Ký ức về người cha anh hùng Hoàng Lệ Kha (Kỳ 2)

Tôi ghé lại nhà của gia đình liệt sĩ Hoàng Lê Kha ở quận Bình thạnh ( TP.HCM ), nơi vợ ông sống sáu bảy chục năm ở cái thành phố này từ đầu những năm 1950 của thể kỷ trước cho đến ngày bà ra đi từ bỏ cõi tạm để về với ông bà và chồng ở nơi chín suối.

Hồi đó, anh Hổ kể với tôi, nơi đây là vùng đất Gia định xưa, hoang sơ, bùn nước dơ bẩn , dân lao động nghèo sống lam lũ. Nền đất này của gia đình là do ông ngoại anh mua lại của dân rẻ lắm khi đó rồi cất nhà tạm để ở sau khi chạy trốn khỏi tỉnh nhà Long An không lâu ông được thả tự do. Ông ngoại anh tham gia giúp đỡ cách mạng, bị tụi nó chỉ điểm, giặc bắt giam mấy năm, tra khảo, không khai thác được gì, chúng thả ông ra. Sau đó ít lâu, nghe tin tụi chúng nó sẽ bắt giam lại, ông buộc phải bỏ xứ mà ra đi lên Sài Gòn với đàn con .

d1k1-1671295195.jpg

Tôi ngước nhìn lên bàn thờ, có ảnh ông bà ngoại, di ảnh ba anh, ảnh người em út của anh tên Dũng và bên cạnh là bàn thờ má anh mới mất hôm 4/11/2022 được lập bên cạnh vẫn đang nghi ngút khói nhang dành cho người vừa quá cố. Tôi xin phép anh được thắp mấy cây nhang cho ba má và ông bà. Nghiêng mình , thành kính cúi đầu trước bàn thờ của gia đình, ngắm nhìn tấm di ảnh của ba anh, tôi thành tâm nói lời tri ân từ trái tim của người đang sống trước những đóng góp to lớn của ông bà trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước, cầu mong ở nơi xa ấy họ mỉm cười và tự hào với mảnh đất chữ S này hôm nay đang phát triển rực rỡ , trút bỏ nghèo khó, người dân đang được hưởng hoà bình hạnh phúc trong một nước độc lập nhờ sự hy sinh xương máu vô bờ bến của cha anh , trong đó có ông, anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha.

d2k2-1671295323.jpg

 

Lần dở những trang sử, ông Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn ( có nhiều tài liệu viết tên đệm của ông là Lệ, vì vậy trong một số văn bản, bút tích viết về ông là Hoàng Lệ Kha ). Bí danh của ông là Nguyễn Văn Tòng. Nhiều tài liệu nói ông sinh tháng 11/1917 ( nhưng cũng có tài liệu nói ông sinh tháng 3/1917 ?) ở thôn Trang Cát, xã Hà Phong huyện Hà Trung, tỉnh Thanh hoá trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học. Thuở nhỏ, ông Kha học hành chăm chỉ, tố chất thông minh. Năm 1933, ông đỗ vào trường bách nghệ Hà Đông. Ở đây ông tích cực tham gia phong trào hoạt động yêu nước trong học sinh, sinh viên và năm 1936 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông dương. Sau khi tốt nghiệp, một thời gian thì ông được tổ chức Đảng bí mật chuyển vào Nam Bộ công tác. Giai đoạn 1946-1954 ông đã là cán bộ lãnh đạo, là tỉnh ủy viên tỉnh ủy Gia định. Sau năm 1954, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại miền Nam để hoạt động chứ không tập kết ra miền Bắc. Ông tiếp tục được giữ các chức vụ như ủy viên Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia định, quận ủy quận Châu Thành ( tỉnh Tây ninh ) và đến năm 1956, khi tròn 39 tuổi, ông làm bí thư tỉnh ủy Tây ninh. Thời gian sau này, khi chế độ VNCH của Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng nên đã phá bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, không chịu tổng tuyển cử, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, cách mạng miền Nam đã gặp muôn trùng khó khăn. Tháng 8/1959, ông bị địch bắt do có phản bội khai báo, ông bị toà án quân sự đặc biệt của địch kết án tử hình theo đạo luật 10/59.

