard mang vật liệu và dụng cụ đến làm nhà. Họ tự nhiên làm công việc của họ, tôi cứ nằm ngủ việc của tôi. Khoảng 9 giờ tôi mới ra ngoài, hôm nay trời đổi gió đông bắc có mưa phùn nên se lạnh như mùa đông ở Việt nam, trời nhiều mây nhìn u ám thật buồn, mấy người sửa nhà nói, đấy là hiện tượng thời tiết phổ biến ở đây, như hôm nay vẫn là một ngày đẹp trời. Lúc này Deb về đến nhà, bà đi xem xét việc sửa nhà một lượt rồi đưa tôi ra thị trấn ăn sáng. Tại quán đang đợi chúng tôi làm nhóm bạn trong hội, có cả Watto cũng đến, một lát thì Howard cũng về đây, rồi cùng mấy người nữa tôi không biết tên, họ rất nồng nhiệt chào tôi. Nói chuyện tôi mới biết là tất cả họ đều đã từng sang Việt nam ít nhất một lần hoặc thám hiểm hang động hoặc du lịch với gia đình. Hôm nay kế hoạch là cả nhóm sẽ đi thám hiểm hang động. Chúng tôi hôm nay có 7 người, thực ra trong quán hôm nay có nhiều nhóm cũng đi thám hiểm nhưng họ đi các hang khác nhau trong vùng. Hang chúng tôi sẽ đi nằm ngay ngọn núi phía sau nhà Howard, lần này khá nhiều bất ngờ và lạ lẫm với tôi với các hang xung quanh đây. Hang Notts tuần trước tôi vào nằm phía bên núi bên kia, nó được tìm bằng cách đào xuống hơn 100 mét và họ gặp con suối ngầm sau 5 năm. Con suối đưa họ đi lên và xuống được trên 17 km xa. Khắp khu vực thung lũng này, trên các cánh đồng cỏ có nhữn hố sụt sâu xuống giống như hố bom thời chiến tranh. Từ những hố thụt này, với khảo sát địa chất xung quanh họ quyết định có thám hiểm hay không. Vì để tìm được một cửa hang, họ phải thực hiện thủ công đào như dân ta đào giếng nước, moi bằng cuốc chim, bằng tay từng viên đá, đưa lên từng gầu một. Vì vùng này có rất nhiều hang động nên 5 năm trước nhóm của Howard đến đây dựng một căn nhà có đủ các thiết bị lao động. Cứ cuối tuần tụ tập nhau đến đây từ nhiều nơi và sống làm việc với nhau mấy ngày. Mọi người có thể là Kỹ sư, bác sĩ, Chuyên gia, lính cứu hoả hay nông dân nhưng về đây đều lao động như dân lao động thuê Thanh hoá ở Hà nội vậy. Họ nói, đó là môn thể thao như anh thích đá bóng, người thích tennis còn họ thích caving. Chính vì yêu thích môn thể thao này mà họ sinh sống ở các thành phố trên toàn nước Anh đã bán nhà, chuyển toàn bộ gia đình về thị trấn nhỏ này. Hằng ngày đi làm xa khoảng 1-2 giờ ô tô. Và ngôi nhà trước đây họ ở vẫn còn đó làm kỷ niệm.
Đi xe 20 phút, leo lên núi khoảng 20 phút nữa chúng tôi đến cửa hang. Cửa hang là một cái hố sâu, loe miệng như hố bom, chúng tôi thay quần áo chuyên dụng và dùng thang dây, dây thừng tụt xuống dưới. Lỗ hang chỉ lọt được một người to như Watto, họ đã dùng ván, ống tuyp nước gông 4 vách chống lở đá. Rất mạo hiểm, nước rỉ ra rất lạnh, cứ như nước trong thùng đá, tôi không có găng tay nên khi bám vào tuýp nước làm tay tê buốt. Giếng hang sâu khoảng 100 mét, Deb nói họ đã đào hơn 1 năm nay để đến được độ sâu này. Chúng tôi 7 người chia nhau đứng từng đoạn, một người xuống đáy đào cho đá vào thùng nhựa rồi mọi người cùng kéo lên trên bằng dây. Cứ 1 tiếng lại luân chuyển vị trí. Phía dưới nếu gặp đá to, họ dụng mìn loại nhỏ, nó như kíp mìn thì đúng hơn, nhét nó vào lỗ được khoan bằng khoan tay rồi dùng búa đóng cho nó nổ tách nhỏ hòn đá. Cùng thực hiện đào với họ tôi mới hiểu việc họ lăn lộn, hào hứng như thế nào khi sang Việt nam và mỗi khi tìm được một hang mới. Niềm đam mê của họ với thiên nhiên với lòng nhiệt tình cao độ mới có thể khiến họ làm việc như vậy. Thông thường cứ cuối tuần họ chia nhau đi đào, nhưng cũng có thể trong tuần vào buổi tối. Ánh sáng ngày đến 11 giờ đêm mới hết vào mùa hè, nhưng trong hang thì ngày hay đêm đâu có là vấn đề? Quả là so sánh khập khiễng nhưng trong khi hằng đêm thay vì đến quán tụ tập nhậu nhẹt, vũ trường thì họ đến đây đào hang! Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi lên khỏi hang, vì hôm nay trong nhóm có người bận việc nên nghỉ sớm. Ra về tôi vẫn không thể nào hình dung được đó là phần công việc của thám hiểm. Họ nói, hang này dự đoán sẽ gặp suối ngầm và nối với hệ thông hang mà họ đá tìm thấy trong khu vực dài 76 km, khám phá này sẽ đưa tổng chiều dài hang lên đến 100 km. Có một điều khá thú vị là, tất cả mọi người đều lấm lem bùn đất từ đầu đến chân nhưng riêng tôi lại sạch sẽ khác thường ai cũng nhận ra, tôi không hiểu tại sao nữa vì tôi cũng làm việc và ở vị trí giống họ mà?
Leo núi ngày 18 tháng 07 năm 2005
Nhà Howard bắt đầu sữa chữa cả tầng một nên tôi sẽ sang nhà Martin hôm nay. Sáng sớm Martin đến đón tôi, anh ta mang cả con Holley đi theo, nó ngoan ngoãn nằm im trong xe. Hôm nay đáng ra sẽ đi bay nhưng lại hoãn nên anh ta sẽ đưa tôi đi leo núi, leo vách đá trong nhà (indoor wall climbing). Để chuẩn bị cho viêc leo núi thật và để cho tôi quen các thiết bị sẽ sử dụng sang năm ở Hà giang khi họ sang thám hiểm, Martin đề nghị đưa tôi đi leo núi. Nhà luyện tập hoá ra là của Roland, chủ quán đồ thể thao và đồ ăn sáng chúng tôi thường ăn. Trong quán có cô bạn của Andy và Robin là Arena khá xinh, cô này tốt nghiệp đại học kinh tế chưa đi làm, nhưng đi du lịch khắp nơi, năm ngoái một mình đi châu phi rồi kết bạn người Úc đi về Úc chơi, rồi sang Thái lan nhưng chưa bao giờ đến Việt nam. Cũng rất háo hức sẽ có một lần sang Việt nam. Dễ gần, nhiệt tình là những người mà tôi gặp ở đây, có thể do họ được giới thiệu hay chính vì sự bảo lãnh của vợ chông Howard làm họ tin tưởng và đón tiếp như vậy. Arena lấy cho tôi mượn đôi giày leo núi chuyên dụng, loại dày da mỏng nhưng ma sát với đá rất tốt để đảm bảo an toàn cho leo núi.
Phòng tập trông như những phòng tập thể hình ở Hà nội, nó không rộng lắm, cả bốn bức tường được gia công thành vách chuyên dụng với các mấu bám. Có vách thẳng lên tận trần, có vách phần trên làm nghiêng ra ngoài và để leo được đoạn vách đó, người tập phải rất khoẻ và luyện thường xuyên đồng thời có kỹ thuật tốt để phân đều lực vào chân và tay. Một nguyên tắc tôi học được là bao giờ cũng phải có 3 điểm bám của cơ thể với vách. Nghĩa là hai chân và hai tay, khi di chuyển phải cố định được 3 vị trí thì tay hay chân mới được đặt vào vị trí mới... Các mấu bám trên vách có nhiều hình thù và độ khó dễ khác nhau. Chúng được hệ thống theo màu sắc, nghĩa là người tập căn cứ vào các mấu bám cùng màu để leo lên, hoặc tím, hoặc trắng, hoặc vàng.v.v, vì tất cả các mấu đều gắn trên một vách nếu bám bừa bất kỳ mấu nào thì quá dễ. Tôi học sử dụng thiết bị và cách buộc các mấu dây để leo lên, tụt xuống khá nhanh. Các chốt an toàn tôi đã được biết và sử dụng khi đi chơi trò Tazan với Martin già trong rừng từ trước nên không khó khăn lắm. Qua vài động tác, tôi đã leo lên được mấy bài theo màu của mấu bám, nhưng khi thử vách nghiêng, cho dù tay tôi rất khoẻ cũng chào thua vì không biết cách để treo ngửa cơ thể bằng mấy ngón tay và mấy ngón chân. Ăn trưa trong quán xong, chúng tôi quay lại và Martin hướng dẫn tôi sử dụng dây thừng và thiết bị leo. Martin nói, thực tế sẽ phải tụt xuống hang hay vách núi khoảng vài trăm mét theo từng đoạn 50-70 mét một. Xuống sao cho an toàn cùng thiết bị đã khó, khi leo lên khó gấp bội. Dây thừng chuyên dụng của họ rất tuyệt vời, nó được sản xuất với các kích thước tiêu chuẩn, là bó sợi tết lại, vừa mềm, vừa cứng để các răng thiết bị bám vào, vừa khoẻ đủ để không bị cắt bởi các răng đó. Dây nhỏ bằng ngón tay cái, rất dài và đồng nhất, có lúc treo người với dây 70 mét mà dây không bị dãn căng biến dạng. Các khoá an toàn trông như các móc chìa khoá ta thường thấy, bằng hợp kim nhôm. Thiết bị bám nhỏ vừa bàn tay có răng 1 chiều bám chặt vào dây thừng, khi leo kết hợp cả chân và tay, thiết bị này cho phép đưa lên nhưng các răng không cho phép tuột xuống, lúc đó leo lên như con sau đo vậy. Khi xuống không dùng nó mà dây thừng được quấn hình số 8 qua một bộ hãm, trọng lượng cơ thể sẽ mở hãm và tay người sử dụng sẽ điều chỉnh tốc độ bằng bộ hãm này. Nói chung có sức khoẻ thì các hoạt động này rất thú vị.
Trời vẫn mưa và gió nên chúng tôi không đi đâu được và về nhà sớm, khoảng 6 giờ đã về nhà. Tôi tắm rửa nghỉ ngơi nhưng trời còn sớm nên đi ra ngoài dạo một mình. Lần đầu từ hôm đến đây tôi có ít hoạt động nhất và cũng là lần đầu đi ra ngoài một mình. Xuất phát từ nhà Martin, tôi đi lên đồi phía sau, đi qua mấy trang trại ra ngã ba đường nhựa Newby nơi cách Ingleton 3 dặm mà hôm trước đi xe đạp tôi bị mệt lả nằm nghỉ ở đây. Hoá ra nó cách nhà Martin có 500 mét. Từ đây tôi leo lên núi và bắt gặp tuyến đi bộ của khách du lịch. Qua các hàng rào vùng này không có các cánh cổng mà thay vào đó là cầu thang gỗ để leo qua. Tại đây tôi nhìn thấy một tấm biển viết “Khách du lịch chú ý, mùa này là mùa chim làm tổ, để nghị tránh làm hỏng tổ chim...” đọc xong tôi chú ý, quả là bạt ngàn đồng cỏ không bóng người, chỉ một vài ô có cừu và bò gặm cỏ, hay các con cừu lang thang, thì từng đàn chim hàng ngàn con bay lên bay xuống mỗi khi có động. Trên các cây sồi tán rộng, chúng đậu đen đặc các cành cây. Trời nắng, gió to, thỉnh thoảng mây bị cuốn đi nên trời quang đãng có thể nhìn ra Đại tây dương, nhìn được cả các dàn khoan dầu khí ngoài khơi. Tôi lang thang leo lên đỉnh núi, nơi có những bãi đá xếp hàng như hàng ngàn con cừu chờ cắt lông, những cánh đồng cỏ bạt ngàn hoa dại đủ màu sắc. Chiều xuống hơn bảy giờ tối mặt trời vẫn trên cao nhưng nhiều mây tạo lên ráng hồng rất đẹp.
Có điều tôi thấy lạ là, nông dân ở đây, họ có trang trại nhưng mỗi trang trại cừu không nhiều, chắc chỉ khoảng trăm con, bò khoảng hai ba chục con. Một số cánh đồng cỏ được cắt và phơi khô quấn tròn lại cho mùa đông... còn phấn lớn đất đai gần như hoang hoá, chẳng bò, chẳng cừu và cũng không người. Vậy mà cuộc sống họ vẫn sung túc no đủ. Trên cánh đồng, thỏ chạy nhiều như chuột ở Việt nam, thỉnh thoảng còn có hươu, nhưng rất ít người đi săn, có chăng như Watto đi săn chơi thôi. Trên đường về tôi đi qua một bãi thả, trong đó có cả cừu và bò, tôi thấy chắc chủ nhân cũng ít ghé qua đây vì chúng gặm cỏ, nghỉ ngơi luôn tại bãi thả và có mấy xác cừu mới và đã thối rữa gần hàng rào. Đồng cỏ bên cạnh vừa mới cắt, giống như đồng lúa mới thu hoạch bên ta, gốc rạ vàng phơi dưới nắng, hàng ngàn con chim đậu xuống tìm mồi trông như một cái bánh đa rắc vừng đen vậy. Cảnh như này tôi đã được thấy khi còn bé nhưng môi trường Việt nam đã thay đổi quá nhanh và trẻ em sẽ ít có cơ hội để biết đến.
Tôi đã đi được một vòng, lên gần đến đỉnh núi nổi tiếng Borough, nơi các phim viễn tưởng lấy cảnh quay giữa đất và trời, nơi có thể nhìn mênh mông ra cả biển, và về đến nhà lúc tám giờ tối, bụng đói meo. Trong nhà vợ chông Martin đang chuẩn bị đi đâu đó, có Arena đến chơi. Vào nhà mới biết, hôm nay là sinh nhật Martin, hai vợ chông đi chơi và Arena đến trông Mathew. Họ chỉ cho tôi xuống bếp tự nấu mỳ cho bữa tối. Tôi được tự do, nấu mỳ Ý giông như ở nhà, nấu nước sốt từ đồ hộp. Arena cũng chưa ăn tối nhưng cô ta có món mỳ khác. Ăn xong, chúng tôi ngồi tán chuyện và xem phim ‘Chúng ta là người lính’ có Đơn Dương đóng. Phim nay Martin mua đĩa bên Việt nam.
Thuyền buồm 19 tháng 07 năm 2005
Sáng nay cả hai vợ chồng Martin đều ở nhà và cùng tôi sẽ đi bơi thuyền. Tôi vẫn chưa hình dung ra được sẽ thực hiện như nào. Họ mang cả Mathew và con Holley đi cùng. Mathew rất chủ động lên xe, thắt đai an toàn ngồi chờ. Martin thay thuyền nhỏ trên nóc xe bằng thuyền khác nhỏ hơn, trông giống như tấm ván phồng vậy. Ăn sáng xong, chúng tôi đi về hướng Kirby Stephan, đường đi lên xuống thật tuyệt vời nhưng lại dễ làm người trên xe bị say. Chính vì thế mà vợ Martin phải lái xe, cô ta bị chóng mặt. Không hiểu sao, người lái xe không bị say nhưng sang ghế khác là lại bị?
Nơi đến là một cái hồ nhỏ nằm dưới thung lũng trông chỉ nhỉnh hơn hồ Trúc bạch, xung quang 4 phía là đồi cỏ, không có cây rừng gì cả. Xung quanh bờ là những bãi đá rất đẹp và lác đác các xe nghỉ của vài gia đình đang đậu quanh đó. Hồ này là của cá nhân, họ tạo ra cảnh quan và giữ môi trường cho khách đến nghỉ ngơi, câu cá bơi thuyền và lướt sóng. Vé khá đắt cho một gia đình, khoảng 35 Bảng. Hôm nay gió rất to, hướng Đông bắc như ở nhà nên có mưa phùn, nhiệt độ khoảng 10oC. Hơn nữa hồ này nằm dưới lòng chảo thung lũng nên gió thổi mạnh, cây cối xung quanh nghiêng theo chiều gió trông cứ như trong mưa bão vậy, nhưng đó cũng chỉ là một ngày hơi khác thường một chút ở đây. Tôi đứng nấp sau đuôi xe tránh gió và mặc áo khoác dày cho đủ ấm khi bước ra khỏi xe. Martin nhanh chóng dỡ thiết bị và thuyền xuống, thuyền nhỏ chính là thuyền lướt sóng. Lần này khác lần đi Scottland, thuyền nhỏ còn kèm theo mấy cánh buồm các loại tuỳ khả năng của người chơi để lắp vào. Martin hướng dẫn tôi lắp các bộ phận và ra hiệu phải cẩn thận khi buồm được căng thành khung trên mặt đất, với sức gió như hiện tại, cánh buồm đã lên khung (giống như diều gặp gió) sẽ có thể đập gãy chân tay người đứng sau nó. Đúng như nhắc nhở của Martin, tôi được thưởng thức ngay cú đập ngã xuống bãi đá khi để tuột tay cánh buồm lúc bê xuống nước, may là tôi đứng trong lòng buồm nên chỉ bị xây xát nhẹ. Tìm không thấy, Martin mới phát hiện là quên quần áo cho chính mình, nghĩa là anh ta không tham gia lướt với tôi được!
Thuyền lướt ván buồm này là thuyền cá nhân (Windsurfing) nên Martin hướng dẫn và tôi phải tự làm lấy. Trời lạnh, xuống nước lạnh nhưng bộ quần áo cao su chuyên dụng rất ấm, cảm giác như mùa hè đi bơi vậy. Tôi học cách mắc buồm vào thuyền, học cách trèo lên và đứng trên thuyền, học cách đứng vững và từ từ nâng cánh buồm lên. Chỉ như vậy ma mỗi động tác tôi thực hiện hơn 1 tiếng đồng hồ không thành công! Gió quá to và môn thể thao này lại quá khó với người mới bắt đầu. Lúc đầu tôi nghĩ lướt ván sẽ từ cuối hồ và theo chiều gió để lướt, nhưng thực tế, người lướt sẽ điều khiển cánh buồm và thuyền sẽ chạy ngang vuông góc hướng gió rồi tiến zích zắc ngược chiều gió. Đúng lúc này, có một ông già cũng xuống nước tham gia lướt, ông ta có hai cánh buồm khác nhau. Thao tác ông ta thực hiện nhìn mà thèm, nhẹ nhàng trèo lên, nhẹ nhàng dựng cánh buồm và lướt đi băng băng ngang hồ. Ông ta chạy chán nhìn thấy tôi vẫn ở chỗ cũ nên quay lại và hỏi rồi hướng dẫn, nhưng sự giúp đỡ của ông ta cũng chỉ giúp tôi đứng và dựng buồm lên được mấy giây, buồm có gió rất nặng, không đúng hướng sẽ bị xuống nước và nằm dưới đáy thuyền ngay. Ông già hướng dẫn một hồi rồi lên thay buồm to hơn để lướt tiếp. Lúc này, Martin cùng vợ con, Holley chèo thuyền to đi vòng quanh hồ, gió mạnh như vậy mà chèo ngược gió cũng phải rất kinh nghiệm vì sóng rất to. Sau hàng chục lần úp thuyền lên đầu và ngã xuống nước, tôi thành công được vài giây rồi chán lên bờ thay đồ. Mọi người quay lại và ăn trưa, ông già sang bắt chuyện và khi biết tôi lần đầu tập ông ta nói, không ai đi tập buổi đầu bằng hôm gió to như này cả! Nhưng không đồng tình với việc tôi bỏ cuộc, ông ta nói một câu làm tôi phải suy nghĩ “So, strong wind then you give up?” (vì gió to mà mày bỏ cuộc à?) theo ông ta thì tôi phải tập thành công tuy có khó, vậy mà tôi vẫn phải bỏ cuộc. Môn thể thao này rất dễ phổ biến và phù hợp ở Hà nội, nhất là ở hồ Tây, tất nhiên thiết bị đắt tiền nhưng không hiểu sao không ai tham gia chơi ở nhà nhỉ?
Về nhà, trời còn sớm nên Martin đưa tôi đi tham quan một nơi cũng không xa nhà lắm, một vách núi đá thẳng đứng hình vòng cung trông như đập thuỷ điện khổng lồ giữa cao nguyên mênh mông. Vách núi không cao lắm, khoảng 500 mét (đập thuỷ điện Hoà bình cao khoảng 200 mét thì phải. Nó không phải là ngọn núi như ở nơi khác mà từ trên cao nguyên tụt xuống dưới một bậc và cái bậc này là vách núi. Trước đó vài triệu năm là con thác khổng lồ đổ nước xuống khe núi tạo thành sông ra biển, nay địa chất thay đổi dòng sông chảy ngầm dưới đất và phần trên thành các ngọn đồi bằng phẳng cách nhauu bởi các thung lũng. Dòng sông ngầm Martin đã đi thám hiểm hang động theo nó được trên 10 km sâu trong lòng đất, do rất nguy hiểm nên hiện tại cửa hang đã bị bịt không cho người vào. Lúc chúng tôi đến đây, cũng khoảng 7giờ tối, trời nắng nhưng gió và nhiều mây, có một đoàn làm phim đang trang điểm diễn viên và các người nộm, họ quay cảnh thung lung và vách núi, chắc cho một bộ phim tình cảm nào đó, vì tôi thấy trang phục dạng quý tộc xưa. Vách núi có 3 bậc, tuy trên cao nguyên mênh mông là thế nhưng trừ chúng tôi và đoàn làm phim ra chỉ có cừu và bò. Đến gần vách núi thì lại rất tấp nập, nhiều người đi theo nhóm hoặc 2 người leo núi. Từ trên chúng tôi đi xuống phía chân núi theo đường vòng có bậc đá như đi chùa Hương, người đi nhiều nên đá nhẵn như mài. Vách đá trông nhỏ bé từ phía xa vậy mà khi đến gần nó hoành tráng đến vậy, người leo núi trông bé tí như những con chim sẻ đậu cửa sổ các toà nhà trong phố. Vách núi này phổ biến cho môn leo núi hàng trăm năm nay, nhưng để leo được ở đây, phải tập luyện kha khá vì mức độ khó của nó. Tôi chỉ đứng nhìn, chụp ảnh và ước gì ở Việt nam có thể tổ chức được môn thể thao này, với điều kiện thiên nhiên có sẵn, chỉ còn đầu tư thiết bị và huấn luyện là được, vậy mà không thấy ai làm cả!
London ngày 20-22 tháng 07 năm 2005
Sáng dậy sớm từ 7h30, chuẩn bị các thứ và máy tính xách tay, tôi ăn qua quít bữa sáng thì đúng lúc Adam đến. Kế hoạch đi London 3 ngày của tôi là Chris sẽ đến đón nhưng vì cậu ta bận và có vẻ không nhiệt tình nên Howard không muốn gọi anh ta nữa. Adam ít hơn tôi một tuổi, kỹ sư công trình cho tập đoàn dầu khí. Chúng tôi chào hỏi mọi người rồi nhanh chóng xuất phát.
Trên đường nói chuyện hiểu thêm nhiều điều về người Anh. Adam khá kiêu ngạo, lần trước sang Việt nam tôi ít tiếp xúc nên giờ cũng ngần ngại. Là con trưởng trong gia đình 2 đứa con trai, thằng em đã định cư ở Boson Mỹ, bố mẹ ở London. Từ khi tốt nghiệp đại học, anh ta đi làm nhiều nơi rồi về tập đoàn này, thường sẽ làm 15 ngày và nghỉ 15 ngày, nhưng anh ta chọn cách làm 3 tháng nghỉ 3 tháng để đi chơi, leo núi và hang động. Tiền kiếm được chủ yếu dành cho các chuyến đi nên vẫn chưa lấy vợ. Anh ta nói không thích London cho nên bỏ thành phố và mua một căn nhà trong một làng nhỏ xa xôi gần Manchester, cách khoảng 3 giờ đồng hồ vào sâu trong núi cứ như vùng Kim bôi Hoà bình vậy. Hai năm nay anh ta không về nhà, chỉ gọi điện thoại hoặc e-mail cho bố mẹ. Vì Howard yêu cầu nên anh ta phải xin nghỉ làm để đưa tôi đi. Đường đi rất xa, từ nhà anh ta đến Ingleton town mất hơn 2 giờ, rồi từ đây vòng lại đi London mất hơn 4 giờ nữa (khoảng 5-6 trăm km). Howard nói cho tôi an tâm, nhà anh ta ngay London rất rộng, chỉ có bố mẹ ở nhà nên sẽ thuận tiện cho tôi có thể đi tham quan. Hơn nữa, Adam từ bé ở London nên mọi chỗ đều thông thạo. Với tôi, được đi là thích rồi, suốt thời gian ở Anh quốc, toàn ở nông thôn có biết thành phố thế nào đâu. Chỉ cần bản đồ là tôi có thể tự mình đi chơi, chẳng cần người hướng dẫn.
Đường cao tốc, xe cộ bạt ngàn như xe máy ở nhà, nhưng vẫn đạt được tốc độ rất cao, hai bên đường hoặc là hàng cây um tùm hoặc là bờ đất cho ta cảm giác như đang chạy dưới lòng mương, giúp lái xe khỏi chú ý phong cảnh xung quanh. Đường 10 làn xe chạy rất đông xe nhưng không có một tiếng còi. Cũng có bắn tốc độ nhưng có biển báo trước từ xa và hoàn toàn tự động, cũng có việc sửa đường nhưng rất an toàn với hàng loạt biển báo, biển hướng dẫn hoàn hảo. Do thời tiết lạnh nên xe ít có điều hoà lạnh, họ chỉ có quạt hoặc chiều sưởi và lấy không khí ngoài. Ban đầu tôi khó chịu với mùi gì đó, nhìn sang thấy Adam bình thường, tôi hạ kính xe vẫn vậy, cuối cùng phải hỏi, thì ra, toàn bộ 2 bên đường là cánh đồng nên phân cừu, bò nó theo gió toả mùi khắp nơi, lái xe ở đây quá quen nên không nhận ra, có khi họ chỉ nhận ra nếu không có mùi phân gia súc thôi. Trên đường giờ này khá nhiều xe tải chở hàng ngược xuôi, xe chở thiết bị, chở ô tô, nói chung là chở các sản phẩm tiêu dùng là chính. Adam nói, nước Anh còn không nhiều các nhà máy công nghiệp. Đúng như thế, suốt dọc đường kể cả khi đi Scottland, tôi chỉ thấy các thảo nguyên bát ngát, những vạt rừng trồng, những cánh đồng cỏ, vài nơi có cây quạt gió phát điện và những nhà máy điện. Còn lại chỉ thấy các siêu thị, các cửa hàng dịch vụ. Nước Anh đã có cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỷ 19 và cơ sở hạ tầng của họ đã phát triển hoàn hảo, hơn nữa, các cuộc chiến biên giới mềm đã cho phép họ mở rộng quốc gia mình rộng khắp thế giới không cần chiến tranh, và các nhà máy sản xuất công nghiệp được đưa sang các nước nghèo. Adam nói, bọn tao cần gì các nhà máy đó, vừa ô nhiễm vừa mất tài nguyên, bọn tao để đất làm không gian du lịch và đảm bảo môi trường sống, khi cần sản phẩm gì chỉ việc nhập về là xong! Đúng vậy, là nước phát triển tôi thấy họ có các tập đoàn tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, dịch vụ... chứ các tập đoàn công nghiệp nặng toàn đặt nhà máy ở nước nào đó như Việt nam chẳng hạn! Chúng ta vui mừng khi có nguồn đầu tư từ nước ngoài vào các khu công nghiệp nhưng đâu biết cái giá phải trả cho thế hệ sau. Đó là quá trình mà họ đã qua hàng trăm năm trước.
Tuy là nước phát triển nhưng lại hoàn toàn khác với các nước châu Á, đường cao tốc, các giao lộ, đường sắt hoàn toàn thông thoáng với mật độ vừa phải, các cầu vượt cũng nhỏ và chỉ 1,2 tầng là cùng chứ không như ở Tokyo, Đài bắc hay Kuala... những giao lộ khổng lồ và dày đặc. Tôi cứ nghĩ là nước phát triển, hơn nữa diện tích không lớn chắc mật độ đô thị phải dày đặc lắm. Thực tế, các đô thị khá xa nhau và cách nhau bởi những miền quê rộng lớn với những trang trại mênh mông và được kéo lại gần nhau bằng hệ thông giao thông tuyệt vời cả không, thuỷ và bộ. Adam ở cách nhà bố mẹ bằng Hà nội vào Huế, nhưng đi chỉ mất khoảng 4 giờ xe chạy thế mà 2 năm anh ta không muốn về, chỉ lý do không thích ở thành phố. Nó ồn ào, không ai biết ai, người với người nhìn nhau không câu chào. Ở nông thôn, tôi đã được chứng kiến khi di chuyển cả vùng rộng bằng cả Hà nội, nhưng dường như ai cũng biết nhau, họ chào nhau hỏi thăm rất gần gũi. Hay khi đi bộ, đi xe đạp trên núi gặp nhau, ai cũng có sẵn một câu chào.
Đi được nửa đường khoảng 2 tiếng, qua thành phố Buckingham city, các cánh đồng không như tôi đã thấy ở miền bắc, không còn là cánh đồng cỏ nữa mà là các cánh đồng mỳ, ngũ cốc bạt ngàn đang mùa thu hoạch, cánh đồng rau quả... nên trông như những bức tranh khổng lồ các mảng màu xanh, vàng, nâu khác nhau. Mùa thu hoạch nhưng nông dân rất ít ngoài đồng, toàn máy móc thực hiện và tự động hoá, họ không có cảnh hàng đoàn thôn nữ gặt lúa, gánh lúa, các lực điền đập hay tuốt lúa như bên ta, mọi cái máy móc. Nhưng có các khác ở các nước châu Á là kể cả ở thành phố, tự động hoá không làm người ta cảm thấy bị phụ thuộc và máy móc, vẫn có con người làm việc, vẫn có công việc chân tay và tham gia của người sử dụng, ở Tokyo hay Kuala, mọi thứ cứ bấm nút, xung quanh là thiết bị, người giao tiếp với nhau ít đi.
Chúng tôi vào đến London 12h trưa, đường phố nhỏ, như ở Hà nội, nhiều cây xanh, sạch sẽ, nhưng các góc phố, gầm cầu vượt cung không khác Hà nội lắm, cũng người bán hàng rong, cũng quầy hàng cũng chen chúc. Xe cộ đi lại mật độ cao hơn, các xe buyt 2 tầng xuất hiện nhiều hơn và đặc biệt là xe tắc xi với kiểu dáng riêng chỉ khác nhau về màu sắc cho các hãng khác nhau. Nhà cửa không các các thành phố lẻ tôi đã đi như York City hay Lead. Nhà bằng đá ít hơn, nhiều nhà gạch đỏ, phổ biến là các khu phố nhà biệt thự. Rất ít nhà cao tầng chung cư hay văn phòng, chủ yếu các dạng nhà như khu Ba đình, Hoàn kiếm của Hà nội. Trên các ngã tư đèn xanh đỏ, thường có người đứng ôm hoa hồng bán có biển treo trước ngực báo giá 5 Bảng 10 bông! (khoảng 150 ngàn). Adam lái qua một cây cầu bê tông như kiểu cầu Mới ở Ngã tư sở nhưng có thành cầu cao bắc qua một con sông nước nước lờ đờ gần giống sông nhuệ Hà đông, nó rộng hơn một chút, không có gì ấn tượng khi đi qua nó cho đến khi Adam nói, Sông Thêm đấy! Con sông gắn liền với London hàng ngàn năm nay, với bao nhiêu sự kiện lịch sử, bao nhiêu tiểu thuyết gia viết về nó từ khi người La mã đến đây 2000 năm trước xây dựng thành quách lâu đài dùng sông Thêm làm ranh giới. Qua sông Thêm 10 phút đã là nội thị, đường phố hẹp và ít xe hơn. Nhà Adam trên đường nhà thờ cũng gần sát bờ sông Thêm này. Nhà cậu ta là một biệt thự giống như ở phố Nguyễn Gia Thiều. Cậu ta nói, giá của nhà này giờ khoảng trên 1 triệu Bảng (2 triệu USD). Xuống xe, cậu ta cũng có vẻ bồi hồi về nhà sau 2 năm nên đi rất nhanh để bấm chuông. Mẹ cậu ta ra mở cửa, ôm chầm cậu con ra chiều bé bỏng lắm. Bà dễ gần, lắm mồm nói liên tục mọi chuyện, tôi đoán bà ta khoảng 50 tuổi, bây giờ chỉ có 2 vợ chồng ở với nhau nên việc Adam về chơi là sự kiện lớn. Bà vồn vã hỏi chuyện tôi, rất thích thú với con trâu bằng đá, mấy cái tượng thiếu nữ Chăm tôi tặng, rồi dẫn tôi lên phòng cho tôi. Đây là phòng cậu em Adam, nó bỏ trống khá lâu. Trong khi bà nói chuyện với tôi, Adam đã nhanh chân về phòng mình trên tầng ba, chắc cậu ta cũng nhớ lắm. Xuống bếp, bà lấy cho chúng tôi đồ ăn nhẹ, quả thật là đói với chặng đường dài không ăn, uống gì cả.
Về phòng thay quần áo tôi thử máy tính, tuyệt vời, máy tính đã được kết nối Internet với một điểm kết nối không dây của nhà hàng xóm nào đó. Lần đầu tiên từ khi sang Anh quốc, tôi được tự do với đường Internet như thế này. Vào hộp tư cơ quan ở nhà, kết nối trực tiếp máy tại cơ quan, vào từng server kiểm tra.v.v. Tôi gửi mail và mesage cho bạn thoải mái, lúc này là gần hơn 1 giờ chiều là 7 giờ tối ở Việt nam. Đang ngồi kiểm tra mail và đọc thư thì Adam gọi đi chơi, cậu ta nói đi vào trung tâm London một vòng. Phía tây nam nhà Adam là sân bay Heathrow với mật độ máy bay lên xuống rất cao, trên trời hướng nhà Adam là hạ cánh lúc nào cũng có 5 chiếc lờ đờ bay chờ hạ cánh, cứ một chiếc xuống là phía xa xuất hiện chiếc khác. Vì chuẩn bị hạ nên càng đều được mở và tầm thấp nên nhìn rõ lô gô của từng hãng hàng không. Tiếng kêu của máy bay suốt ngày như này không muốn ở đây cũng phải.
Chúng tôi đi bộ qua bên đường, Adam lấy 2 vé các phương tiện giao thông. Vé này giá 4,9 Bảng một người một ngày trong vùng 1 và 2 của London. Nghĩa là, chúng tôi có thể đi bất cứ đâu, bằng xe buyt, bằng tàu điện, tàu ngầm... trong vùng 1 và 2 (London chia thành 5 vùng trên bản đồ thì phải) đến tận 12giờ đêm bằng cái vé này! Lên cái xe buýt 2 tầng số 09, Adam chọn chỗ phía trước cho tôi, cảm giác cũng không khác lạ lắm khi đi vì giống như trong Sài gòn vậy. Nhà cửa hai bên rất đẹp, luôn có các giỏ hoa tươi trên cửa, trên các cột đèn đường rất rực rỡ. Kiến trúc không lạ lắm nhưng không có cảm giác bê tông, như ở nhà, vật liệu ở đây là gạch, đá, gỗ, tường không trát. Các chi tiết rất tinh xảo và rõ ràng, chúng tồn tại hàng trăm năm, ngàn năm vẫn đẹp và có sắc thái riêng. Tất cả các phố, rất ít các toà nhà hiện đại cao tầng, chủ yếu là các toà nhà cổ đẹp và nhiều dạng như Phủ Chủ tịch hay nhà Bộ Ngoại giao ở Hà nội nhưng xây bằng đá. Tôi dứt khỏi việc nhìn đường phố vì đám đông ồn ào mới lên, toàn là thanh niên Trung quốc, nói chuyện, gọi điện thoại ồn ào. Lúc này tôi mới chú ý khách trên xe, đa dạng màu sắc, chủng tộc, cả đen, đỏ, nâu, vàng, trắng. Người nước ngoài nhiều nhất cả trên xe và dưới phố là người châu Á, tôi nghĩ vậy, vì toàn thấy người Ấn độ, Malay, Philipin, Thái... đi lại vội vàng của cuộc sống công nghiệp, chẳng ai biết ai. Số lượng người ăn mặc complet đeo cà vạt rất ít, chủ yếu là áo phông, quần jean hay quần hộp áo khoác vì thời tiết không nóng lắm.
Sau 15 phút xe đến bến chính Hammer Smith, chúng tôi bắt xe 14 vào trung tâm London. Bến xe này tuy là ngoại ô nhưng bên dưới ngầm là hệ thống nhà ga tàu điện nên rất rộng, có đủ siêu thị, nhà chờ... Xe bắt đầu qua các phố chính, đẹp và đều đặn, các cửa hàng cửa hiệu tấp nập. Các khối nhà trông sạch sẽ và sang trọng, không có vẻ cũ kỹ cho dù nó có tuổi thọ hàng trăm năm. Trên đường xe cũng đa dạng nhưng chủ yếu là dịch vụ công cộng như hệ thống các loại xe buyt, xe taxi, rất ít xe cá nhân. Xe máy cũng nhiều nhưng không nhiều loại phân khối lớn như ở nông thôn, có cả Spacy như ở Việt nam. Xe buyt nhiều và đường đông và nhỏ nên xếp hàng chờ đèn đỏ thành dãy dài như đoàn tàu hoả vậy. Chúng tôi xuống khi gần đến trung tâm để đi bộ vì đường kẹt còn lâu mới qua được. Adam dẫn tôi đến một quảng trường và nói, đây là trung tâm London. Tôi thấy có tượng đài một tướng quân thế kỷ 17 là Charles James Napier và bên cạnh một tháp cao như ống khói khoảng 100 mét, dưới chân là 2 con sư tử phủ phục khổng lồ. Quảng trường không rộng lắm, trông chỉ bằng trước cung Việt xô nhưng họ bố trí tượng đài, nơi đi bộ, điểm vui chơi hợp lý nên khá đông người qua lại vui chơi ở đây. Chúng tôi đi qua toà thị chính, Paliament House, trước cổng vẫn có lính trong trang phục cổ Hoàng gia Anh, cưỡi con ngựa to và rất đẹp. Rất nhiều khách du lịch đã đến bên kị binh này chụp ảnh. Nhưng vì là con ngựa nên... rất nặng mùi và bẩn, nó phải đứng suốt ca trực và phía sau là một cái thùng để đựng phân của nó. Đi xuyên qua khu nhà quốc hội, chúng tôi đến một vườn hoa trước sân Bộ Quốc phòng, tôi đoán vậy vì trên khu nhà rất to, rộng, dài và đẹp có treo ba cờ mà như Adam nói, đó là cờ Hải, Lục và Không quân, tượng trưng cho quân đội. Do vẫn còn dư âm khủng bố nên trên đường xe quân cảnh hụ còi, đèn nháy chạy lăng xăng khắp nơi hòng trấn an dân chúng. Tôi chỉ thấy khoái cái mô tô họ đang cưỡi, nó to khổng lồ, chắc cũng phải 2000 phân khối (2 chấm).
Adam dẫn tôi đi xuyên qua công viên, nó khá giống công viên Thủ lệ nhưng rộng và open hơn. Trong này, mọi người nằm sưởi nắng như trên bãi biển, trẻ con chơi đùa như trong vườn nhà, cũng có hồ và liễu phủ trên bờ, thiên nga, bồ câu và nhất là thỏ và sóc thì vô khối, không sợ người chạy ngang dọc các lối đi. Nghĩa là chỉ cách đường phố mấy trăm mét mà người ta đã có được một không gian như trong rừng vậy, quả là một cách sử dụng và bảo quản hiệu quả môi trường. Qua công viên mất gần 20 phút đi bộ trước mặt tôi là một toà nhà, trông không ấn tượng lắm nhưng cũng dễ dàng nhận ra đó là BuckingHam Palace. Trời nằng chang chang, dân chúng khoái chí sưởi nắng, chắc chỉ có tôi là đi tìm bóng mát để đứng vì rút kinh nghiệm vụ cháy nắng ở Scottland. Hôm nay không phải là ngày mở cửa vào tham quan nên rất đông người bên ngoài quảng trường. Quảng trường rộng phải bằng quảng trường Ba đình, xung quanh cũng có đường phố và hàng dãy taxi chờ khách. Cảnh sát mặc quân phục đen, không phải làm gì cả, rất thân thiện khi tôi yêu cầu cho đứng bên cạnh chụp ảnh.
Rời khỏi toà nhà của Nữ hoàng Anh, chúng tôi đi thăm WestMinster, là một nhà thờ khổng lồ và đẹp. chúng tôi không vào bên trong nhưng chỉ bên ngoài cũng thấy sự hoành tráng, cầu kỳ của các hoa văn, tất cả đều bằng đá và tồn tại hàng trăm năm vẫn giữ nguyên đường nét hoa văn tinh xảo như mới. Không như ở Hà nội, có thể ban đầu đẹp nhưng thời gian và cách duy tu bằng vôi, dần dần làm tù đi hay vỡ mấy các hoa văn ít ỏi trên các toà nhà. Phía sau (tôi không xác định được là sau hay trước) của West Minster là một cái tháp đồng hồ, tôi nhận ra đó là tháp Big ben nổi tiếng, kiến trúc, hoa văn và màu sắc của nó rất phù hợp với nhà thờ Minster. Rời khỏi khu phố chính phủ của London, tôi đề nghị Adam đưa đi shopping hàng điện tử. Xuống tàu điện ngầm để đến phố chuyên hàng điện tử cách Queen Station 4 nhà ga. Hầu hết các cửa hàng trên phố này gần giống phố Hai Bà Trưng nhưng dài hơn nhiều, toàn các cửa hàng điện tử. Tôi vào các cửa hàng dò hỏi mua điện thoại. Hoá ra không dễ mua, loại O2 không được bán ở đây, chỉ có loại tương đương là i-Mate, nhưng giá quá cao (~600 Bảng, khoảng trên 1000$) trong khi ở nhà chỉ khoảng 700$! Máy tính xách tay, máy ảnh cũng vậy, giá đắt hơn ở nhà mỗi chiếc vài trăm Đô la. Đi một lượt mỏi chân, tôi không muốn đi nữa vì thấy Adam có vẻ chán.
Định đi chơi tiếp nhưng giờ cũng đã gần 7giờ tối và cũng mệt từ sáng, chỉ có mấy lát bánh mỳ, nên chúng tôi quyết định về. Adam định tối sẽ kiếm vé trên mạng để mai đi London eye, nó là một đu quay như trên công viên nước hồ Tây nhưng khổng lồ, chắc lên trên đó đủ cao nhìn bao quát toàn London nên được gọi là con mắt London. Tôi dự định sẽ mua ít đồ làm quà vì sẽ không còn cơ hội ở thành phố nữa cho đến lúc quay về nên đề nghị với Adam, mai tôi sẽ đi chơi một mình. Trên đường về không còn sức mà nói chuyện nên mỗi đứa ngồi một góc. Hơn 8h tối về đến nhà, ở nhà mọi người đang làm đồ ăn, tôi lên gác kiếm nước uống vì cả ngày nhịn. Tranh thủ vào Internet miễn phí của nhà hàng xóm, tôi kiểm tra mail và gửi hỏi báo giá một số thứ để ngày mai đi tìm.
Bữa tối đơn giản, khoai tây, rau, đậu xốt và ít thịt, tôi ăn ngâu nghiến. Lần đầu tiên ăn cơm đúng kiểu người Âu trong gia đình họ, thìa dĩa, đĩa ăn, khăn ăn, tôi cứ nhìn họ thao tác để bắt chiếc. Bố Adam cũng đã về nên hôm nay có 4 người, họ uống rượu nhưng tôi không thích vì cần ăn hơn. Ông trông hiền lành, như nhà giáo và ngược hẳn bà mẹ, ít nói điềm đạm thỉnh thoảng mới hỏi một câu. Họ hỏi chúng tôi đã đi những đâu, tham quan gì và kế hoạch ngày mai... Tôi nói, mai tôi sẽ đi một mình, London không to lắm và cung khá dễ tìm đường, tôi đã quan sát cách thực hiện mua vé, đón xe, chuyển tuyến đi và về và nói họ yên tâm. Adam có vẻ thích được ở nhà không phải đưa tôi đi ngày mai vì anh ta vừa mua cuốn Harry Potter 6 mới ra hôm nay. Về phòng, với Internet miễn phí tốc độ tạm được và giờ chênh lệch với ở nhà nên tôi thức đến hơn 2h sáng để chát mọi người ở nhà (8h sáng ở Việt nam). Mới đi có mấy tuần mà thấy lâu thật, nếu mà đi học vài năm không hiểu sẽ thế nào?
Sáng hôm nay dậy sớm nhất từ khi sang đây, 7h tôi chuẩn bị hết mọi thứ, cầm mỗi máy ảnh đi. Xuống bếp bố Adam đã ở đó cùng anh ta, ông chuẩn bị cho tôi một ít sario (Ngũ cốc họ làm như bim bim ở nhà) cùng với sữa tươi để ăn sáng. Ông hỏi tôi sẽ đi đâu và làm gì hôm nay và đưa cho tôi bản đồ du lịch, một mảnh giấy viết địa chỉ nhà và điện thoại đề phòng tôi bị lạc, quả là chu đáo. Đúng 8h sáng ngày 21 tháng Bảy, tôi một mình đi chơi London. Bắt chước Adam, đi qua vườn hoa đến một siêu thị nhỏ mua vé du lịch trong ngày cho một người với 4,95 bảng. Tôi ra bến xe buýt đón xe số 9 đến Hammer Smith, đúng là mới đi một lần hôm qua nhưng hôm nay tôi đã thấy rất thạo đường phố, cách thức đi lại ở đây. Vì sáng sớm nên trên xe chủ yếu là người đi làm, ăn mặc lịch sự, cặp tài liệu.v.v và người cũng khác hơn, chắc chỉ có tôi là đi chơi! Cũng vậy ở bên Hammer Smith, đối tượng đi xe cũng là các nhân viên đến công sở, và đây cũng là một kinh nghiệm lựa chọn thời gian để đi chơi. Đi sớm như này, các cửa hiệu chưa mở cửa, nhưng đường phố vắng vẻ lại thuận tiện đi tham quan hơn.
Đến gần trung tâm London, tôi không nhớ chính xác bến nên xuống ở đâu, vì hôm qua bị tắc đường Adam đưa tôi xuống giữa đường nên chẳng nhớ chỗ nào cả, tôi xuống bừa một phố, phố vắng vẻ, nhà cửa vắng chẳng có người, thỉnh thoảng mới có người vội vã đi bộ chắc đến công sở muộn vì đã hơn 9h rồi. Lang thang đi bộ không có cửa hàng nào mở cửa cả, siêu thị càng không, tìm đường ra các quảng trường không được cứ lòng vòng, vì nó không có biển tên phố như Hà nội, mà có biển tên cũng vô nghĩa với tôi. Để tránh đi lạc, tôi làm theo cách hồi còn bên Tokyo, xuống đi tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm của London thua xa Tokyo, nó cũ kỹ và phần nào bẩn. Lượng người đi không đông bằng, và cũng không trật tự, không xếp hàng lên xuống, mạnh ai nấy chen lên xuống như Việt nam. Dựa vào bản đồ tuyến đi trên toa tàu, tôi cứ vài ga lại lên mặt đất đi chơi, ra tận ngoài vùng 2 ở ga Liverpool Station. Giống như ở Đài loan hay Tokyo, tại mỗi khúc quanh cầu thang xuống ga tầu điện ngầm, thường có 1 người hát rong kiếm tiền, họ chẳng khác gì hát rong ở Việt nam, có chăng là thiết bị âm thanh của họ xịn hơn và họ không kì kèo khách, họ vứt ngửa cái mũ dưới chân và khách ném tiền vào đó. Lên xuống các ga có một điều đáng chú ý là ở đó có các tấm bảng nhỏ ghi cảnh báo hôm nay có đánh bom dưới đường hầm! Tuy nhiên chẳng ăn nhằm gì với mọi người, họ vẫn thản nhiên như không. Lên xuống phải đến chục nhà ga, tham quan các phố phường xung quanh, tôi đến ga Queen Station, ga này không chỉ dành cho tàu điện ngầm mà còn là nhà ga tàu tốc hành, tàu đi các nước nên nhà ga rộng mênh mông và nhiều tầng hầm. Các dịch vụ ở đây rất nhiều, hàng hoá bán cũng nhiều nhưng tôi đi tìm nhà vệ sinh mấy vòng không ra, hoá ra đâu phải chỉ có Hà nội mắc phải vấn đề này.
Sau mấy tiếng lòng vòng, tôi đã thông thạo đường hơn, người trên phố bắt đầu tấp nập, các cửa hàng cửa hiệu đã mở cửa, nhưng đói! Vì vẫn chưa đổi tiền, tôi tìm đến một đại lý đổi 200$ họ đưa lại 100 Bảng và nói, trừ 10% phí đổi tiền!!! Đúng là bọn bịp bợm không khác gì kiểu đổi tiền chợ đen ở Đinh Lễ Hà nội. Thế là cắn răng mất 20$. Tôi vào siêu thị theo người ta mua đồ ăn trưa, một chai nước to, thanh kẹo, bánh Humberger mất 6 Bảng. Vừa đi vừa ăn, vừa uống cũng ra vẻ hoà nhập như ai. Lúc này, trước các cửa hiệu tôi mới thấy có biển đổi tiền 185$ lấy 100 Bảng, có nơi là 190$ lấy 100 Bảng (Tỷ giá ngân hàng chắc khoảng 180$). Đã 12 giờ trưa, tôi thấy nhiều người ăn trưa như tôi, họ ngồi luôn trên bậc cửa, trên phố, trên bất cứ gì có thể. Tại nhà ga, có ghế họ vừa ăn vừa giở sổ sách ra làm việc và liên hệ điện thoại. Với cách sống và sinh hoạt như này, tôi hiểu sao Adam chán ở đây.
Đi chán cuối cùng tôi cũng tìm được đến trung tâm, đi lại một vòng rồi quyết định đi shopping. Xuống tàu điện ngầm, tôi đến phố điện tử hôm qua, các cửa hàng hôm qua chưa vào hoá ra có rất nhiều điện thoại, 70% nhân viên bán hàng lúc đầu tôi tưởng là người Ấn độ, nhưng hoá ra là người Malaysia, họ sang đây làm thuê vì họ có lợi thế ngôn ngữ. Tại nước họ thì lại đi thuê lao động nước ngoài như Việt nam. Về kỹ năng, Việt nam không thua kém nước nào cả nhưng vì ngôn ngữ và khả năng độc lập kém nên trở thành lao động rẻ. Sau nhiều lần hỏi giá điện thoại quá cao, tôi hỏi loại secondhand hoặc hàng ngoài, đúng là dân châu Á, họ có ngay, dấm dúi đưa ra chắc là hàng chôm chỉa đâu đó nhưng giá cũng cao hơn ở nhà từ 100-300$. Không mua được điện thoại, tôi quyết định đi chơi tiếp. Đi tàu điện ngầm có vẻ an toàn nhất khi không biết đường, vì xe buýt tôi chẳng biết đi tuyến nào, đến đâu cả. Tôi chỉ ghi nhớ có một bên Hammer Smith để quay về, kiểu như lấy hồ Hoàn kiếm làm mốc vậy. Giao thông trong phố có cái hay là họ có nút bấm trên cột đèn cho người đi bộ giành quyền ưu tiên khi muốn sang đường. Đường sá bé mỗi chiều chỉ vừa một làn xe nhưng do chấp hành tốt nên nhiều xe buýt to, có cái 2 toa vẫn chạy nhanh, cua góc ngon lành. Và có lẽ cả thế giới dân lái xe buýt ở đâu cũng như nhau, với cái xe to trên phố, họ cứ lao ầm ầm, mặc cho người khác phải tránh họ.
Tôi lên phố Oxford, phố này khá dài, hai bên phố toàn là các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị và chủ yếu là hàng may mặc. Ngoài vỉa hè là các xe đẩy, các kiốt bán hàng treo lủng lẳng. Các hàng lưu niệm, treo chìa khoá, toàn loại rẻ tiền và xuất xứ Trung quốc! Muốn mua cái gì đó mang y nghĩa của London nhưng nhìn nó không khác gì hàng trên Lạng sơn. Các cửa hàng quần áo, giầy dép thì đúng là đáng xem, toàn hàng hiệu và chất lượng khá tốt nhưng không có một loại nào xuất xứ Anh quốc cả, tất cả sản xuất ở nước ngoài (Cambodia, Turkey, China, Vietnam, .v.v) Mà giá cũng trên mây. Vì kích cỡ khá to nên tìm mãi được một cái áo sơ mi, tôi xem giá được dán chồng lên nhau 5 lần còn 9,5 bảng. Nghĩa là nó đã được giảm giá 5 lần rồi. Bóc lớp trong cùng có giá là 49 Bảng (khoảng 80$) cái áo này ở nhà đắt chỉ khoảng 500 ngàn! Nhưng tiền nào của nấy, hàng rất tốt. Đồ da thì tệ hơn, phân nhiều loại, cỡ dưới 100 Bảng thì không nên xem, vì không bằng hàng Tàu ở nhà, còn trên 100 Bảng cũng không nên xem vì đắt quá! Ớ nhà mua còn rẻ hơn nhiều. Sau khi kiếm được mấy cái áo phông, tôi quyết định thôi không mua nữa, chỉ mua mấy bức tranh về làm kỷ niệm.
Về đến nhà gần 8h tối, cả 3 người nhà Adam đang đợi tôi và có vẻ sốt ruột, hỏi nhiều câu hỏi quan tâm, tôi đoán vì tôi đi lâu quá nên họ sợ bị lạc, nhưng ngay sau khi vào phòng khách nơi đặt tivi và đang thời sự, mẹ Adam mới hỏi, cháu không sao chứ? Thì ra, hôm nay đã có 4 quả bom nổ trên xe buýt và trong tầu điện ngầm, nơi mà tôi đi lên đi xuống cả ngày hôm nay. Tôi trả lời, tôi chẳng biết gì cả, nhìn các bảng thông báo vẫn nghĩ là của vụ đánh bom 2 tuần trước, hơn nữa mọi người vẫn bình thường chứ không như bình luận trên tivi kia. Với thông thời sự như vậy họ lo cho tôi là phải, chắc cả ngày không biết làm thế nào để liên lạc với tôi. Và khi tôi về họ như trút được gánh nặng. Adam rủ tôi ra ngoài đi ăn tối, chúng tôi ra một quán ăn Ytalia sát bên bờ sông Thêm, nó giống như quán ven hồ Trúc bạch, giờ này (9giờ tối) mặt trời đỏ rất đẹp. Mỗi người một bánh Piza to, vậy mà tôi ăn hết veo.
Manchester 22 tháng 07 năm 2005
Rời London, Adam đưa đi chơi tại Alton Tower
Sáng dậy gói đồ đạc, chào và cám ơn bố mẹ Adam, chúng tôi lên đường quay về vùng Yorkshire. Kế hoạch không được thông báo trước, nhưng sẽ là đi chơi Alton Towers, chiều sẽ gặp Howard và Martin ở Manchester rồi cùng về Ingleton. Thoát khỏi đường trong phố ra đến cao tốc, Adam linh hoạt hẳn lên, anh ta có vẻ vui hơn nói chuyện nhiều về công ăn việc làm. Phúc lợi xã hội cao nên việc trợ cấp thất nghiệp khá tốt, Adam nói, có người đến chục năm không đi làm chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp để đi chơi. Chỉ cần thông báo, tôi đang tìm việc ở A chẳng hạn nhưng chưa được, miễn là trong EU, thì hàng tháng chính phủ sẽ gửi tiền cho anh ta. Có người mùa đông ở Pháp trượt tuyết, mùa hè sang Ý leo núi.v.v và nhà nước trả tiền. Hay phụ nữ ở nhà sau khi lấy chồng, chẳng làm gì cả vẫn có lương hưu sau này... Tất nhiên chẳng ai mãi chỉ sống bằng trợ cấp, vì việc làm không khó kiếm lắm nên rồi họ cũng đi làm cả!
Alton Towers là một công viên với các khu vui chơi chức năng, nó nằm trong một khu đất riêng, trước đây của Bá tước của Shrewsbury, rộng khoảng 81 Hectares (gần gấp 3 lần khu đô thị Định công), nó hấp dẫn cả người già và trẻ. Các khu vui chơi, khu vườn, cùng với lâu đài cổ mà gia đình Bá tước ở đây đến tận năm 1923 sau đó được công ty giải trí mua lại và sở hữu. Công viên này nằm ở Staffordshire, cách London hơn 2 tiếng, đến đây khách có thể tham gia vào rất nhiều trò chơi, khám phá các triều đại khác nhau trên mảnh đất này như Ugland, Thung lũng cấm, Phố Lâu đài hay phố Cred. Các đường trượt tốc độ như Lỗ đen (Black hole), Xoắn ruột gà (Corkscrew), đường xoắn Nemesis kinh khủng và máng nước. Năm nay có đường tốc độ mới là Rita, Nữ hoàng tốc độ nhanh nhất châu Âu hiện nay. Dọc khu công viên trên 1km là đường cáp treo cho du khách thưởng ngoạn cảnh quan xung quanh từ độ cao khoảng 50 mét.
Lâu đài rất to và rộng được để hoang không sử dụng mà cũng không cải tạo. Tuy trông con khá nguyên vẹn nhưng họ cứ để nguyên như vậy cho du khách tham quan. Nhiều nơi cỏ dại mọc đầy trước cửa, bậu cửa sổ, những khung cửa bằng gỗ sồi chỉ còn lõi. Lâu đài này trông to khoảng gấp rưỡi nhà Hát lớn ở Hà nội, nó có mấy khu vực, tuy phía ngoài để tiều tuỵ như thế nhưng phía trước và cổng của nó các mảnh vườn vẫn được trồng hoa và chăm sóc. Tôi đi vào phòng lớn của lâu đài, nó rộng mênh mông và trần nhà cao như trong một nhà thờ Thiên chúa giáo. Nơi đây trước kia mỗi kỳ nghỉ có hàng trăm gia đình quý tộc tổ chức hội họp, khiêu vũ, mấy trăm năm qua, phòng này mốc meo, lở loét, trên mái nhà tại các lỗ tò vò quạ làm tổ. Trên tường nham nhở vài mẩu tranh tường sót lại. Một gia tộc lớn đã từng ở đây.
Giá vé vào đây không rẻ chút nào, 28 Bảng người (50$) nhưng vào không phải trả thêm tiền cho hầu hết trò chơi, chơi hết tất cả cũng mất thời gian 1 ngày. Adam có vé từ một cô bạn người Malaysia, cô ta là con nuôi một người Anh, khi đến đây, chúng tôi đã rẽ qua nhà cô ta đề lấy vé, chắc là vé mời nên Adam mới đi cùng tôi, chứ nếu không chắc gì tôi đã được cơ hội tham gia?
Các khu đường xoắn tốc độ được đặt xa nhau và xen kẽ các môn chơi khác như khu dưới nước, khu nhà ma, khu chơi phi tiêu, khu bán hàng và khu vườn... bằng cách đó, du khách sẽ không bị nhàm chán khi vào đây. Khu vườn khá rộng trên các quả đồi, phía trên là rừng, dưới là con suối nhỏ hoặc hồ nước trông gần giống khu rừng rậm nhiệt đới với nhiều tầng thực vật, có chỗ trông gần giống như vườn, ao nông thôn Việt nam vậy. Trước đây là khu săn bắn của các quý tộc là khách của Bá tước mỗi kỳ nghỉ kéo nhau về đây. Tuy rộng và các động vật khá nhiều nhưng nghèo nàn chủng loại, chắc chỉ có chồn cáo, thỏ sóc.v.v. chim cũng nhiều nhưng khác hẳn khi vào rừng Việt nam, không có những tiếng hót tiếng kêu đa dạng của rừng. Rừng của họ yên tĩnh hoạ hoằn mới có tiếng kêu lạ hoắc. Khi công ty này mua lại, họ quản lý và duy trì tuyệt vời cảnh quan sinh thái, họ trân trọng những gì họ có và phát triển nó.
Adam rất hứng thú với các trò chơi, sẵn sàng đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ đến lượt. Xếp hàng rất dài nhưng có 2 loại, một là hàng cho nhóm người và hàng cho người đi lẻ, loại đi lẻ ít người xếp nhưng phải chờ giống hàng group. Một lượt chơi khoảng 6 người nhưng nhóm chỉ có 5 người, họ sẽ xếp thêm một người bên hàng đi lẻ. Adam và tôi xếp hàng lẻ nên khi đến lượt thì mỗi đứa chơi một vòng khác nhau. Tuy đã từng tham gia chơi bên Đài loan, nhưng tôi cũng bất ngờ vì tốc độ của các ống xoắn ở đây, Adam nói, nó đã 3 năm rồi, khi mới đầu là nơi có trò tốc độ nhanh nhất châu Âu! Quả thật nó tạo cảm giác sợ hãi mà nhiều thanh niên (tây) to con hùng hổ lên, sau hơn 45 giây trở xuống mặt tái mét và không còn nói gì nữa vì la hét quá mức trên kia? Mỗi một vòng trượt, qua một khúc xoắn kinh khủng nhất, hệ thống camera của hãng CCTV chụp ảnh của tất cả mọi người với các khuôn mặt lạ lùng nhất, mỗi bức ảnh khoảng 4 Bảng. Sau 2 vòng đi theo Adam, chúng tôi xếp hàng đến trò chơi Lỗ đen. Trên lối xếp hàng có các biển báo cho biết từ vị trí đang xếp đến lúc được lên cabin là bao lâu, khoảng 1,5 giờ, 45 phút hay 15 phút nữa. Vào khu lên cabin có màn hình chiếu đoạn clip với nội dung kích động người chơi kiểu “Bạn kém thế à? Không dám chơi à? Thế mà cũng đòi chứng tỏ.v.v” Trò này có một cabin chứa được 30 người, hàng trên cùng và những người ngồi ngoài cùng là sợ nhất có cảm giác mạnh nhất. Cabin được đưa lên cao khoảng 60 mét sau đó thả thẳng đứng xuống sâu dưới một hố ngầm tự do. Trước khi thả, họ dừng lại vài giây cho người chơi quan sát, với độ cao 60 mét kêt cũng choáng, tôi đành nhắm mắt và la hét theo bản năng khi rơi tự do, xuống đến đáy, một luồng hơi nước lạnh được phả vào cabin chắc để cho ai bị ngất tỉnh lại? Cabin tiếp tục trôi theo vòng xoắn hơn trăm mét thì dừng lại. Tổng thời gian chỉ có 15 giây từ lúc trên đỉnh cao nhất, nhưng cũng đủ để làm người can đảm nhất ngồi im và tái mét khi cabin dừng lại! Do xếp hàng quá lâu nên chúng tôi không chơi tiếp, mà tôi cũng sợ nên Adam đưa tôi sang khu vực khác. Gữa hai khu vực cách nhau 20 phút đi bộ, leo lên đồi, qua khu vườn, chúng tôi định đi cáp treo nhưng 12h trưa nên nó không hoạt động. Nemesis, một loại ống xoắn treo người chơi, nhiều đoạn ống là hình tròn treo ngược người chơi chổng chân lên trời với tốc độ rất cao. Tổng thời gian cũng khoảng 20 giây nhưng do đã có cảm giác mạnh từ hố đen nên tôi đã tham gia 2 lần, lần 2 cảm giác không thú vị như trước nữa.
Người chơi rất đa dạng, thú vị nhất có lẽ là các sinh viên người Phi, da đen, họ hào hứng, la hét và rất hiếu động trước khi đến lượt, người Âu họ lặng lẽ hơn. Quy định độ tuổi, chiều cao tối thiểu và kích thước cơ thể làm cho nhiều người đứng ngoài thèm thuồng nghe tiếng la hét của bạn bè. Về kích thước thì quả là buồn cười, vì ghế ngồi như trên ô tô, nhiều người béo quá không thể ngồi lọt vào và đai an toàn không đảm bảo cho họ nên họ bị từ chối cũng phải. Tham gia tiếp mấy vòng xoắn tương tự nhưng là treo ngược người, rồi ngửa người, chúng tôi chán, sang khu trò chơi nước và khu xe khai thác mỏ. Xe khai thác mỏ là xe goòng chạy trên đường ray trong các hầm lò lên xuống, xoắn với tốc độ cao, nhưng không nhanh bằng các trò trước, trò này phù hợp trẻ em.
Khoảng 2h chiều chúng tôi về, Adam nói quay lại nhà cô bạn để cám ơn sau đó sẽ liên lạc với Martin để gặp nhau tối nay ở Manchester. Điện thoại của cậu ta hết pin từ sáng, xe hỏng chỗ sạc nên chắc Martin không gọi được. Nhà cô bạn khá chật nhưng ấm cúng, cô này chắc làm con nuôi được cưng chiều nên có vẻ õng ẹo. Một lúc thì bà chủ nhà, mẹ nuôi cô ta về. Do hẹn với Martin lúc 4h nên Adam sạc pin và bà chủ nhà hiếu khách chuẩn bị cơm mời chúng tôi. Bà nấu cơm như cơm Việt nam, đồ ăn ngon. Tôi chắc Adam đói nên ăn ngấu nghiến.
Lên đường Adam mới gọi cho Martin, họ đã ở Manchester, để đến đó mất khoảng 1,5 tiếng nhưng không may cho chúng tôi, đường hôm nay sửa và tắc đường, xe chạy như rùa bò, thế là không thể đến Manchester kịp. Cuối cùng Adam phải gọi cho Martin và Howard bảo họ về, còn tôi về nhà Adam tại một làng xa hơn 1 tiếng đồng hồ từ sân bay Manchester. Đường đến nhà Adam khá xa đường cao tốc, toàn là đường núi đồi lên xuống dốc có hai làn cho hai chiều khoảng 5 mét rộng nhưng đầy đủ biển báo. Vạch danh giới và quan trọng hơn là ý thức con người nên xe vẫn đạt tốc độ 40- 60 dặm giờ. (70-90kmh.) Không thể tin được với tốc độ như vậy trên đường đèo như vùng Sơn la. Càng đến gần nhà càng heo hút, một vùng trung du mênh mông núi đồi và thảo nguyên cỏ, chỉ có lác đác nhà trên đường và các làng nhỏ dưới thung lũng, qua nhiều dãy núi và tận 9 giờ tối vẫn chưa đến nhà. Tôi có một may mắn lúc này, là thời tiết khá đẹp, trời quang mây, trên một ngọn đồi khi về gần đến nhà, nhìn bao quanh cảnh quan thật tuyệt, vị trí này là phía đông sân bay Manchester nên nhìn lên trên trời các vệt khói máy bay đan chéo nhau như thảm caro, sau một lúc, gió thổi khói tản ra như giải lụa trắng trên trời xanh. 9 giờ tối mặt trời bắt đầu xuống, nó nhuộm hồng các giải lụa khói làm nó ánh lên rực rỡ. Tôi chớp thời cơ chụp được một số bức ảnh, trông nó như đám cháy khổng lồ với vũ điệu của các vệt mây tạo ra bởi khói máy bay.
Nhà Adam chắc là mua chung với người khác nên anh ta chỉ có 1 nửa nhà có tầng 1 một phòng và bếp, tầng 2 một phòng. Anh ta nói, nhà này giá khoảng 200 ngàn Bảng, đắt thật! Ở có một mình nên rất bẩn thỉu và bừa bộn, đồ đạc chủ yếu là các thiết bị leo núi, chủ yếu thời gian anh ta đi công tác nên chắc chỗ ở không được chăm sóc lắm. Giống như nhà Watto, chìa khoá cũng được giấu dưới thảm rất dễ tìm. Xóm này trông gần như một cái bản hẻo lánh trên cao bằng, nhưng do giao thông tốt nên nhà nào cũng có xe ô tô, nhà nào cũng sạch sẽ với rất nhiều hoa treo khắp nơi, nhà có mảnh vườn nhỏ thì chỉ có vạt rau ti xíu còn lại là hoa, hoa nhiều và sặc sỡ thật đẹp, chắc chỉ có nhà Adam là không có hoa vì anh ta ít ở nhà. Sau khi tắm rửa trong phòng vệ sinh xập xệ tồi tệ như nhà Việt nam thời bao cấp, Adam rủ tôi đi quán uống bia. Tôi chưa hình dung ra như thế nào cả, hơn nữa cả ngày mới được ăn có một bữa ra bữa nhà cô bạn Adam nên tôi đồng ý đi.
Quán là một ngôi nhà kín mít như nhà kho nằm giữa ngã ba chơ vơ giữa đồng không mông quạnh, cách thị trấn nhà Adam 15 phút đi xe. Đỗ xe xong, tôi đi theo anh ta vào quán, tôi ngẩn người khi mở cửa, một cái quán nông dân Anh, cách bài trí, con người, đồ vật, giống hệt như trong phim cổ điển mà tôi đã từng xem trên ti vi, không thể tin là vẫn còn văn hoá như thế ở một nước công nghiệp phát triển sớm nhất này. Như trong “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, một cái quán bia là nơi tập trung tất cả mọi người rải rác trong vùng, họ ở khá xa nhau trong các trang trại khác nhau, nhưng gặp nhau ban đêm trong quán này. Quán không rộng, một quầy ba với các loại bia (trên 20 loại), ít đồ ăn như kiểu bim bim, khách là các nông dân cả vợ con, họ mang cả chó đến, những con chó yên tĩnh ngoan và rất khôn, họ yêu quý chó như thành viên trong gia đình, với cách xưng hô là anh hay chị (he/she) thay vì nó (it) như tôi thường dùng có thể thấy điều đó. Dường như tất cả mọi người đều biết nhau và rất thân thiện với nhau. Tưởng tượng y như trong phim vào một quán gọi một cốc bia, ngồi tán chuyện, có đọ tay, có bình phẩm về phụ nữ, về nông trại.v.v. Đặc biệt họ không bao giờ nói chuyện về chính trị, mà họ không quan tâm chẳng biết Tony Blair là ai nữa. Adam họ đã biết, khi anh ta giới thiệu tôi với mọi người, họ hồ hởi làm quen, và một số người không biết Việt nam ở đâu, có lẽ lần đầu tiên ông ta biết có một nước tên là Việt nam? Ông ta đến đây với vợ ba, có 4 thằng con, đã có cháu nội thế nhưng mới khoảng 50 tuổi. Cũng giống Adam và mọi người ở đây, ông ta không thích thành phố, đến London có 2 lần cách đây gần 30 năm khi còn thanh niên, thấy ồn ào quá và không trở lại nữa. (Từ đây đi London khoảng 4 tiếng ~ 500Km) Là một nông dân nghèo, làm đủ ăn, thích đi săn thỏ nhưng khác với Watto là ông ta có vẻ ít hiểu biết thế giới bên ngoài. Tuy nhiên họ cũng thường tích cóp cho các chuyến đi du lịch đến châu Phi, Mỹ, có người đến cả Thái lan và cũng có nghe đến tên nước Việt nam! Bà vợ chủ quán có vẻ sành sỏi hơn cả, bà ta đã 2 lần đến Thái lan và chợt nhớ ra nói, mày là người Việt nam thì không nên gần lũ chó kia, vì mày ăn thịt chó!!! Quả là điều bất ngờ nhất từ lúc bước chân vào đây, con chó đối với họ gần gũi nhất là những gia đình không có con cái, họ hôn hít, ăn uống vui chơi cùng chó, chăm sóc nó như người thân vậy.
Đến quán này mới thấy, người Anh họ không những duy trì môi trường sinh thái cho các khu vườn quốc gia, họ còn duy trì được cả môi trường và cách sống của con người, gần như một xã hội khác hẳn. Không giống như bên ta, cuộc sống hiện đại mọi lúc mọi nơi thâm nhập biến đổi từng ngõ ngách của xã hội, đến như trên Sapa, đâu còn những người dân tộc ngày xưa? Chỉ cần giơ máy chụp ảnh chú bé trên lưng trâu, cậu ta nhảy ngay xuống, có cho tiền thì mới trèo lên để cho chụp, không thì thôi!
Lâu đài cổ ngày 23 tháng 07 năm 2005
Do bị về muộn và không gặp được nhau hôm qua nên kế hoạch đi chơi hôm nay bị thay đổi, Adam lại tiếp tục đi với tôi. Sáng sớm dậy chờ Adam sắp xếp đồ đạc, cậu ta sẽ đi chơi hết tuần này để sang tuần khi tôi về thì cũng là lúc cậu ta đi công tác ở Amstedam. Tôi đi dạo quanh thị trấn, nó nhỏ nhưng sạch sẽ, cũng có đầy đủ từ nhà thờ (gần 1000 năm) xây bằng đá cũ kỹ và khá to, nhà băng, trường học.v.v. ở đây yên tĩnh còn hơn cả Ingleton chỗ Howard, con đường chạy song song với con suối nhỏ nên hai bên đường là những vách núi, những vạt cây âm u tĩnh mịch có vẻ gì đó giống như trên đường đi Kim bôi, tất nhiên không có các vách đá sừng sững như ở nhà. Làng này có vẻ nghèo hơn, và nông dân hơn! Những ngôi nhà đá và mái ngói bằng đá phiên rêu phong hai chái nhà lợp bằng gỗ miếng mỏng rất đẹp vẫn còn nhiều. Trên một số cánh đồng, lác đác vài ngôi nhà nhỏ xâu xí và nghèo nàn của nông dân, gần như là nhà dân tộc mà ta thấy trên các vùng núi Hoà bình. Trông bên ngoài thì như vậy nhưng trước sân nhà họ có đủ loại máy móc nông cụ, có cả xe máy Honda loại 4 bánh to như bánh trước máy kéo tactor, loại xe này chạy trên địa hình đồi núi không bằng phẳng và trên đồng cỏ rất hữu hiệu. Và không thể thiếu là những xe ô tô hiện đại, phương tiện nối gần khoảng cách xa thành phổ của những ngôi nhà này. Với các phương tiện và điều kiện sống như vậy mà họ vẫn chân chất một nông dân điển hình!
8 giờ quay lại nhà, Adam đã chuẩn bị xong. Chiều tối nay chúng tôi sẽ có bữa Barbecue ở nhà Howard với khá đông những người đã từng sang Việt nam hứa hẹn một buổi tối vui vẻ. Nhưng từ giờ đến lúc đó, chúng tôi có một ngày đi chơi. Anh ta quyết định dẫn tôi đi khi biết tôi thích những lâu đài cổ, những grid catsle (mạng lưới hàng rào trang trại bằng đá xếp khắp miền Bắc nước Anh.). Sau bữa sáng nhẹ, chúng tôi đến một lâu đài khổng lồ cách nhà Adam 30 phút. Lâu đài này tên là Chatswoth, Lâu đài này trên 450 năm nằm trong thung lũng Derbyshire, Adam nói, nó gần như là lâu đài to nhất và duy nhất chủ nhân của nó vẫn còn tồn tại qua đến 11 đời đến nay. Trên cổng ra vào có tấm bảng phả hệ của dòng họ này, thời gian xây dựng, sửa chữa.v.v Lâu đài này nổi tiềng không chỉ vì nó to nhất Anh quốc (to hơn cả điện Buckingham), hoành tráng, uy nghi trên một vùng đồi cao cùng với khu rừng mênh mông xung quanh, mà nó còn nổi tiếng vì sự giàu có của chủ nhân nó. Bên trong lâu đài chỉ còn một bà già, chồng bà ta mất từ lâu. Cậu con trai không thích sống ở đây đã cùng vợ con đến London ở. Một gia đình khi cho con cái thừa kế tài sản, họ phải nộp thuế nhà nước 40% tổng giá trị tài sản đó. Lâu đài này ước khoảng 2 ty Bảng (~4 tỷ USD), khi bà già này chết cho cậu con trai thừa kế, cậu ta sẽ phải nộp thuế nhà nước khoảng 800 triệu Bảng! Làm sao mà nộp nổi? Chính vì điều này mà hầu hết các lâu đài các dòng họ của Anh quốc bị phát mại sau khi thế hệ trước chết cho thế hệ sau thừa kế! Cậu con trai được thừa kế cả tước vị là Công tước xứ Devonshire cùng với vợ của mình sẽ là chủ nhân của cả hơn 15000 hectars đất đai.
Gia đình này họ giàu có, tuy chỉ có một bà già sống ở đây nhưng bà kinh doanh mở cửa cho du khách 11 Bảng/người vào tham quan khu vườn và sân lâu đài, thêm 5 Bảng nữa để vào tham quan bên trong lâu đài và thêm 5 Bảng nữa để tham quan các phòng trưng bày đồ bảo vật của gia đình họ, mà có lẽ cũng là bảo vật của thế giới vì có nhiều bức tranh, đồ châu báu, tuổi trên 2000 năm được mang ở Ai cập về thời nước Anh bá chủ thế giới... Adam nói, nhà họ đã từng phải bán tranh hàng triệu USD để có tiền đóng thuế các loại... Bằng các kinh doanh du lịch như này, họ kiếm cũng kha khá. Đội ngũ bảo dưỡng duy trì lâu đài và vườn khoảng trăm người, đội ngũ cho công ty du lịch của lâu đài cũng phải 200 người, ngoài ra còn có một công ty lâm nghiệp quản lý và khai thác rừng xung quanh lâu đài nữa. Như vậy chỉ có một bà già cũng đã vài trăm người phục vụ!
Chúng tôi đến đây lúc 9h 30 thế nhưng bãi xe mênh mông hàng ngàn xe của khách du lịch đậu kín bên ngoài hứa hẹn góp nhiều tiền cho nhà bà để đóng thuế sau này. Mỗi năm, lâu đài đón trên 1 triệu khách tham quan! Một con số đáng ước mong của bất cứ địa danh nào trên Việt nam. Dãy tường rào ngoài cùng trước cổng chính rất hoành tráng như bức tường thành. Cổng chính cao to sừng sững bằng đá to hơn cửa Bắc thành Hà nội nhiều và tại đó có các phòng như kiểu bảo vệ và soát vé, nó hình khối tạo cảm giác uy nghi bề thế của chủ nhân trước khi bước vào bên trong. Dãy nhà chính vuông góc với tường và cổng chính, có 3 tầng hàng trăm phòng các loại và phòng chính rộng mênh mông. Nối tiếp dãy nhà này và mảnh vườn rực rỡ màu sắc các loại hoa là một khối nhà hình vuông 4 tầng có sân chính giữa cũng có hàng trăm phòng. Không hiểu chủ nhân họ có bao nhiêu gia nhân để ở hết các vị trí trong nhà này? Hiện tại, các phòng được chia thành nhiều khu vực như bảo tàng nghệ thuật, kho báu, triển lãm ảnh, phòng chiếu phim, thư viện.v.v và hệ thống các cửa hàng dịch vụ đủ các loại như một khu phố. Bao quanh toà nhà là khu vườn, đồng cỏ như một trang trại hoàn chỉnh với đầy đủ vật nuôi. Trở ra khỏi cổng chính, cuối bức tường dài trên một ngọn đồi cách khoảng 500 mét là một khu nhà vuông với sân ở giữa cũng rất to nhưng chỉ dùng làm các quán hàng ăn và khu vui chơi cho du khách. Du khách đến đây không chỉ để tham quan mà còn có thể picnic, chơi các trò chơi trong rừng, trong khu vườn có những cây sồi già khổng lồ hàng trăm năm tuổi, nên rất nhiều nhóm đến đây hoạt động cả ngày. Sân bên ngoài của khu vực này còn có cả triển lãm ô tô hiện đại lẫn cổ điển... Như vậy, bằng cách hoạt động du lịch tại chỗ với những gì tự họ có, họ đã có thể thu được mỗi người ít nhất 20 Bảng và với 1 triệu khách năm là 20 triệu Bảng (35 triệu USD) chưa kể các hoạt động khác. Thế là có tiền đóng thuế cho con rồi!
Lâu đài thứ hai tôi đi tham quan cũng nằm gần đây, khoảng 20 phút đi xe nữa. Toạ lạc trên một ngọn đồi bằng phẳng nhìn xuống thung lũng không gian rộng mênh mông với phong cảnh đẹp tuyệt vời. Bãi đỗ xe nằm ngay trước cổng với vé đậu xe là 3,5 Bảng mà Adam nói, trước đâu có thu tiền? Toà nhà đang được sửa sang, nó trông nhỏ hơn cái tôi vừa xem nhưng cũng rất rộng, cao và phải cả trăm phòng. Lâu đài này có điểm khác các lâu đài tôi đã qua, đó là tính hiện đại, hàng trăm cửa sổ, cửa chính đều có cửa bằng kính! Phía sát mép đồi bên bờ vực xuống một con suối là một cái lâu đài khác chỉ còn tường đổ nát. Khi đọc tờ giới thiệu và nghe Adam kể tôi mới biết, chủ nhân là một phụ nữ giàu có bậc nhất nước Anh, giàu hơn cả Nữ hoàng. Bà ta không phải là con nhà dòng dõi gì lắm, cũng chẳng phải là giỏi dang, mà là bà ta đã được thừa kế liên tiếp tài sản của ba đời chồng đều là quý tộc giàu có, nghĩa là, lần lượt cứ lấy bà ta rồi chết, đến người thứ ba thì gộp 3 tài sản lại thành người giàu có nhất vậy. Toà lâu đài cũ kia là của bà ta trước đó, nhưng vì hơi nhỏ và không đẹp nên bà ta bỏ tiền và mấy chục năm để xây một cái mới nguy nga tráng lệ ngay bên cạnh. Các cửa kính thời điểm đó cũng thể hiện cực kỳ giá trị của lâu đài. Nhưng sau khi ba ta chết cũng chẳng để lại được cho ai cả, thay chủ vài lần rồi toà lâu đài bị hoang phế và giờ được nhà nước bảo quản, họ đang tu sửa để đưa vào du lịch. Tôi thấy lâu đài này có vị trí thật tuyệt khi nhìn xung quanh, nó như được tạo ra cho chính lâu đài vậy, cảnh các cánh đồng cỏ, ngũ cốc, những đàn cừu, con suối dưới thung lũng, .v.v như một bức tranh nông thôn mà tôi chỉ được thấy trong sách trước đó. Có một điểm khác với toà lâu đài trước đó mà theo Adam, lâu đài này còn là pháo đài để đánh nhau nữa, nó làm sát con suối chính là để lợi dụng địa thế bảo vệ, ngoài ra hàng rào xung quanh bằng đá (dày hơn 1 mét) cũng có nhiều lỗ châu mai trông như bức tường thành thì đúng hơn. Trong lâu đài cũ vẫn còn một bức hoạ trên tường phía trên lò sưởi có ống khói đổ nát, các cửa vào tầng hầm đã bị bịt lại bằng đá. Những vết tích trên bức tường tôi nghĩ chắc của chiến tranh đó là có mấy mẩu gỗ nằm sâu trong mạch vữa giữa hai phiến đá, nó chắc của mũi tên hay lao, hay giáo đâm vào? Chắc của thời Rô Bin Hút?
Không khác lắm ở Việt nam, trước cửa ra vào của các khu tham quan lâu đài như này đều có thùng Donation (hòm công đức) để lấy kinh phí duy tu bảo dưỡng. Vé vào cửa cho khách tham quan không rẻ nhưng rất đông khách, có loại vé cho sinh viên, cho nhóm người, cho gia đình và nếu tham gia vào hiệp hội bảo tồn di tích thì không phải mua vé! Nhưng chắc phải đóng hội phí cho nó thôi. Ngồi ở bãi cỏ nghỉ một lát đứng dậy mới phát hiện cả tôi và Adam giầy và ống quần dính đầy phân bò! Không hiểu sao không có mùi gì cả, và người ở đây họ cũng có vẻ không ghê gì với loại này thì phải, họ cứ thản nhiên dẫm lên, hay dính đầy trên ống quần do bước đi quệt vào như Adam cũng mặc kệ! Đúng là những gì đến từ thiên nhiên thì cho dù là phân chăng nữa cũng không đáng sợ bằng những gì con người làm ra.
Rời lâu đài cũng đã hơn 2 giờ chiều, đi nhiều thật suốt ngày, không thể tin là có thể đi được như vậy nhưng cũng không có chút mồ hôi nào cả? Do hẹn về nhà Howard tận 7h tối nên Adam đưa tôi đi chơi tiếp đến nhà chú ruột cậu ta. Nhà ông chú Adam ở thành phố Leads. Ông ta là hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở đây nên nhà cũng rất khá giả. Vào nhà tôi tìm ngay nhà vệ sinh để thay quần toàn phân bò đang mặc trong khi đó Adam thản nhiên tha những gì trên người anh ta vào phòng khách trải thảm và ngồi trên bộ xa lông nỉ. Ông hiệu trưởng rất giống bố Adam, nhưng nói nhiều và hồ hởi hơn, bà vợ trẻ và điềm đạm, đứa con trai cao to lừng lững vừa đi chơi thể thao về còn 2 cô con gái nhỏ nhắn rụt rè nhìn tôi.
Vì rất lâu rồi Adam mới đến chơi nên có một điều thú vị mà tôi nghĩ đó cũng là một nét văn hoá hay. Mỗi một kỳ Noen mọi thành viên trong gia đình họ thường có quà cho nhau cho dù có mặt hay không. Adam đã 4 năm không đến đây vậy mà quà Noen cho anh ta vẫn được giữ nguyên, gần 1 chục hộp to nhỏ gồm chocolate, Rượu, sách.v.v ngay chính những người nhà ông chú cũng không nhớ là có nhữ gì nữa. Việc mở quà cũng là cho Adam rất hứng thú trông như đứa trẻ vậy. Ông hiệu trưởng khoe với tôi, ngày mai họ lên đường cả nhà đi Ý nghỉ hè, nếu chúng tôi đến muộn một hôm thì chắc sẽ không gặp ai cả. Tuy là nhà ở thành phố Leads nhưng là một nhà biệt thự khá lớn, không xây bằng đá như thường thấy mà bằng gạch đỏ. Tất cả các phòng đều có cửa sổ rất to, cao bằng kính nên ánh sáng luôn tràn đầy trong các phòng. Đồ đạc trong phòng khách rất bừa bộn nhưng sạch sẽ và ấm cúng, tôi nghĩ nếu kiểu này mà ở khí hậu Việt nam thì chẳng mấy mà bẩn thỉu bê bết hết cả! Do lạ và cũng không muốn nói chuyện nhiều nên tôi chỉ ngồi xem Cricket trên tivi, môn thể thao ưa thích của Anh và các quốc gia thuộc Anh cũ. Xem chán tivi, Adam và tôi chào chủ nhà và lên đường.
Sân nhà Howard đã có đông người, dưới bãi cỏ nhỏ có 2 cái lều đang được dựng. Vào nhà chào mọi người, Howard giải thích qua cho tôi, mai mọi người sẽ cùng đi thám hiểm hang động, sau bữa tiệc tối nay, những người ở xa như vợ chồng Watto, vợ chồng Cow sẽ ở lại... thường chủ nhà không có đủ chỗ cho khách nên khách chủ động mang lều đến và cắm trại ngoài vườn. Trời gió to hơi lạnh, mọi người đến đông dần thật vui, John tôi đã gặp chuyến đi 2003 cũng đến cùng vợ con, năm nay vì mới sinh con nên không tham gia. Anh ta rất vui khi tôi tặng một hộp đũa Việt nam làm quà. Snapnet cũng vậy, một cô gái khó tính năm 2003 đến cùng đứa con nhỏ đang tập đi. 2 cái lều dưới vườn là của vợ chồng Cow và một cặp tôi không biết tên. Khi mọi người đang chuẩn bị nổi lửa thì Watto mới đến, ông ta đến ồn ào cùng nhiều đồ ăn mang theo làm thay đổi không khí của mọi người và cùng Christina nhanh chóng xuống vườn sửa soạn lều bạt của mình tối nay, vừa làm vừa huýt sáo. Martin phải trực để hôm sau đi leo núi với tôi nên không đến, chỉ có vợ và Mathew. Adam mang theo chai rượu quà Noen từ nhà ông chú, mỗi người đến tham dự đều mang phần ăn, uống của mình nên có rất nhiều đồ ăn và cũng rất nhiều loại khác nhau. Đồ uống cũng đủ loại, ai mang gì uống nấy, việc bắt đầu cũng không cần tuyên bố, không cần khởi xướng, cứ có đồ ăn ai thích ăn, thích nói chuyện hay uống thì tự nhiên. Mọi người đông đủ cũng gần 30 người, một bữa tiệc ra trò. Tôi nói vài câu cám ơn sự giúp đỡ và sự hiếu khách của tất cả mọi người trong thời gian ở đây, nhờ có họ mà tôi đã được đi, tham gia, rất nhiều hoạt động và nhiều địa điểm trên khắp nước Anh mà dù có nhiều tiền cũng không thể thực hiện được nếu không có bạn như thế này. Bữa tiệc kéo dài tận khuya, chỉ thiếu mấy người ở trường ĐHQG là đầy đủ các thành viên của đoàn thám hiểm sang Việt nam cùng bữa tiệc chia tay ngày nào ở Hà nội.
Hang động ngày 24 tháng 07 năm 2005
Vì nhà Howard chỉ có mỗi một phòng vệ sinh trong phòng ngủ tôi chiếm giữ nên sáng nay nhiều người phải đợi tôi thức giấc để đi. Tôi dậy sớm hơn thường lệ ở đây, 7h sáng, Watto đã dậy và pha cho tôi cốc trà sữa, một lúc sau thì Howard cũng dậy chuẩn bị đồ đạc cho chuyến thám hiểm hôm nay. Davis sáng nay cũng đến tham gia, lần này là lần thứ hai cậu ta thám hiểm hang động nên rất háo hức.
Hang hôm nay chúng tôi sẽ đi là Gaping Gill, có vẻ là một hang to, dài, hệ thống phức tạp nhất vùng này thì phải. Hang này có một phần được tổ chức khai thác cho du khách tham quan nên sẽ phải mua vé 10 Bảng/người nếu đi đường chính. Hang nằm trong vùng núi của làng Clapham, nằm giữa Ingleton và Settle. Toàn bộ hang có nhiều phần, nhánh, có nhánh cạn, nhánh nước, nhánh phải lặn.v.v dài khoảng 30 km, Martin là một trong những người từng thám hiểm hết các phần hiểm trở nhất trong hang, với thiết bị lặn, anh ta đã đến được nơi có rừng thạch nhũ cực đẹp từ trên nóc hang thả xuống như một rừng trúc bằng thuỷ tinh... Đoàn hôm nay có tôi, Davis, vợ chồng Howard, Martin già, Adam, vợ chồng Watto, vợ chông Cow và mấy người phụ nữ khác. Vợ chồng Martin trẻ không đi, họ đi xe đạp hôm nay quanh tuyến đường hôm trước tôi và Sweeny thực hiện.
Dừng xe trong làng Clapham, chúng tôi mang ba lô dụng cụ đi lên núi. Khoảng cách là 2,5 dặm trên đỉnh núi, chúng tôi lên cửa hang bên trên vì không muốn mua vé, hơn nữa đi trên đó là phần hang thú vị hơn nhiều. Vì là lên dốc nên rất nhanh mệt, may là đã quen đi nên tôi vẫn theo được mọi người nhanh chóng. Lên trên đỉnh núi bằng phẳng, như nhiều lần khác, tôi vẫn bị hấp dẫn bởi cảnh quan xung quanh, không gian không bị chặn bởi núi hay rừng, trời ít mây nên có thể nhìn được ra tận biển, dưới thung lũng, làng mạc lưa thưa nóc nhà, các cánh đồng không rừng cây xanh, vàng từng ô được chia ra bởi mạng lưới hàng rào đá và thỉnh thoảng có những cây sồi sum suê tán rộng toả bóng giống như cây đa đầu làng hay cây ngô đồng ngoài ruộng lúa của Việt nam để tạo bón râm che nắng. Những đàn cừu, bò gặm cỏ nhìn chỉ là những chấm đen, trắng. Vì là ngày cuối tuần nên nhóm chúng tôi gặp khá nhiều người đi bộ trên núi, họ đi pícníc nên tò mò nhìn các ba lô lỉnh kỉnh của chúng tôi.
Đến nơi, cửa hang giống như hôm đi đào, nó nằm dưới một hố to như hố bom thời chiến tranh, nhưng cửa hang chỉ đủ 1 người chui lọt. Hang này là hang sâu nên phải mang theo đồ leo núi, dây thừng, đồ bảo hiểm.v.v. chúng tôi thay đồ và mang thiết bị, các bà các cô và Cow không tham gia, họ sẽ đi bộ nên chúng tôi chỉ có Howard, Watto, Adam, Martin, Davis và tôi tham gia. Cửa hang nhỏ nhưng tôi không thể hình dung lại như vậy, nó là một cái khe hẹp như một vết nứt của núi đá và rất sâu xuống dưới. Howard, Watto xuống trước buộc dây, Adam kèm Davis, Martin kèm tôi để từng người an toàn xuống phía dưới, sâu khoảng 50 mét, tối om, ẩm ướt, bé tí và lạnh. Chỉ cần chân hay tay không đúng động tác là có thể bị vặn ngược mắc kẹt và có thể gãy chân tay như chơi. Gắn thiết bị hãm vào dây thừng bằng ngón tay cái, tôi thực hiện bài học với Martin hôm trước thành thục và dễ dàng hơn Davis. Phía dưới, một khoang rộng mở ra khoảng vài trăm mét vuông, Watto đang bắt đầu buộc một sợi dây khác. Tôi nhận ra một cái giếng khổng lồ, đường kính phải trên chục mét thành giếng nhẵn thín không một mấu đá! Howard nói, nước chảy khoan thành hố này hàng triệu năm để đưa dòng chảy của suối ngầm xuống dưới xuôi. Chúng tôi sẽ phải xuống đó, nó khoảng 70 mét sâu, Howard nói. Watto thực hiện các mấu buộc trên vách đá rất cẩn thận và hướng dẫn tôi và Davis sao cho an toàn. Giống như đoạn trên, nhưng dễ hơn vì rộng rãi, chỉ có điều là không dám nhìn xuống vì nó cao quá! Khi quen dần, tôi thả xuống khá nhanh và dưới đáy Watto và Howard soi đèn nên tôi nhìn được không gian khá rộng ở đây. Vị trí này cách mặt đất (cửa hang) khoảng -120 mét.
Sau một lát quen mắt, chúng tôi bắt đầu đi theo một ngách hang theo phương nằm ngang. Hang khô, chỉ ẩm ướt chứ không có nước chảy, Watto nói mùa mưa mới có nước chảy ở đây, mùa này nước chảy ở tầng ngầm sâu hơn nữa. Ngách hang đi sâu mấy km, nhưng nó nhỏ hẹp như hầm Củ chi, hẹp hơn hang Notts lần trước. Có chỗ tôi phải bò khá xa còn Watto phải trườn mới qua được, còn hầu hết phải lom khom để đi. Thỉnh thoảng có cái giếng nhỏ lên trên, chắc là cửa hang trên núi? Nó giúp cho chúng tôi có thể đứng thẳng người nghỉ cho đỡ mỏi. Được khoảng 3 km, ánh sáng lờ mờ phía trước hiện ra, lại một cái giếng khác (chúng tôi ở dưới đáy) nhưng cùng với ánh sáng là tiếng nước ầm ầm, tôi nhận thấy là một thác nước từ phía trên đổ xuống, hiện tượng như này tôi đã từng gặp ở Cao bằng, dòng suối trên mặt đất đổ vào một cái hố và tạo thành dòng thác phía trong. Chính cái thác này là điểm hấp dẫn du khách đến đây, Gaping Gill, họ đưa khách đến miệng hang phía trên, và cố định dây thừng vào cọc bê tông dưới đáy và cho du khách trượt xuống theo dòng thác độ sâu khoảng 80 mét!
Watto chỉ cho chúng tôi các ngách hang khác nơi dòng suối đổ nước xuống làng Clapham. Đoạn này dễ đi hơn nên họ đã tổ chức cho khách tham quan, cũng có ít nhũ đá nghèo nàn vậy mà họ tổ chức rất hợp lý kết hợp với tính mạo hiểm để thu hút. So với bất kỳ một hang động nào ở Việt nam, nó cũng hơn hẳn ở đây, nhưng con đường đến hang thì ở đây lại dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi quay trở ra vì đi tiếp cần các thiết bị bơi và lặn.
Lúc vào háo hức nên không để ý, khi quay ra mới là thách thức, việc leo lên 70 mét bằng dây thừng thẳng đứng không phải là dễ dàng như khi tụt xuống. Các bước thực hiện gắn dây, khoá, buộc chân, tay và nhịp nhàng như con sâu đo cũng làm tôi treo lơ lửng, xoay tròn trên không mất hơn 20 phút mới lên được đến nơi. (Nếu phải leo bộ cầu thang từ tầng 1 đến tầng 20 còn dễ hơn leo như này để dễ hình dung.) Davis kém hơn nhiều, anh ta mất 40 phút và thở phì phò liên tục hỏi đã đến nơi chưa? Đoạn lên tiếp theo không cao bằng nhưng lại quá hẹp nên cũng lại là thách thức. Thế mới hiểu được sự đam mê của những người ở đây, họ sang Việt nam đi thám hiểm tôi tưởng là khó hoá ra dễ hơn ở đây nhiều, mà kết quả lại nhiều hơn. Lên đến mặt đất người ngợm đầy bùn, nhưng tôi rất vui vì lần đầu tiên được thực hiện leo dây thừng cao đến vậy. Tôi hình dung những khó khăn mà Martin trẻ đã thực hiện năm ngoài leo núi bên Ý cao trên 1000 mét! Rời hang, không theo đường cũ, chúng tôi đi vòng qua tuyến du lịch, dọc theo con suối chảy ra và vào hang vừa đi. Qua văn phòng quản lý khu du lịch, họ hỏi chúng tôi đi từ đâu thế? Và rất vui khi biết Howard, người từng thám hiểm hang này. Đến nơi gửi xe, nhóm không tham gia đã về, chúng tôi cũng chia tay mọi người. Tôi chào mọi người và Watto, gửi lời chào Christina và 2 cậu con trai ông ta. Hẹn gặp nhau ở Việt nam. Tôi theo Howard về nhà.
Deb đã ở đó và họ quyết định gọi cơm tàu ăn tối nay. Nhà hàng cơm tàu khá nhiều ở đây, sau 1tiếng họ đưa đến thị trấn và Howard phải đi lấy. Từ hôm sang đây mới được ăn đồ ăn như ở nhà, Cơm rang Dương châu, canh Măng, tôm xào nấm.v.v tôi đã ăn hết hơn một suất ngon lành.
Chỉ còn một ngày nữa là tôi về nên chúng tôi đi dạo dọc theo WaterFall, một địa chỉ nổi tiếng của Ingleton mà tôi đã tra trên Internet nhưng từ hôm qua đây chưa lúc nào đi, hoá ra nó cách nhà Howard có mấy trăm mét. Và thác nước này không phải là một cái thác, nó không nổi tiềng chỉ vì vậy. Nó là một tuyến đi bộ dọc theo con suối với rừng cây tự nhiên hai bên bờ. Đường đi được làm bậc cẩn thận và có lan can, cầu để chuyển làn những chỗ nguy hiểm. Con suối nhỏ chảy trên núi về qua nhiều chỗ gập gềnh tạo thành những thác nước nhỏ và những hồ nước có thể bơi lội va những bãi đá rất đẹp. Chiều dài con đường trên 40 km, dễ đi và dưới tán cây rừng nên hấp dẫn nhiều du khách lớn tuổi. Thực ra tuy đẹp nhưng con suối này không khác với Khoang xanh trên sơn tây, mọi thứ y chang, chỉ khác là con người đi bộ mà thôi.
Leo núi ngày 25 tháng 07 năm 2005
Adam đón tôi lúc 9 giờ, cùng đi Cumberia nơi Martin làm việc. Chúng tôi đến sớm nên đi ăn sáng và dạo một vòng thị trấn. Sở của Martin như mọi văn phòng khác, có thêm các xe chuyên dụng cứu hoả là đặc biệt, mà hình như cùng trong sở cảnh sát nên có cả một khu chuồng chó nghiệp vụ. Công việc làm lính cứu hoả hình như là việc làm thuộc nhóm hấp dẫn nhất của công dân Anh thì phải (tất nhiên là việc lao động). Martin chắc là một sếp ở đây nên khá tự do thoải mái thời gian. Hôm qua trực nên sáng nay sẽ cùng chúng tôi đi leo núi. Chúng tôi còn hẹn một người nữa, Robert, cậu bạn của Arena và Andy, đang làm cho hội bảo vệ trẻ em (Save the childen). Hẹn nhau tại siêu thị ở Lake District, chúng tôi tiếp tục ăn vì sẽ không có gì để ăn tiếp cho bưa trưa trong núi.
Martin chỉ cho tôi kế hoạch hôm nay. Từ vùng Lake District xinh đẹp bởi một hệ thống hồ dài trên 30 km và rộng khoảng 500 mét với môi trường khí hậu tuyệt vời, thích hợp cho các khu nghỉ an dưỡng, chính vì thế mà rất nhiều khu nghỉ mọc lên ở đây và nhiều du thuyền cắm neo trên bến. Chúng tôi gửi xe bên kia hồ và sẽ đi bộ leo lên một ngọn núi rất cao. Đường đi leo lên chỉ có hơn 10 km nhưng sẽ hoàn toàn dốc lên tới tận đỉnh núi. Trên đó, ngọn núi cao nhất có một vách đá thẳng đứng chỉ cao khoảng 110 mét. Vách núi này tên là Cái bát (Bowl), Martin nói, các vách núi xung quanh đây đều rất nổi tiếng và được giới thiệu trong nhiều sách du lịch, sách hướng dẫn leo núi. Vách đá Cái bát nó có mức độ khó vừa phải và đã được người leo lần đầu tiên (ghi nhận là du lịch thể thao) hơn 100 năm trước! Vùng này là Old Dungeon Ghyll là một điểm lịch sử của môn leo núi với những vách đá mỏ quạ hay vách đá cừu già, những tuyến đi bộ trên sỏi đá trên sườn núi nhìn xuống vực chênh vênh.
Robert khá nhanh nhẹn và thân thiện, cậu ta luôn tỏ ý giúp đỡ khi thấy cần thiết, đúng là người của tổ chức bảo vệ trẻ em! Mỗi người một ba lô nhỏ đựng các thiết bị leo núi cùng dây thừng bảo hiểm xuất phát. Đã quen việc đi bộ nên không còn ngại với tôi với khoảng cách trên. Đường tới chân núi được trải nhựa, nằm dưới thung lũng, hai bên cũng có các vách đá cao và có nhiều đoàn đang leo lên. Dọc bên đường là các đồng cỏ đang được thu hoạch. Máy xén cỏ gọn gàng, cỏ được phơi tại chỗ 1 ngày rồi một máy khác đến gom cuộn lại thành khối tròn. Một máy thứ ba làm nhiệm vụ bao vỏ nylon bên ngoài. Những ruộng đã cắt, chắc khá lâu nên các cây hoa màu vàng như hoa Bất tử mọc vàng cả cánh đồng trông rất đẹp. Sát dưới chân núi, dọc theo con đường là một con suối, mùa này ít nước nên lòng suối chủ yếu là đá cuội, bờ suối đoạn cắt ngang đường đi được kè bằng đá rất đẹp, như trong công viên và nếu hai bên chân núi có rừng mơ nữa thì nơi đây không khác gì đường đi chùa Hường đoạn sang bên Tuyết sơn.
Quãng đường nhựa kết thúc khoảng 3 km tại cửa một trang trại, nhà của chủ trại đây được bao phủ bởi hàng chục giỏ hoa treo, chậu đặt kín vòng quanh sân. Cổng vào trại cũng cầu kỳ, nó gần giống cửa xoay trong một số khách sạn vậy. Bắt đầu từ chỗ này, đường mòn đi thẳng theo sườn núi lên trên, lòng đường cũng toàn sỏi trơn tru vì bị bào mòn sau hàng trăm năm người đi bộ đạp lên. Martin kể, hằng năm anh ta tham gia chạy ở đây, chạy một mạch lên đỉnh núi và chạy xuống tổng chiều dài bằng chạy Marathon trên 40 km, anh ta mất hơn 3 tiếng (Marathon đường bằng trung bình 2 tiếng 20 phút). Càng lên cao gió càng mạnh, tầm nhìn rộng hơn, không giống như hồi mới đến, tôi không còn thấy đẹp với khung cảnh ở đây nữa vì xung quanh toàn đồi núi trọc, vùng này còn có các đỉnh núi toàn đá vôi. Ở Việt nam cũng đồi núi trọc nhưng vẫn có nơi là rừng rậm có gì đó hấp dẫn hơn. Từ trên sườn núi này tôi có thể nhìn được ra biển phía Tây, thấy cả những dàn khoan dầu khí ngoài khơi, những con tầu công ten nơ cập cảng, những nhà máy điện trông như những ống bơ khổng lồ màu trằng úp ngược trên cao nguyên. Adam chỉ cho tôi ngọn núi có đỉnh bằng nổi tiếng Borough gần nhà Martin, trông nó thật là xa nhưng khá dễ nhận ra trong hàng trăm ngọn núi nhấp nhô phía đó.
Hôm nay có khá nhiều trẻ con đi đường này, chúng nó đi cùng người lớn chắc làm một vòng đi bộ quanh núi. Càng lên trên gió càng to, chúng tôi rẽ sang sườn núi, những bãi cỏ trên này giống như ở Scottland, dày phải 40 cm và ngậm nước, dẫm lên nước kêu lép nhép như trên tấm thảm ướt. Qua bãi cỏ, sườn núi giống như bãi khai thác đá bằng mìn ở Lương sơn, đá từ trên đỉnh núi nó đổ xuống nhưng toàn đá vụn như đá làm đường nên đi trên đó rất khó. Trông vách núi từ xa nó bé tí, thế mà đi mãi không đến, tới chân (trên đỉnh núi) nhìn lên cũng hoành tráng ra phết, tuy nhiên không đến nỗi khó leo lắm, vách này chắc là để tổ chức bài học vỡ lòng leo núi. 12 giờ 30, mất gần 2 tiếng để leo từ dưới chỗ để xe lên đây. Chúng tôi thay quần áo, phải mặc áo khoác vì tại vách đá gió sẽ rất mạnh.
Không mệt và khó như tôi tưởng, thực tế tập trong nhà khó hơn nhiều. Vách đá này chỉ bằng những vách ngày nhỏ chúng tôi leo bắt chim hoặc kiếm chít về làm chổi đót thôi. Robert và Martin lên trước mang theo dây. Robert trung bình mỗi tháng lên vùng này leo núi một lần với nhóm của cậu ta. Nhiều năm nay, hầu hết các ngọn núi trong vùng Lake District này cậu ta đã leo. Adam thì như tôi, vùng này mới đến lần đầu. Hôm nay chủ yếu là giúp tôi làm quen với các thiết bị, các động tác leo, cách gắn các mấu vào vách đá và tháo nó ra. Với các mấu hợp kim đơn giản nhưng rất hiệu quả và an toàn người đi trước gắn vào đá, người đi sau tháo nó ra, từng bước từng bước leo lên. Nhìn từ lưng chừng vách núi xuống chân núi ngàn mét (vách đá chỉ hơn 100 mét) cũng ngợp nhất là gió mạnh và rét. Lên đến đỉnh, chúng tôi mất một tiếng rưỡi, Martin không nghĩ tôi có thể leo lên cùng họ được như vậy. Đúng là leo núi nếu chỉ có thế thì về Việt nam tha hồ mà leo, Vịnh hạ long vô khối các vách đá sạch sẽ dễ dàng tiếp cận với độ cao từ 100 đến 300 mét là cùng. Tôi nghĩ hội này nhìn vách núi miền Bắc Việt nam mà họ đi qua chắc là thèm lắm. Thế mà ở ta không có công ty nào phát triển môn thể thao này.
Do vách núi thấp và đơn giản nên một ngày hoạt động trong vùng này thường kết hợp đi bộ. Không xuống theo đường cũ, chúng tôi đi vòng trên đỉnh núi quanh các ngọn núi khác hoà nhập với các nhóm đi bộ ngược xuôi trên các sườn núi khá tấp nập, cứ như các cao thủ đang khinh công trong truyện của Kim dung vậy. Xuống nhanh hơn, chỉ việc chạy trên sỏi đá thôi, nên sau gần 2 tiếng nữa chúng tôi đến bãi xe và làm vại bia trong quán ven núi!
Hôm nay về nhà sớm, tôi sắp xếp đồ đạc gọn gàng chuẩn bị cho chuyến quay về ngày mai. Martin già đến chơi, một lúc thêm Robert, Adam, chúng tôi đến một quán Ấn độ liên hoan chia tay. Vợ chồng Howard đến sau, mua cho tôi mấy quyển tạp chí. Buổi liên hoan ấm cúng thân mật, đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại có được cơ may như này, được một chuyến đi du lịch rất nhiều nơi, nhiều hoạt động, được rất nhiều người bỏ thời gian, tiền bạc, công sức đưa đi, mà mình chẳng làm gì cho họ cả, chỉ là đi chơi. Ai đó mà có tiền đi du lịch, chắc chắn không đi được nhiều và có nhiều hoạt động như tôi đã đi, gần 20 gia đình cùng vì tôi và chăm lo cho chuyến đi của tôi.
Sân bay Manchester ngày 26 tháng 07 năm 2005
Adam cùng ở nhà Martin với tôi tối qua, vì sáng nay cậu ta cũng phải ra sân bay đi Amstedam. Tôi ngủ dậy muộn, 10 giờ sáng cả nhà Martin đã đi làm, Adam cũng đa đi không kịp chào, tôi tự kiếm đồ ăn sáng rồi về kiểm tra lần cuối. Martin hẹn 2h30 mới xuất phát vì gần 6h chiều tôi mới bay từ Manchester. Cả buổi sáng tôi quyết định đi lang thang trên núi, đi qua các cánh đồng, qua các cánh cổng giờ đã khá quen thuộc, những hàng rào, những cây sồi, những đàn cừu, bò lặng lẽ ăn cỏ mười mấy tiếng một ngày, những thảm hoa trong đồng và dọc theo con đường đầy màu sắc. Thật nhanh, mới sang đã hết 3 tuần, hoạt động, đi lại nhiều thế nhưng tôi không bị ốm hay hắt hơi lần nào cả, cũng là điều lạ. Lang thang chán tôi về vào Internet và xem tivi đợi Martin về.
Gần 2 giờ, Martin đưa tôi ra ga, cậu bé Mathew thể hiện một đứa trẻ bắt đầu nhận thức thế giới, hỏi liên tục, tại sao, tại sao... giống như mọi đứa trẻ trên thế giới. Sao bố lại phải lái vòng xe như thế? Khi bố nó qua một khúc quanh, sao bố không nuôi một đàn cừu? khi nó thấy nhiều cừu ven đường.v.v Vì đường đến sân bay khá xa mà không có thời gian nên Martin đưa tôi đi tàu điện. Ga tôi đến là Land Caster, một ga cách Lake District một ga, từ đây đi Manchester mất khoảng 2 tiếng tàu chạy.
Trên sân ga, Martin mua vé cho tôi, anh ta rất tế nhị trong việc tiền nong, không tạo cho tôi cảm giác khó xử vì mọi thứ hội anh ta chi tra cho tôi. Mặc dù vậy, cho tôi đi tiếp chuyến đi như này nữa chắc cũng không dám nếu tôi không có tiền để tự bỏ ra, hay chí ít cũng góp với họ. Hai bố con ngồi chờ cùng tôi trên sân ga, anh ta nói chuyện với Mathew như bạn bè. Ngoài việc đi với hội Hang động Hoàng gia Anh, khi Mathew lớn, anh ta sẽ đưa cả gia đình sang Việt nam du lịch và khi đó Mathew sẽ gặp lại tôi. Tôi cũng mong như vậy, anh ta là người phương Tây, như Howard, nhưng cách đối xử như người phương Đông vậy. Tầu đến, chúng tôi chia tay nhau, hai bố con đứng trên sân ga vẫy mãi.
Tàu có 2 toa, chạy nhanh hơn ô tô, lúc nào cũng đạt 100 dặm khi tôi kiểm tra bằng GPS vậy mà không tiếng ồn, không có cảm giác gập ghềnh như đi ô tô, thảo nào khách đi tàu vẫn đông là phải. Ga tôi đi qua sẽ là Preston, Chorley, Bolton, Salford Crescent, Deansgate, Manchester Oxford Road, Manchester Piccadilly và Manchester Airport. Không hiểu do mật độ dân số hay thói quen, nhưng ở đây so với Tokyo khác xa về hiện đại, số lượng và chuyên nghiệp. Nó vẫn có gì đó gần gũi hơn chứ không cứng nhắc và công nghiệp như ở Tokyo. Trên tàu vẫn có người đi bán và soát vé. Hành khách được phép mang cả chó lên toa xe nên cũng hơi khó chịu.
