Khói  lam  chiều

Ngọn khói lam chiều từ những bếp rạ đã trở thành kỉ niệm hằn sâu trong tiềm thức của mỗi người xuất thân từ ruộng đồng, xóm mạc. Nó chuyển tải nỗi nhớ, sự tri ân với những người đã hy sinh cả cuộc đời vì con cháu mai sau. Nó là xúc cảm để người đi xa luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, với cây rơm ngả bóng ấp đàn gà, mái tranh nghèo...

   

khoi-lam-chieu1-1697120546.jfif
 

Tranh do Bing tạo nên

Cứ mỗi lần đọc lại “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu nhà thơ đời Đường (Trung Quốc) tôi lại nao nao trước tâm trạng của bậc tiền nhân gửi vào 2 câu kết:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

(Hoàng hôn về đó quê đâu tá

Khói sóng trên sông não dạ người).

Đứng trên lầu cao Hoàng Hạc – nơi mang dấu tích người tiên, cõi tiên, ngắm cảnh trời mây non nước hùng vĩ, Thôi Hiệu như muốn đắm mình vào thế giới mộng ảo để mang nỗi sầu nhớ miên man. Nhưng dòng Trường giang cuộn chảy như muốn níu kéo thi nhân trở về thực tại. Khói sóng trên sông mà ngỡ như ngọn khói lam chiều đang lan toả từ những mái rạ khiến cho lòng quê thổn thức, nhớ cố hương đến cháy bỏng...

Ngọn khói lam chiều từ những bếp rạ đã trở thành kỉ niệm hằn sâu trong tiềm thức của mỗi người xuất thân từ ruộng đồng, xóm mạc. Nó chuyển tải nỗi nhớ, sự tri ân với những người đã hy sinh cả cuộc đời vì con cháu mai sau. Nó là xúc cảm để người đi xa luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, với cây rơm ngả bóng ấp đàn gà, mái tranh nghèo...

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) khiến ta bùi ngùi nhớ về một thời xưa cũ. Mái bếp, ổ rơm, cơm tấm từng làm cho biết bao người cứ rưng rưng lệ khi nói đến quê hương; nhưng giờ đây tất cả chỉ còn trong hoài niệm. Người dân quen sống với ruộng đồng, nay đã biết dùng bếp ga, bếp điện, than tổ ong để chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Những mái bếp rạ, tường đất đã được thay thế bằng gạch ngói, thậm chí có nhà còn có những cái bếp cực kì sang trọng dùng để làm cả phòng ăn cho mọi thành viên trong một mái ấm thân thương. Rơm rạ đã trở lại với vai trò là sản phẩm sau thu hoạch không còn mang giá trị lớn lao với đời sống dân cư như ngày trước nữa...

Nhưng, cứ mỗi vụ gặt đến tôi và tất cả mọi người đều “phải” – “phải” chứ không “được” - hít thở mùi ngai ngái, thơm thơm rất đặc trưng của khói rơm rạ. Hít thật nhiều, ngay khi vẫn ở chốn thị thành. Hít phải khi di chuyển trên đường về thăm quê. Khói rơm, khói rạ cuộn lên đen đặc trên bầu trời. Khói đổ bộ vào từng ngách phố, từng ngõ xóm, khói khiến ta không tài nào thở được. Khói ấy bốc lên từ những cánh đồng lan toả khắp không gian...

Nói đến về quê, chúng ta vẫn hình dung tới những mái tranh đang cuộn lên những sợi khói xanh trong buổi chiều tà - gọi là khói lam chiều khiến cho lòng cảm thấy xôn xao. Bây giờ, tất cả đều được ngói hoá, phố hoá, gạch hoá hết cả rồi; còn đâu những kỉ niệm thân thương thuở nào để mà tràn trề xúc cảm?! Chao ơi, cứ thầm tiếc những ngày xưa!...

Có người từng nhắc tôi: “Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ. Nhưng không phải điều anh nuối tiếc”. Tôi nhớ và hiểu điều đó, nên không thể vặn ngược thời gian để tìm lại “thời đại hoàng kim...” (lời Gurêvich). Thêm nữa, khi xã hội ngày càng hiện đại; cuộc sống đã đủ đầy, ai lại cứ dùng rơm rạ để nấu cơm? Vùi xoong cơm vào đống tro, khi cơm chín, nhiều lúc phải gạt đi rất nhiều cơm vì tro bụi tràn vào, thật bất tiện. Rồi khi xào nấu thức ăn, bụi tro than rơm rạ bay vào thì còn đâu cảm giác ngon miệng nữa?!

