Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972- 2022): Phạm Nhật Nam xông pha chiến trường gian khổ                                                         

            Đoàn Việt

23/12/2022 07:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài của Đoàn Việt, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề "Phạm Nhật Nam xông pha chiến trường gian khổ      ". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Phạm Nhật Nam là một trong những phóng viên trẻ nhất của khóa đào tạo phong viên đi B của TTXVN, GP 10. Ở R, anh là người đầu tiên được cử đi mặt trận; là người tham gia chiến trường biên giới Tây Nam thời gian dài nhất, gian khổ nhất và sau đó, là Trưởng Cơ quan thường trú  (CQTT) tại TP HCM 3 năm, rồi Phó Giám đốc cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (B2) thuộc loại lâu nhất. 

anh-22-1671726463.jpg
Phạm Nhật Nam (thứ hai từ trái sang), ngoài cùng bến trái là Phạm Văn Mai, ngoài cùng bên phải là Nguyễn Mạnh Hùng, tiếp đến là Nguyễn Việt (đeo kính). Ảnh chụp năm 1971.

 

Vào giữa năm 1974, khi anh mới đặt chân tới căn cứ R được một năm thì Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thành lập đoàn công tác đi xây dựng phong trào. Mặc dù mới 22 tuổi, anh đã được cơ quan TTXGP cử tham gia đoàn. Đoàn xuống hoạt động ở 2 xã địch đang kiểm soát là Hòa Hợp (giáp với biên giới CPC) và Phước Tân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn và hành lang xuống miền Tây Nam bộ của lực lượng ta. Trong chuyến đi này, anh là một trong những phóng viên của khóa GP 10 viết tin chiến trường đầu tiên, mặc dù lúc đó, anh chỉ được giao nhiệm vụ làm công tác dân vận. Đó là vào một ngày tháng 7-1974, khi máy bay phản lực Mỹ đến ném bom xuống trường cấp I Tà Nông huyện Tân Biên, nơi học sinh đang học. Căn nhà anh đang ở biến thành hố bom, toàn bộ ba lô đồ dùng tư trang của anh bị bốc cháy. Không kịp thu dọn, anh vội chạy đi thu thập tài liệu viết tin và đã mạnh dạn mượn máy của chủ một tiệm ảnh, đi chụp ảnh, trong khi lửa đang cháy rát rạt và tiếng kêu khóc không ngớt. Đêm đó, anh thức suốt đêm viết tin, bài ghi nhanh và mờ sáng hôm sau, anh nhờ người chở về cơ quan ở căn cứ Lò Gò kịp phát tin, ảnh tổ cáo hành động dã man của địch ném bom vào khu dân cư, trường học ở vùng giải phóng. 
          Không lâu sau, anh cùng với các anh cán bộ tiểu ban Văn nghệ và tiểu ban Giáo dục giải phóng được Ban tuyên huấn Trung ương cục MN điều động xuống xã Thanh Điền - một xã ở vùng ven thị xã Tây Ninh, nằm trong vành đai bảo vệ thị xã của địch. Mỗi người phụ trách một ấp, trực tiếp bám dân thực hiện công tác được giao. Anh sống cùng với 3 du kích xã do anh Năm Long, xã đội trưởng làm trưởng nhóm. Ngay ngày đầu tiên, các anh đã phải vượt sông Vàm Cỏ Đông đến địa bàn công tác. Để tiện cho việc bám dân, bám đất, tránh sự phát hiện của địch giữa bốn bề nước mênh mông, các anh phải chọn những gò đất có những bụi cây làm nơi ẩn nấp và quan sát, khi cần thiết có thể vượt sông trở lại vủng giải phóng. Nơi đây, muỗi nhiều vô kể và phải chờ tới đêm khuya, các anh mới có thể nấu ăn, nhưng phải che chắn kỹ ánh lửa. Địch thường xuyên bắn pháo, anh em phải liên tục nhảy xuống hầm, nhiều khi, quần áo chưa kịp khô lại nhảy xuống và phải chấp nhận ngâm nước lạnh! Ban đêm rét run cầm cập. Có lúc đạn pháo nổ cách chỗ anh em không đầy 100 mét. Anh em chủ yếu ăn cơm cháo với rau dại ngoài đồng như kèo nèo, chùm bao, rau đắng, lục bình với mắm nêm. Thỉnh thoảng mới được ăn chất tươi do bắt được cá ở kênh! 
          Một kỷ niệm đáng nhờ là tối 28 Tết năm 1975, anh cùng các anh du kích đột nhập vào ấp chiến lược thăm và chúc Tết bà con, trước khi về vùng giải phóng ăn Tết. Trong khoảnh khắc đó, mọi người đều bâng khuâng, lo lắng sự cố có thể xẩy ra, nhưng đều quyết chí đi! Súng lăm lăm trong tay, anh theo anh Năm bước đi dò dẫm, thận trọng, vừa đi vừa nghe ngóng, cảnh giác, vượt qua những bãi chông, mìn, hàng rào kẽm gai của địch để vào ấp. Gần 10 giờ đêm mới tới nhà anh Năm. Tại đây, trong ánh sáng mờ ảo của đèn dầu vặn nhỏ bằng hạt đậu, má anh Năm nắm tay, sờ lên đầu tóc từng người như sờ lên đầu những đứa con ruột thịt xa cách lâu ngày! Sau đó, má mò mẫm trong bóng tối sắp xếp, chuẩn bị cho các con những món quà để mang về cứ ăn Tết. Anh đã cùng anh em đi thăm và chúc Tết bà con trong ấp, rồi về nhà anh Năm lần nữa. Má anh Năm đã dọn sẵn cỗ và ra ngoài canh chừng cho các anh ăn Tết! Khoảng hai giờ rưỡi sáng, các anh mới rời khỏi ấp, mang theo lỉnh kỉnh các món quà Tết của bà con. Đối với anh, đây là kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên về tình cảm cách mạng của người mẹ anh Năm và bà con trong ấp chiến lược đối với các anh trong mùa xuân cuối cùng ở vùng giải phóng năm ấy!
          Sau ngày giải phóng, vào cuối năm 1977, tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng. Ngày 25-9-77, bọn Pôl pot đã xua quân sang tàn sát, cướp bóc ở một số ấp thuộc hai tỉnh An Giang và Tây Ninh. Anh cùng với phóng viên ảnh Lê Cương được cơ quan cử lên Tổng đội 3 TNXP đang phục vụ chiến đấu ở hai huyện biên giới Tân Châu và Tân Biên (Tây Ninh) để chụp ảnh, viết bài. Sau đó một tháng, anh lại cùng một số anh em phóng viên cơ quan đến trung đoàn Gia Định, cũng ở tuyến biên giới huyện Tân Biên. Các anh sống cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, xuống đại đội, ra tận trận địa, chiến hào, chốt tiền tiêu, gặp các tập thể, cá nhân điển hình, phỏng vấn, chụp ảnh. Đêm đến, các anh ngủ trong công sự với chiến sĩ, trong khi, địch thường xuyên câu pháo, cối hoặc huy động quân tấn công sang. Sau đó, các anh đến sư đoàn 9 (quân đoàn 4) bào vệ tuyến biên giới Bến Cầu và Gò Dầu (Tây Ninh). Có lần, các anh suýt bị kẻ địch phục kích sát hại khi xe của các anh sắp lên cầu Sốc Nốc ở CPC, cách biên giới 3 km. Tiếp theo, anh lại cùng anh em phóng viên nhóm thứ 3 đi một tháng trời, xuống các sư đoàn 10, 320, 31, một số lữ đoàn pháo bỉnh, công binh, cao xạ, xe tăng thuộc quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) ở Công Pông Chàm và tiếp xúc với một số đơn vị vũ trang của cách mạng CPC.
          Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1978, đoàn Chuyên gia TTXVN mang mật danh S78 thành lập, anh lại cùng với một số anh như Vũ Xuân Bân, Nguyễn Đăng Chiến, Bùi Tiến Lợi, Lê Cương, Thanh Hải … tham gia đoàn. Từ giữa tháng 12/78, Tổng xã tăng cường một số phóng viên có năng lực nhu Trần Mai Hưởng, Vũ Duy Thông, Văn Sắc… thành lập 5 tổ, mỗi tổ 2 phóng viên và lái xe theo các hướng tấn công của quân đội ta. Sáng sớm 28/12/78 các tổ rời cơ quan, đi với các đơn vị quân khu 7, Quân khu 5, quân khu 9 và Quân đoàn 3. Các đoàn theo quốc lộ 7, qua tỉnh Công Pông Chàm tiến vào Phnom Pênh và theo quốc lộ 6 đến cửa khẩu Poipét. Qua 3 ngày chiến đấu, quân ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn phía Đông sông Mê Công. Sau đó, tổ phóng viên nhanh chóng di chuyển đến sư đoàn 320 để tham gia trận đánh giải phóng Công Pông Chàm, Thành phố lớn thứ 3 của CPC. Anh đã viết bài, nhờ máy bay trực thăng đưa về cơ quan ở TP HCM. Tiếp đến anh em theo các đoàn đánh địch giải phóng các nơi Công Pông Thom, Xiêm Riệp và Bát Tam Băng. Các anh không kịp nấu ăn vừa hành quân vừa ăn lương khô hoặc mì ăn liền, uống nước thay cơm. Có một kỷ niệm đáng nhớ là trong đêm ở thị xã Xiêm Riệp mới giải phóng, còn đầy lính Pol pot đang trốn tránh, các anh chỉ có 11 người cả phóng viên và cán bộ chiến sĩ sư đoàn, đã đóng chốt ở đây để hôm sau mang tin bài, ảnh về Tp HCM. Và Tết năm 1979 là Tết anh phải lao vào viết tin bài cho kịp tuyên truyền. Ngay sau Tết anh lại cùng 3 anh em khác mới được bổ sung, trong đó có anh Nguyễn Đình Cao, ban Trong nước và Hà Lộc, báo Ảnh VN bay sang Xiêm Riệp, rồi đi đường bộ theo mũi tiến quân của quân đoàn 3.
          Nếu như phóng viên chiến trường là một nghề gian khổ, nguy hiểm, thì ở chiến trường CPC, sự gian khổ, nguy hiểm càng tăng lên gấp bội, vì kẻ thù tàn bạo, xảo quyệt, thực sự chỉ may mắn mới thoát chết. Mỗi lần đi xuống các đơn vị, theo chiến dịch hay xuống phum sóc lấy tin là một lần phài đối mặt với nguy hiểm, chết chóc! Anh từng đi suốt nửa năm trời với các chiến sĩ quân đoàn 3, quân đoàn 5, sau đó, mới được về đoàn chuyên gia TTXVN tại Phnom Pênh. Nhưng chưa dừng ở đó, cuối năm 1979, anh lại tiếp tục đi công tác 2 chuyến đến Bát Tam Băng, Poi pet và cửa khẩu biên giới với Thái Lan. Đến đầu 1980, anh mới về hẳn Tp HCM, làm Trưởng CQTT Tp Hồ Chí Minh, nhưng vẫn còn những chuyến tiếp tục đi chiến trường xưa đưa tin quân tình nguyện Việt Nam rút quân. Thực sự, anh là một phóng viên đi chiến trường lâu và gian khổ nhất!

Năm 1995, anh được đề bạt là Phó Giám đốc cơ quan TTXVN B2 17 năm liền, cho đến khi nghỉ hưu