Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Nhà văn làng Cót (Tự truyện)

Thế hệ học sinh phổ thông hệ 10 năm, truyền tay nhau đọc truyện, nghe đài truyền thanh, nghe nhờ đài bán dẫn chạy pin đèn, thì ai ai cũng biết tới các Đia danh và Danh nhân Lịch sử nước nhà. Ngày xưa bã bọt mép đi mượn tiểu thuyết nhà người và sách càng dày trang thì càng thích, tranh thủ đọc mọi nơi mọi lúc, đèn dầu hoả một ngọn cho tất cả anh em trong nhà học buổi tối.

Năm 1966-1967 học sinh Hà Nội sơ tán về làng, lũ trò nhà quê say mê đọc các truyện đăng báo nhiều kỳ, được ghim thành tập (tỷ như "108 anh hùng Lương Sơn bạc" ở báo Thời mới) Tiểu thuyết Ngọc Giao Nữ chúa Tàu ma, Chinh đông Chinh tây, Ngũ Hổ bình Liêu...của nhà xuất bản Cây thông (giấy úa vàng, sờn mép trang do qua tay nhiều người đọc). Tiểu thuyết lịch sử của Việt nam tôi thích nhất thời đó đọc sách viết về vua Quang Trung, Quận He khởi nghĩa, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Lều chõng...Bây giờ đọc lại vẫn thích, có đoạn thầm nhớ thuôc lòng, không phét tý nào sất.

danh-nhan-lang-cot-1648091043.jpg
Ảnh vợ chồng ông Trâm do tác giả cung cấp.

 

Ấn tượng đọc cuốn sách về vua Quang Trung còn nhớ tới tận giờ, trước hết là sách có chữ Nho chèn trong đó, có phiên âm dịch nghĩa (Thời ấy học sinh cấp 2,3 ở ngoại thành phải học tiếng Trung quốc cả 3 năm. Sách giáo khoa viết tay toàn bộ, chứ ko sắp con chữ đúc chì mà in bản kẽm từng trang-người viết chuẩn làm Tôi luôn ước mong sưu tầm. Giá mà có học lại chữ Tàu khi giờ đã già, dễ vào bởi chưng giờ vẫn vọc vạch nhớ).

Thập kỷ 197x Sinh viên các trường Đại học truyền tay nhau các cuốn sách truyện hay chép tay . Ơn giời vẫn có mạch ngầm Văn chương cũ đầy giá trị nhân văn, trường tồn qua các Chế độ Chính trị nước nhà, vẫn còn nhiều người tìm mua để đọc và những cuốn sách ấy tái bản nhiều lần, cửa hàng sách nào chả có-Như cuốn Quang Trung Anh hùng dân tộc của ông Hoa bằng. Ví dụ Bản in năm 2014 của NXB Hồng Bàng, Gia Lai (gia đình chỉ thấy hình ảnh và thông tin trên mạng, chứ chưa có bản này để lưu trữ, có thể do họ ko biết gia đình tác giả ở đâu mà xin phép) Nhà sách cũ sống khoẻ re vì các đầu sách Tiền chiến...không phét.

danh-nhan-lang-cot1-1648091043.jpg
Con dâu của Bà Hoàng Thị Quyên, bế con ông Hoàng Thúc Trâm (chụp năm 1940)

 

Thuở 1967-1970 Tôi theo học cấp 3 học ở làng Giấy, có bị lao động đào hầm hào tăng xê buổi chiều, thì trưa vào nhà Bà ngoại ăn cơm. Qua nhà ông Trâm thì mới tới nhà bà ngoại, thi thoảng gặp ông đi trong ngõ, nhưng mồng hai Tết Nguyên đán nào cũng phải theo bố mẹ đến nhà ông chúc Tết, đọc sách rồi cứ ngẫm nghĩ mãi, ở Cót mà viết về ngày xưa nhiều chuyện thế ko biết, đâm ra vị nể và kính trọng ông Hoa Bằng lắm, cũng hơi sờ sợ khi Ông thi thoảng buột miệng ra câu tiếng Pháp (Y như bác Hoàng Xuân Sính hay nói khi xuống chơi với mẹ tôi). Cảm động hơn nữa khi năm 2021 em Hoàng Liên (cháu nội ông Hoa Bằng) tặng ảnh chụp Nhật ký của Ông ghi 9/1970 xuống nhà tặng quà mừng Tôi đã thi đỗ vào Đại học.

Nói cho vuông thì ông ngoại Tôi và ông nội Liên là anh em thúc bá nội tộc, cùng quê cha đất tổ xã Yên hoà tổng Dịch vọng thời Nguyễn và thời Pháp thuộc, ở cùng con ngõ đường xây gạch ta khổ rộng 1 mét dài hun hút hình chữ L tại xóm Trại đầy các biệt thự kiểu Tây của làng tên chữ là Hạ Yên Quyết, tên nôm là làng Cót xa xưa (thuộc nhóm Kẻ Mỗ La Canh Cót tứ danh hương). Kẻ Cót lắm Quan, làng Giàn tôi chỉ lắm thóc. Xóm Trại nhỏ bé này có dăm vị nổi tiếng, sơ sơ tính gồm cụ Cử nhân Hoàng Thúc Hội (bố cụ Hoa Bằng) ông Phán Lãng thời xa lắm. Hai Thứ trưởng họ Hoàng Văn Tiến, Hoàng Văn Lợi thời Việt nam dân chủ cộng hoà, Nhà văn Hoàng Thúc Trâm-Hoa Bằng, Tiến sỹ Toán học tại CH Pháp Hoàng Xuân Sính thời Cộng hoà XHCN Việt Nam.

danh-nhan-lang-cot2-1648091043.jpg
Bản in truyện Quang Trung năm 1944

 

Kẻ Cót là tên Nôm của hai làng Thượng Yên Quyết (ở phía Bắc) và Hạ Yên Quyết (ở phía Nam), đều nằm bên bờ hữu ngạn của con sông Tô Lịch. Về sau đổi tên cho làng Hạ Yên Quyết tức là Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính. Làng Cót từ xưa đã có một chế độ khuyến học thỏa đáng: làng dành ra 3 mẫu ruộng Lộc thư điền, cùng 100 quan tiền, để làm phần thưởng cho người đỗ tiến sĩ thời xưa. Ngoài ra theo lệ làng, dân làng còn thưởng ruộng cho cả những người đỗ cử nhân nho học, tú tài nho học. Nhờ đó, mà làng có tới 10 tiến sĩ nho học và gần 30 hương cống thời Hậu Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn. Người khai khoa cho cả làng là cụ Hoàng Quán Chi, đỗ Thái học sinh đời vua Trần Thuận Tông, làm quan đến chức Thượng thư Thẩm hình viện. Làng Cót cũng có một số người thuộc “Lớp chuyển tiếp”, tiêu biểu là các cụ Hóa Dân-Hoàng Tạo, Hoa Bằng-Hoàng Thúc Trâm, Giản Chi-Nguyễn Hữu Văn. Do hoàn cảnh, thuở trẻ các cụ đều chưa được học hành, đào tạo đến nơi đến chốn, song nhờ có ý chí tự học rất cao, nên về sau đều có những cống hiến nổi bật, truyền lại cho hậu thế. Lớp tiếp theo cũng có nhiều người tài giỏi, chăm chỉ học tập, miệt mài sáng tạo, có những đóng góp nhất định cho khoa học, cho đất nước, tiêu biểu là Nữ tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính (cháu gọi cụ Hoa Bằng là bác) và Tiến sĩ vô tuyến điện Hoàng Sước (con cụ Hóa Dân Hoàng Tạo).

Ông Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng) sinh ngày 30/8/1902, tức ngày 27/7 năm Nhâm Dần, tại làng Cót, trong một gia đình nhà nho nghèo có 6 người con. Sinh thời ông chủ yếu trú tại 96B phố Thuốc Bắc và 50 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau này ngày cuối tuần Ông hay về ở xóm Trại làng Cót thăm họ hàng bà con làng nước. Trong phần Sơ yếu lý lịch tự thuật viết năm 1971, ông Trâm viết "ông học Hán văn từ bé, đã đi thi Hương năm 1915 (Ất Mão). Ngoài 23 tuổi mới học chữ Pháp, phần nhiều là tự học. ông viết về trình độ học vấn của mình là Đại học Văn, Sử; trình độ ngoại ngữ: Hán văn, Hoa văn, Pháp văn. Ông có 3 bút danh: Song Cối (1941 đến 1945, Sơn Tùng 1949 đến 1950, và Hoa Bằng là bút danh chính của ông). Ông Trâm cắt nghĩa "Về tên tự của tôi "Hoa Bằng”, là do thầy tôi đặt cho từ năm tôi 20 tuổi. Lấy chữ trong Kinh Dịch "Bằng hạp trâm”, nghĩa là tập hợp bạn hữu một cách nhanh chóng. Đó là theo nghĩa trong Dịch. Còn đây là do tính tôi thích cây và yêu hoa, cho nên thầy tôi đặt là “bạn với hoa” (Hoa Bằng). Ban đầu là tên tự, sau dùng làm bút danh".

