Kỷ niệm mối tình nữ sinh Sài Gòn (Kỳ 2- Hết)

Trân trọng giới thiệu tiếp Kỳ 2 bài "Kỷ niệm mối tình nữ sinh Sài Gòn" của tác giả Nguyễn Văn Nọi.

Kỳ 2.

Một vài tuần sau đó, đơn vị tôi chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về Tân Phước Khánh (Thủ Dầu Một) đóng quân; lại được ở trong nhà dân và tôi lại được các má, các anh chị, các em gọi bằng cái tên thân mật thằng Sáu, chú Sáu, anh Sáu. Tôi không thông tin được cho em việc chuyển quân; tôi nghĩ chắc lần này phải xa em thật rồi.

b1-noi1ab-1698764737.jpg

Tác giả chụp ảnh ở Hồ Con Rùa, TP. HCM năm 1981

 

\Vậy mà không, em lại tìm được tôi ở Tân Phước Khánh; tình yêu tài vậy đó. Cứ hai ngày một lần em đi từ Sài Gòn lên thăm tôi ở Tân Phước Khánh. Em phải đi xe đò từ Sài Gòn lên Thị xã Thủ Dầu Một, rồi từ Thị xã Thủ Dầu Một bắt xe Lam để về Tân Phước Khánh; chiều trở về là chu trình ngược lại. Thời gian cả đi lẫn về cho một chuyến đến thăm tôi đã mất khoảng 3,5 – 4 giờ, thời gian hai đứa bên nhau chỉ còn chưa đầy 2 giờ bởi em không bao giờ ăn trưa ở chỗ tôi và tôi cũng chẳng mời em ăn được bữa trưa nào (Tân Phước Khánh, Thủ Dầu Một hồi đấy không thấy quán ăn ven đường và em cũng biết hoàn cảnh của tôi nên cũng không muốn làm phiền). Một nữ sinh Sài Gòn với tà áo trắng và chiếc túi vải thô đeo trễ bên hông đã làm xao động không gian vốn yên tĩnh sau chiến tranh của Thị trấn Tân Phước Khánh. Mấy em gái ở Tân Phước Khánh quen anh Sáu thường xúm quanh mỗi lần em lên thăm anh Sáu; đứa sờ áo, đứa sờ tóc và không ngừng nói “chị dễ thương quá”; em chỉ cười còn tôi thì vui.

b1a-noi2bc-1698764900.jpg

Tác giả chụp năm 1982 tại Hà Nội.

 

      Tôi thường đi xe Lam cùng em ra bến xe đò Thủ Dầu Một để em bắt xe trở về Sài Gòn. Hôm nào ra Thủ Dầu Một mà phải chờ xe hoặc còn thời gian nhiều là tôi và em thường dạo bộ quanh khuôn viên nhà thờ Thủ Dầu Một, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn. Hồi ấy Thủ Dầu Một vắng người lắm, nhiều khi không gian ấy như chỉ có hai chúng tôi. Một nữ sinh áo trắng khoác tay một anh Giải phóng quân mặc quân phục xanh lá, đội mũ tai bèo, chân đi dép đúc (dép râu) thong thả tận hưởng bình yên đôi lứa trong khung cảnh của đất nước hòa bình. Có lần tôi và em đang đi dọc bờ sông Sài Gòn thì thấy hướng ngược lại có 3 Kiểm soát quân nhân đi tới; một anh trong tổ Kiểm soát chào tôi ra ý là muốn kiểm tra tôi. Chúng tôi dừng lại trước mặt mấy anh Kiểm soát quân nhân; tôi muốn em bỏ tay đang khoác tay tôi ra nhưng em thì không. Em bám tay tôi chắc hơn và mỉm cười tự hào chào mấy anh Kiểm soát quân nhân (chắc cũng trạc tuổi tôi, người miền Nam). Sau khi quan sát tôi từ đầu đến chân, thấy tôi tác phong nghiêm chỉnh (tôi lúc nào cũng đi dép đủ quai, quần áo chỉnh chu) nên mấy anh Kiểm soát quân nhân chào chúng tôi lần nữa rồi tiếp tục đi làm nhiệm của mình. Hồi đấy Kiểm soát quân nhân không kiểm tra giấy tờ vì mấy anh Giải phóng quân chúng tôi đâu có giấy tờ gì trong người.

    Một lần khác, cũng lên Thủ Dầu Một sớm nên em và tôi dẫn nhau vào rừng cao su chơi. Em lôi trong chiếc túi đeo (khổ 30cm X 40cm) màu trắng ra một tấm bạt nhỏ màu rêu mà em gọi là PONCHO trải ra khoảng trống giữa các hàng cao su. Em ngả mình nằm giữa tấm bạt (giống kiểu đã nằm trên những chiếc ghế tựa ở chung cư tầng 8), mắt khẽ nhắm, hai đầu gối hơi co như đang thả mình trong một giấc mơ. Tôi ngồi bên cạnh ngắm nhìn em. Các tia nắng lách qua tán lá cao su nhảy nhót trên tà áo trắng của em, nhảy nhót trên tấm bạt màu rêu, nhảy nhót trên thảm lá cao su khô nâu sậm. Những đốm nắng mơn man trên má em, trên đôi môi phớt hồng khẽ hé mở của em như khiêu khích tôi. Tôi cúi đầu hôn nhẹ lên đôi má mịn màng của em, em nằm im, má chợt ửng hồng. Tôi nhẹ nhàng đặt đôi môi mình lên đôi môi mỏng tang của em, rất nhẹ thôi vì tôi sợ làm rách môi em, hơi thở em như gấp hơn, nồng nàn hơn. Các giọt nắng trong rừng cao su ngừng tung tảy, gió chợt dừng thổi, các tán lá cao su thôi đung đưa, tất cả các ánh nhìn như hướng vào em và tôi. Tôi nằm nghiêng bên em, ngắm nhìn thiên thần của mình đang đắm chìm vào chốn thần tiên của tình yêu. Bỗng có tiếng va đập của kim loại, tiếng bước chân dẫm đạp lá khô phá tan không gian tĩnh lặng của cô nữ sinh áo trắng và anh Giải phóng quân trong bộ quân phục xanh lá. Một người đàn ông đầu đội mũ mềm, tay xách thùng và dao cạo mủ cao su vô tình đi về hướng tôi và em, chắc ông ấy vào đây để cạo mủ cao su. Bước chân của người cạo mủ cao su chợt khựng lại khi ông nhìn thấy chúng tôi, như cảm thấy có lỗi, ông ấy hơi cúi mình rồi quay mình đi sang hướng khác. Những cây cao su xung quanh hai đứa tôi như vui hơn vì được nghỉ ngơi một ngày nhờ chúng tôi, chúng reo vui trở lại, ánh nắng lại nhảy nhót. Tôi và em biết ơn người thợ cạo mủ cao su hôm đó. Em lại khoác tay tôi để cùng bước ra khỏi rừng cao su, tà áo trắng của em vẫn phẳng phiu như khi chúng tôi bước vào. Em cười hạnh phúc, tin tưởng tựa vào vai tôi.

     Ngày tôi rời Tân Phước Khánh để trở ra Bắc, em không có mặt; tiễn tôi đi chỉ có các má và các em gái ở Tân Phước Khánh. Cho đến khi chiếc xe tải chở tôi lăn bánh cho cuộc hành trình trở về miền Bắc; tôi và các em gái Tân Phước Khánh vẫn hướng mắt về phía đường đi Thủ Dầu Một, hy vọng em chợt xuất hiện nhưng rồi thất vọng. Em đâu có biết tôi sẽ ra Bắc ngày ấy mà lên tiễn (Bộ đội mà, luôn bí mật thời điểm xuất phát). Sau này khi quay lại thăm Tân Phước Khánh (năm 1981); tôi được một em gái kể lại sau ngày tôi lên xe ra Bắc một ngày, em đã lên Tân Phước Khánh thăm tôi. Biết tin tôi đã ra Bắc, em lặng người, run rẩy, không khóc thành tiếng nhưng nước mắt cứ trào ra. Mấy em gái ở Tân Phước Khánh thay nhau an ủi động viên em “anh Sáu mong chị lắm, rồi anh Sáu chắc chắn sẽ vào tìm chị”.

      Ra đến miền Bắc, tôi liền viết thư cho em. Một tuần sau, khi về thăm nhà tôi đã nhận được lá thư đầu tiên của em (tôi lấy địa chỉ nhà tôi ở Thổ Hà để em gửi thư trả lời vì đó là địa chỉ ổn định nhất của tôi); nỗi buồn vơi đi nhờ những bức thư. Em viết thư cho tôi đều đặn hai ngày một lá, có khi ngày một, các bức thư đều dài, thấm đẫm yêu thương. Ông bưu tá xã đã phải thốt lên “Trong cuộc đời làm nghề đưa thư của tôi, tôi chưa từng thấy ai có thư nhiều như chú; cũng như chưa thấy ai chịu khó viết thư đều đặn như cái cô Lý Chi Ly này”; tên của em viết trên bì thư nên ông bưu tá biết. Lúc đầu tôi cũng chịu khó viết thư trả lời em, nhưng rồi việc trở về trường học tiếp gặp trục trặc làm tôi chán chường, hy vọng được trở vào TP HCM càng ngày càng mờ nhạt. Những lá thư của tôi viết cho em thưa dần, ngắn dần. Những năm tháng ấy (1976 – 1980); việc đi lại giữa Thủ đô Hà Nội và TP. HCM không đơn giản như bây giờ, giấy tờ phức tạp lắm. Em chắc cũng muốn ra thăm tôi mà không thể; còn tôi cũng lực bất tòng tâm, thật buồn. Tôi không muốn em phải chờ tôi trong vô vọng nên tôi đã quyết định ngừng viết thư cho em. Em vẫn viết cho đến khi hết hy vọng tôi trả lời nên cũng đành thôi viết. Tôi nguyện sẽ vào tìm em dù khi ấy em đã lấy chồng; tôi yêu em và cũng vì yêu em nên tôi buộc phải “trả tự do” cho em khi không biết chắc tương lai. 

    Tôi đâu ngờ sau 5 năm tôi lại được trở về Sài Gòn, lúc này đã mang tên là TP. HCM. Đầu năm 1980, sau khi tốt nghiệp Khoa Vật Lý, ĐHTH HN, tôi tái ngũ vào công tác tại B21, Viện Kỹ thuật quân sự. Tôi và hơn chục sỹ quan trẻ của B21 được cử vào TP. HCM để học ngoại ngữ và cũng để trông coi tòa chung cư 204 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh mà Bộ Quốc phòng mới phân cho B21 khi đó. Trở về TP HCM với tôi là một giấc mơ; việc đầu tiên khi đặt chân đến TP HCM là tôi tìm thăm nhà em ở 173 Tân Hòa Đông, quận 6, tôi muốn dành cho em một sự bất ngờ. Tôi chỉ gặp bố em ở nhà và được ông thông báo là em vừa lấy chồng và sống cùng chồng ở Biên Hòa (một người Hoa). Tôi đã mất em vì sự thiếu niềm tin ở mình. Bố em mời tôi vào bàn ngồi, mang một chai rượu TQ và hai cái ly hạt mít ra. Ông rót đầy hai ly rượu nhỏ và mời tôi cùng lời giải thích bằng giọng lơ lớ của người Hoa nói tiếng Việt “Ngộ rất xin lỗi chú, Ngộ không biết chú chung tình đến vậy. Nếu biết chú chung tình đến vậy thì Ngộ đã không bắt con gái Ngộ lấy chồng”. Bố em và tôi cụng ly, ly rượu 50 độ như đốt cháy họng tôi, đốt cháy tâm can tôi.

     Chủ nhật đó, em từ Biên Hòa về TP HCM và đưa ba đứa em gái đến thăm tôi ở 204 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ba đứa em gái của em lúc ấy cũng mười tám đôi mươi, rất ngoan và quý tôi, coi tôi như người anh lớn trong nhà. Tôi và em đều bình thản chấp nhận số phận, không trách móc, không phàn nàn, không nhắc lại những chuyện đã qua. Em ở xa và chắc cũng giữ ý nên không về thăm tôi nữa, nhưng mấy đứa em thì thường xuyên đến thăm tôi và các đồng đội của tôi…. Sau năm 1990, tôi vào TP HCM và tìm đến địa chỉ 173 Tân Hòa Đông nhưng ngôi nhà đã có chủ khác, chẳng ai biết thông tin về em và gia đình em.

-------------------------        

    P/S:  “Kỷ niệm mối tình nữ sinh Sài Gòn” với cái kết “không có hậu” mà tác giả là người trong cuộc với những tên người thật; địa chỉ thật trong bài viết. Hy vọng qua 2 kỳ bài viết này phát trên vanhoavaphattrien.vn và mạng xã hội lại giúp tôi tìm được nữ sinh áo trắng Lý Chi Ly năm xưa. Nếu tìm ra hoặc có thông tin về em, về gia đình em thì câu chuyện sẽ rất có hậu với anh Giải phóng quân năm ấy. Trân trọng  cám ơn!

(HẾT)

N.V.N