Sau bộ phim “Ròm”, “Tiệc trăng máu” của bộ đôi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh là tựa phim điện ảnh Việt được khán giả mong đợi nhất trong năm nay. Dù thuộc dòng phim remake nhưng đây có thể coi là dự án điện ảnh thuộc hàng bom tấn của Việt Nam với kịch bản chất lượng và dàn diễn viên đình đám như Thái Hoà, Thu Trang, Đức Thịnh, Hứa Vĩ Văn, Hồng Ánh, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn.
Mấy năm trở lại đây, khán giả Việt không còn quá mặn mà với dòng phim remake sau quãng thời gian bùng nổ vào năm 2015-2017 với những cái tên như “Em là bà nội của anh”, “Tháng năm rực rỡ”,… Nhiều bộ phim ra mắt bị đánh giá yếu về chất lượng khi đưa lên bàn cân so sánh với bản gốc và không sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả.
Thế nhưng, “Tiệc trăng máu”, một tác phẩm remake từ bộ phim điện ảnh Italy, “Perfect Strangers” đã chinh phục đông đảo công chúng với một tác phẩm Việt hoá thuộc thể loại hài hước pha lẫn chất châm chọc cùng “bữa tiệc” diễn xuất thịnh soạn đến từ dàn diễn viên thực lực.
Thành công của “Tiệc trăng máu” nằm ở câu chuyện phim "rất Việt Nam". Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh tự tin nhận định: “Tôi nghĩ dù được làm lại từ hai bản phim Italy và Hàn Quốc, nhưng kịch bản của “Tiệc trăng máu” có lẽ còn “Việt Nam” hơn cả nhiều kịch bản gốc của Việt Nam khác, bởi những giá trị hiện thực của nó”.
Vẫn giữ nguyên nội dung tổng thể của bản gốc, với câu chuyện mang tính phổ quát cao có thể gặp ở bất kỳ xã hội nào, “Tiệc trăng máu” tạo nên những kiểu nhân vật điển hình mà chúng ta thấy được bản thân trong đó. Phim xoay quanh bữa tiệc hội ngộ của một nhóm bạn thân thiết là Quang (Hứa Vĩ Văn), Bình (Thái Hoà), Mạnh (Đức Thịnh) và Linh (Kiều Minh Tuấn) cùng sự góp mặt của các bà vợ, người yêu là Thu Quỳnh (Thu Trang), Nguyệt Ánh (Hồng Ánh) và Kaity Nguyễn.
Tại buổi tối mừng tân gia, Nguyệt Ánh đã khởi xướng trò chơi công khai mọi tin nhắn, hình ảnh hay e-mail mà tất cả nhận được trong buổi tối hôm ấy. Tưởng chừng là một trò chơi đơn giản nhưng những bí mật sâu kín, những góc khuất đen tối của từng người bị phơi bày thông qua thiết bị liên lạc thông minh. Trò chơi nhanh chóng trở thành cuộc công khai luận tội của nhóm bạn.
7 con người với những vỏ bọc hoàn mỹ, hào nhoáng dần dần bị gỡ bỏ một cách trần trụi, bộc lộ bản tính thật sự. “Bản tính con người giống như nguyệt thực, có thể che giấu tạm thời nhưng sớm muộn gì cũng lộ ra thôi. Diễn biến, xung đột tâm lý của từng con người được lột tả sắc nét dù không gian của câu chuyện rất nhỏ hẹp, 90% phân cảnh xảy ra trong một căn penthouse.
Người xem bị cuốn theo những tình tiết bất ngờ, khó lường của trò chơi với muôn vàn trạng thái cảm xúc. Từ vui vẻ hân hoan khi gặp lại bạn bè, rồi sau đó vút lên đỉnh với những hoài nghi về bí mật “động trời”, mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, vợ chồng đến thấu hiểu, xót xa với những câu chuyện mang tính xã hội được tiết lộ. Từng lớp nghĩa, ẩn dụ được cài cắm khéo léo khiến khán giả có nhiều phán đoán, soi chiếu và liên hệ với bản thân.
“Tất cả những chất liệu này đều có trong kịch bản phim gốc của Italy và bản phim remake của Hàn Quốc. Những câu chuyện này tưởng chừng chỉ có trên mặt báo nhưng tôi nghĩ nó hiện diện rất gần trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Trong những cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi không ít lần nghe chuyện người này người kia có bồ nhí, có “phòng riêng”, và nó trở thành một thứ “bình thường mới” mà với tôi – một người chưa có gia đình thấy thật kỳ lạ”, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh tâm sự.
Không chỉ bám sát kịch bản gốc và thừa hưởng những thay đổi tinh tế ở phiên bản Hàn, kịch bản Việt hóa của “Tiệc trăng máu” phát huy rõ nhất ở phần thoại rất gần gũi, rất đời. Thoại phim với những câu bông đùa hoặc chi tiết mà chỉ người Việt hiểu, khiến phim gần gũi hơn đối với khán giả.
Đặc biệt, phần kết của phim với những phân cảnh mang tính giả sử, đặt khán giả giữa ngã ba đường với đích đến đã nhìn thấy trước. “Mỗi người đều sống 3 cuộc đời: Cuộc đời công khai - Cuộc đời cá nhân - Cuộc đời bí mật.” Lựa chọn công khai con người bí mật hay tiếp tục che giấu góc khuất, đâu mới là cung đường nên đi, và đâu mới là phương cách sống ít đem lại niềm đau nhất.
Diễn xuất của dàn diễn viên “bạc tỷ” là một phần không thể thiếu tạo nên sức hút của bộ phim “Tiệc trăng máu”. Mỗi người đều thể hiện tốt vai trò của mình nhưng có lẽ ấn tượng nhất phải là Thu Trang trong vai diễn “Thu Quỳnh”, một người đàn bà vô duyên trong các cuộc chuyện trò nhưng lại là kẻ đáng thương nhất. Từng sắc thái, biểu cảm trong diễn được khắc hoạ rõ nét sự đè nén của một người vợ thiếu vắng sự quan tâm của chồng, đau đớn, tổn thương,… chỉ chực chờ thời điểm để bộc phát tất cả cảm xúc.
Mặc dù không phải bộ phim Việt đầu tiên ra rạp sau dịch Covid-19 nhưng “Tiệc trăng máu” được kỳ vọng là "cú hích" tích cực cho thị trường điện ảnh, thúc đẩy thói quen đến rạp của khán giả dần đã cải thiện một phần nhờ “Ròm”.
Dù không thực sự có khởi đầu bứt phá ở phòng vé trong tuần đầu nhưng sang đến tuần thứ hai, doanh thu của “Tiệc trăng máu” cho thấy sự tăng nhanh nhờ hiệu ứng truyền miệng. Sau 2 tuần công chiếu, “Tiệc trăng máu” chính thức gia nhập câu lạc bộ trăm tỷ của điện ảnh Việt với hơn 1,4 triệu vé bán ra dẫu rằng bộ phim gặp nhiều điều kiện khách quan không hề thuận lợi.
Không giấu được cảm xúc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: “Thật sự thở phào nhẹ nhõm vì thấy đây là thành tích xứng đáng dành cho công sức của đoàn phim. Nhưng hơn hết, tôi thật sự vui mừng khi thấy thị trường rạp chiếu phim sôi động trở lại khi có được một bộ phim nhận được sự yêu mến của khán giả. Được thấy khán giả háo hức đến rạp sau một năm quá ảm đảm là điều quá đỗi hạnh phúc với nhà làm phim”.
Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả dành cho bộ phim, nhà sản xuất có niềm tin hơn trong việc khai thác những câu chuyện trào phúng, châm biếm, vốn trước đó gặp rất nhiều sự nghi ngại.
Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Ngay cả với “Tiệc trăng máu”, chúng tôi không dễ dàng trong việc thuyết phục các nhà đầu tư tham gia vì họ e ngại một câu chuyện có phần hơi u ám, lại thêm nhiều sự nhạy cảm người lớn có thể chạm đến được số đông. Dẫu “Tiệc trăng máu” mang rất nhiều tiếng cười, nhưng với tôi đây vẫn là một phim tâm lý xã hội. Vì vậy, thành công của “Tiệc trăng máu” về tình cảm của khán giả lẫn doanh thu phòng vé là một tín hiệu lạc quan”.
Nhiều năm qua, bom tấn Hollywood luôn được các nhà phát hành ưu tiên với suất chiếu dày đặc, là lựa chọn ưu tiên của nhiều khán giả cho trải nghiệm xem phim. Điều này dẫn đến việc thị trường điện ảnh trong nước gần như lệ thuộc vào phim ngoại, phim Việt thua trên chính “sân nhà” khi khoảng cách doanh thu chênh lệch quá lớn.
Và khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng trên toàn cầu thì ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đứng trước một tương lai bất định với khủng hoảng trầm trọng. Toàn bộ mùa phim của Hollywood trong năm 2020 gần như bị “xóa sổ”, phải dời lịch chiếu đến tận năm sau. Việc “Tenet” và “Mulan” không thể làm nên chuyện đã có ảnh hưởng nặng nề lên các phim lớn khác. Những cái tên còn sót lại trong lịch phát hành dường như không đủ sức hấp dẫn để cải thiện tình hình phòng vé vốn đã ảm đạm.
Tuy nhiên có thể nhận thấy, với các nước khu vực châu Á thì đây là “thời điểm vàng” cho phim nội địa lấp đầy khoảng trống. Thực tế chứng minh, những thị trường với tỷ trọng phim nội địa cao có xu hướng đương đầu tốt hơn với thách thức đại dịch so với những nơi phụ thuộc quá nhiều vào phim nhập. Hai thị trường điện ảnh lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc với 50-60% phim nội địa đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Những bộ phim nội địa, trở thành chìa khoá, yếu tố then chốt để phát triển và duy trì thị trường, kéo khán giả đến rạp hậu Covid-19.
Có thể kể đến kỳ tích hậu Covid-19 của “Peninsula”, “Deliver Us from Evil” ở Hàn Quốc hay “My People, My Homeland”, “Bát bách” ở Trung Quốc. Theo báo cáo thống kê mới nhất tại thị trường Trung Quốc thì gần 85% doanh thu phòng vé năm nay là do phim nội địa kiếm được, giúp quốc gia này vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới.
Gần đây, thị phần phim Việt cũng tăng trưởng đáng kể, từ 30% vào năm 2018 lên đến gần 50% năm 2019. Nhiều phim Việt có doanh thu trăm tỷ đồng, mới nhất là “Tiệc trăng máu”. Khán giả đã có cái nhìn tích cực hơn đối với những tác phẩm điện ảnh độc lập như “Ròm”. Những tín hiệu lạc quan này là điều đáng mừng cho ngành điện ảnh Việt và hệ thống rạp chiếu phim vốn đã phải chịu nhiều tổn thất sau mùa dịch kéo dài.
Trong những tháng cuối năm và dịp Tết, thị trường điện ảnh Việt trở nên sôi động và đáng mong chờ hơn với nhiều bộ phim đã lên lịch ra mắt trong thời gian tới. Đây là cơ hội để điện ảnh Việt lấy lại niềm tin nơi khán giả khi thị trường vắng bóng những bộ phim bom tấn Hollywood./.
Bài: Hạnh Lê | Thiết kế: Hà Phương