Kỷ niệm 50 năm ra trường (1968 - 1972): 50 năm ngày ấy...bây giờ                     

        Đinh Thị Minh Huệ

28/12/2022 06:24

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết của Đinh Thị Minh Huệ, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề "50 năm ngày ấy... bây giờ". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Sau 4 năm dùi mài kinh sử, với nhiều thăng trầm và cũng trải qua mọi cung bậc cảm xúc, lớp Sử K13 – Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội) đã tốt nghiệp ra trường vào nửa cuối năm 1972. Hồi ấy, cả miền Bắc đang thời kì chống trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, mà đỉnh cao là trận chiến 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội cuối năm 1972, thành thử cả lớp chia tay nhau trong bình lặng, mỗi người đi một nơi. Tốt nghiệp khóa học dài 4 năm, một chặng đường rất đáng nhớ và đầy kỉ niệm, nhưng nhiều người chẳng biết bạn mình về nhận công tác ở cơ quan nào.

anh-27-1672154034.jpg
Đinh Thị Minh Huệ hồi trẻ.

 

Đặc biệt, các bạn đã làm xong Luận văn tốt nghiệp nhưng chưa kịp bảo vệ đượcu công nhận tốt nghiệp, tuyển về TTXVN học lớp phóng viên cấp tốc. Sau này, chúng tôi mới biết đây là chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương Đảng giao cho TTXVN tuyển chọn trong số trên 1500 sinh viên từ 3 trường danh tiếng lúc bấy giờ (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Ngoại Giao) lấy khoảng 150 người vào học lớp phóng viên GP10 (từ tháng 8/ 1972 đến tháng 2/1973) để chi viện cho chiến trường miền Nam, cụ thể là tăng cường cho Thông xã Giải phóng (TTXGP) chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Tôi là một trong 3 nữ và sau này cũng là nữ duy nhất của lớp Sử K13 về lớp GP10 (lớp phóng viên đặc biệt đều tốt nghiệp ở các trường đai học: rồi cùng các đoàn quân trùng điệp vào chiến trường miền Nam. Với tuổi trẻ hồn nhiên và không đắn đo suy tính, tôi mang ba lô nặng trịu trên vai, đi dép cao su, suốt 3 tháng trời hành quân dọc chiều dài con đường Trường Sơn huyền thoại để tự mình trực tiếp cảm nhận ý nghĩa sâu xa câu thơ của nhà thơ chiến trường Phạm Tiến Duật:

Trường Sơn đông nắng tây mưa
 Ai chưa tới đó thì chưa hiểu mình

Cứ thế, chúng tôi dãi nắng dầm mưa, chịu những cơn sốt rét rừng, muỗi vắt hành hạ, thiếu nước trầm trọng ở Trường Sơn để về đến đích cuối cùng: Căn cứ Ông Cụ - B2 thuộc R (Trung ương Cục miền Nam, biên giới Tây Ninh giáp với Campuchia). Bởi học xong nghiệp vụ báo chí lớp GP10 hồi ấy, bạn Trần Thi Tuyết ở lại Hà Nội xong chuyển ngành; Nguyễn Thị Thu Hương trên đường hành quân bị đổ xe ở ngã 3 Đông Dương trên nước bạn Lào, bi thương nặng, phải trở ra Bắc, sau này là thương binh về công tác tại tổng xã TTXVN ở số 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội. Thành thử, tôi là nữ duy nhất của lớp Sử K13 vào tới B2. Cùng về GP10 và vào B2 với tôi ngày ấy còn có nhiều bạn trai cùng lớp Sử K13 như Xuân Bân, Doãn Tặng, Thanh Liêm, Quan Tuyến, Nhật Nam, Xuân Tuân, Phan Khôi, Thúc Liêm, Cao Phong, Đoàn Việt…

so-34-1672154482.jpg
Đinh Thị Minh Huệ (bên trái) và Nguyễn Thị Kim Khánh tại Tây Thiên (Vĩnh Phúc) ngày 28/6/2022.

 

NHẬN GIẤY BÁO LẦN 3 VÀ 3 NGÀY ĐI BỘ…

 Mùa hè năm 1968, tốt nghiệp cấp 3 Hương Sơn, Hà Tĩnh, 17 tuổi đời, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, trong tổ “tam tam” của 10 năm học phổ thông, chỉ có duy nhất mình tôi con gái của một gia đình thuần nông đăng kí vào Đai học, trong khi 2 bạn khác gia đình có điều kiện hơn nhiều (có bố mẹ là giáo viên) lại rẽ ngang sang học 10+3 (tốt nghiệp lớp 10 học thêm 3 tháng nghiệp vụ ra làm giáo viên cấp 2). Đang tràn đầy hi vọng thì bị hẫng hụt lớn khi mãi hơn tháng sau khi tốt nghiệp tôi vẫn chưa nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Buồn nhưng không nản. Tôi xung phong vào đội thanh niên tình nguyện của xã đi đắp đập thủy lợi Khe Cò (thuộc địa phận xã Sơn Tiến cùng huyện, cách nhà tôi trên dưới 20km). Mãi đến giấy báo vào đại học lần 3 tôi mới nhận được. Hỏi ra mới hay bưu điện chuyển nhầm sang xã Sơn Hà bên kia sông Ngàn Phố, trong khi tôi thuộc xã Sơn Hòa, bên này sông. Thế là xếp cuốc xẻng và những ngày ở công trường đồi núi nắng cháy da, cháy thịt, tôi theo cha về nhà thu xếp hành trang cho học hành vào đại học.

Lần đầu tiên xa vòng tay ôm ấp của cha mẹ, xa lũy tre làng thân yêu, một mình thân gái dặm trường, vừa đi vừa hỏi đường, sau 3 ngày đi bộ và gần 1 ngày đi nhờ xe ô tô của bộ đội ra Hà Nội nhận đạn tên lửa (hồi ấy dọc Đường Láng đầy xe tải chở tên lửa được cắm lá ngụy trang kín mít). Hơn 20 giờ (không nhớ rõ ngày) tôi ra đến nơi ghi giấy hẹn (19 Lê Thánh Tông Hà Nội). Được chú bảo vệ trên dưới 40 tuổi trực ca hôm ấy cho phép ngủ lại để sáng mai có xe ô tô chở lên nơi sơ tán của trường tại Đại Từ Thái Nguyên. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể có một lời cảm ơn chân thành tận đáy long về sự ân cần, chu đáo mà chú bảo vệ dành cho mình hồi ấy.

 Khi về đến Trại Chuối – Sông Kông, tôi mới biết mình đã đến đến chậm hơn 1 tháng so với các bạn cùng khóa. Do vậy tôi không phải vào rừng chặt tre, nứa về xây dựng trường lớp như các bạn và cùng chỉ mấy hôm sau vào học tập ngay. Qúa trình 4 năm học, chuyển chỗ học, chỗ ở đến mấy lần và được đặt biệt danh “Hợp Chủng Quốc” khi có trên 30% số thành viên là cán bộ, sĩ quan quân đội đi học, số còn lại là học sinh phổ thông các trường cấp 3 thuộc miền Bắc, có thêm cả học sinh Lào. Dẫu chênh lệch về tuổi tác, điều kiện và kinh nghiệm sống nhưng cả lớp vẫn luôn đoàn kết, tôn trọng và rất quý mến nhau. Cho đến giờ mỗi lần gặp gỡ qua hội lớp, chúng tôi vẫn luôn tự hào lớp Sử K13 là một trong những đơn vị dẫn đầu khoa Sử và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về các phong trào thi đua, đặc biệt là các đợt lao động công ích: ăn 5 bữa một ngày để đào đắp hồ Giảng Võ; 2 người một xe cải tiến chất đất cao ngất ngưởng vẫn đẩy phăng phăng lên dốc cao tới hàng chục mét để đắp đê Phú Cường; dầm mưa lũ lịch sử cứu gạo ở ga Yên Viên: giúp bà con khắc phục bão lũ ở xã Liên Hà, Đông Anh… Từ hàng tuần đến hang tháng trời, mặt mũi ai cũng đen nhẻm; những tháng ngày ở nhà đổ Mễ Trì; những lần đi thực tập theo chuyên ngành ở các tỉnh… như vẫn theo suốt cuộc đời của mỗi thành viên trong lớp.

Như đã nói ở trên, không kịp bảo vệ tốt nghiệp, tôi cùng một số bạn trong lớp Sử K13 được TTXVN chọn về học lớp phóng viên GP10 để sẵn sàng chi viện cho Thông tấn xã giải phóng. Sau 3 tháng dầm sương dãi nắng, qua các đợt sốt rét rừng của suốt cuộc hành quân trên cung đường Trường Sơn huyền thoại, tôi vào đến B2 – R vào đầu tháng 6, 1973. Từ đây cuộc đời tôi sang trang mới – làm phóng viên chiến trường. Sài Gòn được giải phóng, tôi cùng cơ quan háo hức về tiếp quản Việt Tấn Xã của Chính quyền Ngụy Sài Gòn. Mọi thứ đều lạ lẫm. Chúng tôi đi bộ từ cơ quan ra đường Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng xem bắn pháo hoa mừng ngày độc lập của đất nước thống nhất. Hàng ngày đến các cơ quan nắm tình hình để viết tin, bài đều phải xem bản đồ để tìm đường đi. Và đáng nhớ nhất là tôi đã lập gia đình theo hình thức giản đơn nhất của mọt người lính (nếp sống mới) tổ chức tại hành lang của cư xá cơ quan. Nhưng chưa kịp làm quen với đường sá, cuộc sống của người dân Sài Gòn sau giải phóng, do hoàn cảnh gia đình, đầu tháng 12/1975 tôi trở ra Tổng xã TTXVN ở số 5 Lý Thường Kiệt – Hà Nội làm việc cho đến ngày nghỉ hưu, cuối năm 2006.

 BÂY GIỜ

Sau 50 năm hồi tưởng lại thời kì ấy, thấy lớp chúng mình – lớp Sử K13, sao mà hăng hái, nhiệt tình và cả liều lĩnh vậy. Bởi khi ấy ai cũng gầy nhỏ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, chứ nói gì đến ăn ngon, mặc đẹp (có lần hội lớp, bạn Phạm Mai dân Bát Tràng chính hiệu kể lại kỉ niệm bạn Minh Trang dân Hà Nội gốc đã mua chăn len về tháo nối rồi đan áo len cho Mai, tôi nhớ bản thân mình cũng đã từng như vậy). Nhớ mà cảm động đến rơi nước mắt. Thiếu thốn đủ điều, khó khan chồng chất nhưng được cái ai cũng trẻ, hồn nhiên, vô tư sống trong một tập thể lớn biết chia ngọt sẻ bùi, nên chúng tôi đã cùng nhau vượt qua tất cả, vẫn vui vẻ học tập và lao động, tình yêu đời và yêu người vẫn nảy nở để sau này đơm hoa kết trái. Trong lớp hiện có một số anh chị và các bạn rất thành đạt, được phong hàm giáo sư, phó giáo sư, viện trưởng, tiên sĩ, hiệu trường các trường đại học danh tiếng của quốc gia và quốc tế. Nhiều bạn đã trở thành chồng vợ, có con cháu phương trưởng. Tất nhiên, cũng vẫn còn đó nỗi đau đáu buồn khi chưa tìm thấy hài cốt của bạn mình sau mấy chục năm hi sinh trên đường Trường Sơn. Vẫn còn một số bạn gia cảnh đang khó khăn, sức khỏe giảm sút không thể tham gia hội lớp…

Trong lần gặp gỡ mới nhất của lớp Sử K13 vào 2 ngày 28 – 29 /6/2022 tại Tây Thiên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đã có trên 30 bạn tham dự. Thật vinh hạnh cho lớp khi có cả vợ chồng Giáo sư Vũ Dương Ninh cùng tham gia. Vợ chồng anh Phạm Thành – Huyến Yến và bạn Thanh Liêm đã không quản ngại xa xôi vượt hàng nghìn km từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự lớp. Gặp nhau, cả thầy và trò đều tay bắt mặt mừng, cười nói rôm rả. Chỉ tiếc là vợ chồng thầy Ninh phải về Hà Nội sớm vì cô bị cảm nên khong đi cùng lớp hết hành trình. Trong buổi giao lưu tối 28 tháng 6, tại đây, cả lớp đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ  21 thành viên đã rời cõi tạm, về với chốn bồng lai tiên cảnh; nghe nghệ sĩ không chuyên Phạm Công Phin biểu diễn đàn bầu những bài ca đi cùng năm tháng; nghe anh Phạm Thành thể hiện ca khúc Phượng Hồng với giọng bolero vẫn còn rất hay và trầm ấm của tuổi 80 (vài ngày trước tôi cũng vừa được thưởng thức chương trình kỉ niệm 80 mùa xuân – một thời ca hát của anh Phạm Thành và những người bạn, gia đình thân yêu, được tổ chức rất hoành tráng tại TP Hồ Chí Minh).

Tại buổi giao lưu rất đáng nhớ này và trong hai ngày suốt cuộc hành trình về với Tây Thiên Tam Đảo, chúng tôi ai cũng động viên nhau hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn có thể tham gia nhiều cuộc gặp gỡ với lớp Sử K13 trong tương lai. Đến bây giờ, giáo sư, tiên sĩ, ông nọ, bà kia giàu nghèo… chẳng còn gì là quan trọng cả. Mà điều quan trọng và đọng lại nhất vẫn là tình bạn trân quý của lớp Sử K13 Trại Chuối - Sông Kông, gian khổ mà không kém hào hùng.

50 năm, nửa thế kỉ ra trường (1972 – 2022), quá nửa đời sinh học của một con người, như một cuốn phim quay chậm. Và theo quy luật tạo hóa, rồi đây sẽ ai còn ai mất, bởi tuổi già như chuối chín cây, nhưng trong tôi vẫn luôn lưu giữ những kỉ niệm đẹp, những niềm vui, nỗi buồn, những dại khờ, bao dung và tha thứ của những ngày đầu đến nhận lớp, nhập trường của một thời sinh viên sôi nổi, gian khó. Tôi cũng có một ước muốn cháy bỏng là những tình cảm trân quý, thân thương của tình bạn, tình thầy trò, cả tình yêu nam nữ… của lớp Sử K13 – ĐH Tổng hợp Hà Nội mãi lưu lại với hậu thế…

THAY LỜI KẾT

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Nghĩ rằng, đây là dịp hiếm có để nhớ lại và muốn tâm sự chân tình với các anh chị và các bạn đồng môn, nên tôi viết ra những dòng này. Mới ngày nào, lớp học sinh phổ thông chúng mình trở thành những sinh viên đại học khi tuổi mới mười tám đôi mươi. Mà nay, sau 50 năm ra trường, đều qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, thậm chí các anh chị là cán bộ, sĩ quan quân đội về học đều đã ở ngưỡng tuổi U90, hầu hết đều đã lên chức ông bà nội ngoại, có thêm mấy cụ nữa. Đến năm 2022 đã có  21 thành viên của lớp về với tiên tổ, trong đó có bạn đồng môn, đồng nghiệp, đồng hương với tôi và liệt sĩ Trần Viết Thuyên mãi nằm lại với đất trời nước bạn ở tuổi 20, có một số người là thương binh.

Dẫu cuộc đời có nhiều thăng trầm và trải qua mọi sự “hỉ, nộ, ái, ố”, tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, nhưng ngẫm lại 50 năm qua là chặng đường đẹp nhất của một đời người. Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng từ bản thân nhận thấy mình quá kiên cường nên mới vượt qua bao cám dỗ của đời thường, sống và làm việc vô tư, tự bằng long với mình hiện tại. Cảm ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục con nên người, cho con học hành thẳng tắp từ phổ thông lên đại học (trong khi các anh, chị phải qua đường vòng).

 Cảm ơn cuộc đời và nhất là TTXVN đã chọn nghề làm báo cho tôi được đi đây đi đó, đem lại hạnh phúc nhỏ cho cả cuộc đời và rèn giũa tôi trường thành, không ngại gian khổ hi sinh, cùng đồng đội tự hào vượt qua cung đường Trường Sơn trong mưa bom bão đạn, trong 3 năm trời ở Rừng Chiến Khu và mấy chục năm đóng góp công sức, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước sau khi thống nhất non sống. Nay ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, tôi thấy mình thanh thản khi mọi việc đại sự của 2 bên nội, ngoại đều đã chu toàn, có con trai duy nhất nối nghiệp của mẹ, có 2 cháu nội đủ cả nếp tẻ. Chỉ cầu ông trời và tổ tiên linh thiêng phù hộ cho sống thêm ít năm nữa để được chứng kiến sự đổi thay của đất nước trong việc hội nhập quốc tế nhưng không hòa tan, chứng kiến từng bước trưởng thành của con cháu, bạn bè, những người thân… Tôi tự nhủ: Hãy sống vui, sống khỏe, sống có ích của tuổi già khi còn có thể.

Tháng 8/ 2022
Đ.T.M.H

Bạn đang đọc bài viết "    Kỷ niệm 50 năm ra trường (1968 - 1972): 50 năm ngày ấy...bây giờ                     " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn