"Không thể mồ côi" (Kỳ 2): LỜI MỞ ĐẦU CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN

Tôi cất tiếng khóc chào đời vào đúng thời điểm đáng nhớ nhất của cuộc Kháng chiến chống Pháp: Đêm ngày 19, rạng sáng 20 tháng 12 năm 1946 tại Hà Nội, khi cả Thủ đô đang ngút trời lửa đạn, cùng đất nước đứng lên theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm; không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc...”
chuytratim1a-1639534403.jpg
 Chân dung tác giả khi còn trẻ. 

 

Vừa ra đời được ít ngày, tôi đã được mẹ đẻ là Hoàng Minh Phụng đặt vào quang thúng, gánh theo tài liệu và tư trang, cùng cơ quan của bà theo đoàn người vượt sông Hồng tản cư ra khỏi Hà Nội, để lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến...

Tôi được sống trong tình thương yêu của cha mẹ chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi tại cơ quan Tình báo Quân uỷ Hội của Bộ Tổng Tham mưu, lúc đó đóng tại Đại Từ, Thái Nguyên. Khi tôi được hơn một tuổi, người mẹ kính yêu của tôi đã chẳng may bị sốt rét ác tính, đột ngột mất tại chiến khu.

An táng cho mẹ tôi xong được mấy ngày, thì cha tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt lên đường vào Nam Bộ. Với tôi, đó cũng là những ngày cuối cùng được nhận hơi ấm của tình phụ tử ruột thịt. Cha tôi ra đi và đã đi mãi mãi, không còn cơ hội để quay về gặp con, dù chỉ một lần.

Qua thư của cha viết, qua những hình ảnh hiếm hoi còn lại, qua những lần được nghe đồng đội cũ của cha mẹ kể lại, tôi hình dung mẹ đẻ của mình là một phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền, tình nghĩa và thương yêu chồng con hết mực. Cha và mẹ đã cho tôi cuộc sống, hình hài, vóc dáng. Tôi được thừa hưởng hai lúm đồng tiền của mẹ, nước da nâu nâu của cha. Ơn sinh thành của cha mẹ, tôi mang theo suốt hành trình của cuộc đời, cùng với niềm tự hào của gia đình và dòng họ.

Sau khi cha tôi vào chiến trường Nam Bộ, theo đường dây của cơ quan giao liên tình báo, tôi được đưa từ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) về Ban Tình báo Hà Nội. Tiếp đó, tôi được đưa đến ở tại nhà bà Nguyễn Thị Kíu số 41 Lò Sũ, (sau đó là nhà số 36) nhờ nuôi dưỡng. Tôi gọi bà là “me” (Không phải là “Mẹ” - chữ “e” không có dấu nặng) và xưng “con”. Hồi đó, tôi mới chưa đầy hai tuổi, vừa chập chững biết đi...

Me Kíu yêu thương tôi như con đẻ. Bà là nhà kinh doanh, chuyên sản xuất bánh - mứt. Hồi ấy, thương hiệu bánh - mứt “Tùng Hiên - Cô tiên gảy đàn” đã nổi tiếng khắp Hà thành và các tỉnh lân cận. Cứ mỗi mùa Trung thu và Tết đến, khách phải đặt hàng từ hai, ba tháng trước mới kịp giao. Dựa vào nguồn lực tài chính và chỗ buôn bán sầm uất, đông người đi lại, gia đình me Kíu còn là cơ sở bí mật của cha tôi và một số đồng chí của ông qua lại để liên lạc.

Ngoài tôi ra, me Kíu còn nuôi thêm bốn đứa trẻ nữa, tuy thời gian bà nhận nuôi có khác nhau, cũng là con của các cán bộ tình báo đang hoạt động ở xa, hoặc bí mật, không có điều kiện trực tiếp chăm sóc.

Năm 1956, tai họa đã đổ ập xuống gia đình chúng tôi: Theo chính sách cải tạo công thương, me Kíu đã bị quy là “thành phần tư sản bóc lột”. Hãng sản xuất Tùng Hiên bị tịch thu tài sản và sung công. Cuộc sống khó khăn, vì kinh tế không còn như xưa. Me Kíu buồn lắm, để có tiền nuôi chúng tôi, bà phải đi làm thuê, bán bánh mỳ rong, bán nước chè chén… Nhưng chúng tôi không hề nghe me than khổ hoặc trách móc ai. Bà thường động viên chúng tôi và bảo: “Ngày thống nhất, cha mẹ của các con trở về sẽ minh oan cho me và cả chú Cầu nữa”.

“Chú Cầu” là em của me Kíu và cũng là một cơ sở cách mạng bí mật trong nội thành Hà Nội từ hồi thành phố còn bị Pháp tạm chiếm. Gia đình chú cũng là một trong những cơ sở nguồn giúp đỡ cho cơ quan của cha tôi về mặt tài chính, và buồn thay họ cũng bị quy là “thành phần tư sản” phải cải tạo. Do quá buồn bực, căng thẳng, lại không thanh minh được với ai, nên năm ấy chú Cầu đã bị đột quỵ mà chết...

Sau này lớn lên, tôi hiểu được rằng đó chính là sự hy sinh, mất mát lớn nhất của những cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt. Sống giữa thủ đô đã được giải phóng, nhưng vì phải giữ bí mật vì sự an toàn cho những đồng chí của mình còn đang hoạt động trong lòng kẻ thù, nên không ai được bộc lộ thân phận và vai trò nhiệm vụ thực sự của mình. Họ bị chính người thân, bạn bè và chính quyền cơ sở nơi sinh sống hiểu lầm, nhưng đành chỉ biết thầm lặng chịu đựng và hy sinh tất cả tài sản cùng danh dự của mình. Chú Cầu chỉ là một ví dụ.

Riêng me Kíu vẫn có một niềm tin mãnh liệt: Nhất định mình sẽ được minh oan! Me luôn hi vọng rằng cha tôi và các đồng chí của ông sớm trở về... Tiếc rằng ngày đó đã không đến với bà. Cha tôi đã ra đi vĩnh viễn cùng cái chết bí ẩn và sự hy sinh thầm lặng của ông năm 1969. Mãi gần 30 năm sau, sự việc mới được làm sáng tỏ, cha tôi đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1998) và Huân chương Hồ Chí Minh cao quý (1999).

Còn mãi trong tôi là hình bóng me Kíu lúc vấn tóc trần, lúc thì bới cao. Đêm đêm, bà ngồi bên bàn tính bằng gỗ, gảy qua gảy lại, rồi ghi ghi, chép chép vào sổ sách. Hàng ngày, sáng ra bà dặn dò người làm bao nhiêu mẻ mứt, bao nhiêu ký đường, sữa, bột, làm bao nhiêu ký bánh kẹo, từng loại sản xuất ra sao, lấy hàng từ đâu, giao hàng cho ai. Trước khi ra khỏi nhà, lúc nào bà cũng thay áo dài thật đẹp. Trông bà thật sang trọng, quý phái. Bà hay ôm tôi vào lòng và thủ thỉ: “Ai hỏi bố con đâu, con phải trả lời là bố đi làm ăn xa ở Sài Gòn” hoặc bà bảo: “Nếu người lạ mặt có hỏi con là gì của me thì con phải trả lời bố con là em ruột của me đi làm ăn xa nhiều năm rồi”.

Me Kíu đã giữ bí mật tuyệt đối cho công tác của cha tôi và những đồng đội của ông. Bà hay đi chùa, cầu an cho mọi người, mọi nhà. Những lúc như vậy, bà đều cho lũ trẻ con đi theo. Tôi nhớ mãi cách bà tự pha cà phê, pha trà khi bà muốn uống. Bà thường bảo: “Cái gì con làm được thì cố mà làm lấy, cố một chút, ráng một chút, đừng làm phiền hà ai cả là tốt nhất”. Thỉnh thoảng, đêm đêm tôi hay thấy bà ngồi khóc một mình. Vì còn bé quá, tôi chưa hiểu, thường là sợ nên tôi cũng khóc theo bà, hoặc lại hỏi: “Sao me là người lớn mà lại khóc?” Bà nói: “Me nhớ bố mẹ của con, me tủi thân quá!”...

Ước gì thời gian có thể quay ngược lại, tôi sẽ hiểu được me Kíu như bây giờ. Và tôi sẽ ngoan hơn để bà được vui thêm một chút. Bà yêu thương năm đứa trẻ con như nhau. Bà vẫn thường dạy chúng tôi: “Ăn cơm một mâm với nhau mà cãi nhau là hư lắm, lớn lên ai chơi với mình nữa!”. Hoặc: “Các con phải bỏ ngay tính đua đòi, hay ganh ghét đi, kẻo sau này khó mà sửa chữa đấy!”. Riêng với tôi, bà còn bảo: “Bố con và mẹ con yêu me lắm đấy, không biết sau này lớn lên con có yêu me như bố mẹ con không?”.

Khi biến cố bất ngờ xảy ra đối với me Kíu, tôi vẫn nhớ: Trước mặt mọi người bà không bộc lộ thái độ, song khi chỉ còn lại một mình, bà buồn lắm. Bà cầu trời, khấn Phật và thắp hương luôn luôn. Khi tôi bắt đầu lớn, bà thường dạy: “Con ạ, phải tự lập mà sống. Khi con có chí tự lập thì dù cho giông tố xảy ra con đều ứng phó được”. Bà bảo ban chúng tôi sống phải có cái Tâm: “Các con nhớ lấy, sống có cái Tâm thì các con sẽ dễ bỏ qua mọi chuyện”.

Vào khoảng năm tôi được sáu hay bảy tuổi thì, do điều kiện sống quá khó khăn, tôi được chuyển sang ở nhà bác Cung.

“Bác Cung” là chị ruột của mẹ Phụng, người cao dong dỏng, vóc dáng đẹp, lúc nào cũng thơm phức nước hoa. Là phụ nữ sống hiện đại, bác hút thuốc rất nhiều, uống cà phê và trà liên tục. Buổi sáng, bác Cung thường ngồi trước bàn phấn, trang điểm rất kỹ. Nhà có xe hơi, lâu lâu tôi cũng thấy bác Cung tự lái xe hơi đưa gia đình đi đây đó. Buổi tối, họ thường đi khiêu vũ hoặc đi giải trí ở câu lạc bộ của Pháp ở đường Tràng Tiền, Hà Nội.

Trái ngược với sự giản dị của me Kíu, bác Cung tóc uốn phi-dê, ít có biểu hiện tình thương đối với trẻ con. Có lần bác bảo tôi: “Bác với mẹ mày là hai chị em ruột, nhưng tính tình khác nhau”. Ở nhà bác Cung, tôi chỉ thân và chơi với anh Hiền, là con riêng của bác nhiều hơn, có lẽ do anh hơn tôi một tuổi. Anh Hiền cũng không có cha như tôi vậy. Ngoài ra, tôi còn chơi thân với chị giúp việc của bác Cung. Nhà của bác trang trí rất đẹp và sạch. Có lẽ vì vậy mà sau này tôi chịu ảnh hưởng của bác trong việc bài trí nhà cửa. Tôi thích nhà của tôi có nhiều thứ để trang trí, tổ chức bố trí nhà ở phải đẹp.

Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bộ đội ta về tiếp quản và giải phóng Thủ đô. Lúc đó, ở Hà Nội có rất nhiều bộ đội Miền Nam ra tập kết. Một buổi sáng, tôi đang chơi ở hành lang, nhìn ra đường tôi thấy một phụ nữ mặc quân phục cao to, da ngăm đen đến nhà. Sau đó, tôi được gọi ra và nghe người lớn giới thiệu: “Cháu Minh Vân đây”. Tôi thấy người phụ nữ ấy bật khóc, rồi ôm tôi vào lòng. Tôi còn nhớ bà khen tôi dễ thương như búp bê. Bà cho tôi xem thư của cha tôi. Tôi chỉ còn nhớ được có một câu trong thư: “Má Hường sẽ là má của con, em Ngọc sẽ là em của con. Ba hi vọng má Hường sẽ yêu thương con như ba và mẹ Phụng đã yêu con”.

Họ tên đầy đủ của bà là Bùi Ngọc Hường (tức Sáu Dân, hoặc Năm Ngọc). Má Hường của tôi tập kết ra Bắc, mang theo em trai cùng cha với tôi tên Ngọc. Má ở ngay trong Thành, thuộc cơ quan Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng. Lâu lâu, chủ nhật bà lại đón em Ngọc ở Trường Nhi đồng Miền Nam đóng ở Đống Đa về thăm tôi. Có lần, thấy đầu tôi nhiều chí (chấy) quá, bà vừa bắt chí, gội đầu cho tôi vừa khóc.

Sau này lớn lên, tôi nghĩ lại và mới hiểu má Hường khóc vì tình yêu của bà với cha tôi. Tôi đã gọi bà bằng “má” xưng “con” hết sức tự nhiên.

Tôi gặp má Hường lần đầu tại nhà bác Cung. Sau đó tôi lại quay về nhà me Kíu của tôi. Me tôi thương bà lắm. Má cũng thương me Kíu như chị của bà. Thỉnh thoảng má Hường lại dắt tôi và em Ngọc đi chơi Bờ Hồ ăn kem, có hôm còn đi ăn phở nữa. Vì má mặc đồ bộ đội nên mọi người, nhất là trẻ con cứ nghĩ má Hường ở văn công. Má Hường và me Kíu luôn dặn tôi và em Ngọc: “Hai chị em ráng thương yêu nhau, chăm sóc nhau cho ba các con hay tin sẽ vui”.

Một thời gian sau tôi nghe những người lớn gồm má Hường, dì Hai Hạnh (chị ruột của má Hường) và me Kíu nói với nhau về chuyện cho tôi đi học xa, chuyện làm giấy tờ để kịp cho chuyến đi ấy. Tôi nhớ rất rõ ngày tôi được đi học xa có ba người ra tiễn tôi tại ga Hàng Cỏ: Má Hường, me Kíu và em Ngọc. Má Hường dặn tôi: “Con ráng học giỏi cho ba con vui. Nhớ viết thư về cho má và em Ngọc!”. Me Kíu thì nói: “Con đừng quên là lúc nào me cũng nhớ và yêu con nhiều lắm!”.

Đó là năm 1956, tôi mới tròn 10 tuổi. Cùng đi học xa với với tôi còn có hàng trăm bạn nhỏ và các anh chị. Đoàn tàu đã đưa chúng tôi đi rất xa, qua nhiều vùng đất, gặp nhiều người nước ngoài nói những thứ tiếng rất lạ… Sau này, tôi mới biết mình đang ở Trường Thiếu nhi Quốc tế tại Paraha Tiệp Khắc, một nước trong phe Xã hội Chủ nghĩa ở rất xa Việt Nam.

Tôi cũng được tin má Hường đã về lại chiến trường Nam bộ từ năm 1959. Hơn sáu tháng trời đi bộ xuyên rừng, nghe nói bà bị sốt rét ác tính tưởng chết. Kế đến, má vào nội thành hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn và bị bắt năm 1963. Mười năm sau, theo Hiệp định Paris 1973, bà được thả trong cuộc trao đổi tù binh ở Bù Đốp, Tây Ninh. Lúc ở tù, lâu lâu bà có gửi ra cho tôi và em Ngọc chiếc khăn tay (khăn mùi xoa) do chính bà thêu, có cả áo gối thêu cho cha tôi nữa. Nhưng cha tôi đã không bao giờ nhận được món quà vô giá ấy.

Má Hường của tôi bị bệnh thần kinh từ những ngày ở chuồng cọp bởi sự tra tấn dã man của quân thù và điều kiện sống ở nhà tù quá khắc nghiệt. Khi được trao trả, bệnh của má Hường càng nặng hơn, nhất là khi bà hay tin cha tôi đã hy sinh từ năm 1969. Mỗi khi bị bệnh lên cơn, má Hường thường hát và khóc. Bà toàn hát những bài cách mạng và hô những khẩu hiệu mà bà đã cùng các đồng chí của mình dùng để đấu tranh trong nhà tù Côn Đảo... Sau khi được đưa đi chữa bệnh về, sức khoẻ của bà có khá lên.

Tôi luôn kính trọng má Hường, bởi những phẩm chất nổi bật như trung thành tuyệt đối với Đảng và Cách mạng; đức tính tỉ mỉ, tiết kiệm và cam chịu khổ cực. Đối với má Hường, khi đảm đương công việc của tổ chức phân công thì không kể đến độ dày của tuổi tác. Tôi hiểu bà phải chịu nhiều mất mát và thiệt thòi trong tình cảm riêng tư. Khi cha tôi còn sống, do điều kiện ác liệt của chiến tranh mà má Hường và cha tôi ít có điều kiện sống gần nhau. Ngoài ra, như bao bà mẹ là chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ, bà sanh con nhưng không có điều kiện ở gần để nuôi dưỡng, chăm sóc các con. Má Hường cũng vậy, bà phải gởi con lại cho tổ chức cơ sở, cho bà con dòng họ nuôi hộ. Do vậy, tuổi thơ của các em tôi là Ngọc, Thu và Hồng ít có kỷ niệm gắn bó với má Hường. Sau chiến thắng năm 1975, má Hường từ Côn Đảo trở về thì các em tôi đã lớn. Thiệt thòi của má Hường cũng gắn liền với sự hy sinh lớn nhất của bà, đó là tình cảm gia đình. Bà là người của tổ chức, người của công việc chung, của xã hội, là người tuyệt đối trung thành với con đường mình đã chọn là theo Đảng và Cách mạng.

Từ cuối năm 1959, tôi có thêm người mẹ thứ năm, đó là dì Hai Hạnh. Tên đầy đủ của bà là Bùi Tuyết Hạnh. Tôi gọi bà là “Má Hai”. Tôi về ở với má Hai tại Khu tập thể Văn phòng Phủ Thủ tướng (số 7, Đặng Tất - Hà Nội). Một cuộc sống mới của tôi bắt đầu.

Má Hai là trí thức cách mạng. Người mập mạp, cao to, da trắng, đeo kính cận. Má sống rất tình cảm. Ngay từ buổi đầu bà bảo tôi gọi bà là “má” và xưng “con”. Tính của má Hai cương trực, thẳng băng, quyết đoán, bộc trực, không nể nang, xốc vác, nhanh nhẹn. Chúng tôi ăn cơm ở bếp ăn tập thể. Má Hai có thú ham mê đọc sách báo và có thể quên hết mọi chuyện khi cầm quyển sách, tờ báo, có thể đọc thâu đêm. Tôi bị ảnh hưởng rất lớn đặc điểm này của bà cho đến nay. Cái gì cũng đọc, đọc cho đến một, hai giờ sáng. Sau này tôi vào trường Học sinh Miền Nam, ở tập thể. Cứ hè đến là tôi chia thời gian ra, một nửa về với bà, một nửa ở với me Kíu. Hai bà mẹ, hai tính cách khác hẳn nhau. Một bên thì ào ào, sôi nổi, một bên thì trầm lặng. Nhưng họ đều có chung một tình thương dành cho tôi, là sự quan tâm lo lắng cho cha tôi và má Hường đang ở chiến trường xa.

Khi tôi lớn lên, đến tuổi lấy chồng, hai mẹ đã cùng chung lo đám cưới cho tôi. Đó là một đám cưới thời chiến tranh, không có xe hoa và nhẫn cưới bằng vàng, bạc nhưng đầy ắp tình thương yêu. Tôi không mấy tủi thân so với chúng bạn. Tôi sanh cháu đầu lòng, hai bà lại thỉnh thoảng chia suất cho tôi những tem phiếu, nhu yếu phẩm ít ỏi của mình, như đường ,sữa, bột ngọt, gạo để cho cháu của hai bà.

Sau thời kỳ máy bay B52 của Mỹ ném bom trải thảm xuống Miền Bắc, cuối năm 1973 má Hai (tức dì Hai Hạnh, tên đầy đủ là Bùi Tuyết Hạnh) của tôi đã lên đường vào chiến trường. Trước ngày đi bà gọi tôi lại và dặn dò: “Má đi về nơi ba Đạo và má Hường con, không rõ có ngày quay lại đây nữa không. Nhưng má tin vụ ba con mất tích chắc là bị tụi nó bắt rồi giam ở đâu đó. Má hi vọng vậy. Còn má Hường con thì có tin đưa ra là đang ở trong tù Côn Đảo, vẫn đang đấu tranh kiên cường lắm”. Má Hai cứ nhắc đi nhắc lại: “Sau này, nếu má không quay về thì con hãy nhớ là ba của con tên Đạo (tức Năm Thu), má của con tên Hường còn ba em của con là Ngọc, Thu, Hồng”... Dì Hai Hạnh còn cho tôi biết tên một em tên là Hoài Phong còn gởi lại ở Cần Thơ cho ông Tư khi bà đi tập kết...

Nam và Hải là con của Mẹ Hai tôi. Cho đến hôm nay, tôi như còn nghe văng vẳng lời bà nói buổi chiều hôm ấy. Trước khi bà chia tay tôi cùng hai em Nam, Hải để lên xe vào chiến trường. Đối với tôi, hai bà mẹ này có ảnh hưởng rất lớn. Một người Nam, một người Bắc. Khi họ gặp nhau là hai chị em: Một người là chị Hai và còn lại là chị Ba. Một người rộng rãi, phóng khoáng, đôi lúc còn cẩu thả. Một người dịu dàng, hiền lành và ngăn nắp. Khi hai bà gặp nhau câu chuyện của họ tựu trung lại là quanh vụ cha tôi mất tích, má Hường đi tù, không có tin em Thu của tôi, rồi thì đến chuyện của tôi, Ngọc, Hồng. Khi hay tin cha tôi đụng độ với bọn thám báo Mỹ và mất tích thì hai bà chỉ nhắc đến cha tôi mỗi khi có dịp gặp nhau. Má Hai của tôi do điều kiện công tác và vị trí, địa vị của bà trong xã hội nên bà có rất nhiều thông tin từ chiến trường. Những lúc gặp nhau bà thông báo và trao đổi tình hình cho me Kíu tôi hiểu thêm. Tôi nhớ lại, thời gian đó thiếu thốn đủ thứ, song ai ai cũng chỉ quan tâm đến tin từ Miền Nam ra, tình hình ra mặt trận ra sao. Có thể nói sự quan tâm nhất của mọi người lúc đó là tiền tuyến, là phía trước đang chiến đấu để giải phóng Miền Nam.

Thời gian trôi đi vùn vụt, mới đó mà năm nay tôi đã sắp sang tuổi 70. Cả quãng đời đã qua nhiều lúc tôi thầm điểm lại: thất bại có, thành công có, có vấp ngã và đứng dậy. Nhưng trong lòng tôi luôn luôn thầm cám ơn năm bà mẹ của tôi. Mỗi bà mỗi vẻ, mỗi tính cách, địa vị xã hội khác nhau, quan điểm chính trị khác nhau, trình độ văn hoá khác nhau, cách biểu hiện tình cảm cũng không giống nhau, thời gian cưu mang và nuôi dưỡng tôi cũng khác nhau. Tôi luôn nghĩ cả năm bà mẹ đều có chung một tấm lòng nhân ái, đã chia sẻ cho tôi tình cảm khi tôi cô đơn, cơm áo khi tôi thiếu thốn. Nhờ vậy, mà tôi có đại gia đình, gia đình của năm bà mẹ cũng là gia đình của tôi. Bà con của năm bà mẹ cũng là những người thân thiết của tôi. Qua hai cuộc chiến tranh dài dằng dặc, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương lớn lao ấy của năm bà mẹ. Cho đến nay, bốn bà đã mất, chỉ còn lại má Hường. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, bà đã đi bước nữa và sống cuộc đời riêng của mình…

Hình ảnh đọng lại trong tôi mãi là cảnh me Kíu, năm ấy đã gần 80 tuổi, ngồi tại chùa Vĩnh Nghiêm cầu siêu cho cha mẹ ruột của tôi gần bốn tiếng đồng hồ. Bởi lẽ, theo bà thì linh hồn cha mẹ tôi có siêu thoát thì bốn con của cha tôi mới được bình an, hạnh phúc, phú quý. Lời cầu an của bà tại chùa Vĩnh Nghiêm có lẽ cũng là lời của các bà mẹ hằng mong muốn cho con mình...

Tròn 15 năm trước, vào cuối năm Canh Thìn - 2000, như một cơ duyên, trong một lần từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội công tác, tôi đã được gặp Nhà văn Đặng Vương Hưng. Hồi đó, anh đang là một trong những cây bút sung sức nhất của báo An ninh thế giới, với nhiều bài viết nhân văn, làm xúc động hàng triệu độc giả. Qua những tư liệu do tôi cung cấp, anh Hưng đã viết bài phóng sự “Tìm lại một người cha anh hùng” đăng trên Báo An ninh thế giới số Tết Tân Tỵ - 2001. Tiếp đó, là bài “Tôi có 5 người mẹ” (nội dung như phần trên đã kể) và cả bài “Me Kíu”… đều đã được in trên An ninh thế giới cuối tháng. Năm 2002, cũng chính Nhà văn Đặng Vương Hưng đã cùng Nhà Bảo tàng học Nguyễn Kim Thành đã giúp tôi biên soạn cuốn sách nhiều tác giả mang tên “Chuyện chưa biết về Người anh hùng” (sau đổi tên thành “Khúc bi tráng trên sông Vàn Cỏ”); đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành và tái bản nhiều lần.

Tuy nhiên, trải qua gần 70 năm, với biết bao buồn vui và thăng trầm của một đời người, tôi cảm thấy còn nợ những người đã thay cha mẹ nuôi mình lớn khôn và trưởng thành một điều gì đó. Có lẽ, cần phải viết một cuốn sách, với những câu chuyện dài hơn, cụ thể hơn nữa để tri ân với bao người mà tôi suốt đời mang ơn. Và nhất là với anh linh của Cha và Mẹ tôi và các cô chú đồng đội của ông bà đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến… Nên tôi đã quyết định dành thời gian để nhớ lại và tự kể chuyện đời mình. Đây là cách để tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn biết bao tấm lòng nhân ái, đặc biệt là 5 bà mẹ của tôi. Cũng qua cuốn sách nhỏ này, tôi muốn xin lỗi tất cả những ai đã vì tôi mà phải chịu phiền lòng trong quá khứ.

Cái khó nhất là, tôi chỉ thiên về tư duy của một Nhà kinh tế, chuyên làm quản trị và kinh doanh, chứ không phải là Nhà văn. Tôi cũng chưa hề viết sách mà chỉ quen kể chuyện. Thôi thì cứ nhớ gì thì kể đó, tự nhiên như “cơm ăn nước uống” hàng ngày của mình vậy. May mắn là, tôi nhận được sự gợi ý và động viên của người thân; đặc biệt là Nhà văn Đặng Vương Hưng, người đã nhiệt tình giúp tôi chỉnh sửa và diễn đạt lại câu chữ trong cuốn sách cho dễ hiểu hơn.

(Còn nữa)

Đ.M.V

Theo Trái tim người lính