Trân trọng giới thiệu bài viết của Trần Thị Tuyết, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề "Mãi nhớ ngày ấy lớp chúng mình G1 Trại Chuối". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.
Có lẽ đến chục năm rồi tôi đã “gác bút” và xếp gọn máy tính, quyết định không viết lách gì nữa để trở về với “góc bếp” thân thuộc, toàn tâm toàn ý làm nội trợ chăm sóc “người bạn đồng môn đàn anh cùng nhà” hay đau yếu khi đã có tuổi và đàn cháu nhỏ thân yêu của mình. Tôi và “nửa kia” đã từng thống nhất: khi nào nghỉ hưu sẽ cùng viết lại những kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp”. Nhưng những biến cố của gia đình đã không cho tôi thực hiện được ý nguyện, bởi tôi không muốn viết hồi ức trong nỗi cô đơn.
Hôm nay, ngày 5/8/2022. Tôi luôn coi ngày 5/8 là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời mình. Còn nhớ ngày này của tròn 54 năm trước, tôi chính thức đặt bước chân vào cửa Trường Đại học (5/8/1968), chính thức trở thành Tân Sinh Viên. Một trùng hợp thú vị, tròn 4 năm trên ghế giảng đường, ngày 5/8/1972, tôi rời mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội), chính thức được gọi vào Thông tấn xã Việt Nam để trở thành Tân Phóng viên. Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày xa quê, rời khỏi vòng tay mẹ, tập làm người lớn, làm quen với môi trường mới, với những công việc mới, tiếp xúc với những con người mới… đã lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều cảm xúc sâu sắc khó quên. Ký ức của một thời thanh xuân sôi nổi, đáng yêu, đáng nhớ, chợt ùa về trong tôi.
Ngày ấy của tôi với những người bạn mới ở G1 -T104 – BC 11C
Tôi từ một cô bé học sinh “nhà quê”, bỡ ngỡ và khờ khạo, “bỗng” trở thành Tân Sinh viên một trường Đại học danh giá của Việt Nam. Nhận giấy triệu tập nhập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi tràn ngập niềm vui. Vào Đại học là ước mơ từ lâu của tôi và gia đình. Tôi có 2 người anh sau khi tốt nghiệp cấp 3 đều đã tạm dừng việc học để làm nghĩa vụ của “trai thời loạn”. Anh trai sát tôi, trước khi lên đường đi B, đã dặn dò tôi: Em ở nhà phải chăm sóc mẹ và cố gắng học để được vào đại học, nhà mình nhất định phải có người vào đại học. Anh đi chiến đấu, khi nào hòa bình, nếu còn sống trở về anh cũng sẽ tiếp tục học đại học (mặc dù khi đó tôi mới thi vào lớp 8 Trường cấp 3 Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định).
Mừng vui, háo hức, quyết tâm, có chút lo lắng và buồn nhớ. Tôi mang tâm trạng đó đến trường, đến với Lớp G1 Trại Chuối, Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi không muốn nhắc nhiều đến khó khăn, gian khổ của cuộc sống sinh viên thời đó, mà ai cũng từng phải trải qua, từng biết, từng nhớ. Cả một thế hệ sinh viên chúng mình đều như vậy. Tôi nhớ và muốn nhắc nhiều đến những ấn tượng tốt đẹp về tình thân, tình thày trò, tình bạn, tình người, trong những ngày khó khăn gian khổ. Những người bạn mới trong lớp ngày ấy, nay người còn, người mất, đã cùng tôi và giúp tôi ngày càng trưởng thành, tự tin, cảm nhận được nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Có những người bạn từ ngày ấy vẫn tiếp tục đồng hành, sẻ chia, và có tác động tích cực đến cả chặng đường dài của cuộc đời tôi sau này.
Kỷ niệm về nhóm bạn mới đầu tiên lớp G1 của 54 năm trước với tôi như vẫn còn đâu đó. Chúng tôi gồm: Đỗ Văn Kiểm, Phạm Văn Mai, Trương Quế Phương, Trần Song Nhã (sau này bạn chuyển sang Khoa Sinh) và Trần Thị Tuyết đã cùng nhau xuyên rừng, lội suối, dầm trong mưa, cuốc bộ từ ga Phổ Yên về Trại Chuối. Từ những người bạn xa lạ, như có chất xúc tác, chúng tôi nhanh chóng quen thân, thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trên hành trình thử thách đầu đời sinh viên. Nhóm chúng tôi xuất phát từ chiều ngày 5/8/1968 trong cơn mưa rừng tầm tã. Đêm đó, chúng tôi nghỉ nhờ tại mấy lán tranh ven đường của nông trường chè Tân Cương, Thái Nguyên, trong trạng thái bụng đói toàn thân mệt rã rời. Nằm trong lán trống chếnh giữa rừng, không bóng người qua lại, nghe tiếng mưa rơi, tiếng suối chảy, tôi và chị Quế Phương vừa sợ, vừa nhớ nhà không ngủ và khóc. Ơn trời, thời chiến nên con đường dài xuyên rừng khá an toàn. Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trong cảm giác mệt mỏi, nặng nề. Các bạn trai giúp tôi mang hành lý, dìu qua quãng đường khó, chia sẻ với nhau miếng ăn, nước uống. Tôi không thể quên cảm giác lần đầu tiên trong đời khi vượt suối sau những ngày mưa lũ. Trước khi vào xã Vạn Thọ (đại bản doanh của các Khoa Văn, Khoa Sử), phải vượt qua con Suối Đôi. Suối Đôi khá rộng và lại hung dữ hơn sau những trận mưa lớn, nước cao trên ngực, chảy xiết. Anh Đỗ Văn Kiểm cao kều, cùng 2 bạn nam Mai, Nhã xung phong chuyển hành lý cho cả nhóm, rồi trở lại dìu dắt chị em chúng tôi qua suối. Cảm giác những viên đá cuội gập ghềnh, trơn trượt dưới chân hùa cùng dòng lũ muốn kéo tuột tôi ra khỏi bàn tay các bạn. Các bạn nam nắm chặt tay nhau kết bè phía trên để ngăn bớt sức mạnh của dòng chảy cho 2 bạn nữ đi phía dưới. Cuộc “hành quân” vào Trại Chuối cho tôi cảm nhận mới, hiểu được thế nào là rừng, là núi, là suối, là mưa rừng, và sự nguy hiểm do chúng gây ra. Tôi không còn thấy chúng đẹp và thơ như trước đây thường mơ mộng thông qua những trang sách và phim ảnh. Cảm giác vượt suối đáng sợ ngày ấy vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Nếu hôm đó không có các bạn cùng nhóm giúp đỡ, tôi không dám chắc điều gì đã xảy ra với tôi. Rồi những tháng ngày lao động đi rừng chặt củi, lấy gỗ vất vả tôi càng thương cảm những người dân, người bạn vùng sơn cước. Và tôi cũng cảm nhận sâu sắc một điều: đi đường xa rất cần có những người bạn tốt.
Ngày đầu đến Trại Chuối, được các anh chị G2 nhường cho những chiếc giường nằm và bàn học ghép bằng phên nứa, vừa gồ ghề, đau lưng, vừa chật chội, mỗi khi trở mình thì kọt kẹt khó ngủ. Tôi quen Trịnh Thị Minh Trang từ những ngày ấy, một cô gái Hà Nội trắng trẻo dễ thương, mũm mĩm như búp bê. Tôi và Trang được xếp cùng tổ 3, Tổ trưởng là Bùi Quý Đọ. Trời lạnh đã có lúc chúng tôi chung nhau 1 giường cho ấm. Minh Trang người Thủ đô nhưng tính hiền, chân thật, dễ hòa đồng. Cùng tuổi Con Hổ (Canh Dần), nhưng Trang khá cứng cỏi, không hay xúc động, dễ khóc như tôi. Tôi thường đùa Trang có thần kinh “thép”. Trang ít nói, trầm tính, hơi nhát trước đám đông. Còn tôi hay nói, ưa hoạt động, thích vui nhộn. Vậy mà cho đến nay, tôi và Trang vẫn đồng cảm, chia sẻ, thân thiết với nhau.
Từ tôi và Trang, chúng tôi có thêm những người bạn chung khác là đồng hương: Phạm Cao Phong (đồng hương Nam Hà với tôi), Nguyễn Việt, Phạm Văn Mai, Nguyễn Mạnh Hùng…(đồng hương Hà Nội với Trang). Nhiều kỷ niệm đẹp của “nhóm đồng hương” chúng tôi trong những khi rỗi rãi, nhớ nhà, vui buồn, sẻ chia, giúp đỡ, động viên nhau thật khó quên. Tôi vẫn rất nhớ tiếng kèn Acmonica du dương, khi vui nhộn, lúc sâu lắng của Nguyễn Việt; tiếng hát nhẹ, trong, da diết của Minh Trang. Những bài hát tiếng Nga quen thuộc của tuổi trẻ thời đó mà các bạn thường kèn và hát cho nhóm chúng tôi (đôi khi Trang chỉ hát riêng cho mình tôi) nghe, như “Thời thanh niên sôi nổi”, “Chiều ngoại ô Matxcova”,”Ca chiu sa”, “Đôi bờ”…, làm say lòng người, động viên nhau, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, quên bớt những khó khăn, thiếu thốn. Nhóm “bạn đồng hương” ngày ấy, sau hơn nửa thế kỷ thăng trầm, đã lên chức ông bà; người còn, người mất; tuy ít gặp được nhau, nhưng khi gặp lại, chúng tôi vẫn thân thiết, đùa vui như thuở thiếu thời, vẫn luôn nhắc nhớ chuyện xưa.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại được lớp cử làm Lớp phó phụ trách đời sống mấy năm học liền. Tôi cũng không có “máu” làm cán bộ, nhưng là nhiệm vụ được giao thì tôi cứ phải làm thôi. Điều đáng nói là, cơ duyên ấy đã gắn bó tôi với người bạn hơn tuổi suốt từ năm nhất cho đến trước khi lớp mình Phân Ban năm thứ 3. Chị Hoàng Thị Minh Lý, quê Quảng Trạch (Quảng Bình), khi đó được cử làm quản lý bếp ăn của lớp. Hai chúng tôi được ở một phòng nhỏ cách biệt với các dãy nhà các bạn cùng lớp; bên cạnh là cái kho đựng nồi niêu xoong chảo, mắm muối và tiếp đến là căn bếp suốt ngày người ra vào, nào báo cơm, cắt cơm, chia cơm, thậm chí là chút mỡ, chút muối, chút mì chính để nấu cháo sắn lá lốt của các bạn trong lớp khi đói lòng. Bù lại, chỗ chúng tôi ở lúc nào cũng vui nhộn, ấm áp và thơm mùi thức ăn, nhất là mùi cháo lá lốt ngày đêm. Tôi và chị Lý trở thành đôi bạn “chung giường” “chung phòng” từ Trại Chuối, rồi Nhà Đổ, Mễ Trì, Cao Viên (Thanh Oai), nhà D2 (Ngoại ngữ), cho đến khi lớp chia tay nhau đi thực tập sau Phân Ban. Chị em tôi coi nhau như người nhà, biết và thăm hỏi đến từng người thân trong gia đình của nhau. Chúng tôi chia sẻ với nhau đủ chuyện vui buồn trong cuộc sống, kể cả những chuyện thầm kín riêng tư. Từ chị Lý, tôi quen và quý mến các đồng hương Quảng Bình của chị từ năm thứ nhất, trước hết là Trần Hữu Đính lớp mình, rồi các chị học trước hai ba khóa. Cho đến nay, nhiều người bạn Quảng Bình thời ấy, chúng tôi vẫn chưa mất liên lạc. Yêu lắm những tình bạn vô tư, trong trẻo như thế.
Trong số những bạn lớp mình nay không còn nữa, nhưng tôi vẫn lưu giữ những kỷ niệm không quên về họ. Đó là Trần Ngọc Bích, chàng trai Hà Tĩnh nói to, ăn khỏe, làm khỏe, hăng hái trong mọi việc chung; có thời được giao phụ trách lao động. Những đợt lớp liên tục phải lao động đi rừng chặt cây, lấy tre nứa, lấy củi để sửa chữa và làm thêm nhà ở, phòng học… Nhiều ngày các bạn lao động nặng nhọc, vào rừng xa gần chục cây số (mà một địa danh tôi còn nhớ Hang Cà). Trong khi bữa ăn hàng ngày chỉ có ngô răng ngựa luộc hoặc “bánh mì nắp hầm nhân mọt” ăn với canh măng tươi nấu muối, Ban Cán sự lớp cử tôi và Trần Ngọc Bích mua thêm sắn để buổi tối các bạn cải thiện. Chúng tôi lội qua Sông Công, đi tiếp hai, ba cây số, vào nương của dân mua sắn. Tự lên nương nhổ, tự bó, tự cân và gánh về, bao giờ dân cũng “khuyến mãi” cho nồi sắn luộc nóng hổi. Và tối những hôm có sắn, nhiều nhóm, tổ rủ nhau “liên hoan” quanh nồi cháo sắn thơm lừng mùi lá lốt. Ngọc Bích nhổ sắn “như thần”, tôi chỉ ngồi chặt và xếp sắn mà không kịp. Gánh sắn của Ngọc Bích bao giờ cũng nặng gấp đôi của tôi (mặc dù tôi cũng quen lao động từ nhỏ, gánh cũng khá). Về đến Sông Công, bao giờ Ngọc Bích cũng bảo tôi đứng đợi để bạn sang đón, không cho con gái gánh nặng lội sông. Trong những kỳ lao động nặng nhọc, những công việc lớn nhỏ của lớp, yêu cầu cần giúp đỡ của bạn bè…bao giờ Ngọc Bích cũng hăng hái tham gia vô tư và nhiệt tình. Người như vậy mà giờ đây đã thành người thiên cổ chục năm có lẻ.
Còn nhớ lần đâù đi rừng chặt củi, nứa, tôi lúng túng chưa biết xoay xở thế nào, Nguyễn Thị Huệ (quê Anh Sơn Nghệ An, nay đã rời cõi tạm), Trần Ngọc Bích, Trần Minh Phượng… đã hướng dẫn tôi kinh nghiệm đi rừng: chặt tre nứa phải luôn đứng chỗ cao hơn phía trên bụi tre, nứa, để khi bị chặt đứt, tre, nứa không lao xuống đâm vào người, nguy hiểm. Các bạn còn giúp tôi chặt đủ số lượng, dạy cách bó nứa, bó củi, cách vác củi, nứa xuống núi, lợi dụng dốc núi để đẩy chúng xuống… Nhờ vậy tôi nhanh chóng nhập cuộc và thành thạo kỹ năng sau mỗi buổi đi rừng.
Vũ Văn Cún, sau bạn đổi thành Vũ Văn Công (quê Thái Bình), cũng là một bạn năng nổ, chất phác, lao động khỏe, nhiệt tình không mấy bạn trong lớp sánh kịp. Trong lao động, bao giờ Cún cũng là người bạn dẫn tốp đầu về năng suất, Cún có thể làm khỏe gấp đôi bạn bình thường khác. Còn nhớ, các kỳ lao động mệt đến kiệt sức sinh viên như: kéo gạo ngập lụt tại Ga Yên Viên, đắp đê Phú Cường, đào hồ Giảng Võ… Cún thường cùng với nhóm bạn trai có sức khỏe gương mẫu, động viên, giúp đỡ bạn bè, thúc đẩy cả tập thể lớp cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Vũ Văn Cún cũng có “chân” trong vụ “khênh xe cải tiến trong đêm” hồi đắp đê Phú Cường, góp phần đưa lớp ta dẫn đầu Khoa trong đợt thi đua ngày ấy?
