"Không thể mồ côi" (Kỳ 4): ME KÍU, CHÚ ĐÀO PHÚC SƠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU CỦA TÔI

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

17/12/2021 11:00

Theo dõi trên

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thủ đô được giải phóng. Quân ta tiếp quản Hà Nội xong, tôi nhớ là nhà me Kíu thường có rất nhiều bộ đội qua lại, cả nam và nữ. Hầu như ai cũng hỏi: "Có tin gì về anh Đạo không"? Một vài người thì hỏi: “Bố cháu Vân ra sao?”

chuytrtim1q-1639713478.jpg
Me Kíu và bé Minh Vân tại Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một ngày trước Tết Trung Thu năm 1955, có một chú bộ đội, đội mũ cối có ngụy trang xuất hiện. Nom chú rất hiền lành, đến nhà Lò Sũ, xin gặp bà Nguyễn Thị Kíu. Khi me Kíu ra, chú bộ đội tự giới thiệu:

- Thưa chị, em là Đào Phúc Sơn, là em ruột của anh Đạo.

Tôi thấy hai người đều sụt sùi rơi nước mắt. Tôi ngạc nhiên vì họ là người lớn, mà sao lại khóc? Đang đứng ở nhà dưới tôi nghe mẹ gọi:

- Quý hóa quá Đạo ơi! Chú Sơn về được với chị rồi! Cái Vân đâu, ra đây me bảo!

Tôi lon ton chạy ra. Me Kíu giới thiệu tôi với chú Sơn:

- Đây! Cái Vân con của Đạo và Phụng đây! Chú nhận cháu đi!

Chú bộ đội tên Sơn đó ôm tôi vào lòng, nghẹn ngào:

- Vân ơi, chú là Sơn, chú ruột của con đây! - Chú nói mà nước mắt giàn giụa.

Đêm đó, chú xin phép me Kíu cho tôi được ngủ cùng với chú. Tôi nằm cứ nghe chú thở dài và nói một mình: “Anh Lộc ơi! Em gặp cháu theo lời anh dặn rồi”.

Sáng ra, chú Sơn về đơn vị rất sớm. Khi chú đi rồi, tôi hỏi me: “Anh Lộc” là ai? Me Kíu gạt đi ngay: “Trẻ con hỏi làm gì? Con phải quên cái tên đó đi nghe chưa. Và nhớ là không được bép xép với ai đấy nhé”!.

Khoảng vài tháng sau, tôi lại thấy chú Sơn đến cùng một cô trông như Tây lai, mặc quần áo bộ đội, tóc thắt hai bím. Khi vừa bước vào nhà, tôi nghe me Kíu bảo:

- Ô kìa! Cô Oanh lai về lúc nào vậy?

Rồi me cho gọi tôi ra cô bảo:

- Cô là cô ruột của con đây! Tên cô là Oanh (tức Hà).

Cô lúc khóc lúc cười, rồi lại gọi “Anh Lộc chị Phụng ơi!”. Khi cô gọi như vậy tôi lại thấy me Kíu, cô Thìn, cô Hợi cũng khóc theo cô. Tôi thực sự ngạc nhiên “Sao dạo này người lớn trong nhà có khách đến chơi hay khóc với nhau như thế?”. Tôi thật sự rất sợ khi thấy người lớn khóc.

Chú Sơn và cô Oanh ở lại hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Chú Sơn chơi với tôi và bọn trẻ con khác. Còn cô Oanh đi chợ và đi chùa với me Kíu tôi. Khi hai người bộ đội đi rồi, tôi nghe nói cô về đơn vị ở Thanh Hóa, còn chú về Sơn Tây. Đến tối đó, tôi lại ngây thơ hỏi me Kíu:

- Anh Lộc và chị Phụng là ai?

Me Kíu lại mắng át đi:

- Bố khỉ chị! Con hứa với mẹ là không được nói với ai hai cái tên đó nghe chưa? Đó là hai người thân thiết của gia đình ta. Hai người tốt nhất mà mẹ biết, đặc biệt là với con. Nhưng con không được nói với ai cả nhé, kẻo kẻ xấu là mẹ Mìn nghe thấy đến bắt con đi, thì sẽ không còn được ở với mẹ nữa….

Trẻ con ngày đó rất sợ “mẹ Mìn” vì đó là kẻ xấu. Người lớn thường đem “mẹ Mìn” ra dọa là bắt cóc trẻ con ăn thịt. Do ít người nhắc đến, tôi cũng quên luôn cả hai cái tên mà đã nghe mọi người nói đến, gọi tên và khóc.

Khi lớn lên, tôi mới biết chú Sơn là em ruột của bố tôi tên Đào Phúc Sơn. Bà nội tôi chết khi mới sinh chú được 21 ngày. Cô Oanh là chị hơn chú hai tuổi. Cô Oanh trông giống lai Tây nên mọi người đều gọi là Oanh “lai”. Cả hai cô chú đều ở đơn vị tình báo quân khu, nhưng khác địa bàn hoạt động. Ngoài ra, tôi còn có bác Hải là chị của bố, cũng hoạt động bí mật tại Hải Phòng từ năm 1936, nhưng bị mất liên lạc tám năm sau ngày toàn quốc kháng chiến. Chú tôi cứ nhắc đi, nhắc lại mãi: Tôi có bác là Đào Thị Kim Hải, bố là Đào Phúc Lộc, cô là Đào Thị Kim Hà (tức Oanh), chú là Đào Phúc Sơn. Ý nghĩa của tên: Như là Biển – Sông liên kết được hưởng lộc. Chú nói sở dĩ người chú thấp bé, vì hồi nhỏ không được bú sữa mẹ.

*

Cuối năm 1954, tôi được chuyển sang nhà bá Cung ở một thời gian. Một hôm tôi và anh Hiền con bác đang chơi bên ngoài tại nhà số 4 đường Nam Bộ thì thấy me Kíu đi cùng một cô bộ đội người cao và gầy, da ngăm đen, sau lưng có đeo một cái ba lô. Tôi thấy cô bộ đội đó nói giọng không giống ai trong nhà. Sau khi chào hỏi xong, cô bộ đội đó tự giới thiệu:

- Thưa chị, em tên là Hường, vợ của anh Đạo vừa từ Miền Nam tập kết ra Bắc, hiện đang ở trong thành của Tổng cục Chính trị. Em đến để xin hai chị cho gặp mặt cháu Vân.

Bá Cung ngồi yên một lúc rồi gọi:

- Vân đâu về bá bảo!

Nghe gọi, tôi chạy ù về, vì đang chơi ô ăn quan và nhảy lò cò, nên mồ hôi nhễ nhại. Tôi nghe bá nói:

- Đây, cái Vân con của anh Đạo đây!

Tôi thấy mắt me Kíu đỏ hoe, còn cô bộ đội thì bảo:

- Trời ơi! Bé Vân dễ thương giống búp bê quá!

Bá Cung nói:

- Nó có hai lúm đồng tiền, đôi mắt to là của mẹ nó, còn da nâu là của chú Đạo.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi láng máng hiểu rằng người có tên Phụng là mẹ của tôi, còn người tên Đạo là bố của tôi. Rồi cô bộ đội cho tôi một con búp bê và kéo tôi lại, đưa lá thư cho bác và mẹ cùng đọc cho tôi nghe… đến giờ, tôi chỉ còn nhớ láng máng…

“… Má Hường sẽ là má của con, em Ngọc là em của con… Bố hi vọng má Hường sẽ thương yêu con như bố và mẹ Phụng đã từng yêu thương con… Ký tên: Bố Lộc”.

Từ đó, trong đầu tôi lại có thêm bố Lộc vừa xuất hiện, mà tôi biết nếu có hỏi thì me Kíu cũng sẽ bảo:

- Bố khỉ chị! Không được nhắc cái tên đó cho bất cứ ai nghe chưa!

Gần đến Noel chú Sơn xuống thăm tôi. Chú đưa cả đám trẻ con đi ăn kem que Bờ Hồ. Tôi nghe me Kíu hỏi:

- Chú có ai chưa? Nếu chưa, chị sẽ giới thiệu cho con nhà tử tế, để mà có chỗ đi về ổn định.

Tôi thấy chú Sơn cười cười không nói gì cả. Chú nói với me Kíu:

- Chị ơi, nếu cháu Vân có vào lớp một trường Nguyễn Du, em xin đổi họ cho cháu là họ Đào.

Mẹ bảo:

- Chú cứ yên tâm, bây giờ hòa bình rồi, chị sẽ đổi họ lại cho cháu theo ông nội của cháu. Chứ đâu cần phải mang họ khác cho cháu như trước đây.

Từ đấy tôi mang họ mới là họ Đào, chỉ có tên là vẫn giữ nguyên là Minh Vân. Ngày Chủ nhật kế đến, má Hường đưa em Ngọc từ trong thành bộ đội ra chơi bằng xe đạp. Má Hường ngồi nói chuyện với cô Hội, cô Thìn và mẹ. Còn em Ngọc thì chơi đùa với tôi và bọn trẻ trong nhà. Chú Sơn đi phố về, hóa ra chú đi mua vở, bút cho tôi. Tôi chạy ra gọi to:

- Chú Sơn!

Tự nhiên má Hường la lên:

- Đấy là chú Sơn ư? Vậy Oanh đâu? Chị Hải đâu?

Chú Sơn tôi đứng lặng một lúc, ngỡ ngàng, ngạc nhiên nhìn má Hường. Còn má thì cứ lắp bắp:

- Trời ơi, giống quá trời! Sao mà giống vậy! Chỉ có hơi nhỏ con hơn anh của em thôi.

Rồi má gọi:

- Ngọc ơi! Chú ruột của con nè!

Chú tôi quá đỗi bất ngờ, cả hai bên đều đứng lặng đi một lúc, hai người đều mặc quần áo bộ đội, chỉ khác là, một người nói giọng Miền Nam, còn người kia nói giọng Bắc. Me Kíu tôi mới lại nắm tay chú Sơn và bảo:

- Đây là cô Hường, tập kết ra Bắc theo thư của anh Đạo và đi tìm gia đình mình.

Tôi nghe chú Sơn nói có mỗi một câu:

- Anh em đâu?

Má Hường trả lời:

- Anh kẹt nhiệm vụ chưa ra.

Chú Sơn ôm Ngọc vào lòng. Đêm đó cả chú Sơn, má Hường đều ngủ lại nhà. Tôi thấy má, chú Sơn, và mẹ nói chuyện riêng rất khuya. Sáng dậy sau khi ăn sáng tôi chỉ nghe chú bảo:

- Em sẽ báo cho chị Oanh là có chị ra. Còn chị Hải em mất liên lạc từ ngày kháng chiến, chỉ nghe nói đang ở Khu Ba. Chú Nam( ) đang ở trong thành chắc chị tìm được, vì ông từng làm Phó Chính ủy Khu Bốn.

Nhà me Kíu trở lại bình thường với những mẻ mứt kẹo và tiếng la hét, đùa nghịch của bọn trẻ con. Một thời gian sau mọi người đi đón chú Lâm chồng cô Hội, được thả từ Côn Đảo về. Sức khỏe chú rất yếu, không tự đi được mà phải cho người cõng từ bến sông lên. Chú rất gầy gò và ốm yếu. Mẹ gọi bọn trẻ con lại, nhắc không được làm ồn để chú Lâm dưỡng bệnh.

Thế là trong nhà có một cô điên, một chú nằm liệt suốt ngày và năm đứa trẻ con nghịch ngợm. Cô Hợi suốt ngày vất vả cơm nước cho trẻ con và sắc thuốc Bắc cho chú Lâm. Sau này tôi mới biết chú còn có bí danh là Nam. Thời Pháp tạm chiếp, chú được tổ chức cử đi giệt ác trừ gian. Chú đã vào được tận nơi đã dí súng vào ngực tên ác ôn để bóp cò. Nhưng không may là viên đạn bị lép nên bị bắt và đày ra Côn Đảo.

*

Đầu năm 1955 tôi thấy có chú Minh Vân cùng tên với tôi tới chơi. Nghe chú bảo:

- Cháu Vân này, chú mang tên của cháu đấy, cũng là do cha cháu đặt tên cho chú khi còn làm chung. Cha cháu thương chú lắm, coi chú như em trai, do vậy chú và cô cũng thương cháu như con cháu trong nhà. Cháu cố gắng học giỏi, ngoan cho me Kíu cháu vui, Vân nhé!

