Kiêng và kiêng khem

Bây giờ, khi tiêm vaccine ngừa covid-19 xong, nhân viên y tế thường nhắc nhở chúng ta nên nghỉ ngơi, kiêng tắm, kiêng gió và đặc biệt không dùng các chất kích thích như rượu, bia, gia vị cay hay cà phê quá đặc.
kieng-khem-1638374548.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

 

Kiêng trong tiếng Việt là một động từ có nhiều nghĩa. Nghĩa 1 (mà ta vừa nói tới ở trên) là “tránh không ăn, không dùng đến những thức ăn nào đó hoặc không làm những việc nào đó, vì có hại hoặc cho là có hại đối với sức khoẻ” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2020).

“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần” (Vô đề, thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh). “Cữ” là phương ngữ Bắc, là từ đồng nghĩa với “kiêng”. “Kiêng cữ” là một kết hợp chỉ “kiêng” (nói khái quát). “Cữ” còn dùng để chỉ “thời kì kiêng khem của người mới đẻ và của trẻ mới sinh, theo y học dân gian cổ truyền” (Từ điển dã dẫn). Các bà mẹ trẻ (nhất là ngày xưa) đang thời kì “ở cữ” phải chấp hành những quy định kiêng khem rất chặt chẽ.

Kết hợp từ “kiêng khem” có nghĩa khái quát chỉ việc kiêng trong ăn uống, nếu không giữ gìn sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ nói chung.

Nhưng tại sao từ ghép này lại thêm thành tố “khem” và “khem” có liên quan gì tới xuất xứ từ nguyên?

Vương Lộc, trong Từ điển Từ cổ (NXB Đà Nẵng, 2001), giải thích KHEM là “cây cắm trước nhà để báo cho (mọi người) biết trong nhà có người sinh đẻ, cần phải kiêng cữ”. “Cây” này không phải là một cây cụ thể (như cây trong vườn nhà) mà chỉ là một cây gậy, hay cột chống dài, bằng tre nứa có buộc tua chỉ màu hay một lá bùa nào đó (tuỳ gia chủ). Đó là dấu hiệu báo cho mọi người về một sự kiện mới trong gia đình (có người vừa sinh nở) để tránh chuyện đi lại không cần thiết hay tránh làm những việc ảnh hưởng tới trẻ (ồn ào gây tiếng động hay hút thuốc nhả khói, chẳng hạn).

Cây Khem dựng ở trước nhà

Đó là dấu hiệu đàn bà mới sinh.