d3k3-1671295473.jpg

 

Anh Hổ kể cho tôi, ba má anh có 4 người con . Ông bà quen nhau qua hoạt động cách mạng, năm 1950, ông bà cưới nhau. Năm 1951, má tôi hạ sinh được hai người con trai song sinh, đặt tên là Hoàng Lê Hùng và Hoàng Lê Hổ. Năm 1953, má lại hạ sinh được em gái tôi, đặt tên là Hoàng Lê Kiếm và sau cùng, má sinh được người em trai út năm 1956 đặt tên là Hoàng Lê Dũng. Ông hoạt động cách mạng trong những năm đó nên không ở nhà, mỗi lần ông bí mật về thăm má và gia đình chỉ trong chớp nhoáng, hai người em của tôi cũng là những giọt máu sau cùng của ông gửi lại cho má sau những lần ghé thăm. Thương nhớ cha lắm, má kể không biết cuộc đời má được làm vợ, nằm cạnh bên ba được bao nhiêu ngày , nhưng chắc là rất ít...

d4k4d-1671295547.jpg

 

Anh Hổ tâm sự với tôi, 4 anh em tụi anh lớn lên trong cuộc đời này không có hơi ấm của cha vì ông đi hoạt động cách mạng thoát ẩn, thoát hiện , ngày ba anh hy sinh, thằng Dũng em út nó mới hơn 3 tuổi đã phải mồ côi cha. Từ trong sâu thẳm, anh em chúng tôi chỉ được nghe má kể sau này về ba ngày ấy khi ba bị giặc bắt, chúng giam ba ở khám Chí Hoà sau khi tuyên án tử hình theo luật 10/59 của chính quyền khát máu Ngô Đình Diệm, tức là chúng sẽ xử chém những người theo cộng sản . Ngày đó, sau khi tuyên án xử những người theo cộng sản án tử hình luật 10/59 là bản án chém đầu được thi hành ngay để khủng bố phong trào cách mạng . Nhưng do bị phản đối dữ dội của công luận và từ phía Hà nội của Ủy ban giám sát thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ , chúng đã không dám thi hành ngay bản án xử chém ông Hoàng Lê Kha mà đem giam ông ở khám lớn Chí Hoà trong phòng giam hà khắc nhất dành cho những tử tù chờ ngày xử chém. Má anh lúc đó cũng được cho phép thăm nuôi ba anh đang chịu án tử. Nhưng việc thăm nuôi này là lâu lâu tới khám Chí Hoà gửi chút đồ ăn cho ba, không bao giờ được gặp mặt ba. Má bảo, có lần má cũng dẫn anh đi theo vào đó thăm nuôi ba, anh nhỏ quá, giờ cũng không nhớ gì và má cũng nói, chẳng biết quà thăm nuôi má gửi tụi nó có chuyển tới cho ba không ? Chỉ ước gửi được chút tình vô cho ba trong lao tù để ba ấm lòng, gửi vô vàn tình thương yêu của người vợ trẻ và 4 đứa con nheo nhóc , đứa lớn mới 8 tuổi, còn thằng út chưa đủ tuổi lên 3, chập chững đi, kêu tiếng ba , tiếng má còn ngọng. Không nhớ má thăm nuôi ba được mấy lần trong thời gian ngắn ngủi mấy tháng cuối năm 1959 và đầu năm 1960 ấy vì ngày 12/3/1960, chúng đã chở ba lên Tây Ninh để thi hành án tử vào lúc 5h sáng . Ngày được tin ba hy sinh, má và ngoại khóc hết nước mắt, dù đã phải chuẩn bị đón nhận hung tin ấy sau khi tụi nó tuyên án tử đối với ba, nhưng đớn đau tột cùng của người thân vì tụi chúng đã xử chém đầu ông một cách ác độc, chết không toàn thây, cả tuần sau người ta mới tìm được đầu của ba để an táng . Tụi chúng bêu đầu của những người cộng sản để khủng bố tinh thần yêu nước của nhân dân theo Đảng . Lịch sử đã ghi chép, những ngày tháng đen tối ấy, chế độ bạo tàn Ngô Đình Diệm đã kéo lê máy chém đi khắp miền Nam để tàn sát những người yêu nước, ba anh là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh ủy Tây ninh lúc đó bị sa vào tay giặc và phải chịu chung cái chết đớn đau như thế. Tôi ngồi nghe câu chuyện của anh Hổ về cha mình thật xúc động, mắt tôi đỏ hoe chực chờ rớt những giọt nước mắt tiếc thương người anh hùng liệt sĩ đã hiên ngang trên đoạn đầu đài hy sinh cho Tổ quốc vì lý tưởng cộng sản cao đẹp.

Nhấp một ngụm nước lọc, tôi hỏi anh Hổ, anh ơi, thế tại sao sau khi ba anh hy sinh, cơ sở cách mạng không đón cả 4 anh em anh ra ngoài miền Bắc nuôi dưỡng học hành mà chỉ đưa anh và anh Hùng đi ? À, chuyện là vầy. Sau ngày ba hy sinh, tụi anh vẫn ở với má và ngoại . Lúc ấy vẫn đi học. Đầu năm 1965, các cô chú trong Trung ương Cục cho móc nối với má anh và đề nghị đón 4 anh em tụi anh ra miền Bắc nuôi dưỡng và cho đi học. Ông ngoại và má anh suy nghĩ kỹ lắm. Đưa đi hết như thế này lỡ có chuyện gì thì không biết tính sao , chiến tranh còn ác liệt lắm , Mỹ đã ném bom đánh phá miền Bắc rồi ? Anh và anh Hùng khi ấy đã 13-14 tuổi , thôi thì cho 2 đứa lớn đi, em Kiếm và Dũng còn nhỏ, để lại cho ngoại và má nuôi. Dù sao, má cũng không thể rứt ruột đưa cả 4 đứa con đi hết ra ngoài đó , đây là những giọt máu của ba còn lại an ủi má trong cuộc đời này, mất nữa thì không biết má sẽ phải sống như thế nào ? Vậy là các cô chú đón anh và anh Hùng vào chiến khu, sau đó tụi anh được đưa sang Pnongpenh, theo đoàn bay ra Hà nội qua ngả Quảng châu ( Trung quốc ). Hai anh em anh vào học ở trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Tụi anh học cấp 2, trường số 13 ở Móng cái. Khi Mỹ ném bom ác liệt toàn miền Bắc, tụi anh được gửi hết sang Quế Lâm ( Trung Quốc ) để tiếp tục học. Cuối năm 1968, Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc để đàm phán với chúng ta về hiệp ước hoà bình sau chiến dịch Mậu thân năm 1968, tụi anh được trở về Việt nam trong năm 1969. Anh và anh Hùng học ở trường số 2 ( Vĩnh yên ), năm 1971, anh tốt nghiệp lớp 10, còn anh Hùng tốt nghiệp năm 1972. Hồi đó tụi anh sống và đi học trong tình yêu thương của đồng bào miền Bắc dành cho con em các chiến sĩ cách mạng miền Nam . Cuộc sống khi ấy túng thiếu lắm, nhớ những đêm đông lạnh , hai anh em nằm ôm nhau khóc nhớ má, nhớ ngoại, nhớ em Kiếm, em Dũng. Không biết giờ này sống chết ra sao, sau Mậu thân 1968, tụi nó truy tìm Việt cộng ở thành phố Sài Gòn rất gắt gao . Năm 1972, anh được Nhà nước cho sang Tiệp khắc học đại học ở trường bách khoa Praha, chuyên ngành hoá công nghệ thực phẩm . Anh Hùng sau khi tốt nghiệp phổ thông, vào học trường đại học kiến trúc ở Hương canh ( Vĩnh phú )

Ngày 30/4/1975, nghe tin giải phóng miền Nam, nước mắt anh rơi hai hàng , mừng lắm. Nhận được tin anh Hùng ở trong nước báo sang, má và 2 em Kiếm, Dũng vẫn còn sống, mong được đoàn tụ gia đình, anh chỉ muốn có cánh để được bay về thăm má và các em. Nước nhà đã thống nhất, chiến tranh đã chấm dứt, bom rơi đạn lạc không còn, gia đình anh được đoàn tụ , nhưng phải sau đó vài năm ở Sài Gòn . Nhưng khi ấy ba yêu quý thì không còn nữa để chứng kiến ngày thống nhất đất nước mà vì sự nghiệp ấy, ba và hàng triệu người đã ngã xuống. Anh em tụi anh cũng ăn học trưởng thành ra đời, làm theo chuyên môn của mình được đào tạo, là cán bộ công chức sống khiêm nhường bằng đồng lương của Nhà nước, cũng thiếu trước hụt sau nhưng đã cống hiến hết mình cho cơ quan nơi mình công tác trọn vẹn tới ngày nghỉ hưu. Em út anh , thằng Dũng nó theo ngành công an, ngạch cảnh sát. Em bị bệnh rồi mất năm 1993 khi mới 37 tuổi.

Hồi thằng Dũng còn đi học ở trường Lý Tử Trọng sau ngày giải phóng , anh Hổ kể, có lần lớp nó tổ chức đi thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt nam ở đường Võ Văn Tần. Khi cả lũ chúng nó thăm chỗ để máy chém thời Ngô Đình Diệm khủng bố những người yêu nước, nhìn thấy di ảnh của ba, nó hét lên một tiếng "TRỜI ƠI, BA TÔI" rồi ngất xỉu quỵ xuống trong vòng tay của các bạn cùng lớp, mọi người có mặt ai cũng ngậm ngùi, xúc động trong nước mắt ngắn dài . Chiến tranh, mất mát, gia đình nào cũng phải gánh chịu chứ riêng gì gia đình anh đâu, anh Hổ chia sẻ, cứ mỗi lần nhắc đến lại nhớ cha, trân trọng máu xương của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc , trân quý những ngày tháng hoà bình hôm nay trên đất nước này đã phải trả bằng máu nhiều thế hệ mới có được. Cám ơn má đã luôn dạy và nhắc nhở chúng con phải sống xứng đáng là những đứa con của người anh hùng, yêu thương và giúp đỡ người nghèo, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải trung thành với lý tưởng mà ba má đã lựa chọn và hiến dâng .

Hôm nay, ở tỉnh Tây Ninh, anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha là biểu tượng của lòng yêu nước, khí phách anh hùng . Tên của ông đã được đặt cho 2 ngôi trường ở đây, một nhà máy In, một con đường mang tên ông ở trung tâm thành phố. Chính ở nơi giặc xử chém ông ngày xưa có bia tưởng niệm . Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, tại Quận 6 có con đường mang tên ông luôn rợp bóng cây. Ở quê nhà Thanh hoá, và nhiều tỉnh thành nữa cũng có những ngôi trường và các con đường mang tên ông.

Hôm quay trở lại Bảo tàng chứng tích chiến tranh để chụp mấy tấm ảnh cái máy chém để minh hoạ cho loạt bài viết này, tôi đã thấy rất nhiều khách thăm quan, cả người nước ngoài trong sự xúc động. Họ sẽ không được biết và đọc những ghi chép này của tôi, họ cũng không được biết về những phần thưởng cao quý gì của Nhà nước đã truy tặng cho ông, vinh danh ông . Tôi đã thầm ước, nên chăng lãnh đạo bảo tàng làm thêm một cái bảng vàng bên cạnh để khắc ghi những phần thưởng cao quý của ông : "Nhà nước Việt Nam đã truy tặng danh hiệu AHLLVTND năm 1997, truy tặng huân chương độc lập hạng nhất, truy tặng bằng Tổ quốc ghi công, truy tặng huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất." Đấy mới là tri ân ông, những người có công với Tổ quốc để năm tháng qua đi, không ai trong chúng ta lãng quên và không gì có thể lãng quên , người anh hùng hiên ngang trước đoạn đầu đài của quân thù.

Khi tôi dừng tay trên bàn phím để kết thúc bài viết này, bên ngoài cửa sổ đã có những giọt mưa bay của ngày đầu đông. Phải chăng , đó là nước mắt tiếc thương của hàng triệu người dành cho ông ở đất nước này đã anh dũng hy sinh. Tên tuổi của ông sẽ mãi mãi đọng trong trái tim của mỗi người Việt nam yêu nước, xin được tri ân AHLLVTND Hoàng Lê Kha !

Ngày 25/11/2022.

Trái tim người lính