Kiên Giang: Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Khmer

Các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer ở Kiên Giang là sản phẩm văn hóa được hình thành, phát triển trong quá trình lao động, sáng tạo, cùng với những biến thiên của lịch sử và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa nên đã chứa đựng trong nó nhiều giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc cần phải được bảo tồn, phát huy…
1-kien-giang-tang-cuong-1651756339.jpg
Kiên Giang tăng cường: Thiếu niên người Khmer Kiên Giang đang học với dàn nhạc Ngũ âm.

Món ăn tinh thần tinh túy, đặc sắc, nhiều giá trị nhân văn sâu sắc

Người Khmer ở Việt Nam là một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, với dân số 1.319.652 người (trong đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long 1.141.241 người)¹. Ở tỉnh Kiên Giang, với dân số khoảng 1,8 triệu người thì người Khmer có dân số đông thứ hai (hơn 13%, với khoảng 56.400 hộ, 238.000 người) sau người Kinh (khoảng 84%) trong 27 dân tộc cùng sinh sống, và với tỷ lệ này thì người Khmer ở Kiên Giang đứng thứ ba trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh; đa phần sinh sống bằng nghề nông ở nông thôn, quanh 75 chùa và 01 tháp Phật giáo Nam tông Khmer.

Trong quá trình phát triển, người Khmer đã hun đúc, sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật truyền thống vô cùng tinh túy, đặc sắc chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần không chỉ riêng trong cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang mà còn đối với các dân tộc khác tại địa bàn cộng cư vì có tần suất hoạt động cao, thời gian diễn ra quanh năm, ở nhiều không gian khác nhau- từ các buổi lễ trang trọng trong sinh hoạt tôn giáo đến sinh hoạt đời thường; nghệ thuật truyền thống Khmer còn mang tính phổ biến, thích hợp với nhiều lứa tuổi, không phân biệt giới tính, ngành nghề, địa vị xã hội...

Ở đó, người Khmer vừa là chủ thể sáng tạo, trình diễn, vừa là người thụ hưởng chính giá trị của nghệ thuật truyền thống dân tộc mình. Người Kinh, người Hoa hay các dân tộc khác không trực tiếp tham gia vào các loại hình đó nhưng đã tham dự, hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động nghệ thuật do người Khmer sáng tạo và xem đó như là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong mối liên kết cộng cư hàng trăm năm qua trên vùng đất ấm áp nghĩa tình này, như: Nghệ thuật âm nhạc, múa truyền thống Khmer; nghệ thuật sân khấu Rô-băm, Dù-kê; văn học dân gian; trang phục truyền thống…

Ngoài ra, nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer cũng rất độc đáo. Tỉnh Kiên Giang có 75 chùa, 01 tháp Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó nhiều Chùa có lịch sử hình thành lâu đời², nhiều ngôi chùa có giá trị về lịch sử³, văn hóa và kiến trúc; và có nhiều lễ hội, trong đó có 03 lễ hội chính: ChôlChnămThmây; Sen Đônta; Ok-om-bok (từ năm 2007 đã trở thành “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang” tổ chức định kỳ hàng năm tại huyện Gò Quao),…

2-kien-giang-tang-cuong-1651756339.jpg
Kiên Giang tăng cường: Các đội đua Ghe Ngo dự khai mạc “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang” được tổ chức định kỳ hàng năm tại huyện Gò Quao.

Có nguy cơ mai một

Trong tâm trạng tự hào và lo lắng, ông Danh Hiền - Đại đức, Phó Trụ trì Chùa Cà Nhung, xã Định Hòa, huyện Gò Quao cho biết: “Người Khmer có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội lắm. Như mấy chục năm trước có nhiều đội Rô-băm, Dù-kê diễn hay lắm, bây giờ cũng còn nhưng không hay bằng trước, do thanh niên đi chỗ khác kiếm sống mà không đủ người diễn; ghe Ngo thì cũng ít người bơi giỏi,…”

Theo nghệ nhân dân gian Danh Bê- người phụ trách đội văn nghệ Khmer tại xã Định Hòa, huyện Gò Quao thì: “Do sinh kế, do sự phát triển mạnh của xã hội, nhất là công nghệ thông tin… mà một số loại hình văn hóa - nghệ thuật Khmer truyền thống có nguy cơ mai một... Nhà nước cần phải đầu tư, khôi phục”...

Thời gian qua, đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Kiên Giang đã thường xuyên triển khai, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer nói riêng. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, công tác xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao. Nghệ nhân, nghệ sĩ Khmer giỏi, tinh thông nghệ thuật còn lại rất ít, thanh niên Khmer ít được tiếp cận và quan tâm gìn giữ... Phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào Khmer đang gặp nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền còn nhiều mặt hạn chế; việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế…”

3-kien-giang-tang-cuong-1651756339.jpg
Kiên Giang tăng cường: Ghe Ngo trên đường đua tại “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang” được tổ chức định kỳ hàng năm tại huyện Gò Quao.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Từ thực trạng đó, ngành văn hóa tỉnh Kiên Giang đã và đang điều tra, khảo sát nhằm mục đích xây dựng “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc nói chung và người Khmer nói riêng đòi hỏi cần phải có một chính sách nhất quán để cộng đồng nhận thức được vốn di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình, hình thành ý thức gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy, cần có sự quan tâm xây dựng cơ chế chính sách và đầu tư để phát triển văn hóa mang tính đồng bộ, theo đó cần chú trọng các mục tiêu, giải pháp như:

Thứ nhất, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc nói chung và giá trị nghệ thuật truyền thống của người Khmer phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa phát triển văn hoá và kinh tế; hài hoà giữa bảo tồn, phát huy và phát triển;... Chú trọng công tác xã hội hóa; gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cần tập trung vào một số các loại hình nghệ thuật tiêu biểu; nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng, các hoạt động biểu diễn giao lưu nghệ thuật truyền thống Khmer. Phát huy vai trò của các ngôi chùa- tháp; tôn vinh, đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng Khmer để lực lượng này nâng cao nhận thức và tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình. Tích cực đẩy mạnh truyền dạy cho thế hệ trẻ Khmer trên cơ sở có định hướng trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy một cách sáng tạo nghệ thuật truyền thống dân tộc mình.

Thứ ba, nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer trở thành “tài nguyên văn hóa”; tăng cường giáo dục ý thức văn hóa, tinh thần dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống- nét văn hóa đặc sắc của người Khmer gắn với phát triển du lịch, đưa các loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Thứ tư, cùng với phát huy lợi thế, tiềm năng (nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử- văn hóa; nguồn tài nguyên đa dạng, hấp dẫn từ đồng bằng, rừng núi, biển, đảo...) để phát triển du lịch, thì cần tăng cường quảng bá, giới thiệu những giá trị, di sản văn hóa của người Khmer; gia tăng chất lượng sản phẩm để tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của người Khmer, người Hoa, người Kinh...; xây dựng và nâng cao chất lượng điểm đến, thu hút đầu tư từ lĩnh vực dịch vụ du lịch, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh,…

Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang đã chứng minh được vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, các loại hình nghệ thuật này vừa là phương tiện thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, vừa là hình thức giải trí quan trọng hàng ngày của người Khmer, cùng với sự lan tỏa trong quá trình cộng cư nó đã trở thành phương tiện giao lưu, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Đó là những loại hình di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo, có vai trò là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa văn nghệ ở cơ sở, tạo ra những món ăn tinh thần đặc sắc, là những sản phẩm để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương rất cần được quan tâm bảo tồn, phát huy có hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

(¹) Tổng Cục Thống kê (2020), Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, tr.43, 57

(²) Như ở huyện Gò Quao: Chùa Cái Bần có từ những năm đầu của thế kỷ XIV; Chùa Tổng Quản xây dựng cuối thế kỷ XVII.

(³) Tháp Cù Là, huyện Châu Thành- Địa Điểm lịch sử cấp Quốc gia- nơi diễn ra cuộc biểu tình chống Mỹ Ngụy ngày10/6/1974 (theo Quyết định số 993-QĐ/BVHTT,ngày 28/9/1990).

() Chùa Sóc Xoài, huyện Hòn Đất- di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (theo Quyết định số1570-VH/QĐ, ngày 05/9/1989); Chùa Khmer Tổng Quản, huyện Gò Quao- di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (theo Quyết định số 103-QĐ/BVHTT, ngày 01/12/ 2004).