Tính chú hiền lành như con gái, một thời gian sau chú bàn với mẹ:

- Em được cử đi học Liên Xô dài hạn.

Sau đó tôi cũng được mẹ, chú Vân và chú Lâm dặn:

- Cha cháu từ Nam Vang qua thẳng bên Liên Xô học rồi, có ai hỏi nhớ nói cha đi học Liên Xô nghe chưa. Còn có ai hỏi má Hường, thì phải nói là má đang học tiếng Nga ở trong thành bộ đội.

Trong trí óc của tôi lúc đó, cha tôi từ làm ăn buôn bán, rồi đến làm lái xe ở Nam Vang, nay lại đi học Liên Xô. Theo me Kíu bảo do cha tôi rất bận, nên không có thời gian về thăm tôi và bà được. Mỗi lần nói vậy xong, tôi đều thấy bà lau nước mắt. Tôi lại có vô số chuyện để khoe với trẻ con hàng xóm.

Lâu lâu tôi hay sang đình cạnh ngay cạnh nhà và chui xuống vào dưới chân ông tượng ở đình mà thủ thỉ:

- Ông ơi, ông có bay lên trời với cha và mẹ của con không? Tại sao ông lại bay xuống đây được? Tại sao cha mẹ con cũng có cánh như ông, nhưng lại không bay xuống đây được?”.

Có lúc tôi lại hỏi ông tượng:

- Có phải mẹ con là Tiên Nữ không? Mẹ là tiên thì không bay xuống được với con, phải không ông?

Có những hôm trời nóng, nhưng ngồi trong đình lại rất mát, nên tôi ngủ gục luôn dưới chân ông tượng. Đôi khi trong giấc ngủ, tôi mơ thấy tôi có cánh rất dài và tay cũng dài như ông tượng. Rồi tôi cũng được đeo gươm giáo sau lưng và cũng bay lên trời với cha mẹ của tôi. Tôi mơ thấy được cha bế mình, còn mẹ tôi bay bên cạnh. Lúc đó, tôi quên luôn câu nói của bọn trẻ con vẫn bảo tôi là “Đồ mồ côi”.

Tính tôi lúc bé không hay nói, chỉ hay cười, cái gì cũng nhe răng cười. Khi tôi không đồng ý điều gì thì xịu mặt chứ ít cãi lại. Nếu ai hỏi điều gì mà biết thì nói tuột ra ngay. Chính vì vậy mà cô Hợi lúc nào cũng nói tôi là “ruột để ngoài da”, là “phổi bò”. Có lần tôi hỏi bà Huyền là người giúp việc trong nhà:

- Bà ơi sao kinh khủng thế! Sao cô Hợi nói ruột của cháu lại để ngoài da?

Bà cười chảy cả nước mắt, rồi còn gọi cả ông Bủng, bà Lâm, chị Gái, ông Dúng mà kể lại điều tôi hỏi, ai cũng cười. Tôi nghe họ nói với nhau: Sao con bé này lại “tồ” thế. Có lẽ do cái tính “tồ” đó, mà sau này tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đã bỏ qua không thù oán bất cứ một ai. Nên cuộc sống của tôi cuối đời lại trở nên có hậu.

Sau tất cả các cuộc gặp mặt có liên quan đến tôi, từ cô bé mang họ Hoàng theo thư của cha tôi viết cho me Kíu, sau chuyển thành họ Nguyễn của mẹ, nay lại thêm họ Đào vì cô chú tôi và má Hường đổi lại.

Những kỷ niệm về bên ngoại rất mờ nhạt trong trong trí nhớ của tôi. Phải chăng, vì thời gian ở với bên ngoại, mà chủ yếu là bá Cung, quá ngắn và lúc đó tôi cũng còn quá nhỏ?

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Bạn đang đọc bài viết ""Không thể mồ côi" (Kỳ 4): ME KÍU, CHÚ ĐÀO PHÚC SƠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU CỦA TÔI" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn