Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1979 thì hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ có chiều dài 29km, diện tích lưu vực 223km2, diện tích lòng hồ hơn 30km2, dung tích trữ 345 triệu m3, gồm 1 đập chính và 3 đập phụ. Đập tạo hồ bằng đất đồng cao 37,4m, dài 970m.
Hồ Kẻ Gỗ được người Pháp quy hoạch và thiết kế với khối lượng 85 triệu m3 nước và thời gian dự kiến hoàn thành trong 20 năm như một cách khắc phục cho sai lầm khi họ xây dựng cống bara Cẩm Trang khiến tình trạng ngập lụt thường xuyên hơn ở một vùng rộng lớn. Nhưng sau đó do Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi chiến tranh Đông Dương, nên người Pháp đã lãng quên công trình này. Từ nền tảng trước đây, ta tiếp nối và mở rộng sức chứa của hồ Kẻ Gỗ lên tới hơn 350 triệu m3 nước và dự kiến phải mất 10 năm mới hoàn thành!
Để đáp ứng yêu cầu thời gian, nhà chức trách phải đưa những cỗ máy nặng ba bốn chục tấn vào công trường. Phải nói thêm rằng thời kỳ xây hồ Kẻ Gỗ là vào thời điểm mới giải phóng, máy móc, thiết bị tiên tiến gần như không có. Những công nhân lái máy ủi gần như là một điểm sáng của của đại công trình: " ngồi trong xe ủi, anh nhớ những ngày hè"... còn lại là làm bằng tay nên mới " chân lội qua khe, em nhớ mùa đông giá..." Và đây cũng là thời kỳ mà đất nước trong thời đất nước còn thiếu thốn lương thực, thực phẩm, vật tư vật liệu...nhưng bằng mọi nỗ lực, các ban ngành đã xây dựng 3 vạn mét vuông nhà ở cho công nhân; huy động một vạn mét khối sỏi trong quý 1 năm 1976 để phục vụ cho xây lắp. Thường xuyên trên công trường có 10 nghìn đội viên thủy lợi, hàng chục nghìn lượt người huy động đột xuất từ các hợp tác xã, khu phố, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội...
Và kỳ tích đã xẩy ra! Thay vì 20 năm (của Pháp) 10 năm ( theo các nhà khoa học thời đó đánh giá). 6 năm theo thời gian hoàn thành theo chủ trương. Thì chỉ có 3 năm (1976 - 1979) những hạng mục chính đã hoàn thành bằng chính những đôi bàn tay cần cù chai sạn, bằng những khối óc tâm huyết và những trái tim nhiệt thành. Lấy sức người vượt sức thiên nhiên..
Hồ Kẻ Gỗ hoàn thành không chỉ có nhiệm vụ của hồ là tưới cho 21.136 ha đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, mà còn có nhiệm vụ chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du, cung cấp nước tưới phục vụ công nghiệp và sinh hoạt trong vùng với lưu lượng 1,6m3/s, cùng với đó là phát điện công suất lắp máy 2,3 MW.
Sự ra đời của Hồ Kẻ Gỗ còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, đã trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị, một điểm du lịch sinh thái lý thú. Bao quanh hồ là rừng núi và nhiều động vật quý hiếm như trĩ sao, vượn đen, gà lôi hồng tía, đặc biệt là gà lôi lam mào đen. Đây là điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
P.Đ.K
Chuyện làng quê