"Không thể mồ côi" (Kỳ 5): MỒ CÔI CÓ PHẢI LÀ XẤU XÍ VÀ TỘI LỖI ?

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

18/12/2021 11:14

Theo dõi trên

Tôi chỉ nhớ nhà bá Cung tôi có xe ô tô. Lúc ấy tôi thấy oai lắm, vì chồng của bá làm nghề gì đó nghe nói rất giàu.

chuydvh1-1639800764.jpg

Bé Minh Vân tại Hà Nội năm 1955, thời gian ở cùng me Kíu và bác Cung. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một hôm tôi được bá cho đi theo vào cửa hàng uốn tóc “phi dê”. Khi ra về tóc tôi xoăn tít, tôi sung sướng lắm. Chả gì thì tôi cũng có tóc quăn như búp bê và bớt hẳn… chấy trên đầu (có lẽ do lúc sấy nóng quá nên chấy chết gần hết).

Khi ở nhà bá Cung về, nhìn thấy đầu tóc tôi xoăn tít, me Kíu bảo trông lạ quá và mẹ nói để cho nó dài ra, mẹ sẽ đưa con đi cắt tóc ”búp bê” .

Trong đám trẻ con ở hàng xóm, có lần một đứa khi chơi cãi nhau giận tôi nó hét lên:

- Mày là đồ mồ côi!

"Mồ côi" là gì? Đấy là lần đầu tiên tôi nghe đến hai từ “mồ côi”. Chắc là xấu lắm và không tốt. Tôi cũng tự vệ bằng cách hét lên:

- Mày mới là "đồ mồ côi"!

Tức quá tôi khóc ấm ức. Anh Hiền ra và hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

- Chúng nó nói em là "đồ mồ côi"!

Anh Hiền trừng mắt lên nhìn lũ trẻ và đe dọa:

- Đứa nào bắt nạt em Vân, tao đánh cho một trận bây giờ!

Đó cũng là lần đầu tiên, tôi được có người bênh vực. Trên đường về anh cốc cho hai cái lên đầu và bảo:

- Mày ngu quá! Chúng nó nói thì cứ mặc kệ! Chả sao cả.

Tôi lại khóc. Anh la:

- Không được khóc, thế là hèn, nghe chưa!

Rồi anh an ủi tôi:

- Để anh cho em đi xem phim ống nhòm.

Trước dịp Trung Thu, me Kíu sang xin bá Cung cho tôi về bên mẹ ăn Tết. Thế là tôi lại được sang nhà me, khỏi phải nói tôi sung sướng như thế nào. Me Kíu cho bà Huyền đi xích lô qua đón. Tôi còn nhớ bà mặc áo dài nâu, vấn khăn trên đầu. Ngồi trên xích lô bà cứ bảo:

- Quý hóa lắm đấy cháu mới được bà Kíu yêu thương như vậy.

Thực tình tôi chẳng hiểu "quý hóa" là gì? Tôi chỉ biết căn nhà 41 Lò Sũ và me Kíu với tôi là tất cả. Vừa vào nhà, tôi chào hết mọi người rồi chạy ù sang bên đình để nhìn các ông tượng. Sau khi ngắm mãi các ông tượng mặt đen, mặt đỏ tôi lại ngồi xuống và bảo:

- Ông ơi! Cho con bay theo với để con được gặp mẹ con đang là tiên bay trên trời.

Sau đó, tôi xin phép ra ngoài hè phố chơi. Cạnh nhà có bà già bán khoai lang, củ dong giềng, sắn luộc, ngô nướng... Bà thường cho tôi ăn các miếng vụn một cách ngon lành. Bà cụ bán khoai năm ngón tay lúc nào cũng đen vì nhựa khoai sống. Tôi rất thích bà, lúc nào cũng bảo:

- Cô lớn lên sẽ sung sướng và tốt bụng lắm đấy! Cô may mắn được bà Kíu thương như con đẻ, cố gắng quý bà Kíu nhé!

Sau khi tôi mang họ Đào, me Kíu may quần áo mới cho tôi. Rồi me còn mua cặp học, sách vở để xin cho tôi vào học lớp vỡ lòng ở trường Nguyễn Du. Lâu lâu, đi bộ từ Lò Sũ lên Hàng Ngang, tôi thấy một cửa hàng cũng có tên là Tùng Hiên bán vải. Đó là nhà một người chú của me Kíu. Còn khi nào cóp dịp lên Tùng Hiên - 79 Hàng Đường là nhà bác Cầu, em của me Kíu, thì tôi được đi bằng tàu điện, hoặc bằng xích lô.

Mỗi khi qua nhà bác Cầu, tôi thường được bác bế lên cao, quay tròn một vòng rồi nói:

- A… a... a! Bố con rồi sẽ mau về mà!

Hoặc:

- A! Con bố Lộc sao lớn nhanh thế!

Bác Cầu cao to, đẹp trai trắng hồng. Bác có người con là anh Việt rất giống bác và khéo tay. Bác còn có chị Mai, nhưng không hiểu sao lúc nào tôi cũng sợ chị. Cả ba nhà có cửa hiệu “Tùng Hiên” ai cũng biết cha tôi và tôi cảm nhận được mọi nguời đều mong cho cha tôi mau chóng trở về. Thấy ai cũng coi mình như con cháu trong nhà, tôi thấy trong lòng thật ấm áp và bình yên.

*

Qua Tết năm 1955, má Hường đến nhà và nói chuyện với me Kíu rất lâu. Tôi nghe hai người chuyện với nhau, đại ý là: Ở trong Thành (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội), mọi người đang làm thủ tục cho cháu Vân đi xa…

Đến tối, tôi hỏi mẹ:

- Sao con lại sắp phải đi đâu?

Tôi chỉ nghe mẹ bảo:

- Việc phải đi thì phải đi.

Tôi cãi lại:

- Con không đi. Ở nhà thích hơn!

Hồi đó, tôi đang học ở trường Nguyễn Du mà. Đã quen trường, quen bạn nên cũng thích lắm. Tôi nhớ lại ngày đầu tiên đi học tại trường Nguyễn Du, me Kíu trực tiếp đưa tôi đi. Bà mặc áo dài, tóc vấn trần rất đẹp. Còn tôi thì được mặc bộ quần áo màu trắng, đi giầy xăng đan trắng. Đến chiều me đón về thì cặp mất đằng cặp, hai bàn tay dính đầy mực tím mà quần áo cũng đầy mực. Me Kíu giận lắm, lần đầu tôi nghe bà mắng:

- Con gái thế là không được, me không đánh, không chửi con. Nhưng con phải vào quỳ xuống úp mặt vào tường cho đến khi nào con tự thấy con hư quá! Là con gái thì phải cẩn thận và lần sau sẽ không được làm hỏng đồ đạc như vậy.

Tôi khóc thút thít, vì giận dỗi, vì cho rằng người lớn không ai chịu hiểu mình. Tối đến me Kíu dỗ tôi:

- Rõ khổ, to xác mà không ý tứ gì cả. Sao con không giống mẹ Phụng con tí nào cả vậy?

Rồi me Kíu lặng lẽ ôm tôi khóc.

Ở nhà me Kíu thỉnh thoảng cũng có cậu Chín và má Hai, là em ruột và chị ruột của má Hường ghé chơi. Tôi nghe nói cậu Chín thì đang học đại học, còn má Hai thì đang làm ở Phủ Chủ Tịch. Cả hai người đều có hình hài khác má Hường. Má Hai trắng lắm, còn cậu Chín lúc nào cũng vui vẻ. Tôi nghe má Hai gọi me Kíu tôi là “chị Ba”. Còn me Kíu tôi gọi má Hai là “chị Hai”. Hai bà mẹ này sau đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của tôi mặc dù một bà người Bắc một bà người Nam.

Lâu lâu má Hai ghé lại đều nói “Chị Ba Kíu viết thư cho Đạo đi”. Hoặc hai người lại thì thầm cái gì đó với nhau rất bí mật. Tôi nhớ nhất dạo gần Tết 1955 qua 1956. Mẹ gọi tôi, Trang, Hùng kêu đi thay quần áo đẹp để đi chụp ảnh với mẹ. Bốn mẹ con đi xe xích lô đến hiệu ảnh tên Quốc Tế, hai ngày sau thì có ảnh.

Một buổi tối, tôi nghe mẹ bảo, ảnh này để cho cái Trang, Hùng nhờ người mang sang cho chú Minh Vân. Còn ảnh của tôi, mẹ sẽ chuyển cho má Hường gởi cho cha con đang đi học. Cũng cùng thời gian ấy, sau ngày giải phóng, tôi mới biết lúc đó cha tôi đang bị bọn Mỹ - Ngụy bắt và nhốt ở tù chờ ngày đày ra Côn Đảo. Nhưng cha tôi đã kết hợp với tổ chức, tự mình vượt ngục Phú Lợi một cách thần kỳ.

Nhớ lại đúng lúc đó ở Miền Bắc ai cũng hi vọng cha tôi mau mau quay về. Không hiểu có thần giao cách cảm hay sao mà me Kíu lại đưa tôi đi chụp ảnh trùng thời gian ấy, để gởi cho cha tôi.

Tết 1955 tôi có nhiều niềm vui. Me Kíu đan cho tôi một cái áo len màu đỏ. Ở nhà tôi lớn nhất nên quần áo tôi mặc chật me đều cho các em mặc lại, kể cả Hùng là con trai cũng mặc lại quần yếm nhung của chị. Tết năm đó là lần đầu tiên có em Ngọc và má Hường cùng ăn Tết với me Kíu của tôi. Cũng là Tết tôi được nhiều tiền mừng tuổi nhất.

Nghịch cảnh là, trong lúc cha tôi ở trong tù thì tôi lại đang tràn đầy hi vọng. Hàng ngày, sáng ra mẹ dặn ông Đúng, ông Bủng, chị Gái, bà Huyên… làm bao mẻ mứt, cân bao ký đường, bao nhiêu ký hạt sen, bột, đậu xanh, mạch nha… Ai nấy đều răm rắp nghe theo.

Trong nhà, cô Hợi là em ruột của mẹ lo quán xuyến cơm nước cho cả nhà và trẻ con, đồng thời chỉ huy cho chị Gái dọn dẹp. Còn bà Huyền thì lo tắm rửa, đút cơm cho bọn trẻ. Cô Hợi khác tính của mẹ, trong nhà ai cũng sợ. Cô rất hay quát to, những lúc đó mắt cô trợn ngược lên rất dữ. Tôi thích nhất là lúc xem cô bày mâm cỗ, vừa đẹp lại vừa ngon. Trong nhà cô là gia tướng, còn me là người kiếm ra tiền. Cô cũng có một em bé gái lúc đó tên là Hai, nhỏ hơn tôi vài tuổi, gày gò. Tôi sợ đến cả tiếng guốc của cô, mỗi khi cô đi chợ về. Tôi chỉ dám gần cô mỗi khi cô gọi:

- Cái Vân đâu, có ăn cơm cháy không?

Cô nắm cho tôi hai vắt cơm cháy nhỏ, còn những lúc cô trợn mắt lên, với cái đầu rỗng tếch tôi nghĩ chắc mắt cô sắp rụng ra ngoài.

Em Hùng rất đẹp trai, da em trắng, lông mi cong, lúc đó tôi cứ nghĩ vì em có bố là chú Minh Vân, mẹ là cô Thìn (bí danh là Hiền) nên mới đẹp như vậy. Em Trang thua tôi hai tuổi, em ngoan, hiền lành, siêng năng, rất ít nói, nhưng tôi không hiểu tại sao lúc nào cô Thìn cũng hà khắc với em Trang. Nhiều lúc mẹ phải la lên: “Cô đừng có hành hạ cái Trang quá đáng thế chứ!”, hoặc “Tôi cấm cô hành hạ cái Trang”. Nhiều lúc tôi thấy lỗi của em Hùng song cô cũng chửi Trang, sau khi me bênh Trang thì cố đánh chửi lén sau lưng me (lớn lên tôi mới biết vì em Hùng giống chú Minh Vân như đúc).

Cô Hợi cũng vậy, cũng hay quát tháo.. Nhìn cảnh các em như vậy, nhiều lúc chạy sang đình ngồi, tôi cứ tự nói với ông Thần rằng tôi ao ước mẹ tôi đừng có như vậy. Có lúc tôi lại nói với ông Thần, tôi mồ côi cũng được chứ ông đừng đưa mẹ về nếu cũng ác như vậy thì tôi rất sợ.

Nhiều đêm tôi ngồi xem mẹ làm sổ sách và gảy bàn tính gỗ để tính tiền, tính vật tư… làm bánh mứt kẹo… Tôi mon men lại gần và hỏi:

- Me ơi tại sao cô Thìn và cô Hợi lại hay quát thế?

Me Kíu chỉ vuốt tóc tôi rồi bảo:

- Tại các cô ấy khổ quá. Khi nào lớn con sẽ hiểu.

Tôi lại hỏi:

- Bộ ai khổ quá cũng thế hả me?

Me lại bảo:

- Mỗi người đều có cái khổ khác nhau, sau này Minh Vân lớn lên cũng có những cái khổ riêng đấy con nhé! Chỉ có điều me hi vọng con đừng học cái tính đanh đá thì không sửa được đâu, nhớ chưa!

Rồi me vuốt tóc tôi:

- Mẹ Phụng con vừa đẹp người vừa đẹp nết, chỉ khổ là số phận vắn quá, bá Cung của con cũng đẹp người, nhưng phận và tính lại không giống mẹ con cho lắm.

Những lúc như vậy tôi hay hỏi bà thêm. Có lần, tôi hỏi tại sao con thấy cô Hợi khóc? Khi nghe tôi hỏi vậy thì me Kíu lại khóc luôn. Tôi sợ quá, từ đó, không bao giờ dám hỏi lại nữa. Nhưng trong bộ óc non nớt của tôi, lúc nào cũng có một câu hỏi là: Tại sao tôi chưa biết mặt chồng của cô Hội? Và cũng chưa bao giờ thấy chú về thăm em Hải?

*

Ở nhà me Kíu, tôi thích nhất được ăn mứt vụn vét ở những chảo nấu mứt rất to. Những miếng mứt vụn nhỏ hơi cháy sém bên ngoài vừa ngọt lại vừa thơm lựng. Ngoài ra, tôi còn thích ăn món canh cải xanh nấu với thịt cá rô gỡ ra, có thêm tí gừng. Ngày Tết, có món chân giò nấu đông là hấp dẫn tôi nhất, nhưng phải chính tay cô Hợi nấu mới ngon.

Một buổi tối, gần ngày Trung Thu năm 1955, me Kíu nói với tôi:

- Ngày mai, con lại có thêm một em trai mới, em tên là Dũng, bằng tuổi em Trang. Bố mẹ của Dũng đều biết bố mẹ của con. Me mong con sẽ thương em Dũng như như các em khác trong nhà.

Nghe me Kíu nói thế, tôi hồi hộp chờ đến ngày mai gặp em trai mới. Gần trưa, tôi thấy một cô bộ đội cặp tóc ba lá, cô hơi gầy yếu, nắm tay một em bé trai mặc áo trấn thủ của bộ đội. Cô Thìn đón cô và hai cô ôm chầm lấy nhau như là lâu lắm không được gặp nhau. Mẹ và cô Lan (tên mẹ của em Dũng) nhắc đến tên bố mẹ tôi. Rồi tôi thấy cô khóc:

- Khổ thân cho chị Phụng và anh Đạo!

Một hồi sau, cô gọi tôi lại gần và nói:

- Lại đây cháu, lại cô xem cháu giống ai nào?

Cô bảo:

- Nếu giống mẹ cháu sẽ đẹp lắm. Nhưng nhìn kỹ lại tháy cháu giống cha nhiều hơn, may mà con có lúm đồng tiền của mẹ để lại.

Tôi hỏi cô:

- Cô ơi, cô có biết mẹ và cha cháu phải không?

Cô lại nói và khóc:

- Cô và chú đều cùng quê với cha mẹ của cháu. Cô tên Lan, còn chú tên Hiệp. Cả cô và chú đều là lính của cha cháu, nên phải biết chứ.

Tôi hỏi:

- "Lính của cha con" là gì hả cô?

Cô chỉ sụt sùi không giải thích. Từ đó tôi biết thêm một từ mới “lính của cha con”. Sau hai ngày, cô Lan về đơn vị, em Dũng nhập ngay vào với đám trẻ con trong nhà. Em rất hiền và ngoan, những mũi lúc nào cũng thập thò chảy nước. Trẻ con chúng tôi gọi đó là thò lò mũi xanh. Mỗi khi cô Hợi và cô Thìn lên cơn, thì em cũng sợ xanh mặt, y hệt như tôi.

Cuộc sống tưởng như cứ thế êm đềm trôi đi...

(Còn nữa)

Theo Trái tim người lính

--------------

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Bạn đang đọc bài viết ""Không thể mồ côi" (Kỳ 5): MỒ CÔI CÓ PHẢI LÀ XẤU XÍ VÀ TỘI LỖI ?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn