"Không thể mồ côi" (Kỳ 11): NOEL HẰNG NĂM LÀ NGÀY GIỖ CỦA CHA TÔI

Người Việt Nam thường giỗ theo âm lịch, nhưng cha tôi bị quân bị quân Mỹ sát hại vào đêm Noel, nên gia đình tôi vẫn tổ chức đám gỗ cho ông vào dịp Lễ Giáng sinh. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm sau này, khi chúng tôi đã đi tìm được hài cốt của cha và minh oan cho cái chết của ông...
chuytrtimnl-1640363239.jpg
Ảnh minh hoạ đính kèm: Cha tôi cùng các đồng chí của người tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam năm 1968. Từ trái qua, hàng đứng: Trần Bạch Đằng, Năm Hổ, Mười Hải, Sáu Bảo, Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Bảy Bình, Năm Thu (Đào Phúc Lộc - cha tôi), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Sáu Tân, Tư Đô, Sáu Hoàng (Cao Đăng Chiếm); hàng ngồi: Hai Sang, Hai Phong, Phan Đức, Huỳnh Tấn Phát, Ba Khải. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi xây dựng gia đình vào tháng 6 năm 1971.

Một đám cưới đơn giản, tổ chức nhờ ở nhà một người bạn, số 66 Ngô Quyền. Áo dài đi mượn của bạn, guốc mới me Kíu mua tặng. Má Hai cho 20 đồng tiền bánh kẹo. Me Kíu cho 15 đồng tiền trà nước. Chú rể chồng tôi mặc quần áo vét, anh mua khi đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức mang về.

Nhà gái có bạn của tôi khoảng hơn chục người. Má Hai đại diện cho bên ngoại. Me Kíu đại diện cha tôi và bên nội. Một đám cưới bình dị như bao đám cưới thời chiến khác. Về phía chồng tôi, có ba chồng, chú chồng, em chồng, anh chị dâu của chồng đầy đủ. Chồng tôi lúc đó đang công tác giảng dạy ở một trường Đại học.

Tôi lấy chồng đa phần là do tác động của hai bà mẹ. Những lần me Kíu đến chơi, chồng tôi làm cho me tôi đánh giá là người tốt. Bà còn bảo “Con gà tồ của mẹ thế mà tốt số, được chồng đàng hoàng”. Chồng tôi người cao to, đẹp trai, ăn nói từ tốn... Với cả hai bà như vậy là quá đủ tiêu chuẩn.

Đám cưới xong, me Kíu muốn chúng tôi về ở cùng. Nhưng chúng tôi quyết định đi thuê một phòng nhỏ ở số 4 phố Trương Hán Siêu. Phòng chỉ nhỏ có 3m2 (ba mét vuông), lại ở cạnh nhà vệ sinh công cộng. Tại sân chỉ có một xe đạp của tôi do chú Tuyến cấp cho. Tôi còn có một ít quần áo, một cái quạt tai voi. Tài sản quý giá nhất lúc đó của vợ chồng tôi là một chiếc xe MZ đầu vuông, mà chồng tôi đem từ Đức về...

Tôi sinh cháu Đào đầu lòng vào ngày 8 tháng 7 năm 1972, tại nhà bảo sinh phố Ngô Quyền. Cháu nặng đúng 3 ký.

Như vậy là con Vân “tồ” ngày nào đã đi làm, đã có chồng và đã có con… Người vui nhất là hai bà mẹ của tôi. Me Kíu thì vui ra mặt, vì bà đã có cháu ngoại. Má Hai cũng vậy.

Bé Đào sinh ra mập ú, rắn chắc, ngủ li bì cả ngày đêm. Khi muốn cho bé ăn thì phải đánh thức dậy. Hai bà ngoại chia cho từng hộp sữa, từng tí đường, tí bột ngọt…

Cho đến một ngày, chú Tuyến ở trong thành đến thăm căn phòng tôi thuê ở, thấy chật chội quá, liền bảo để chú sẽ báo cáo với Tổ chức. Thực sự lúc đó tôi cũng không hiểu “Tổ chức” là cơ quan nào. Khoảng hơn 4 tháng sau, chú lại đến và nói với tôi:

- Cháu sắp có nhà ở khu tập thể Nam Đồng, hưởng theo tiêu chuẩn con của đồng chí Đào Phúc Lộc!

Tôi được chuyển đến khu tập thể Nam Đồng. Một căn phòng 18m2 quả là mơ ước của bao gia đình công chức Hà Nội thời đó. Nó quá rộng rãi so với một gia đình nhỏ chẳng có đồ đạc gì. Me Kíu, má Hai mừng vì tôi có nhà mới. Me Kíu gởi cho tôi một tủ đựng chén bát cũ, một ít chén bát từ nhà me chuyển sang. Má Hai cho tôi một bếp dầu, vài chén bát, và một thau nhôm. Chồng tôi, dùng mấy thùng gỗ đóng hàng về tự đóng, tự mua sơn về sơn lấy thành một chiếc tủ đựng quần áo. Thời ấy, như vậy là tươm tất lắm rồi. Vì hai vợ chồng đều có công việc làm tốt, mà lại không xa nhà lắm. Bé Đào được gởi nhà trẻ của khu tập thể ngay cùng tòa nhà.

Bé Đào ham ăn, chóng lớn, ục ịch lại có nước da đen, nên các cô nhà trẻ toàn gọi “Đào đen”. May mắn là Đào rất khỏe và rất ham ăn. Mà khổ quá có gì ăn đâu, chỉ có cháo nấu nhừ thêm tí ruốc. Đa phần là Đào uống bột dinh dưỡng, ngày tới 4 ca lớn nên hay bị táo bón. Cứ mỗi lần bé bị táo bón là tôi lại phải thụt đít bằng xà phòng. Nuôi Đào dễ nhất trong ba chị em vì bé ít ốm lặt vặt.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, vợ chồng đi làm về tối chăm sóc con. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng tôi lại đưa Đào đi thăm bà ngoại Kíu hoặc bà Hai, lúc nào về cháu cũng có quà của các bà. Mãi sau, tôi mới biết khu tôi ở toàn là những gia đình các vị Tướng, Chính ủy Mặt trận, Tham mưu trưởng…

*

Tại khu tập thể Nam Đồng, cách nhà tôi một cái sân có một ông già cụt chân đến tận háng. Ông tên là Tám Mỹ, người Cần Thơ đi tập kết. Ông Tám di chuyển bằng nạng gỗ. Ông ở với người con trai tên Hùng, là kỹ sư. Chồng tôi và anh Hùng học chung với nhau thời phổ thông cấp ba ở Trường Học sinh Miền Nam.

Nghe anh Hùng nói cha tôi là Hoàng Minh Đạo. Ông Tám tự chống nạng gỗ lên tận nhà tôi để nói chuyện. Ông tự giới thiệu là cựu chiến binh từng chiến đấu ở Tiểu đoàn 307, bị thương phải cưa mất một chân. Tiểu đoàn của ông chiến đấu rất anh dũng… Rồi ông kết luận một câu: “Bay là con ba Đạo, đang chiến đấu ở ngay trong vùng đất quê tao. Nên bay hãy coi tao như người nhà, nương tựa nhau mà sống”!

Thật cảm động, bởi những tấm lòng ngay thẳng như ông Tám Mỹ. Ông Tám tự tay trồng ít rau thơm, rau cải, ớt… Nhìn ông chống nạng gỗ, tự làm mọi việc, tôi thấy thương ông lắm. Tự nhiên tôi và Minh cô bạn của tôi coi nhà ông Tám là chỗ thân quen. Có cái gì tôi cũng chia bớt cho ông, mặc dù khi đó chẳng có gì nhiều.

Những ngày đông giá lạnh, nếu Đào bị ho hen không đi nhà trẻ, tôi lại đem con gởi ông Tám trông giúp. Ông mắc một cái võng để Đào vào đấy, rồi cất giọng ca cải lương, sáu câu vọng cổ ru cho Đào ngủ… Nhìn ông, tôi cứ ao ước nếu cha tôi bị thương cụt cả hai chân như ông, thì cũng là điều hạnh phúc biết bao. Vì tôi sẽ được biết mặt cha và con tôi cũng được biết mặt ông ngoại.

Cứ nhìn ông Tám, thấy ông có tình thương bao la với con của người đi chiến đấu xa… tôi lại nghĩ về cha mẹ tôi. Tôi cảm ơn ông đã ban tặng cho tôi tình thương mến. Cảm ơn ông rất thân thiết và mỗi lần ông nội các cháu tới chơi với ông. Hai ông lại kể chuyện kháng chiến 9 năm ở chiến trường Nam Bộ...

Cho tới bây giờ Đào cũng khôn lớn đã lấy chồng có hai con. Nhưng nhắc về ông Tám, cháu vẫn nhớ: “Ông già thương binh tội nghiệp hay canh con cho mẹ đi làm. Ông hay cho con vào võng nằm và ông ru con ngủ”. Nghĩ lại, sao hồi đó ai cũng nghèo, ai cũng khó khăn, nhưng tại sao mọi người lại sống với nhau chân tình thế?

Sau giải phóng, ông Tám về lại quê ông và nghe nói ông chỉ sống thêm hai năm nữa. Dầu gì thì ông cũng đạt được nguyện vọng đã trở về quê, và thấy đất nước thống nhất. Tôi luôn nhớ cảnh ông chống nạng gỗ đẩy võng cho bé Đào ngủ, với giọng ru ầu ơ, ầu ơ… và mấy câu vọng cổ: Sau hè rau đắng nấu canh… Cám ơn ông đã chia sẻ tình thân cho tôi lúc thiếu thốn tình cảm.

*

Ông chú Sơn của tôi nghe tin cháu có nhà, thi thoảng ở Thái Nguyên cũng về chơi mấy ngày rồi lại lên.

Năm đó, cả nhà chú Sơn đều đang làm việc cho Khu gang thép Thái Nguyên. Chú Sơn là Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng ban Chỉ huy quân sự Nhà máy cốc của khu gang thép. Ông chú của tôi vẫn hiền lành như vậy. Càng nhìn ông càng thấy giống bố Lộc trong ảnh như đúc. Mọi người đều bảo hai người một khuôn mặt. Chỉ khác là cha tôi cao hơn và trắng hơn một chút. Tôi vẫn hay hỏi chú:

- Bố cháu có hiền như chú không?

Chú lúc nào cũng trả lời:

- Anh em nhà này tính tình rất giống nhau. Chỉ có cô Oanh con là tính khác người…

Rồi giọng chú trầm ngâm: “Chỉ có chú là nhỏ con, vì không được bú sữa mẹ, bà mất khi chú chưa đầy tháng”.

Khi tôi cho xuất bản cuốn sách này, chú Sơn của tôi đã trên 80 tuổi. Chú vẫn hay nhắc không có mẹ nuôi chú, không được bú sữa mẹ… Tôi và chú tuy là hai chú cháu, nhưng lại có sự đồng cảm ở cảnh cùng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cùng thiếu thốn tình cảm gia đình. Tôi thương và kính trọng ở nhân cách, tính tình của chú, và xem chú như một người cha. Các con tôi cũng thương ông như là một ông ngoại của các cháu.

Tôi có báo cho chú Sơn vụ mất tích của cha tôi, chú ngồi im lặng, hai ba tiếng liên tục uống nước trà và không nói lấy một tiếng… Bây giờ thì tôi hiểu vì chú quá đau xót và nén vào trong. Trước ngày lên lại Thái Nguyên, chú lên gặp má Hai hỏi lại cho kỹ lưỡng. Khi về nhà chú bảo:

- Con ạ! Vậy là hi vọng anh em gặp nhau sau mấy chục năm chia cắt đã hết. Con có biết không hả Vân?

Khi đó chú Sơn mới bật khóc. Tiếng khóc kìm nén của người đàn ông từng trải càng đau đớn vô cùng.

Tôi xuống Hải Phòng báo cho cô Oanh tôi biết tin xấu cha tôi đã mất tích. Vừa nghe tôi nói xong, cô tôi quát lên:

- Mày có điên không mà ăn nói bậy bạ như vậy hả!

Cô tôi cứ thế mắng té tát, mắng tôi ghê lắm. Cô bảo chỉ nói gở và dại mồm dại miệng, giấy tờ báo đâu? Cô không tin và cương quyết không tin. Cô nói: “Để hôm nào rảnh cô lên Hà Nội hỏi lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì trực tiếp Đại tướng đã giao nhiệm vụ và cử anh Đạo vào Nam công tác. Cô còn quen với phu nhân của Đại tướng nữa…

Rôi cô còn la lối lớn tiếng với tôi: “Anh của tao, tức cha mày giỏi lắm. Tụi nó không thể giết anh ấy được đâu!…”.

Cô Oanh vẫn ở Hải Phòng cùng gia đình. Cuộc sống kinh tế gia đình cô vất vả vì quá đông con. Chồng cô thì vẫn làm nhiệm vụ ở đảo Bạch Long Vĩ, lâu lâu mới về. Hồi đó, cô Oanh phải làm đủ mọi việc để sống, để tồn tại và để nuôi các em kể cả giữ xe đạp ở sân vận động Lạch Tray. Mỗi lần tôi gặp cô Oanh, cô lại bảo:

- Nếu cha cháu còn, chắc đời cô sẽ không khổ như thế này, Vân biết không?

Tính tình cô Oanh vẫn bốp chát, vẫn ăn to nói lớn theo người vùng biển. Sau này các cháu Mai và Minh con của tôi rất sợ bà Oanh. Vì bà hay chửi, hay quát to và hay nói tục bậy bạ. Nhưng tôi hiểu được vì sao bà lại như vậy, như me Kíu từng nói: “Vì khổ quá hóa rồ”.

*

Thời gian này, có rất nhiều chú bác từ chiến trường ra dưỡng bệnh tại K5A, K5B ở Nghi Tàm - Quảng Bá. Khi chưa có tin xấu của cha tôi, các bác còn mang thư và cả quà của cha nữa. Khi đã có tin xấu của cha, các bác, cô chú lại gọi tôi lên để động viên, an ủi.

Những bác và các cô chú này tôi nghe nói làm lớn lắm ở trong Miền Nam như: Bác Hai Văn, bác Năm Hộ, chú Bảy Dự, bác Hai Sớm, bác Bảy An, chú Hai Phụng, chú Năm Xuân… Chú nào cũng hỏi thăm về vụ me Kíu. Có vài chú còn mời me Kíu lên thăm hỏi nói chuyện.

Riêng bác Bảy An sau khi gặp mẹ lên thăm tại K5A, hai lần bác xuống tận nhà bà, bác hỏi “Anh Đạo có nói về chị cho tụi này nghe và nguyện vọng của anh là nhờ mọi người ra dưỡng bệnh và đi họp, giúp đỡ minh oan cho trường hợp của chị với tổ chức ngoài này”. Và bác Bảy An làm mọi cách...

Kết quả là, trước ngày bác Bảy An lên đường vào lại chiến trường Nam Bộ khoảng năm ngày, mẹ tôi được đại diện Chính quyền thủ đô Hà Nội mời lên uống trà, ăn kẹo và đọc quyết định xóa “Thành phần tư sản bóc lột” xuống “Thành phần tiểu thương buôn bán”.

Me Kíu mừng không thể tả. Bà kêu tôi đưa lên K5A của bác Bảy An để bà cảm ơn. Bác Bảy An giữ me Kíu và tôi lại cùng ăn cơm. Tôi còn nhớ là bữa cơm rất ngon. (Sau này tôi mới biết vì các bác đều là cán bộ cao cấp ở chiến trường gian khổ ra, nên có chế độ chăm sóc đặc biệt để tăng cường sứa khỏe, có thể về lại chiến trường tiếp tục chiến đấu). Bác Bảy cứ nói:

- Vậy là tôi đã làm được việc mà anh Năm Thu giao cho rồi. Chắc khi vào gặp nói lại, anh Năm sẽ phấn khởi lắm. Vì sau khi nhận tin chị bị oan, anh Năm luôn lo lắng cho chị và cháu mà không yên tâm công tác.

Me Kíu cảm động lắm. Bác Bảy An còn nói:

- Chị về viết thư cho anh Năm. Tôi cầm vào giao tận tay cho anh mừng vụ của chị…

Những trước lúc bác Bảy An đi ba ngày thì có tin xấu của cha tôi. Lúc đó tôi đang lên gặp bác Năm Hộ ra chữa bệnh để nhận thư và quà. Bác cũng ở K52 chung chỗ với bác Bảy đồng thời gởi bác Bảy mang thư của tôi và mẹ về cho cha. Trong lúc các bác giữ lại để ăn cơm, tôi thấy có hai người đến. Tôi nhớ có một người là bác Ba Huấn. Các bác nói với nhau điều gì đó rất bí mật. Sau tôi lại nghe:

- Con nhỏ vẫn còn đang ở đây này, Anh ấy xa con nhỏ này là lúc vào năm đầu 1948, anh gởi lại…

Tuyệt nhiên không ai nói cho tôi nghe một điều gì. Chỉ nghe Bác Năm Hổ dặn:

- Lúc nào con có thời gian, bất cứ lúc nào cũng con muốn cũng có thể lên bác nghe chưa con. Vì con cũng là con của các chú bác ở “Tê bốn”.

Chỉ có chú Bảy Dự, bác Bảy An là có dặn:

- Dẫu có nhận bất cứ tin nào xấu nhất cũng phải bình tĩnh và cũng ráng con nhé! Đó là may rủi của chiến tranh để lại…

Bác Bảy ra đi và hơn một tháng sau tôi được má Hai báo:

- Con còn nhớ bác Bảy An không? Bác vừa hy sinh rồi. Cái chết của bác bi thương lắm. Bác Bảy vừa vào đến Lộc Ninh, máy bay B52 ném bom đúng hầm của bác, một quả bom rơi trúng hầm tung xác toàn bộ.

Tôi sửng sốt vì mới gặp và ăn cơm với bác đấy cơ mà. Chạy ngay xuống me Kíu báo tin, bà lặng đi một lúc rồi bảo:

- Đạo ơi, chị cảm ơn em, cảm ơn anh Bảy!

Ngay sau đó, bà nói để mẹ đi cúng chùa, và bà lên chùa cúng cho Bác Bảy…

Sau giải phóng 1975, tôi có được gặp bác gái của bác Bảy An mới hay tin, trước khi bác Bảy ra Bắc chữa bệnh và đi họp. Hai bác ở hai chiến trường khác nhau cũng không gặp nhau được. Khi bác Bảy vào, bác có nghe tin, tổ chức báo cho giao liên đưa bác gái lên Trung Ương cục để gặp bác trai. Nhưng lên đến nơi lại nghe tin bác trai bị trúng bom...

Hai bác ở hai chiến trường khác nhau, không có điều kiện gặp nhau thường xuyên nên vẫn chưa có con. Tôi lặng đi vì thương xót. Tại sao tất cả các người tốt đều vậy, đều ra đi một cách nhanh chóng? Me Kíu tôi khi vào Sài Gòn sau giải phóng, nghe tôi kể chuyện bác gái, bà cứ nói mãi: “Nếu không nhờ có bác An thì mẹ đâu có được hạ thành phần. Ông là người quá tốt tại sao trời lại ác vậy”. Bà cứ đòi đi thăm bác gái. Tôi không dám đưa đi vì lúc đó bác gái cũng đang bịnh nặng, mà me Kíu thì tuổi đã cao. Tôi e gặp nhau người kể người nói lại xúc động thì nguy to.

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính