Kon Tum: Tưng bừng Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số năm 2022

 Diễn ra từ ngày 16 - 18/11, Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022 gồm hai hoạt động chính, đó là hoạt động trình diễn văn hóa cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số và thi đấu các môn thể thao truyền thống.

Hội thi do UBND tỉnh Kon Tum tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, xoang và phát triển bền vững văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 - 9/2/2023); 92 năm Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2022), 77 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2022).

Lễ khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022 diễn ra trong âm thanh rộn rã tưng bừng của tiếng cồng chiêng và điệu xoang truyền thống. Điểm nhấn của Lễ khai mạc là tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng, xoang.

dh2qa2b-1668653342.jpg
Một tiết mục thi diễn tấu cồng chiêng và xoang. Ảnh: Internet.

 

Với chủ đề “Âm vang đại ngàn”, Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022 có 10 Đoàn với khoảng 800 nghệ nhân 5 dân tộc, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai và dân tộc Thái đến từ 10 huyện, thành phố của tỉnh. Các Đoàn nghệ nhân tham gia Hội thi đều đã đạt giải cao tại Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số cấp huyện.

Riêng đối với hoạt động thi trình diễn văn hóa cồng chiêng, xoang có chủ đề “Kon Tum vào hội”. Các Đoàn nghệ nhân sẽ trình diễn một chương trình gồm các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc; tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu và thể hiện kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng các dân tộc thiểu số

Ngoài ra, có 300 vận động viên của 9 đoàn sẽ tham gia thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, cà kheo, kéo co..

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi nêu rõ, trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum. Đến nay, đã có 2.500 bộ cồng chiêng được các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị; hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của cộng đồng các dân tộc thiểu số; những bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn; đặc biệt là sự xuất hiện của cồng chiêng trong nhiều hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa - du lịch tỉnh Kon Tum. mong rằng các đội thi sẽ thể hiện hết mình, mang đến Hội thi không khí sôi động, hấp dẫn và đạt kết quả cao; đồng thời, tin tưởng các thành viên trong Hội đồng giám khảo - là những nghệ nhân ưu tú giàu kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu có uy tín về chuyên môn sẽ đánh giá một cách chính xác, công bằng, khách quan và đúng thực chất về kết quả của các đội thi, góp phần vào thành công chung của Hội thi.

Em A Liêm, hiện là học sinh lớp 12, thuộc Đoàn nghệ nhân huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Đến với Hội thi này em cảm thấy rất hào hứng, phấn khích, mong đến những tiết mục của mình để mình trình diễn cho mọi người xem bản sắc văn hóa dân tộc của người Xơ Đăng. Mình vừa coi và tiếp thu những tiết mục văn hóa của dân tộc khác để mình học hỏi những cái đẹp, cái tốt cái hay để tiếp tục phát huy văn hóa dân tộc của người Xơ Đăng.