VHPT - Trong bộ sách “Quốc học Huế xưa và nay” do NXB Văn hóa thông tin biên soạn, nhà văn Trần Phương Trà chủ biên, đã dành 11 trang để nói về Võ Nguyên Giáp thời đi học ở Huế.
Trong bộ sách viết: ở Huế có hai ngôi trường Quốc Học - Đồng Khánh (trường nam, trường nữ), đã bắt cầu nên duyên vợ chồng cho hàng nghìn người. Trong đó có vợ chồng hai nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Thị Quang Thái. Cô Nguyễn Thị Quang Thái là em ruột nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, từ Vinh vào học trường Đồng Khánh. Hoạt động cách mạng cô bị bắt và gặp chàng học trò Võ Nguyên Giáp ở trong nhà lao Thừa Phủ…
Năm 1925 Võ Nguyên Giáp lúc đó tên là Võ Giáp từ Đồng Hới vào Trường Quốc Học Huế. Đỗ thứ nhì, loại khá, được cấp học bổng (Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư viết trong sách “Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ”). Mấy năm sau thì người em ruột là Võ Nho (Võ Thuần Nho) cũng vào trường Quốc Học Huế. Việc hai anh em ruột cũng được vào học Quốc Học Huế thời đó là chuyện hiếm. Lúc ấy, ông Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế.
Ở Huế, Võ Nguyên Giáp sớm quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội, đất nước. Anh đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu, hàng tuần đến nghe cụ nói chuyện. Cụ Phan đã sớm nhận ra tinh thần cách mạng tiềm ẩn trong con người Võ Nguyên Giáp. Trung tướng Phạm Hồng Cư viết “anh Giáp được cụ Phan chú ý và rất thương. Cụ có mấy chục bộ sách cổ kim, cụ bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”. Thời kỳ Võ Nguyên Giáp đi học ở Huế hết sức sôi nổi, vừa học vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng.
Tháng 4-1927 học sinh Quốc Học bãi khóa phản đối việc nhà trường đàn áp học sinh, đuổi học Nguyễn Chí Diểu, cấm học sinh đọc sách báo yêu nước v.v.. Võ Nguyên Giáp bị tên giám thị Pháp coi là kẻ cầm đầu bãi khóa nên đuổi học, bắt phải trở về quê. Nguyễn Chí Diểu lặn lội từ Huế về làng An Xá tìm gặp Võ Nguyên Giáp, mang theo tài liệu về “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” và một số văn kiện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có 2 bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Thời gian này Giáp bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Marx. Rồi gia nhập Đảng Tân Việt, làm công tác tuyên huấn. Từ năm 1928, anh kiêm thêm vai trò biên tập viên của báo Tiếng Dân.
Đúng là Võ Nguyên Giáp vào Huế học là học làm cách mạng, học tư duy chính trị, báo chí sắc sảo. Nói một cách khác, những năm 1920 Huế là miền đất ươm mầm những tài năng chính trị, quân sự, văn hóa kiệt xuất như Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Tố Hữu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên...