"Không thể mồ côi" (Kỳ 18): TỪ MỘT NGƯỜI BẠN NƯỚC NGOÀI, ĐẾN CÁC TẬP ĐOÀN HYUNDAI, LOTTE VÀ HÃNG HÀNG KHÔNG ASIANA....

Thời gian này, chú Năm Xuân vừa ra Hà Nội với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Mấy mẹ con tôi vẫn hay lên anh Mười Lù. anh vẫn cưu mang mẹ con tôi như một người em gái.

Anh chị coi các con của tôi như con cháu trong nhà. Anh hay an ủi:

- Bay không việc gì phải sợ. Bay có làm gì sai đâu mà bay phải lo. Chẳng qua tụi nó làm quá lên như vậy…

Cho đến một ngày chú Ba Hương (Thượng tướng Lâm Văn Thê, 1922 - 1990) và chú Sáu Hoàng (Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, 1921 - 2007), lần lượt cho người gọi tôi lên. Cả hai chú đều là bạn của bố tôi và đều là cán bộ cao cấp trong ngành Công an.

Gặp tôi, các chú đều hỏi thăm, động viên và nói đại ý: “Con cứ làm cái gì con cho là cần. Chỉ có điều, nếu thấy cái gì khác lạ thì phải báo các chú. Còn đi làm thuê để nuôi con thì không có sao, các chú ủng hộ. Đó cũng là một nghề mới mở ra để tiếp xúc với bên ngoài. Đừng nao núng, hãy ráng làm công dân tốt, đừng vi phạm pháp luật. Đừng chống lại Nhà nước là được.

chuytraitim2q-1640937104.jpg
Ảnh đính kèm: Báo chí nước ngoài viết về một chuyến đi của tác giả Minh Vân sang Mỹ, tìm gặp những nhân chứng lịch sử và thu thập tư liệu để minh oan cho người cha.

 

Chú Ba Hương còn nói đùa: “Nếu bay có gì làm láo, thì tao thay ba bay sẽ đánh đòn đầu tiên, nghe chưa con”.

Gặp các chú xong, ra về lòng tôi yên tâm hơn. Tuy vậy, những tin đồn thất thiệt vẫn lan truyền. Lúc này, tôi chọn biện pháp không nghe, không thấy bất cứ điều gì. Có một số người quen trước đây, nay gặp lại. Họ tỏ thái độ khinh miệt cứ như gặp phải cùi hủi, vì tôi đã mang “tội” bỏ cơ quan Nhà nước đi làm Công ty nước ngoài…

Nhiều lúc, tôi cũng phẫn uất và định phản ứng lại. Nhưng lại nghĩ mình đi làm nuôi con thì có gì phải xấu hổ. Tôi hi vọng tương lai các cháu sẽ sáng sủa hơn, sẽ tốt đẹp hơn là được. Và tôi cứ phải nuốt ngược nước mắt vào lòng.

Cho đến nay, các con tôi đều chưa bao giờ thấy tôi khóc. Những lúc buồn nẫu cả ruột gan, tôi cũng không hé lộ cho các con biết. Tôi luôn tạo niềm tin cho các con tôi về tương lai tốt đẹp, luôn có mẹ bên cạnh và mãi mãi…

Khi ngồi viết những dòng này, tôi nhớ lại cũng có lần tôi quẫn trí. Những lúc như vậy, nhìn các con ngủ say sưa với gương mặt trong sáng ngây thơ là tôi lại quên hết mọi đau khổ.

Cuộc sống thật khắc nghiệt. Vì thế, tôi tự đề ra 6 nguyên tắc cho chính mình và các con: Không bộc lộ khổ sở đói nghèo cho các con phải lo lắng; Không nói chuyện đời sống tình cảm riêng của mẹ cho các con; Không nói những khó khăn ngoài xã hội cho các con nghe trước khi chúng chưa trưởng thành và có gia đình; Luôn tỏ ra lòng bao dung và cố gắng không gây hận, oán thù với bất cứ một ai đã chơi xấu mình kể cả ba của các cháu.

