Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan tiệm may “áo dài” có tên Anh Phạm của chị Phạm Thị Anh (SN: 1987) tại số 404, đường Hùng Vương (TP. Tam Kỳ, T. Quảng Nam) bởi bên ngoài trông như những tiệm may bình thường khác, nhưng khi bước vào trong tiệm may mới thấy hết “nội thất” áo dài như một “bảo tàng áo dài Việt Nam” thu nhỏ với nhiều màu sắc, “hoa văn họa tiết” trông rất bắt mắt.
Đang cắt tấm vải lụa Mã Châu để may áo cho khách hàng, chị Anh vẫn không quên trò chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, chị sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo với 7 anh chị em ở khối phố 2, (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ). Khi mẹ qua đời khi chị chưa đầy 4 tuổi, cha làm lụng vất vả quanh năm nuôi đàn con ăn học. Hết lớp 7, chị Anh cùng cha vào TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh.
Năm 2003 chị trở về quê và tìm đến hiệu may áo dài Vạn (Tổ 6, phường An Sơn, TP. Tam Kỳ) để học nghề. Năm 2012, chị Anh kết duyên với anh Châu Ngọc Huy. Biết vợ đam mê vẻ đẹp của những chiếc áo dài nhất là những chiếc áo dài có chất liệu tơ tằm xứ Quảng nên anh Huy đã ủng hộ và tạo điều kiện cho vợ khởi nghiệp bằng nghề may áo dài.
Được chồng và gia đình ủng hộ, năm 2018 chị Anh “khăn gói” vào TP. Hồ Chí Minh tìm Nhà thiết kế áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam để học nghề. Gần một năm miệt mài, chăm chỉ; chị Anh đã “thu hoạch” được nhiều kiến thức về thiết kế áo dài và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xuất sắc khóa học chịng thức áo dài và thiết kế bộ sưu tập áo dài. Nhận thấy tay nghề của mình đã vững chị Anh về lại Tam Kỳ thuê nhà để mở tiệm hành nghề may và thiết kế áo dài mà mình đam mê, theo đuổi.
Ngày lại ngày, tiệm may của chị tuy chưa lớn nhưng là địa chỉ tin cậy và yêu thích được nhiều phụ nữ trong và ngoài TP lui tới để ngắm ngía, mân mê và may sắm những chiếc áo dài đầy hoa văn họa tiết rất dễ thương. Một trong số mấu áo dài được nhiều người chú ý, đó chị phục dựng lại những chiếc áo dài truyền thống bằng chất lụa từ “Tơ tằm xứ Quảng” như Làng lụa Mã Châu, Chiêm Sơn, Trà Kiệu (Duy Xuyên) do chính bàn tay chị chăm chỉ làm sống lại “hình hài” những chiếc áo dài đặc sắc, kiểu dáng độc đáo bằng nguyên liệu là tơ lụa xứ Quảng.
Hiện nay, tiệm may của chị Anh có 6 công nhân làm việc và trung bình mỗi ngày sản xuất 6 bộ áo dài. Mỗi bộ tiền công may từ 500.000 đồng -2-3 triệu đồng/bộ. Riêng bộ thiết kế riêng độc đáo theo yêu cầu của khách hàng có giá khoảng 7,5 triệu – 45 triệu hay 50 triệu đồng (tính cả tiền công và nguyên liệu). Thời gian qua, chị Anh đã tạo nên hàng chục mẫu áo dài phù hợp cho mọi lứa tuổi, được phụ nữ TP. Tam Kỳ và các địa phương lân cận ưu tiên lựa chọn.
Sản phẩm áo dài của chị Anh nhận giải “Khởi nghiệp sáng tạo” của tỉnh Quảng Nam (năm 2021), giải nhất cuộc thi ảnh Online chủ đề “Hồn quê xứ Quảng” (năm 2021)…, cùng với ngành chức năng công nhận sản phẩm áo dài Anh Phạm đạt OCOP 3 sao. Với thành tích này, chị Anh còn có sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành, Hội LHPN thành phố nên càng có thêm động lực để từ đó đến nay cứ mỗi dịp lễ, hội của tỉnh, TP.Tam Kỳ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh khu vực, trong nước… chị Anh đều đăng ký tham gia quảng bá, trưng bày sản phẩm áo dài của cơ sở mình.
“Tuy áo dài mặc vào làm tôn thêm nét duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam là thế nhưng áo dài cũng rất kén người mặc, không phải ai ai mặc cũng đẹp bởi áo dài thường ôm sát đường cong của cơ thể người phụ nữ nên đòi hỏi người thợ may phải tỉ mỉ, khéo léo và có sự tinh tế, cảm nhận cao mới cho ra những bộ áo vừa vặn, mang lại cho khách hàng cảm giác thoải mái, hài lòng nhưng không kém phần sang trọng, quý phái.
Để làm được điều đó, mỗi khi nhận đơn hàng, ngoài việc nắm chắc số đo, chị Anh còn quan sát thật kỹ những ưu, nhược điểm trên cơ thể khách hàng để khi may, chị chú trọng “gia giảm” “đường kim mối chỉ” sao cho phù hợp với dáng vóc, màu da và sở thích của khách hàng. Bên cạnh đó, chị còn có “bí quyết” xử lý chất liệu của chất liệu để sau những lần giặt, chiếc áo dài vẫn không thay đổi vóc dáng hay kích cở…”- Chị Anh tâm sự.
Để quảng bá sản phẩm, chị Anh đã lập trang Wedside tại địa chỉ: https://www.ntkanhpham.com cùng với các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhằm quảng bá những thông tin khách hàng cần biết về áo dài của tiệm như: Áo dài truyền thống, áo dài cách tân, áo dài cưới hỏi, áo dài trung niên, áo dài trẻ em, áo dài Lễ, Tết… Giao hàng miễn phí toàn quốc sau 48 giờ, đổi trả miễn phí trong vòng 10 ngày sau khi mua… Thời gian qua, chị đang tìm và đào tạo nghề miễn phí, dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng khiếu, yêu thích và chịu khó học hỏi nghề may áo dài.
Trong các sự kiện đặc biệt hoặc khi tham gia các chương trình truyền hình, áo dài của Anh Phạm đã trở thành trang phục được phụ nữ ở TP. Tam Kỳ và các vùng lân cận ưu tiên lựa chọn, góp phần quảng bá hình ảnh của áo dài lụa Quảng Nam rộng rãi.
Còn nhớ vào tháng 10/2020, trong khuôn khổ của hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội bởi TW Hội LHPN Việt Nam, Phạm Thị Anh đã được trao giấy Chứng nhận đạt Giải kỹ thuật truyền thông trong Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt”. Bộ sưu tập của chị là một trong 60 bộ sưu tập được chọn vào vòng chung khảo, vượt qua 120 hồ sơ dự thi từ 530 tác phẩm đến từ 37 tỉnh, thành trong cả nước. Thành tích này đã tạo thêm động lực cho chị từ đó đến nay, mỗi khi có dịp lễ, hội ở các tỉnh, TP.Tam Kỳ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh khu vực khác, chị Anh đều đăng ký tham gia quảng bá và trưng bày sản phẩm áo dài lụa Quảng Nam.
Ngoài việc tập trung vào việc may đơn hàng, hiện nay, chị cũng dành thời gian để tạo ra các bộ sưu tập lụa có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, phục vụ cho các sự kiện quan trọng cả trong và ngoài nước. Chị Anh chia sẻ rằng, mặc dù số lượng "của để dành" chưa nhiều, nhưng ước mong của chị và chồng vẫn là được thực hiện các công việc thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh giống như chính chị đã trải qua khi còn nhỏ. Trên trang Facebook cá nhân, chị đã đăng tin tìm kiếm người học nghề miễn phí, dành cho một em từ 15 đến 20 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có tài năng, đam mê và sẵn lòng nỗ lực học hỏi.
Chị Nguyễn Thị Kim Yển - Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Tam Kỳ kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp TP. Tam Kỳ cho hay. Câu lạc bộ là nơi kết nối chị em trên địa bàn thành phố đang khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, giúp chị em có sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, trưng bày sản phẩm đồng thời khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực, hỗ trợ phụ nữ mạnh dạn lên ý tưởng sáng tạo để phát triển kinh tế, trong đó thương hiệu “Áo dài Anh Phạm” của hội viên Phạm Thị Anh đã góp phần tạo nên sự phong phú, sắc màu cho CLB khởi nghiệp TP. Tam Kỳ.