Ký ức về Tết nguyên đán năm Nhâm Tý 1972 và  Bộ đội pháo cao xạ ở đường Trường Sơn

Nguyễn Văn Kiểu

09/01/2022 07:30

Theo dõi trên

Tết Nguyên Đán năm Nhâm Tý_ngày 15.02.1972. Thời điểm này ở Trường Sơn đang là giữa mùa khô(1971_1972) và những người chiến sỹ Tiểu đoàn pháo cao xạ 44 thuộc Binh trạm 34, Đoàn 559 đang làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn trên địa bàn tỉnh Xaravan của nước bạn Lào.

Đón cái Tết Nguyên Đán thứ hai ở Trường Sơn, chúng tôi lại nhớ về những cái Tết năm trước ở quê nhà. Tết cổ truyền của dân tộc, tình cảm cha mẹ với các con, ông bà với các cháu, tình cảm của anh chị em của cô dì chú bác họ hàng đầm ấm. Tết là khoảng thời gian thiêng liêng đầu năm mới, vì vậy ai mà chẳng xao xuyến khi được nghỉ ngơi lấy lại năng lượng, đón nhận những điều may mắn vui vẻ, quên đi những vất vả nhọc nhằn của một năm đã qua. Năm mới nhưng anh em cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 44 trên các trận địa pháo luôn trong tư thế sẵn sàng đánh trả những đợt công kích của máy bay Mỹ để bảo vệ những đoàn xe, đoàn quân đang tiến vào miền Nam chiến đấu. Nắng gió của mùa khô ở Trường Sơn cùng với những trận sốt rét trong mùa mưa đã làm cho các anh em pháo thủ, lái xe, trinh sát, thông tin, các anh cán bộ chỉ huy trung đội đại đội nhuốm làn da đen sạm.

phao-cao-xa-1641688099.jpg
Cựu chiến binh- Nguyễn Văn Kiểu, tiểu đoàn pháo cao xạ 44, Binh trạm 34, Đoàn 559

Quên sao được hình ảnh các anh em pháo thủ bình tĩnh vững vàng trên mâm pháo bám sát mục tiêu chờ lệnh “bắn!” , tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ an toàn cho những chuyến xe qua. Bọn không quân Mỹ không có khái niệm Tết Nguyên Đán, máy bay của chúng vẫn ném bom bắn phá ngăn chặn mạch máu giao thông ở Trường Sơn, nhưng đã có lực lượng công binh, pháo cao xạ hiệp đồng chiến đấu đảm bảo thông đường cho các đoàn xe đoàn quân của ta hành quân trên đường ra mặt trận.

Không quân Mỹ đánh cả ngày lẫn đêm, chúng sử dụng nhiều loại máy bay, từ loại máy bay trinh sát OV-10 đến máy bay ném bom F4 và F105, kể cả sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 hòng tiêu diệt các trận địa pháo cao xạ của ta và đánh phá các trọng điểm giao thông kho tàng trên tuyến đường Trường Sơn. Lực lượng phòng không của chúng ta ở Trường Sơn chỉ bố trí được lưới lửa tầm thấp đánh máy bay đich, gồm có pháo cao xạ 37ly được bố trí trận địa bám sát các trục đường giao thông, súng máy phòng không 12ly7 và 14ly5 đặt trận địa trên các sườn núi đón đánh máy bay địch ở các vị trí xung yếu mà pháo cao xạ 37ly không thể tiếp cận được. Pháo cao xạ 37ly là hỏa lực mạnh nhất đương đầu với các loại máy bay Mỹ, nhưng tầm bắn bị hạn chế. Vì vậy không quân Mỹ ra sức phô trương sức mạnh, sử dụng các loại máy bay để đánh phá dữ dội vào tuyến đường Trường Sơn hòng cắt đứt tuyến vận chuyển của chúng ta vào miền Nam. Các trận địa pháo cao xạ 37ly đã chốt giữ các trọng điểm giao thông đánh trả quyết liệt các đợt công kích của máy bay địch để bảo vệ an toàn cho các đoàn xe vận tải của ta. Những loạt đạn pháo cao xạ 37ly bay vút lên trời cao với những đốm lửa đỏ của đạn vạch đường nối tiếp nhau như cầu vồng khiến bọn phi công Mỹ hoảng sợ phải điều khiển máy bay nâng độ cao tránh đạn.

Trên các trọng điểm giao thông anh em lái xe vận tải, công binh của ta nghe tiếng pháo nổ và nhìn những vệt sáng của đạn pháo cao xạ đã yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo chỉ huy đơn vị đã sâu sát đến từng trận địa động viên về tinh thần đối với các chiến sĩ đang tham gia chiến đấu. Cơm nếp và thịt hộp thay cho bánh trưng xanh, đó là sản phẩm của hậu phương miềm Bắc gửi cho làm ấm lòng người chiến sĩ nơi tiền tuyến. Mùa khô ở Trường Sơn trời nắng liên tục, vì vậy đến ngày Tết Nguyên Đán cũng không có cảnh tiết Xuân se lạnh phảng phất mưa bay, cây cối đâm chồi nảy lộc như ở miền Bắc. Xung quanh trận địa của chúng tôi đất đá xới nhào, cát bụi của đất đỏ ở Trường Sơn bám đầy vào cỏ cây hai bên đường ô tô, không thể nhìn thấy những sắc màu của lá rừng.

Trong những ngày đầu Năm mới, chúng tôi nhớ về gia đình quê hương, về những tháng ngày qua đã cùng nhau chiến đấu trên chiến trường, về triển vọng và tương lai của cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi. Năm 1971 đã đi qua nhanh chóng với những thay đổi cục diện trên chiến trường tạo so sánh lực lượng có lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Quân chủ lực của ta trong năm 1971 vừa qua đã giành được nhiều thắng lợi mới có ý nghĩa chiến lược. Đầu năm 1971, Quân lực VNCH (quân ngụy) được Mỹ viện trợ tiền bạc, vũ khí hiện đại đã liên tiếp mở 2 cuộc hành quân quy mô lớn đó là: Cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” đánh phá khu vực đường 9_Nam Lào, cuộc “Hành quân Toàn thắng 1-71” đánh phá vùng đông bắc Căm Pu Chia và tiến công từ phía bắc tỉnh Kon Tum đánh ra ngã ba biên giới khu vực tỉnh A tô pơ nam Lào. Mỹ- Ngụy đã huy động hàng vạn quân cho mỗi hướng chiến dịch và đã tăng cường yểm trợ bằng hỏa lực của không quân, pháo binh, xe tăng ,thiết giáp đến mức tối đa nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của chúng ta đang chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Quân chủ lực của ta đã chủ động mở các chiến dịch phản công quy mô lớn đánh bại cả hai cuộc hành quân”Lam Sơn - 719" và “Toàn thắng 1-71", tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch, bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay, hàng trăm xe tăng_thiết giáp, xe quân sự, pháo và khí tài của chúng.

Những thắng lợi to lớn của bộ đội ta trên các mặt trận nam Lào và đông bắc Campuchia đầu năm 1971 đã đánh bại các cuộc hành quân quy mô lớn của địch, đánh dấu sự chấm dứt quá trình tiến công phản kích ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ- Ngụy, đánh dấu sự thất bại nặng nề của Đế quốc Mỹ trong “Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân ngụy bắt đầu rơi vào thế bị động co cụm phòng ngự, tạo thuận lợi cho Quân giải phóng miền Nam bao vây và tiến công địch trên các chiến trường. Bên cạnh những thắng lợi to lớn của bộ đội ta trong năm 1971 cũng có những nỗi buồn. Trong năm qua chúng tôi đã chứng kiến các đồng đội của mình anh dũng hy sinh trong các trận chiến đấu và để có những thắng lợi vẻ vang trong các chiến dịch phản công quy mô lớn bộ đội ta cũng đã phải hy sinh nhiều người, tiêu tốn nhiều vật chất. Chúng tôi đau đáu nhớ về miền Bắc đang phải gồng mình chống đỡ những hậu quả nặng nề của “Trận lụt ở đồng bằng sông Hồng đã xảy ra hồi trung tuần tháng 8 năm 1971”, đã làm thiệt hại sinh mạng của hàng trăm con người, làm cho hàng vạn gia đình ở đồng bằng sông Hồng lâm vào cảnh khốn đốn, làm thiệt hại lớn nền kinh tế của miền Bắc nước ta.

Chúng tôi đón Năm mới với những tâm trạng vui buồn nhưng vui là phần nhiều. Sang năm 1972, đường Trường Sơn của ta đã phát triển mạnh mẽ với hệ thống đường ngang, đường dọc cho ô tô vận tải, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, hệ thống đường giao liên cho người hành quân bộ. Đường của chúng ta đã lan tỏa đến chiến trường Khu 5, đến Tây Nguyên, vào miền đông Nam Bộ. Những đoàn xe, những đoàn quân của chúng ta trùng trùng điệp điệp, nối tiếp nhau hành quân ra tiền tuyến. Vượt qua thiên tai địch họa miền Bắc vẫn tăng cường chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tiểu đoàn pháo cao xạ 44 ở đây cùng các đơn vị bạn làm nhiệm vụ giữ vững trận địa, đánh máy bay địch để bảo vệ tuyến đường chiến lược ở Trường Sơn cho những đoàn xe, đoàn quân của ta hành quân vào miền Nam tham gia kháng chiến. Sang Năm mới 1972, lực lượng của chúng ta mỗi ngày một lớn mạnh hơn, quân và dân miền Nam sẽ mở nhiều chiến dịch phản công quy mô lớn trên khắp các chiến trường. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn để mau chóng đi đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Mùa Xuân là của đất trời, của lòng người. Thời gian đã lùi xa 50 năm nhưng khi viết những dòng hồi ký này tâm trạng tôi lại bồi hồi nhớ về Trường Sơn trong những ngày đầu năm Nhâm Tý_1972, nhớ về những ngày quân và dân ta ở hai miền Nam Bắc chung sức chung lòng tham gia kháng chiến vì một mục tiêu hòa bình và thống nhất non sông. Những người cựu chiến binh Tiểu đoàn pháo cao xạ 44, Binh trạm 34, Đoàn 559 đến ngày nay vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc về Tết Nguyên Đán năm Nhâm Tý_1972 ở Trường Sơn.

 

Phạm Thúy Hậu biên tập

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức về Tết nguyên đán năm Nhâm Tý 1972 và  Bộ đội pháo cao xạ ở đường Trường Sơn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn