Kỷ niệm với Nhà thơ "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng"

Trái Tim Người Lính

05/02/2024 10:04

Theo dõi trên

Trong những năm đầu Cách mạng và Kháng chiến, Nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907 – 2005) bằng hai tác phẩm "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ" và bản anh hùng ca "Từ đêm Mười chín" đã tạc tên mình vào Lịch sử Văn học Việt Nam, với những câu thơ để đời:

“Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Lên đường chân lại nối theo chân

Đêm qua đầu chụm run bên đá

Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng...”

dt1h1a-1707101969.jpg

Kỷ niệm của Đặng Vương Hưng (bên trái) với cụ Khương Hữu Dụng năm 2004

 

Nếu "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ" đã trở thành "cẩm nang" ứng xử của các chiến sĩ cách mạng, nhất là những ai bị sa vòng tù ngục của thực dân đế quốc thì "Từ đêm Mười chín" là bản anh hùng ca đầu tiên và tiêu biểu chẳng những trên chiến trường Liên Khu 5 mà còn là của cả nước, xuất hiện ngay từ những năm đầu Toàn quốc Kháng chiến. Đó là những tác phẩm đặc sắc đầu tiên của Văn học Cách mạng và Kháng chiến. Bởi ngày ấy, hầu hết các nhà thơ Mới còn đang trần mình "lột xác" để có thể hòa nhịp với những đòi hỏi của Cách mạng và Kháng chiến. "Từ đêm Mười chín" đã nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951 - 1952, được đánh giá là "một thành tựu đáng chú ý trong bước tiến của cả nền Văn học" lúc bấy giờ. Thành tựu kép của cặp tác phẩm này quả là một vinh dự đặc sắc hiếm có đối với Nhà thơ đã sớm chọn và kiên trì con đường Thơ Cách mạng.

Sinh thời, nhân Kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến năm 2003, mừng thọ nhà thơ Khương Hữu Dụng 96 tuổi, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931 – 2020) đã đến thăm và chúc sức khỏe Nhà thơ với bức ảnh Đèo Hải Vân gợi nhớ trận Đèo Hải Vân trong "Từ đêm Mười chín". Ông nói với giọng cảm động: "Bác làm thơ hơn 70 năm, bác có nhiều thơ, nhưng tôi nhớ nhất hai tác phẩm "Từ đêm Mười chín" và "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ". Trong đánh nhau có nhiều trận ta thắng nhưng cũng có những trận gặp khó khăn, thất bại. Tôi rất tâm đắc 6 câu thơ: Địch mạnh ta yếu, có hề chi / Địch nhiều ta ít, có lo gì / Ta, ngoài bộ đội còn dân chúng / Bức thành muôn thuở không nao núng / Ta, ngoài vũ khí còn nhân tâm / Sức mạnh muôn đời chống ngoại xâm. "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ" đề cao vai trò của Nhân dân, có những câu tôi thuộc: Trọng ở nơi Dân là gốc rễ/ Nước không Dân hồ dễ được ru?... Non sông là của cộng đồng/ Nước chung phải để Dân chung trị vì. Bác là Nhà thơ nói lên Tiếng Dân, nói về cái Tâm. Đời người rồi sẽ qua, nhưng tác phẩm và nhân cách thì sống mãi".

Đầu năm 2004, trước khi tổ chức cuộc sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” tôi có dịp đến thăm và chúc Tết lão Nhà thơ Khương Hữu Dụng. May mắn nhờ người chụp được một tấm ảnh kỷ niệm với tác giả “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” và lưu giữ đến bây giờ.

Sau này, khi đọc và tìm hiểu “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, tôi mới biết Nhà thơ Khương Hữu Dụng chính là thân phụ của anh Khương Thế Hưng - người yêu của chị Đặng Thùy Trâm (anh Khương Thế Hưng là người mà trong nhật ký chị đã ghi ký hiệu "M." thay cho bút hiệu Đỗ Mộc của anh). Họ yêu nhau từ khi chị Đặng Thùy Trâm còn học trường phổ thông… Anh Khương Thế Hưng là một chàng trai toàn diện: đẹp trai, giỏi thơ văn, đàn hát, thông minh, kiến thức rộng, rất nhạy cảm và quyết đoán. Anh yêu chị Trâm tha thiết, nhưng vẫn chia tay chị và bao người thân yêu để theo tiếng gọi Tổ quốc khoác ba lô, mang súng lên đường ra trận. Rồi sau khi tốt nghiệp đại học, chị Trâm cũng khoác ba lô vào chiến trường miền Nam... Cũng nhờ mối tình ấy, mà say này chúng ta có cuốn nhật ký thời chiến hay như vậy!

Ngoảnh đi, nhìn lại đã tròn 20 năm trôi qua, xin được giới thiệu tấm ảnh kỷ niệm của Đặng Vương Hưng với cụ Khương Hữu Dụng năm 2004, trước khi lão nhà thơ thọ gần trăm tuổi, qua đời 1 năm…

Hà Nội, 5/2/2024

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm với Nhà thơ "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn