Ngày 30/3/2023, tại Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang diễn ra hội nghị họp mặt doanh nghiệp năm 2023 và khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.
Năm 2023 tình hình kinh tế tỉnh nhà dần được phục hồi, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế tỉnh trong năm qua.
Bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang sẽ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phát biểu; năm 2023 cũng như những năm tới, tình hình kinh tế được dự báo sẽ rất khó khăn do biến động bất ổn của kinh tế thế giới và kinh tế cả nước. Nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực… Để giúp các doanh nghiệp chủ động trước những khó khăn thách thức, xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau: Kiến nghị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng đến tinh gọn các thủ tục, tránh chồng chéo giữa quy định của các ngành có liên quan, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; kịp thời ban hành các quyết định, các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc có hướng dẫn đối với các nghiệp vụ mới phát sinh hoặc còn vướng mắc; lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành, địa phương dành thời gian gặp gỡ, đối thoại và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp… Các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, Hội ngành nghề tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và sử dụng sản phẩm dịch vụ lẫn nhau cũng như có tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Năm 2022 đi qua với nhiều kết quả khả quan kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi khá tích cực, mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục ổn định và phục hồi nhanh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 68.436 tỷ đồng, đạt 116,64% kế hoạch, tăng 7,7% (Nghị quyết 6.02% trở lên). Thu nhập bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.579 tỷ đồng, vượt 4,81% dự toán, tăng 0,2% so cùng kỳ. Đây cũng là năm Kiên Giang đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và nằm trong top 30 tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của nước. Điều rất đáng mừng là số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng trở lại, có 1.872 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 25.081 tỷ đồng, tăng 42% về số lượng. Kiên Giang đứng thứ 1 vùng ĐBSCL về số lượng doanh nghiệp. Tính đến nay trên địa bàn Tỉnh có 11.413 doanh nghiệp với tổng vốn là 197.078 tỷ đồng đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế- xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động - đóng góp ngân sách nhà nước.

Qua kết quả đạt được năm 2022 cho thấy, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân là rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh, tôi luôn đánh giá cao vai trò này. Có thể nói, đóng góp trong suốt chặng đường phát triển của Kiên Giang là vai trò và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động trong sản xuất - kinh doanh, khắc phục hậu quả, phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội cao, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