Đến khi con lấy chồng, tôi lại tự đề ra cho mình một nguyên tắc: Không can thiệp vào cuộc sống vợ chồng của các cháu. Bởi tôi cho rằng mình yêu con mình bao nhiêu, thì con rể mình cũng được gia đình của cháu yêu thương như thế.

Tôi cố gắng, ít hỏi chuyện riêng tư trừ khi các con tâm sự với mẹ. Nếu có tâm sự, tôi cũng chỉ ra hai hay ba hướng giải quyết để các con tự quyết định. Tôi muốn các con tôi sẽ tự lập, sẽ hiểu đời bằng chính cuộc sống của tôi hàng ngày, tôi chỉ là người mẹ và muốn được đi bên cạnh các con mãi mãi.

Tôi cũng hiểu không phải những điều trên là đúng hoàn toàn. Nhưng ở hoàn cảnh vừa làm cha, vừa làm mẹ thì tôi đành phải chọn cho mình những điều mà mình phải tuân thủ. Để mẹ và con đi được những bước đường sau. Kết quả đó cho đến nay đã tương đối thành công.

Các con tôi không ăn chơi phung phí. Chúng siêng năng làm việc và rất thương yêu tôn trọng mẹ, sống thân tình với nhau. Trong nhà, chị em không có hiện tượng tỵ nạnh và ganh ghét. Các con tôi cũng không có lời qua tiếng lại và cư xử với nhau rất chân tình. Chúng quan tâm, chia sẻ với nhau như những người bạn. Tôi rất vui và hạnh phúc vì những kết quả ban đầu có hậu. Tôi nghĩ, ai chả không mong những điều hạnh phúc ở đoạn cuối đời.

*

Tôi có rất nhiều người bạn nước ngoài, nhiều đối tác thuộc nhiều quốc tịch khác nhau; nhưng tôi chỉ xin kể một điển hình về tình bạn hợp tác rất thành công.

Trong một chuyến đi nước ngoài với đoàn của Ủy ban nhân dân Thành phố do Phó Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Nghiệp dẫn đầu. Tôi được nghe anh kể rất nhiều chuyện về bố tôi, cả về chú Minh Vân người cùng tên với tôi đã từng ở tù chung với anh. Tôi cũng tâm sự với anh những suy nghĩ của mình, những ký ức tuổi thơ của một đứa trẻ mồ côi ở Hà Nội.

Sau đó, có một số doanh nghiệp vào Hồ Chí Minh tìm hiểu. Trong số đó có ông Lee người Hàn Quốc, nhưng lại mang quốc tịch Mỹ, đi từ Philipine vào thành phố. Lúc đó, ông đang có nhà máy liên doanh với Philipine, với Daewoo lắp ráp xe tải tại Manila. Nhiều lần ra vào, ông có đề nghị được xin lắp ráp xe tải và xe loại nhẹ tại Việt Nam. Ông có đề nghị với anh Sáu Tường (tức anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp) xin giới thiệu cho một người làm cầu nối giữa hai bên trong quá trình bắt đầu nghiên cứu dự án để đi tới xin giấy phép đầu tư.

Anh Sáu đã giới thiệu tôi với ông Lee, khi gặp anh chỉ nói: “Cô Vân là người theo tôi nghĩ có thể giúp được các ông một phần công việc, nhưng cũng là người am hiểu tình hình Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam”.

Khi đó, tôi chỉ nói tiếng Anh lõm bõm được vài câu tự học. Tôi nhận thấy, ông Lee là một con người chân tình tốt bụng. Nhưng có lẽ sẽ khó làm việc, vì con người này có nhiều ý tưởng tốt, song lại không phải là con người cụ thể từng công việc chi tiết.

Từ đó tôi rút ra phần khiếm khuyết của ông, tôi sẽ có thể hoàn tất được. Tôi nhận lời làm việc với mức lương 1.200 USD/ tháng, có đóng thuế đầy đủ. Mức lương thời ấy, như vậy là lớn lắm. Nhưng tôi cũng đề nghị ông hai vấn đề: Tôi có ba cô con gái, ông cũng có 3 con gái cùng hoàn cảnh nên đồng cảm. Tôi hứa sẵn sàng giúp đỡ ông mọi chuyện mà luật pháp cho phép. Nhưng ngược lại ông sẽ giúp tôi bảo lãnh cho các cháu đi học ở nước ngoài.

Thời ấy Việt Nam còn bị cấm vận, nên gởi con đi học rất khó khăn về thủ tục, với cả phía trong nước cũng như nước ngoài. Ông Lee đồng ý. Ngoài ra, chúng tôi còn thống nhất, tôi có được quyền kinh doanh riêng nếu muốn và việc kinh doanh đó không ảnh hưởng hay cạnh tranh với công ty của ông ở Việt Nam. Tôi sẽ coi công việc kinh doanh mà ông mở ở Việt Nam, như là công việc của mình để tận tụy làm hết lòng, khi cần nghỉ sẽ thông báo chính thức.

Tôi đã thực hiện lời hứa này đúng 15 năm. Để có thêm tiền gởi cho các cháu học ở Singapore. Tôi đã đề nghị với ông là thay vì ở khách sạn rất tốn kém, tôi sẽ xin giấy phép cho ông ở tại nhà tôi một tầng lầu, theo diện cho thuê mỗi tháng với số tiền khoảng 600 USD. Tất cả đều được thực hiện suôn sẻ và tốt đẹp.

Gia đình tôi coi ông Lee như một người bạn lớn. Gia đình ông có tám anh chị em đều biết tôi và các con ông cũng sang Việt Nam chơi với gia đình tôi… Vì ông ở nhà tôi, nên lại xôn xao tin đồn ông là bồ của tôi. Tôi chẳng cần thanh minh và chúng tôi thực sự là những người bạn tốt trong kinh doanh cho đến tận bây giờ. Tôi giúp đỡ ông và ngược lại ông cũng giúp đỡ tôi. Tất cả những gì chúng tôi đã tự mình trao đổi và hiểu cụ thể mà làm.

Thực sự thì ông Lee giúp tôi được nhiều hơn là tôi giúp ông. Ông đã giới thiệu tôi với Hãng Hàng không Asiana (OZ) của Hàn Quốc để tôi được làm Tổng đại lý cho đến tận ngày hôm nay.

Ông Lee cũng bỏ vốn mở xưởng may mặc liên doanh với tôi, có lúc lên cả hơn ngàn công nhân; Rồi Xưởng gia công lắp ráp đầu từ, lắp ráp loa điện động, Xưởng thêu máy công nghiệp... Ông còn giới thiệu tôi với ICA của Israen để cho một Công ty viễn thông Việt Nam nhập khẩu linh kiện… Ông giới thiệu tôi với Tập đoàn Hyundai, Tập đoàn Lotte… với dự định thành lập Liên doanh lắp ráp xe hơi Hyundai tại Việt Nam. Nhưng lúc đó Chính phủ tạm ngưng cấp giấy phép. Do chờ đợi lâu, nên phía đối tác đã chuyển hướng đầu tư ở nước khác, không thể chờ đợi theo kiểu của ta được.

Công ty của chúng tôi trở thành Liên doanh đầu tiên của Lotte Mart ở nước ngoài vì lâu nay Lotte đã có 20 siêu thị ở nhiều nước Châu Á, nhưng hoàn toàn là đầu tư 100% vốn của họ, chưa có liên doanh bao giờ. Tất cả sự giới thiệu đó, ông Lee không đòi hỏi gì cả, mà chỉ vì lòng tốt và vì cảm ơn tôi đã giúp đỡ ông vào Việt Nam. Sau một thời gian, tôi đã bán 20% cổ phần ở Lotte, để chuẩn bị cho tuổi già.

Nhiều lúc vui, tôi cũng có nói với ông, “mọi người tung tin tôi và ông là bồ bịch…” Ông cười phá lên và bảo “Nếu tìm nhân tình, tôi phải tìm người trẻ hơn bà mới đúng”.

Còn tôi cũng cười phá lên và bảo: “Tôi đã bị cắt toàn bộ các bộ phận của phụ nữ sau lần mổ lớn. Vậy làm sao mà có chuyện bồ bịch giữa đàn ông và đàn bà được?”

Chúng tôi là những người bạn lâu năm. Nên biết cả mặt xấu, tốt của nhau. Tôi thì cương quyết cứng rắn, rõ ràng trắng đen nói ngay. Ông thì từ tốn, tính hơi tình cảm cải lương, ít dứt khoát được. Bù lại, ông là người tốt, không lừa lọc ai bao giờ, luôn sẵn sàng giúp mọi người.

Nhưng cái bệnh “cải lương” của ông đôi khi cũng có phần ảnh hưởng. Ông ít khi quan tâm, tìm hiểu kỹ vấn đề phát sinh chi tiết cụ thể. Vì thế, khi hiểu lầm sảy ra, ông có những lời nói dễ gây xúc phạm người đối diện. Trời lại oái ăm, người tốt lại hay bị nhiều kẻ lừa đảo vây quanh và ăn chặn. Đa phần toàn là người Hàn ăn chặn của ông. Chứ nếu có vụ nào mà dính vào người Việt là tôi giúp ngay.

Nói về cách hành xử thì tôi phải là đàn ông, còn ông phải là đàn bà. Nhưng bù lại chúng tôi tôn trọng và coi nhau như những người bạn già. Các con tôi cũng gọi ông là “papa”, vì trước đây ông có làm giấy tờ với nhà chức trách là các cháu là con nuôi, để cho các cháu đủ điều kiện đi học khi có người bảo lãnh, lúc đó ông Lee có Công ty ở Singapore. Tôi chả quan tâm ai nói gì, nói như thế nào nữa. Tôi đã chán ngấy cuộc sống vợ chồng vì những gì đã xảy ra với tôi và các con tôi trước đây.

Từ trong thâm tâm, tôi cảm ơn ông Lee đã bắc cầu cho tôi quen biết nhiều công ty, nhiều nhà kinh doanh lớn. Còn thành công và trụ lại có làm ăn được với họ, thì lại chính là công sức mồ hôi nước mắt của tôi đã nỗ lực mà nên.

Khi được Ủy ban thành phố đồng ý về nguyên tắc, được anh Năm Anh tức là ông Nguyễn Văn Anh, lúc đó là Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, anh Côn Phó Giám đốc sở, anh Huỳnh Ngọc Ẩn Giám đốc công ty Sakyno là phía đối tác Việt Nam của Sở Công nghiệp. Tôi và văn phòng đại diện của công ty ông Lee bắt tay vào làm dự án lắp ráp xe hơi.

Hơn 2 năm sau mới có giấy phép, vì thực sự lúc đó về phía Việt Nam ta các cơ quan chức năng cũng chưa có kinh nghiệm về quản lý dự án như thế. Quy mô ra sao? Mọi chính sách như hải quan, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ trong nước như thế nào? Tất cả đều chưa có. Cứ như cả mớ bòng bong. Thời gian từ lúc bắt tay vào dự án cho đến khi được giấy phép là đúng 28 tháng. Đó là Giấy phép đầu tiên số 01 về lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

Tưởng chừng như thành công đã sờ thấy, một thời gian sau khi khai trương lại có chuyện xảy ra với nhiều lý do, bạn chỉ muốn lắp ráp một nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Trần Lum Bộ trưởng, yêu cầu phải song song có thêm nhà máy thứ hai ở Hà Nội.

Vốn bị chia nhỏ ra, thị trường lại chưa có. Trong liên doanh ba bên Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có hai đối tác khác nhau trong một giấy phép của Sở Công nghiệp Hồ Chí Minh, một của Tổng công ty Máy động lực Bộ Công nghiệp nặng tại Hà Nội. Kế đến là Chính phủ lại cấp thêm 9 Giấy phép nữa cùng nghề chỉ khác nhau về chủng loại. Vậy là tất cả đều không ai thành công tại một thị trường. Thời điểm đó, nhu cầu về xe ô tô không lớn, sản xuất đều bị cầm chừng…

Trong lúc đó, ở trong nội bộ liên doanh, vì không đạt kết quả như mong muốn mà tôi cũng là thành viên Hội đồng quản trị, nên tranh cãi với nhau quyết liệt. Cuối cùng đi đến thống nhất phải chia ra ở phía bắc là của ông Lee với Bộ Công nghiệp nặng, còn phía Nam là của Nhật Bản với Sở Công nghiệp.

Khi lập văn phòng Hà Nội tìm ai làm đây? Cần tìm người tin tưởng và hiểu hoàn cảnh lúc bấy giờ, tôi thì đã vào lại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã lâu bạn bè đều giữ những chức vụ quan trọng ở cơ quan Nhà nước.

Anh Cao Văn Năm làm ở Ban Tài chính Quản trị Trung ương thật sự là người anh. Anh hướng dẫn cho từ đầu và giới thiệu tôi với một số người để tôi có cơ sở ban đầu thiết lập mối quan hệ. Ngoài ra, con dâu anh là cháu Đặng Kim Hoa cũng vào làm và cháu làm việc thật tích cực. Cho đến ngày hôm nay, thì cháu vẫn là cánh tay nối dài của tôi ở Hà Nội. Cùng với cháu là cháu Vân Anh và em Bằng. Những người đó đã đi với tôi gần 20 năm, vẫn nhiệt tình và chăm chỉ nhưng vẫn tôn trọng nhau. Tôi hiểu thế mạnh của từng người và cả những yếu điểm của từng người. Tôi tôn trọng tất cả các cháu và ngược lại.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì làm đủ thứ việc những cháu như: Lê Như Hoa, Loan, Hiếu, Hà, Đạo lớn, Đạo nhỏ, Hoài Nam (con má Hai,) Phi Vân, Thục Hiền, Cảo, Dũng, Hải, Hạnh,… đã giúp đỡ tôi hoàn thành được bao công việc như Giấy phép mấy công ty liên doanh: Công ty liên doanh xe hơi Me Kong; Liên doanh khách sạn du lịch Festiva; Liên doanh may thêu Sae Young đã có thời kỳ rất thành công, có lúc số công nhân lên đến cả 2000 người.

Cũng có những dự án thất bại, do hai bên liên doanh không có được tiếng nói chung, do kỹ thuật và thị trường nhu cầu thay đổi kỹ thuật, mặt hàng mà đối tác của tôi không theo kịp. Thường trong liên doanh phía tôi là quản lý lao động, quản lý sản xuất, thực thi mọi pháp luật hiện hành của chính sách Việt Nam cho đúng luật pháp. Phía bạn chịu trách nhiệm kỹ thuật, mặt hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra…

Giấy phép để cho Hãng Hàng không Asiana được đáp xuống là cả một quá trình xin rất vất vả. Bù lại, giấy phép này lại được bên phía Ngoại giao và Thành phố Hồ Chí Minh rất ủng hộ. Đặc biệt là anh chị Đặng Phú Bình, Đại sứ Việt Nam ở Hàn Quốc. Mọi sự chậm trễ đều do một số cơ quan chuyên môn nước ta nghiên cứu và xem xét quá lâu vì trình độ hạn chế và chưa có kinh nghiệm.

Ngoài Cục Hàng không có anh Lê Văn Hiến, Cục phó rất tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và giúp đỡ một cách vô tư. Với quan điểm của anh: Nếu có nhiều hãng hàng không nước ngoài vào Việt Nam, thì sự cạnh tranh sẽ làm cho hãng hàng không của nước ta bắt buộc phải thay đổi và phát triển tốt hơn lên…

Về xe hơi, tôi có một người anh thân thiết. Đó là anh Nguyễn Xuân Chuẩn, lúc ấy là Vụ trưởng Vụ hợp tác Đối ngoại, Bộ công nghiệp, sau đó là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, một người hiền lành giỏi 5 ngoại ngữ, Tiến sĩ về ô tô máy kéo… Anh đã chỉ cho tôi các bước đi.

Anh Đỗ Hoàng Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực của Bộ, là người làm cụ thể, tiếng Anh giỏi, chân tình, nhiệt tình và hăng say với nghề. Ngoài ra còn anh Thái là người rất chân thật, hướng dẫn cho tôi từng ly từng tý…

Anh Nguyễn Xuân Chuẩn coi tôi thực sự là một người em gái. Lý do cơ bản tôi và anh đều là học sinh Trường Thiếu nhi Quốc tế ở Tiệp Khắc về. Anh học hơn tôi 3 lớp. Chúng tôi thân thiết đến mức có những chuyện vui, buồn đều chia sẽ cho nhau. Sự thân thiết này tôi sẽ kể một chuyện vui làm ví dụ: Anh đẹp trai, cao to, thông minh nên có nhiều “vệ tinh” vây quanh. Những lúc anh vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, anh đều gọi tôi đến nhờ “giải vây” với danh nghĩa là em vợ (tức em chị Hương, vợ anh)… Khi đuổi được các “vệ tinh” đi rồi, hai anh em cười đau cả bụng.

Tôi thương anh Chuẩn vì tình anh em mấy chục năm, nhưng cũng kính trọng tài năng và đức độ của anh. Còn anh đối với tôi như một người em gái ruột thịt. Cuộc đời cũng có những cái thật buồn, khi anh chẳng may bị tai nạn giao thông và tử nạn. Các cháu con tôi đều biết bác Chuẩn là bạn quen mẹ hơn 50 năm.

Về lĩnh vực điện tử, tôi dốt đặc. Nhưng tôi cũng xin được giấy phép về lắp ráp gia công hai mặt hàng đầu từ video và loa của các hệ thống điện tử. Tiến sĩ Hùng học ở Hunggari về làm chuyên viên cao cấp ở Bộ Công nghiệp nặng. Qua anh Chuẩn đã hướng dẫn các cách thức làm luận chứng để xin giấy phép. Anh còn vào Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần để hướng dẫn, chỉ bảo cụ thể cho cả kỹ sư của nhà máy của tôi…

Có biết bao người tốt sẵn sàng hướng dẫn, sẵn sàng giúp đỡ, nhưng cũng không ít kẻ tìm mọi cách ngăn cản đường đi của tôi. Họ tìm cách cản trở để được tiền cà phê cà pháo, mà anh em hay gọi là tiền “bôi trơn”. Những ngày đầu tiên chạy các loại giấy phép, tôi thực sự bị sốc vì vụ “bôi trơn” này. Riết rồi cũng thành ra quen và tôi tự hóa giải vấn đề. Chẳng qua là sự giúp nhau qua lại, hoặc người ta giúp mình thì mình phải cảm ơn, nên thấy nó nhẹ nhõm đi.

Tôi thực sự xấu hổ khi phải đề cập đến những vấn đề này với các bạn nước ngoài làm việc chung với tôi. Nhưng các bạn đó và ông Lee đều bảo họ hiểu, là chuyện bắt buộc phải như vậy. Thậm chí, họ còn nói một số nước khác cũng có những việc như vậy. Đối với tôi và các nhân viên của tôi, thì làm riết thành quen và thấy cũng là chuyện bình thường. Đi từ ngạc nhiên chuyển qua thành bình thường, không phải là chuyện dễ dàng đối với tôi.

Từ nhỏ, tôi từng được me Kíu giáo dục theo một cách khác hẳn… Giờ thì đối với tôi sao cũng được. Nhưng tôi cứ lo cho thế hệ các con tôi bắt đầu cũng phải tập dần như vậy và quen dần như vậy, rồi đến thế hệ các cháu tôi thì sao? Tôi có thể chép miệng để tự an ủi vì chiến tranh ai cũng nghèo cả. Nhưng thế hệ các con và cháu tôi? Cứ nghĩ đến tương lai các cháu tôi lại lo lắng.

Nghề kinh doanh không dễ dàng chút nào. Tỉ lệ phần trăm thất bại luôn rình rập, tỷ lệ bị phản cao hơn mức tưởng tượng. Hệ thống pháp lý lúc đó mới mở cửa rất mù mờ, không rõ ràng. Sự trì trệ của bao cấp luôn hiện hành trong từng con người, kể cả tôi. Tôi bực nhất là những lúc gặp một số quan chức, có người hỏi thẳng: “Con của ông già từng ở Trung ương Cục như vậy mà lại đi làm cho Công ty nước ngoài”. Hoặc: “Bộ tính lấy chồng ngoại quốc hả?” .

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính