Không phải là người sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nhưng vùng đất xa xôi này đối với người viết có rất nhiều gắn bó và kỷ niệm. Trước đây, khi còn công tác tại huyện Quảng Ninh, Trường Sơn là một xã miền núi khó khăn nhất trong 15 xã, thị trấn mà người viết đã được phân công phụ trách.
Giờ đây tuy đã chuyển công tác khỏi địa bàn, nhưng chính vẻ đẹp hoang sơ, khoáng đạt và trong lành của núi rừng, khe suối, chim muông, các loại sản vật đặc sắc và cả những tấm lòng chân chất, thật thà như đếm của cư dân Trường Sơn như đã mời gọi người viết nhiều lần trở lại nơi đây để tự mình trải nghiệm và khám phá những vẻ hấp dẫn diệu kỳ của vùng đất kỳ thú này.
Đã từng hẹn hò với mấy anh bạn thân người Vân Kiều từ mùa xuân năm trước, năm nay khi đúng vào mùa hoa vàng anh đang bung nở vàng hoe bên những con khe, dòng suối giữa đại ngàn Trường Sơn, tôi mới có dịp khám phá sự kỳ thú của núi rừng Trường Sơn quê mình.
Những bản làng Trường Sơn thấp thoáng dưới thung lũng xa
Trước kia, khi chưa có tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, để lên được với Trường Sơn, người viết và du khách gần xa gần như chủ yếu sử dụng các loại thuyền gỗ nhỏ, có máy đẩy ngược dòng sông Long Đại, vượt qua con thác Tam Lu đầy vất vả và hiểm trở, mấy tiếng đồng hồ sau mới có thể đến được trung tâm xã. Mấy năm trở lại đây, khi cả hai tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây đã hoàn thành, việc đến với Trường Sơn thật dễ dàng và thuận lợi.
Từ trung tâm huyện lỵ huyện Quảng Ninh hay từ thành phố Đồng Hới chỉ cần ngồi ô tô hoặc xe máy, di chuyển một mạch đến địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, vượt qua cầu Zìn Zìn trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi vào phía nam một vài chục km, là bạn đã có thể đặt chân đến vùng đất Trường Sơn kỳ thú. Tạm dừng chân trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, phóng tầm mắt về phía xa, bạn sẽ chứng kiến được sự đổi thay đến diệu kỳ của các bản, làng người Kinh và người Vân Kiều anh em đãng sinh sống xen kẽ, yên bình nơi đây. Phóng tầm mắt ra xa, bạn cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của những cánh đồng trồng lúa, trồng ngô, trồng lạc xanh mướt của cư dân Trường Sơn chạy dọc theo hai bên bờ sông Long Đại trù phú, mỡ màu.
Sau những giây phúc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để lấy lại sức lực, nếu còn hăng say và có nhu cầu khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Trường Sơn, bạn sẽ được những cư dân Trường Sơn tốt bụng, nhiệt tình hướng dẫn chuẩn bị mọi hành trang cần thiết để có thể có được một chuyến hành trình an toàn và đầy thích thú với núi rừng Trường Sơn.
Tạm gửi ô tô lại ngay trung tâm xã, ngồi lên xe máy, địa điểm đầu tiên tôi khuyên bạn không nên bỏ qua đó chính là cùng nhau khám phá vẻ đẹp của thác Tam Lu. Đến thác Tam Lu, đầu tiên bạn nên lựa chọn những địa điểm bằng phẳng, không quá sâu, nơi đảm bảo an toàn, rồi nhảy ùm xuống suối để được tha hồ ngụp lặn, tắm táp cho thỏa thích dưới làn nước ngọt mát lành, trong veo, gần như không có một chút vẩn đục nào, nhờ quanh năm có rất ít người đặt chân đến đây.
Đối với những ai không biết bơi thì nên sử dụng áo phao để có thể bảo đảm an toàn trong quá trình vui chơi, khám phá sự hấp dẫn của dòng thác kỳ vĩ này. Ngược thác Tam Lu, nếu thích khám phá, ngắm nghía phong cảnh núi rừng, đi ngược lên phía trên, xuôi về phía dưới thác, hoặc rẽ vào những dòng suối nhỏ gần đấy, bạn sẽ tha hồ thu vào tầm mắt, vào ống kính những cây hoa vàng anh đang bung nở vàng hoe, rực rỡ ngay hai bên bờ suối trông rất hấp dẫn. Mùa hoa vàng anh bung nở vào dịp mùa hè cũng chính là một trong những "đặc sản" của núi rừng Trường Sơn mà nhiều người đã từng say đắm...
Một trong những hoạt động khá bổ ích khác, đó chính là bạn có thể tham gia trò chơi bắt ốc, bắt con cua đá, thả lưới dưới suối bắt cá với mấy người bạn Vân Kiều, hoặc đi sâu vào các cánh rừng bẻ măng, hái rau rừng để cuối buổi hôm đó, cả đoàn sẽ có thêm một bữa ăn rất hấp dẫn từ các loại đặc sản Trường Sơn do chính thực khách tự chế biến ngay giữa cánh rừng hoang sơ này.
Sau khi thỏa thích tắm táp, ngụp lặn và khám phá vẻ đẹp của núi rừng, khe suối Trường Sơn, mỗi người một tay, không ai bảo ai, mọi người sẽ chia nhau ra xung quanh hái thêm củi khô và chế biến các món ăn mang đặc trưng Trường Sơn, như món măng rừng nấu với thịt lợn rừng, thịt dê núi, bò núi được cư dân chăn thả tự nhiên; món gà ri bản địa nướng than; món cua đá, ốc khe nướng than thơm lừng chấm với muối hột, ớt tươi giã nát, nhấm nháp với mấy bát rượu nếp truyền thống của người Trường Sơn; hay thổi nồi xôi có tẩm thêm lá rừng xanh, đỏ, tím, hồng trông rất hấp dẫn.
Bữa ăn giữa rừng được dọn ra trên một tấm bạt đơn sơ, giản dị, mỗi người một góc, nhưng trông ai cũng thích thú thưởng thức hết vèo cả mấy món ăn vừa được chế biến tại chỗ. Món nào cũng ngon hết chỗ nói, ngon không thể tả xiết.
Món ngon giữa rừng
Bữa ăn "dã chiến" kết thúc, nếu không muốn ngả lưng xuống chiếc bạt mang theo hay nằm ngay trên những phiến đá bằng phằng bên bờ suối để nghỉ trưa, bạn cũng có thể căng thêm chiếc võng qua hai cái cây vững bắc vắt qua hai bên bờ suối để lần đầu tiên trong đời được đung đưa mát mẻ giữa cánh rừng Trương Sơn hùng vĩ này.
Kết thúc chuyến hành trình khi trời đã về chiều, nếu có nhu cầu mua một ít sản vật Trường Sơn về làm quà, bạn sẽ được những người dẫn đương đưa đến các gia đình người Vân Kiều hay người Kinh sinh sống gần đó để lựa chọn. Đặc biệt, một điều hết sức ấn tượng nữa của cư dân Trường Sơn ở đây là họ rất chân chất, thật thà và rất ít nói thách giá cả. Đến đó, tuy không cần phải bỏ ra nhiều tiền, nhưng bạn cũng có thể mua được một vài chục cân ngô nếp, đậu lạc, hoặc quý hơn đó là các mặt hàng sâm cau, nấm linh chi tự nhiên, mật ong rừng,...với giá cả khá "hữu nghị" nhưng chất lượng rất tốt....
Chia tay Trường Sơn để trở lại với thành phố Đồng Hới, tin chắc rằng bạn sẽ có những ấn tượng hết sức sâu đậm về một vùng núi rừng đầy kỳ thú và hấp dẫn này.