Tới Manchester, trong nội thị chỉ một đoạn đến sân bay nhưng có tới 3 ga liền, tàu lượn vòng qua sân Old Tranford của MU, lượn qua các phố cổ của Man, cũng như một tour tham quan thành phố. Sân bay, rộng rãi ồn ào. Tôi đi theo chỉ dẫn đến là thủ tục và lượn các quầy hàng mua ít quà. Mua một chai rượu Green Label giá 60$ (về nhà trong siêu thị bán 650 ngàn, 42$!!) nhưng mọi người nói, tiền nào của nấy mà.
Lên máy bay, lần này khách đông nên không được thoải mái một băng ghế chắc sẽ mệt mỏi 12 tiếng trên không đây! 6h chiều, mặt trời còn ở trên cao vì phải 5 tiếng nữa mới tối thế nhưng do bay ngược chiều về phía đông nên hoàng hôn đã xuống nhanh chóng, ráng hồng tạo thành đường chân trời tuyệt đẹp phía đuôi máy bay, đến mức tôi phải đập 1 tên ngồi bên cạnh để chia sẻ. Cậu này người Úc, vừa đi du lịch về, từ lúc lên đến giờ tôi mải mê nhìn ra ngoài nên không bắt chuyện. Bay được 3 tiếng, tức là 9h tối ở Anh quốc, trời vẫn sáng nhưng vị trí hiện tại lại đã là 10h rồi. Với kiểu này, khác với lúc đến Anh, ngày được kéo dài ra đến 30 tiếng thì hôm nay ngày chỉ còn được có 18 tiếng thôi, cứ như trong phim. Sau khi ăn tối, và chán xem phim, tôi bắt đầu ngủ. Thời tiết không tốt, tiếng loa giọng cơ trưởng yêu cầu thắt giây an toàn làm tôi thức giấc, xem đồng hồ đã 5 tiếng trôi qua, nửa chặng đường rồi, chắc đang trên Apganistan, giờ là 2giờ sáng ở Anh, tức là khoảng 8h sáng ở Hà nội, nhưng vị trí này chắc là khoảng 4 hay 5 giờ gì đó và đường viền hồng của bình minh đã sáng rõ trên cánh máy bay! Cách nhau có mấy tiếng đồng hồ mà tôi đã trải qua cả hoàng hôn và bình minh nhanh chóng, đúng là xã hội hiện đại đem đến những điều lạ kỳ. Được một lát, mặt trời chói chang, nhìn ra ngoài thấy rõ sa mạc phía dưới, thỉnh thoảng các máy bay ngược chiều tầm trên hoặc dưới vun vút lao qua cũng chán, tôi quay vào nghiên cứu bản đồ Kuala cho hành trình tối nay.
Kuala lumper
May bay hạ cánh 4h30 chiều, thủ tục đã quen nên tôi thực hiện nhanh hơn lần trước. Ra ngoài sảnh đợi, đám tacxi bao quanh như ở Hà nội, Tôi theo bảng hướng và hỏi một người ở quầy chỉ lối ra bến xe buýt. Xuống tận tầng trệt, cuối cùng tôi cũng tìm ra được bến xe, một bến nhỏ nằm dưới cầu thang như ở Nội bài, khách lèo tèo, tôi hỏi 1 người đang đợi xe tuyến xe đến khách sạn, họ không những không biết mà còn có vẻ dè chừng. Một cậu thanh niên sau đó hướng dẫn tôi, hoá ra phải đi mua vé đã, không phải tự tiện mà lên xe được. Tại quầy vé sau khi nói yêu cầu, người phụ nữ đã hướng dẫn tôi, xe buýt số 1 sẽ về bến gần khách sạn nhất, cách khoảng 3 km. Tại bến sẽ có xe nhỏ hơn đưa tôi về khách sạn, thế là yên tâm. Đồ đạc nặng nên tôi vứt tất cả vào khoang hành lý dưới gầm, cậu thanh niên ban nãy chạy ngay lại hỏi, có phải máy tính xách tay của mày kia không? Mang ngay theo người, để đó là mất đấy. Không khác Việt nam nhỉ? Đường cao tốc thật đẹp, hai bên đường còn mênh mông đất đai, nhiều khu đang san lấp làm nhà và khu công nghiệp, còn chủ yếu là rừng cọ, dừa hay cây gì đại loại thế. Trời nắng chang chang, xe đi vào thành phố mất hơn 2 tiếng đúng giờ cao điểm nên càng chậm. Từ sân bay về trung tâm chắc phải trên 70 km, xe cộ ô tô, xe máy chạy ngổn ngang tức mắt so với xe chạy bên Anh, nhưng chắc còn theo luật tốt hơn ở nhà nhiều. Đến bến, đang loay hoay thì có xe như xe khách bến cóc ở Việt nam, xe mọt lung tung chạy đến, anh về đâu. Tôi nói tên khách sạn, ok, lên. 4 người nữa cùng lên và đi 4 khách sạn khác. Hoá ra đó chính là dịch vụ của công ty xe buýt. Khi mua vé yêu cầu đưa về khách sạn Dynasty Hotel, họ bán vé 25 RM bao gồm từ sân bay về trung tâm thành phố và xe buýt to không được chạy tiếp nên họ có các xe nhỏ hơn đưa khách về từng khách sạn. Đúng là dịch vụ hoàn hảo đáng học tập.
Khách sạn Dynasty khá to gần trung tâm, sau khi lòng vòng đưa 4 người về các khách sạn khác nhau, lái xe đưa tôi về đây. Nhân viên nhìn tôi xách đồ mặc kệ, chẳng hỏi han, hướng dẫn hay xách dùm. Là khách sạn 4 sao, giá phòng khá đắt. Tôi đã được đặt phòng trước nên thủ tục nhanh chóng, phòng tận trên tầng 21 nên các cửa sổ nhìn được cảnh quan thành phố khá rộng. Khác với lần trước, phòng rộng rãi nhưng thiết bị xấu, cũ kỹ bẩn thỉu, không bằng nhà trọ ở Sài gòn, không hiểu sao nó vẫn được là 4 sao nhỉ? Từ trên cao nhìn thành phố hiện đại, lung linh ánh đèn của tháp đôi Petronat, của tháp truyền hình, của nhiều nhà chọc trời, một thành phố công nghiệp của bê tông và sắt thép, chắc là dân Malay họ tự hào lắm? Thấy thậy khác xa các thành phố của nước Anh, nó rất ít nhà cao tầng, không đồ sộ, nó thể hiện cổ kính mà vẫn văn minh, vẫn hiện đại, hoà nhập với môi trường thiên nhiên. Nước phát triển họ khôn ngoan đưa hết những công trình, công nghiệp sang các nước nghèo, như Anh quốc họ phát triển Hồng kông trong khi đó tại quốc nội, họ cố gắng giữ gìn thiên nhiên cảnh quan như hàng ngàn năm trước.
Trời tối nhanh, không có nhiều thời gian nên tôi tranh thủ đi dạo một vòng quanh đây. Đường phố rất tốt, cả tàu điện trên cao cũng tuyệt nhưng vỉa hè và các quán ăn đêm tạo cho phố xá ở đây không khác Sài gòn mấy, cũng những người cởi trần, ngồi ăn như quán phở, hủ tiếu, nhậu... tệ hơn, trước nhiều cửa hiệu đã đóng cửa có những người vô gia cư, hoặc say xỉn nằm ôm mũ bảo hiểm ngủ ngon lành kệ người đi qua lại. Giao thông cũng kém, người đi bộ thản nhiên băng qua đường qua luồng xe đang chạy, xe máy rú ga vượt đèn đỏ vô tư. Lòng vòng đến mấy chợ đêm, hy vọng kiếm được gì đó làm quà nhưng tôi thất vọng. Hàng hoá quá tệ, chất lượng, mẫu mã tồi tệ hơn hàng bao cấp của Việt nam xưa, nghĩa là nó còn dưới hàng Trung quốc, hàng nó cũng bày bán la liệt như chợ đêm ở Hàng đào, sờ cái nào cũng là đổ rẻ tiền hoặc quá xấu. Bỏ chợ đêm, tôi vào các cửa hiệu hy vọng khá hơn, vẫn vậy, nhất là hàng may mặc, các cửa hàng kiểu bách hoá tổng hợp bán hạ giá nên khá đông khách. Ao phông trông xấu hơn cả dệt kim Đông xuân ngày xưa. Sang đây mới biết là ở Việt nam hàng may mặc toàn hàng cao cấp cả. Có thể tôi chưa đến các cửa hiệu cao cấp, nơi nhiều người lấy hàng mang về Việt nam bán mỗi kỳ hạ giá nên chỉ thấy toàn đồ bình dân. Nếu mua đồ ở đây, thà về xài đồ Tầu còn tốt bằng vạn lần.
Sang các hàng điện thoại trong một trung tâm kiểu Trang tiền Plaza, điện thoại đúng là bạt ngàn, nhưng chủ yếu là hàng cũ và loại hết mốt. Tôi đi tìm O2 khắp các quầy được đúng một chiếc cũ và giá cũng quá cao. Chắc các cửa hàng xịn chỉ bán ban ngày, buổi này chỉ phục vụ khách bình dân nên chỉ có các cửa hàng bình dân thôi. Bị lạc đường về khách sạn, dân Malay họ xua tay ngay lập tức khi tôi ngỏ ý hỏi đường, mấy lần liền tôi mới nhớ, chắc chắn do người Việt lao động ở đây gây ra lắm chuyện nên họ mới cảnh giác như vậy, nhưng sao họ biết tôi là người Việt được, người Tàu thì sao? Thế có nghĩa an ninh ban đêm ở đây quá củ chuối, hoặc tính cách mọi rợ của người Malay như vậy với người lạ! Khác với Hà nội, tìm một quán cafe Internet cũng không dễ dàng. Trong khách sạn cũng không có Internet, có đi xa mới biết các dịch vụ ở Hà nội còn khá hơn nhiều thành phố khác.
Bay chuyến 11 giờ trưa nhưng cũng không có thời gian thêm mà đi dạo đâu nữa vì mất 2 tiếng trên đường, 2 tiếng thủ tục tại sân bay. Định đi xe buýt nhưng tên taxi thuyết phục ra sân bay với giá 60 RM. Tên này dễ gần hơn, nói chuyện nhiều về gia đình, anh ra hơn 30 tuổi mới cưới vợ, thu nhập lái taxi mỗi tháng khoảng 300$, chưa có nhà, đang ở thuê. Nhà cửa là một trong những suy nghĩ viển tưởng với thu nhập của anh ta. Tuy tự nhiên mọi người dân như anh ta đã có sẵn vài ngoại ngữ (Hoa, Ấn, Anh) nhưng để đi xuất khẩu lao động không phải ai cũng đi được. Hoá ra, mình đi làm thuê cho nhà thằng đi làm thuê nơi khác. Nó cũng không giàu có gì hơn mình. Nói là tự hào dân tộc, nhưng bọn Malay rất thèm thuồng được như bọn Singapore. Người Malay đa sắc tộc, nhiều Hồi giáo, nhiều dân tộc thiểu số cả da đen, nâu, cực đen, trông người da đen mà vóc dáng châu Á đã thấy khó ưa rồi, mà họ lại còn là dân tộc thiểu số nữa thế mà quân nhà ta sang đi làm thuê cho chúng nó, thật tai hại.
Xong thủ tục, đến cửa chờ lên máy bay của Malaysia. Máy bay đường dài của họ là Boing 747 loại lớn và hiện đại nhưng bay đường ngắn sang Hà nội là loại nhỏ cũ kỹ như xe đò, ngay trước mắt tôi và hành khách đang lên khoang, trước mũi máy bay, một công nhân đang dùng đề can để dán lên những vị trí sơn bị bong tróc, giống như đám thợ ở phố Huế hay Lê duẩn vậy! Rất tạm bợ và thủ công. Lại bắt đầu được nghe tiếng Việt, một nhóm hơn 20 thanh niên ăn mặc xoàng xĩnh đang tán chuyện và khoe nhau điện thoại chắc vừa mới mua. Một nhóm khác gồm các ông bà bụng phệ vênh váo chắc đi du lịch về đang hênh hoang kể về chuyến đi. Ngồi cạnh tôi trên máy bay là một người nông dân ở Hải dương, anh ta có vẻ là trưởng nhóm vừa rồi, ngồi bắt chuyện nghe anh ta kể, anh ta sang đây sau khi bán đồ đạc để lấy tiền đặt cọc cho công ty môi giới và đi làm công nhân xây dựng. Công việc không phức tạp, có phần nhàn rỗi hơn là ở nhà làm ruộng mà cũng có thu nhập khoảng 300$ tháng. Nhưng đó là có việc, sang đây đã hai năm, tháng có việc tháng không, công việc thường ở rất xa, khắp nơi trên nước Malaysia này, nơi nào có công trình của công ty là họ có mặt. Về chuyên môn, công nhân Việt nam rất giỏi, họ làm được mọi việc của nghề thi công như, xây, trát, sửa chữa, sơn tường..v.v không như người bản xứ hoặc nước khác, họ chỉ biết làm một việc. Sau một thời gian, anh ta phát hiện, không nên thể hiện mình có thể làm gì, nếu chủ muốn mình làm thì phải mặc cả trước nếu không cứ theo hợp đồng mà làm là tốt nhất... Công ty làm ăn không tốt nên hợp đồng xây dựng lúc có lúc không, không có việc thì ở nhà và cũng đồng nghĩa không có lương. Ở nhà họ chỉ có hát Karaoke, chơi bài rồi trai gái giết thời gian. Cuối cùng sau hai năm chẳng kiếm được thêm tiền mà còn nợ khoản đóng cọc ở nhà. Sang đây vừa hư người, trộm cắp lẫn nhau, mà sức khoẻ cũng yếu đi, anh ta chỉ cho tôi xem 2 cánh tay đầy sẹo đen nhẻm, mà giờ tôi mới để ý, trông anh ta cũng đen giống người Malay. Anh ta nói, không hiểu khí hậu hay nước ăn mà từ người trắng trẻo ở nhà, da anh ta xạm đen đi như vậy, rôi các vết xước nếu ở nhà thì nó sẽ lành và cùng lắm cũng mờ mờ hồng thôi, thế mà ở đây một tí xước cũng bị thâm đen xì như người da đen.
Nhiều người không có việc, ăn uống phải vay tiền và 2 năm về còn nhiều khoản nợ bạn bè. Họ quyết định lên xin đốc công về nước không làm nữa. Nhóm anh ta còn ngoan ngoãn, nhiều người bỏ ra ngoài đi làm thuê, chạy trốn chui lủi. Chính người Malay họ còn khó khăn kiếm sống, làm sao người Việt chui lủi làm giàu được? Trước hôm về, bọn tôi còn xử lý một trường hợp ăn cắp ví của nhau, phai bêu xấu nhau trước đốc công người bản xứ thật là nhục nhã, anh ta kể. Nhìn cả đoàn hơn 20 người đi lao động lếch thếch vài thùng hàng với ít đồ điện tử như đi Lạng sơn về mà buồn, so sánh với nhóm đi du lịch từ trong nước đúng là một trời một vực. Không hiểu anh ta mang được gì về làm quà cho vợ, con, bố mẹ ở quê? Quyết định về nước làm ăn tôi thấy thật là đúng với họ, tha phương mà nuôi thân còn không nổi, ở lại làm gì.
Lệch múi giờ và hai ngày đi đường ngủ, ăn không tốt nhưng tôi cũng vẫn rất vui khi xuống sân bay Nội bài. Đi có gần một tháng, bao nhiêu chuyện xảy ra, bao điều mới mẻ, bao chuyện trên sách bao giờ mới được tận mắt chứng kiến. Về nhà rồi, bạn tôi đã đến đón và là người nhận xét đúng nhất khi nhìn thấy tôi sau thời gian đó và với quần áo thường mặc khi thám hiểm bên Anh và bộ dạng gầy gò sụt 3 kg đen nhẻm cháy nắng, “Trông anh như nhà quê thế?”
ĐVP- Autumn 2005