“Những cánh hoa mở đêm” của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo được viết theo thể thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng. Thực ra ban đầu tôi cũng không hiểu tại sao tên gọi thể thơ lại gắn với thứ tự của số đếm. Vô tình vào trang “Văn học Sài Gòn”, tôi gặp khá nhiều tác giả viết theo thể thơ này. Và ở phần đầu của từng tác giả đều dành cho giới thiệu đôi nét về thể thức, cấu trúc, đặc điểm của thơ 1-2-3. Đó là thơ ngắn, hạn định về số câu, mỗi văn bản được chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 chính là tên bài thơ. Đoạn 2 gồm 2 câu. Đoạn 3, 3 câu. “Đề tài hoàn toàn tự do, nội dung đi từ ngoại cảnh vào chiều sâu nội tâm”.
Vì mới làm quen, nên tôi chưa dám bàn luận tập thơ này dưới góc nhìn của thể thơ 1-2-3. Cảm hứng chủ đạo của thi tập khởi nguồn từ thiên nhiên, từ hoa cỏ. Hoa sen, hoa hồng và cỏ hiện lên nhiều nhất. Thực ra, đây không phải là điều mới lạ trong thơ. Viết như thế nào về một đề tài quen thuộc. Một thử thách không đơn giản trong lựa chọn điểm nhìn, trong biểu đạt. Tựa vào thiên nhiên, luận về hoa giữa thời chộn rộn. Cảm quan sinh thái ấy đã làm nên vẻ đẹp của thơ ở những khoảnh khắc của cái nhìn. Bằng những cánh sen, hãy mở đêm, hãy mở tập thơ trong hoài niệm: “Nhớ sen, ta nhớ một đầm sương/ Tây Hồ rưng rưng búp gió”. “Sen – đầm sương – búp gió”, câu thơ gợi cảm nhiều hơn là truyền cảm, nhờ thế nó mở rộng không gian cho tiếp nhận. Còn đây là “Nụ sen cuối” trên đầm thu khô héo: “Heo may có về đây giăng mắc/ Trên đầm sen vừa nở một nụ hoa”. Tôi chợt nhớ Thiền Sư Mãn Giác: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai”. Trong tập thơ mới này của Phương Thảo, sen là một trong những màu cơ bản của bức tranh thơ. Nhưng sen không hiện lên trong lộng lẫy của mùa. Hơn 10 bài viết về sen, nhưng đây là thời gian, không gian của loài hoa thiêng đó: Sen thu, Sen khô, Sen mùa covid, “Sen tái sinh ngay cả khi đang chết”… Sự trải nghiệm đã mang đến những câu thơ thao thiết. Phải chăng vì thế mà “Gương mặt sen làm đêm khó ngủ”.
Cái Đẹp thường hiện lên rõ nhất trong khoảnh khắc. Nhà thơ như người nghệ sĩ chụp ảnh, làm sao “bắt được” cái khoảnh khắc ấy vào thơ. Đây là chùm thơ viết về cỏ: Hằng thảo, Linh thảo, Hạnh thảo, Minh thảo, Bình thảo, Thuận thảo, Phúc thảo, Hành thảo… Theo logic của tên gọi Hán Việt ấy, sao không đặt tên “Phương thảo” cho một bài thơ, mà lại là “Cỏ thơm”. Hình như chính cái tên của tác giả, với tấm lòng thơm thảo đã mở ra một trường liên tưởng, suy tư về cỏ. Xưa và nay, các thi nhân hay nghĩ về cỏ. Cụ Nguyễn Trãi đã từng viết: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”. Câu thơ ấy đã trở thành minh triết của đời sống. Chỉ là “Thoáng nghĩ về cỏ”, thơ Trương Nam Hương đã ánh lên những sat na đẹp mà ám ảnh: “Cỏ biếc như niềm vui/ Cỏ xanh như nước mắt/ Cỏ nhận mình thấp bé/ Thản nhiên xanh…”. Phải chăng ảnh hưởng truyền thống ấy, trong thơ Phương Thảo có nhiều khoảnh khắc đa dạng về cỏ: “Hoa cỏ nở cùng trăng/ …Lòng dịu dàng trăng thu vừa chớm” (Hằng thảo), “Miền minh thảo nở trắng trong ý tưởng” (Minh thảo), “Cỏ vẫn đầm đìa xanh/ Ngàn lá trốn sau giọt nước mắt sương” (Thảo sương)…
Vốn là người con của núi, của rừng, cảm quan sinh thái cùng với tưởng tượng đã mang đến cho tác giả những câu thơ xanh, những khoảnh khắc suy tư của vẻ đẹp nữ tính: “Có cơn mưa đủ ướt một miền xa”, “Tiếng khèn Mông vỡ ra từ đá núi”, “Hoa nở một mình”, “Khi những cánh hoa rung ngân/ Thứ ngôn ngữ câm/ Bình minh hửng sáng”, “Em ngẩn ngơ bước ra từ đám mây số phận/ Níu chặt tay anh, sương khói mỏng dần”.
87 bài làm nên tập thơ, nhưng nếu vượt qua chính mình, tác giả bỏ bớt đi một số bài, tôi tin rằng độc giả không còn cảm giác gặp lại sự trùng lặp, điều nên tránh cho một tập thơ.
Có thể nói, “Trà cúc” là một trong những bài thơ khá điển hình cho thể 1-2-3. Dưới đây là toàn vẹn bài thơ:
TRÀ CÚC
Bông cúc nở ra trong lòng men sứ
Khi tách trà thơm chạm nhẹ trên môi
Độc ẩm cùng hoàng hoa
Lặng nghe mùa thu vàng tan chảy
Cả cánh đồng cúc thơm đang hát
Từ ngoại cảnh vào chiều sâu nội tâm, từ chén trà có bông cúc nở hoa trong nước sôi, hiện lên “mùa thu vàng”, hiện lên “cánh đồng ca hát”. Đó là giọng của hương mùa dịu trong sóng sánh. Bài thơ tự nhiên, giàu liên tưởng, gợi nhớ tới thi ca của văn hóa trà đạo Phương Đông.
Phải chăng tập thơ là sự thử nghiệm về lối thơ 1-2-3, tuy vẫn còn miên man trong diễn ngôn, tuy nụ, hoa và trái đôi lúc còn lẫn trong nhau, nhưng tôi tin rằng những khoảnh khắc thơ trên đây ít nhiều sẽ níu kéo người đọc chậm lại với những ngày ta đang sống.
Khương Trung, Tháng 8/2023