Không dùng tới rơm rạ, người nông dân đem phơi khô rồi chất đống ngoài cánh đồng, châm lửa đốt. Lửa từ các đám cháy sáng rực cả một vùng. Rồi khói, khói bay mù mịt làm vẩn đục cả không gian. Không gian bị ô nhiễm bởi ôxit cacbon. Nhiều buổi chiều thong dong dạo xe trên đường mà mắt cay xè bởi khói. Khói lan toả khắp nơi, cản trở tầm nhìn của người điều khiển các phương tiện giao thông trên đường. Mấy năm gần đây, ở quê tôi đều xảy ra tai nạn chết người vì khói rơm rạ. Năm 2005, có mấy xe máy, do không nhìn rõ đường, nên đã tông vào nhau làm cho những người trên xe đều bị chấn thương dẫn đến tử vong. Năm 2006 cũng lại có nhiều người chết vì lý do đơn giản đó. Năm nay, mấy chiếc ôtô, xe đầu ngang bị lật nhào, lái xe chết do phải tránh né các phương tiện khác trong đám khói mịt mù...

Ngay việc dùng rơm rạ để lót chuồng trại cho gia súc trong mỗi gia đình ở nông thôn giờ cũng không còn là vấn đề bức thiết. Người ta đã rửa chuồng trại sạch trơn, sau khi cho gia súc ăn; còn cần gì đến những sản phẩm phụ của lúa!?

khoi-lam-chieu-1697119840.jfif
 

Cứ mỗi mùa gặt tới, tôi lại nao nao buồn... Băn khoăn và lo lắng bởi lại thấy cảnh nông dân đốt rơm rạ ngoài đồng, lại phải hít thở mùi khói. Mùa hè nóng nực, thêm cái nóng, khói bụi càng cảm thấy sợ. Mùa đông, ghê hơn do khói cộng hưởng với sương mù làm cho người tham gia giao thông càng không nhìn rõ đường. Đấy là chưa kể tới cái gọi là: “hiệu ứng nhà kính” như các nhà khoa học vẫn thường nhắc tới. Tôi tự hỏi: có giải pháp nào để xử lý tình trạng thừa rơm rạ mà không cần phải đốt? Có đấy! Trồng nấm! Nhưng dùng rơm để trồng nấm lắm công phu, lượng tiêu thụ cũng hạn chế; tuy nó đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan, tăng thu nhập cho người nông dân giúp họ nâng cao đời sống vật chất những lúc nông nhàn. Việc sử dụng rơm rạ chỉ ít ỏi như thế, giải pháp cho rơm rạ không có đã khiến cho người nông dân phải dùng hạ sách: Đốt bỏ! Giải pháp đốt đã gây ra nhiều phiền toái, lại còn làm hỏng đất canh tác! Vậy liệu chúng ta có cách gì giúp cho họ hay không, ngoài những lệnh cấm đốt? Tìm ra phương thức xử lý hiệu quả thì tốt biết chừng nào, vừa giúp cho bà con nông dân, vừa góp phần làm trong sạch bầu không khí vốn đang bị ô nhiễm trầm trọng. Có nên đưa vấn đề xử lý sản phẩm phụ của lúa sau thu hoạch thành một đề tài nghiên cứu, phục vụ có hiệu quả cho đời sống con người? Câu hỏi này cần chờ đợi bao lâu nữa mới có lời giải đáp?!

Bây giờ, cứ nhìn thấy khói từ các vùng quê bốc lên sau những vụ gặt, tôi không còn xúc cảm dạt dào như xưa nữa; mà chỉ thấy rùng mình sợ hãi: đâu phải làn khói lam chiều khiến cho tôi và những người xa quê nhớ nhà, nhớ quê da diết nữa? Đó là khói mà người ta đang hun chính họ, hun tôi, hun tất thảy mọi người! Hun như hun chuột ấy!