Nói đến đắp đê Phú Cường không thể không nhớ anh Ngô Quốc Túy, người cán bộ đi học vui tính, “lắm chiêu” luôn khuấy động phong trào thi đua lao động và sinh hoạt của lớp. Nhớ Anh thường gây cười với bài hát “Bé bé bằng bông” mỗi khi lớp sinh hoạt văn nghệ. Nhớ đợt lao động ở Phú Cường, anh tặng một lá cờ đỏ cho những chuyến xe cải tiến chất đầy đất, chạy băng băng, vượt qua nhiều xe khác của các bạn cùng lớp và khác lớp, mà anh gọi là “xe trai tài”, “xe gái đảm”…Nhớ những câu chuyện vui anh kể, làm tan đi sự mệt nhọc, nỗi buồn nhớ.
Nhắc đến những người bạn để lại kỷ niệm sâu sắc với tôi, không thể không nhắc đến người bạn đặc biệt, người anh, người bạn đồng môn, “đồng sàng” và đồng chí của tôi: Anh Nguyễn Đức Châu. Như duyên tiền định, chàng Công an nhân dân vũ trang ấy đã “ghi điểm” với tôi ngay từ ngày đầu anh nhận lớp. Hôm đấy là buổi trực bếp ăn của tôi, phụ giúp cùng các bác, các chị cấp dưỡng. Ngày ấy, bếp ăn nằm cạnh đường trước khi vào khu nhà ở sinh viên, phía ngoài nhà ông Tâm Hùng. Anh bước vào căn bếp, hỏi thăm về lớp, thấy tôi đang loay hoay cái xẻng trong tay bên cái chảo nấu cơm to đùng đang sôi, anh đặt ngay ba lô xuống và giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thầm nghĩ, có lẽ mấy năm trong quân ngũ đã giúp anh quen việc bếp núc. Năm thứ 3, chúng tôi mới chính thức trở thành đôi bạn “tâm giao”. Ra trường nửa năm, chúng tôi về chung một nhà, tôi mới biết anh không hề phải làm và càng không biết gì đến việc bếp núc và quản lý tài chính gia đình (bởi anh là con trai, mà lại là con trai trưởng của Xứ Huế). Mọi công việc “đối nội” và “đối ngoại” (nói cách khác là việc “tề gia nội trợ”) trong gia đình đương nhiên thuộc về người phụ nữ, anh chỉ chú tâm vào công việc chuyên môn ở cơ quan. Tôi trở thành “nữ tướng” trong nhà, tha hồ “tả xung hữu đột”. Bù lại, anh là người sống có trách nhiệm và thương yêu vợ con.
Theo tôi, nếu tình yêu sinh viên, yêu bạn cùng lớp đã đẹp và tuyệt vời, thì trong cuộc sống gia đình và công việc chuyên môn của “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” còn đẹp và tuyệt vời hơn. Chúng tôi hiểu và giúp đỡ nhau nhiều, dễ cảm thông, sẻ chia. Mỗi cuốn sách xuất bản, những đề tài nghiên cứu, những vấn đề về chuyên môn, chúng tôi thường cùng nhau trao đổi và hoàn thành. Những kỷ niệm vui buồn trong lớp, những chuyện thầy, chuyện bạn…thường là những chủ đề mỗi ngày giữa chúng tôi. Chúng tôi có lẽ là đôi bạn “lắm chuyện” vào loại nhất lớp chúng mình. Anh có thể là người chưa hoàn hảo và tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi đã thực sự là “một nửa” của nhau. Tôi đã có người bạn đời đáng tin cậy để nương tựa. Song có những điều trong cõi nhân gian này, tôi cũng chưa hiểu nổi… Sau 42 năm 2 tháng 7 ngày chung một nhà, “duyên nợ” giữa chúng tôi đã hết, nhưng anh mãi là người bạn đồng hành chung thủy của tôi, mãi là người bạn thân thiết đặc biệt mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi.
Ngày ấy với nghề nghiệp của tôi
Quyết định nhập học của tôi vào khoa G, với tôi nghe mới và lạ. Dò hỏi, tôi mới biết Khoa G là Khoa Lịch sử, thú thật lúc đầu tôi thấy chán nản. Suốt thời gian học phổ thông, tôi cũng yêu thích môn Lịch Sử và cũng học khá tốt môn Lịch sử. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng vào học Trường Đại học Tổng hợp chắc cũng được xếp học chuyên Toán, chuyên Văn, hoặc Lý, Hóa, Sinh gì đó. Tôi không thích lắm học chuyên về khoa học tự nhiên trong môi trường Đại học; song chưa hề có khái niệm học chuyên Sử, Địa. Và cũng thật sự không muốn học chuyên sâu hơn môn Lịch sử với những sự kiện, ngày tháng, con số cụ thể, khó nhớ. Thêm vào đó, ngày đầu đến Trại Chuối, nhìn phòng ở, giảng đường, nơi sinh hoạt… tôi có ý định bỏ về hoặc xin chuyển khoa khác như một số bạn đã làm. Song nghĩ đến mẹ và các anh, nghĩ đến ước vọng và công sức của mình trong 10 năm học phổ thông, và so sánh với những khó khăn của các bạn nơi tuyến lửa Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, tôi quyết định ở lại Khoa, học Lịch Sử. Tuy nhiên, ngày đầu tôi học như một nghĩa vụ hơn là thực hiện mơ ước; đôi khi học cầm chừng, kết quả học bình thường.
Nhưng qua những bài giảng, những cuốn giáo trình với kiến thức uyên thâm; các thầy cô giỏi, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết với nghề, với học sinh thân yêu đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi bắt đầu say mê với môn học, chăm học và học hành tiến bộ hơn. Khi học Lịch sử Việt Nam, tôi sợ nhất thời kỳ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 phức tạp; học sử Thế giới tôi sợ nhất lịch sử Trung Quốc, rắc rối, khó nhớ. Và rồi như một duyên nợ với môn Lịch sử, sau này về công tác tại Viện Nhà nước và Pháp luật (Ủy ban Khoa học xã hội, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tôi lại trở thành cán bộ nghiên cứu về lịch sử, chuyên sâu về Lịch sử Nhà nước và Pháp luật. Lúc đầu là cơ quan giao kiêm thêm, sau đó là Khoa Luật (nay thuộc Đại Học Quốc gia, Đại học Luật Hà Nội, và một vài trường Đại học chuyên ngành Luật mời về việc soạn giáo trình và giảng dạy các môn Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam; Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới. Đối tượng học tập và phương pháp tiếp cận của khoa học pháp lý và khoa học lịch sử có thể khác nhau, nhưng những kiến thức, phương pháp giảng dạy của các thầy cô truyền dạy, là điểm tựa cho những bài giảng của tôi thêm sâu sắc. Tôi chọn cách giảng thích hợp, bớt rắc rối, tránh nhàm chán, tập trung vào những vấn đề cốt lõi của chuyên ngành. Các sinh viên có vẻ thích thú với giờ lên lớp của tôi; tôi đã có thành công nhất định trong nghề nghiệp. Tôi cho rằng, ngoài cố gắng của bản thân, còn có công sức của nhiều người giúp đỡ, trong đó công đầu thuộc về các thầy cô giáo của Khoa Lịch sử. Tôi luôn rất kính quý, biết ơn các thầy cô và càng yêu hơn Khoa học Lịch sử. Giờ đây tôi thấy mình đã thật may mắn vì có được một nghề đáng quý, gắn bó từ ngày ấy: học và dạy Lịch sử.
Trên đây chỉ là một vài cảm nhận, từ một góc nhìn hẹp của tôi về lớp chúng mình G1 Trại Chuối ngày ấy, góp cùng các bạn. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những điều tuyệt diệu. Cảm ơn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; cảm ơn Khoa Lịch sử và các thầy cô trong Khoa đã cho tôi một nghề nghiệp đáng trân quý; cảm ơn các bạn lớp chúng mình đã cho tôi nhiều điều thú vị, đáng yêu. Cảm ơn tất cả.
Viết xong ngày 10/8/2022
Cựu Sinh viên G1 Khoa Lịch Sử Khóa 1968-1972
T.T.T