danh-nhan-lang-cot3-1648091043.jpg
Báo ngày 10/3/1949 đăng bài đầu tiên của “Gia Linh công chúa”

 

Năm 1923 Ông đã Kết hôn với Bà Vũ Ngọc Huyến (sinh năm 1898), con gái một nhà nho ở phố Bát đàn. Sau khi ở riêng ngay trong năm 1923 này, cả hai vợ chồng đều chiu khó cần công kiệm học, gia đình ấm cúng. Năm 1939 sinh được một trai tên là Hoàng Khiêm. Ông Trâm đúc kết "Vợ có tinh thần đạo đức Đông phương rất cao, tần tảo lo liệu công việc gia đình, tôi được yên tâm theo đuổi công tác văn, sử học". Sinh thời, ông Trâm luôn ca ngợi vợ với những đức tính đặc trưng của người phụ nữ phương Đông như khiêm tốn, ngay thẳng, tin cậy, tiết kiệm, khoáng đạt, ái khách, kính già, nói ít làm nhiều, chu đáo với bố mẹ chồng và chồng con. Những nội dung trên được ông viết vào những tờ giấy nhỏ. Tình cảm của ông dành cho hiền khanh rất lớn lao, được ghi lại trong các tập Bút ký của ông.

-Ngày 22/3/1970 "Đêm nay là đêm rằm tháng 2 âm lịch, tôi nhớ đến bủ bà, thắp một tuần hương và ứng khẩu:

Nay đêm rằm, tháng trọng xuân

Nén hương nhớ đến Tế quân qua đời!

Bấy lâu sương gió pha phôi

Tìm Người trong mộng, gửi lời bình an!

danh-nhan-lang-cot4-1648091043.jpg
Báo ngày 23/8/1949 là số đăng bài đầu tiên của Dương Hậu

 

-Ngày 12/5/1970: "Hôm nay là mồng Tám tháng Tư, ngày Phật đản. Tôi nhớ đến bủ bà khi sinh thời rất mộ Phật, nên tôi liên hệ đến người thân yêu. Tôi dậy từ gần 5g sáng. Pha trà và bày bánh qui để tỏ lòng tưởng nhớ cha mẹ và vợ tôi. Quá trưa, cháu Hải mua 2 đẵn mía. Tôi ăn mía, nhớ nghĩ đến vợ xưa: mỗi năm, về mùa hoa bưởi (khoảng giêng hai âm lịch, vợ tôi mua mía Lan Điền hoặc mía “Đường chèo” về róc, tiện, dành những khẩu nạc phần tôi; rồi ướp lượt mía là lượt hoa bưởi (nhặt bỏ nhị có phấn vàng). Khi mía đã bắt hương thơm rồi, vợ tôi đem bát mía “ngon lành” ấy ra cho tôi ăn. Từ khi vợ tôi mất đi, tôi ít ăn mía. Nay cháu Hải mời, tôi vừa ăn vừa xúc cảm, và nói cho Hải biết câu chuyện này".

-Ngày 26/11/1971: Cây hồng quế, trước đây, hồi tháng 6 âm lịch, tôi xin ở nhà bà Phạm Mạnh Phan (Ngõ Mai Hương, đem trồng ở núi non bộ, nay đã trổ hoa. Khi hoa còn hàm tiếu, tôi đem cả núi và hoa quế đặt trước ban thờ hiền khanh, ứng khẩu:

Hồng quế đã nở

Non bộ hớn hở

Cảnh đấy, Người đâu?

Động lòng tưởng nhớ

Bà có khôn thiêng

Xin thưởng ngoạn nhớ!"

Bà Vũ Ngọc Huyến mất ngày 19/6/1967 (tức 12 tháng 5 Đinh Mùi) đỉnh điểm trong thời chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ tại miền bắc nước ta.

Thân phụ của ông Trâm là cụ cử nhân Hoàng Thúc Hội (1870-1938), hiệu Cúc Hương, biệt hiệu An Sơn, tự Gia Phủ, là một nhà thơ, nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc. Cụ sinh ngày 4/8/1870 Canh Ngọ. Năm Bính Ngọ (1906), cụ thi đỗ Cử nhân, nhưng không cộng tác với thực dân Pháp, nên không ra làm quan, ở nhà dạy học. Năm 1932, đền Hai Bà Trưng (Hà Nội) trùng tu. Dịp này, báo Trung Bắc tân văn mở một cuộc thi thơ để kỷ niệm. Sau đó, bài của cụ đã trúng giải nhất, và được khắc vào bia đá nơi đền thờ ấy. Cụ Hoàng Thúc Hội mất ngày mồng 4 tháng 2 năm Mậu Dần (1938), thọ 68 tuổi.

Thân mẫu của ông Hoa Trâm húy Nguyễn Thị Duyệt, hiệu Cần Nại Giản Phác, sinh ngày 13/5/1870 Canh Ngọ-mất ngày 15/10/1941 Tân Tỵ thọ 71 tuổi. Cụ làm nghề dệt vải thủ công, tần tảo nuôi 6 con. Ông Trâm có lần viết về mẹ như sau: "Ngày 5/2/1962 là mồng 1 Tết Nhâm Dần, tôi về quê Cót chơi. Trời nắng, ấm áp. Tối đến chị Tư  đến chơi nói chuyện «cổ tích» ở gia đình xưa: Mẹ tôi khi cưới, có mặc áo mớ ba, áo năm thân bằng vải rồng: cái trong cùng may đơn, màu đỏ, cái giữa và cái ngoài đề kép: cái lót xanh, cái lót tím. Bộ mớ ba này sau cho chị tôi. Khi mẹ tôi đẻ con, thường thường chỉ nằm cữ độ 5, 6 ngày, rồi lại đi chợ ngay. Có lần mẹ tôi đẻ mới được 3 ngày đã phải lội bùn đưa thợ cấy ra đồng để cấy. Mẹ tôi còn phải lo khoa vọng tú tài và cử nhân của cha tôi. Lần khao tú tài thì mua chịu lợn của bà con họ ngoại trên Gối (cậu Tứ một con, chú Điền một con): Khao hết bảy lợn, còn gạo và rượu cũng như bảy lợn đều mua chịu cả. Đó là cái khao tú tài. Đến cái khao cử nhân cũng đều mua chịu rồi «kéo cày trả nợ». Đến lần lo đương cai hàng giáp cho anh Hàm tôi, mẹ tôi mua «ông ỷ» hàng 1 tạ ở trong xóm, rồi nó chết, mẹ tôi phải đi chợ Đo mua 1 ông ỷ khác để đem về làm lễ đương cai”. (Thật là những dòng chữ cảm động về người mẹ hết lòng hy sinh vì gia đình, chồng con).

Về anh chị em ruột, kể theo hàng trai, ông Trâm là thứ 2, còn nếu tính cả trai và gái thì ông là thứ 3 theo thứ tự sau:

1. Bà Hoàng Thị Quyên

2 Ông Hoàng Thúc Hàm

3 Ông Hoàng Thúc Trâm

4 Ông Hoàng Thúc Tấn

5 Bà Hoàng Xuân Nga

6 Bà Hoàng Thị Sửu

(Nói thêm là ông Hoàng Thúc Tấn là thân phụ của nữ Giáo sư Tiến sĩ Toán học Hoàng Xuân Sính và cố Giáo sư Thạc sĩ Vật lý, chuyên gia nghiên cứu Vật lý nguyên tử (Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp Paris) Hoàng Xuân Sáng).

Về con cái, sau 16 năm kết hôn, ông bà sinh được một người con trai duy nhất tên là Hoàng Khiêm (1939-2007). Ông Hoàng Khiêm, tư chất thông minh, tính nết chân chất, trung hậu, cựu học sinh trường Albert Sarraut, giỏi ngoại ngữ, đã từng đi bộ đội, quen biết rồi lấy một cô gái ở xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn (Hải Dương) làm vợ. Ra quân, ông được người quen giới thiệu vào làm ở Báo đối ngoại Tin Việt Nam (Vietnam Courier), làm công tác biên dịch tiếng Pháp. Ông Khiêm làm khoảng 7 năm, sau đó xin nghỉ mất sức, thỉnh thoảng viết bài cộng tác với các báo ở Hà Nội. Ông xuất gia năm 1990 với pháp danh Thích Đức Thiện, trụ trì 1 số chùa ở Hà Nội và Hà Tây cũ và vẫn làm cộng tác viên viết báo. Thời điểm đó, nhà nước đã mở cửa kinh tế nên ông viết báo được nhiều hơn. Trong thời gian tu hành, ông đã đi học về Phật giáo tại Pháp, Mỹ và Swaziland. Ông có bạn bè ở nhiều nước trên thế giới. Ông mất năm 2007, thọ 68 tuổi.

Là con cháu Tôi hay gặp em Hoàng Liên cháu nội ông Trâm, được tiếp xúc với các Di cảo, Tư liệu, các sách xuất bản mà ông để lại, Đặc biệt lưu đủ các bài trên tạp chí Tri Tân và tạp chí Văn Sử Địa, có file các bài thơ của ông Trâm. Tôi có tìm hiểu riêng thì thấy sau ngày ông Trâm mất một thời gian, con trai ông cho gần hết sách của ông tặng viện Sử học. Chỉ còn một ít tài liệu cá nhân nhưng cũng bị cũ nát, may nhà Ông có em Liên này hay chịu khó sưu tầm photocopi mấy tập sách báo cũ của ông nội mình. Năm 2022 này Liên xúc tiến lấy in hai bản thảo (thời ông Trâm còn sống chưa in được),  nay đã xong việc in sách+phát hành lần đầu tiên "Dương hậu" và chờ xuất bản "Gia Linh Công chúa" thời gian sắp tới.

Tính ông cẩn thận, hai năm 1965 và 1972 ông đã thống kê tỷ mỷ các tác phẩm của mình sáng tác hay xuất tái bản theo từng năm và đóng hòm gửi sách và bản thảo vào hầm của Viện Sử. Nên bây giờ muốn tìm tài liệu của ông quá ngon lành cành đào cho các thế hệ sau. Thiển nghĩ mình là cháu cảm thấy giống ông tý ty cái sự ghi chép nhật ký, thích đọc sách sử và thực sự khâm phục tài viết lách, ngày nào cũng cặm cụi viết tay và ông của chúng tôi có một bộ óc thông kim bác cổ.

Mấy ai biết các thời kỳ ông Trâm sống và viết báo viết văn, Tôi mạo muội biên ra.

-Từ năm 1923, ban đầu viết chơi một số bài tiểu luận đăng ở Trung Bắc và Thực nghiệp ở Hà Nội, Ông thấy mình có khả năng viết được Việt văn, nên từ đó ông Trâm cứ theo đuổi nghề viết. Từ 1925 sống bằng nghề viết.

-Tác phẩm đầu tiên được in: Quang Trung I, II, Hà Nội, 1944.

-Từ 1925 (viết Thực nghiệp dân báo, Hà Nội. 1937-1939 (viết Tuần báo Tân văn và Thế giới (Sài Gòn). 1940-1941 (viết báo Nước Nam (Hà Nội).

-1942-1945, làm chủ bút tạp chí Tri Tân (Hà Nội).

-Từ 1946, về ở Hạ Yên Quyết, khởi thảo bộ Hán Việt tân từ điển (khi tản cư, bản thảo bị thất lạc, sau phải viết lại) và biên soạn một số sách. Từ 12/1946 đến 3/1948, trong khi đi tản cư, vẫn tiếp tục chỉnh lý và bổ sung các tác phẩm nói trên.

-Từ 3/1948, vì điều kiện sức khoẻ nên Ông phải vào thành để điều trị và an dưỡng. Từ cuối 1948 đến 10/1954, viết được một số tác phẩm tiểu thuyết như các cuốn : Trần Hưng Đạo, Riêng 2 cuốn chưa xuất bản, chỉ có bản thảo là Gia Linh công chúa, Dương Hậu...

-Từ tháng 7/1956, công tác ở ban Văn, Sử, Địa, làm được một số việc như: Viết Khảo luận, Tham gia biên soạn Lịch sử, Từ điển, Dịch và chú thích, Hiệu đính các Văn bản cổ (sáng tác tập thể). Cộng tác viên của nhà xuất bản Phổ thông, hiệu đính và chú thích một số truyện nôm cổ. Làm câu đối Tết hằng năm (1967 và 1972). Cộng tác viên của Viện Ngôn ngữ, hiệu đính những từ cổ và khó trong bộ “Tiếng Việt phổ thông”. Cộng tác viên của nhà xuất bản phụ nữ Việt Nam

-Cuối 1957-1958, tham gia tiếp quản Thư viện Bác Cổ, nay đổi tên là Thư viện khoa học.

-Từ cuối 1970, chuyển sang Ban Hán Nôm, trực thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, làm một ủy viên trong Ban lãnh đạo, phụ trách:

+ Hiệu đính các bản dịch văn bản bang giao từ cổ đại đến cuối thể kỷ 19.

+ Hiệu đính một số bản dịch thơ văn các sứ thần Việt Nam.

+ Giảng dạy lớp “Chuyên tu Hán Nôm trên đại học”.

- Từ 16/7/1956, công tác ở Ban Văn Sử Địa (nay là Viện Sử học Việt Nam)

- Từ cuối 1970, làm ủy viên ở Ban Hán Nôm trực thuộc UBKHXHVN...

Thành phố Hà Nội và Đà nẵng có phố đặt tên là Hoa Bằng và Hoàng Thúc Trâm (hết truyện)

Chuyện làng quê