Kiên Giang: Giải pháp phát triển kinh tế tập thể sản xuất mô hình “tôm - lúa bền vững”

Sáng 26/6, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển kinh tế tập thể sản xuất mô hình “tôm - lúa bền vững” năm 2024 với sự tham dự của đại diện sở, ngành cấp tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thành phố; hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1-kien-giang-1719371899.jpg

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể có vai trò to lớn tạo nền tảng hình thành các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn, các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối…

Kinh tế tập thể cũng đã tạo thuận lợi để áp dụng khoa học-công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, kinh tế tập thể giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế mà mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ gặp phải, góp phần cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Kinh tế tập thể của tỉnh Kiên Giang đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước liên kết những người sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi tương trợ, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên theo hướng liên kết cộng đồng và từng bước mở rộng hợp tác với các thành phần kinh tế khác; cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 đến nay, thành lập mới 04 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đạt 30,76% kế hoạch; giải thể 12; sáp nhập 04 HTX thành 02 HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 03 liên hợp HTX với 35 HTX thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng; 447 HTX nông nghiệp (330 HTX trồng trọt, 113 HTX thủy sản, 4 HTX chăn nuôi) số vốn điều lệ 281.986,45 triệu đồng, 32.019 thành viên, diện tích sản xuất 63.021,98 ha. Trong đó diện tích sản xuất lúa - tôm luân canh 106.303 ha, sản lượng hằng năm là 69.150 tấn, chiếm diện tích lớn, đây cũng là mô hình bền vững, thuận thiên tích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang Phạm Thành Trăm, cho rằng để phát triển kinh tế tập thể các cấp Hội Nông dân cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia mô hình tổ hợp tác (THT), HTX; xây dựng các mô hình THT, HTX theo quy hoạch; phối hợp với các doanh nghiệp ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm, tháo gỡ khó khăn về vốn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho lãnh đạo, hội viên THT, HTX để chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng khu trưng bày để thúc đẩy đầu ra của các sản phẩm nông sản.

Ông Đặng Văn Phúc, đại diện Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, để kinh tế tập thể phát triển bền vững thì các THT, HTX, doanh nghiệp cần chú trọng về nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu sản phẩm địa phương để lưu thông thị trường được thuận lợi. Sản phẩm cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo quản chất lượng sản phẩm tốt; nâng cao vai trò của HTX trong liên kết tiêu thụ sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, trưng bày sản phẩm tại các hội trợ,...

Theo doanh nhân Dương Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Giống thuỷ sản Dương Hùng, tôm - lúa là mô hình phát triển bền vững, có giá trị cao, nhưng để có được kết quả đó thì người nông dân cần phải thay thay đổi tư duy, sự kiên trì, quyết tâm vươn lên làm giàu. Nuôi tôm cần phải thả phải đúng thời vụ, đúng thời điểm, thời tiết, đặc điểm của con tôm, nguồn nước đảm bảo,...thì sẽ có bội thu.

Tại hội thảo, các HTX, Hội Nông dân các huyện, thành phố... đã chia sẻ quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình chuyên canh lúa 2 vụ sang mô hình tôm - lúa theo quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương; những đề xuất, kiến nghị  về chính sách hỗ trợ  cho HTX tôm chuyên canh; thuận lợi và khó khăn cùng giải pháp vận động  hội viên nông dân  tham gia HTX; cách làm hay, có hiệu quả  trong việc thành lập HTX do Hội Nông dân vận động.

Vấn đề cung cấp con giống, chính sách hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ cơ sở vật chất, vốn; giá cả, đại diện HTX, THT phải nỗ lực, năng động trong công tác điều hành, quản trị, liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ về lợi ích của kinh tế tập thể, ông Trương Văn Minh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, nêu quan điểm, kinh tế tập thể thích hứng với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo môi trường nuôi tôm tốt, hạ tầng cấp thoát nước trong nuôi tôm; cải tạo môi trường; thay đổi tư duy trong nông dân cần sự đồng thuận, có sự đột phá; sản phẩm nông nghiệp cần có mã vùng nuôi, mã vùng trồng nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu; có chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực hoạt động trong HTX, THT...

2-kien-giang-1719371981.jpg

  Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Hợp tác xã Hưng Nông (An Biên) phát biểu

Kết luận hội thảo, đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh, hội thảo đã nghe các ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành, HTX, doanh nghiệp... chia sẻ nhiều thông tin, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; chú trọng xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân, THT, HTX cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; phát huy vai trò các cơ quan truyền thông của Hội Nông dân trong tuyên truyền về kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các mô hình kinh tế tập thể  trong nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các tấm gương, điển hình tiên tiến về hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục về kết quả, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập trên các phương tiện truyền thông của Hội. Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia THT, HTX; tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Cùng với đó, rà soát kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, tái cơ cấu, tổ chức lại THT, HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động.

Hỗ trợ nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ đối với THT, HTX nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực  địa phương, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hướng dẫn, hỗ trợ THT, HTX nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.