Như NSND Vương Duy Biên – Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - đã thừa nhận, sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ của thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin, đã khiến cho đội ngũ văn nghệ sĩ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam lúng túng, bị động, không theo kịp sự phát triển “quyền lực mềm” của một số quốc gia phát triển thông qua công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Vậy chúng ta cần phải làm thế nào để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà bắt kịp với Cách mạng Công nghiệp 4.0? Có lẽ đây không phải là một vấn đề quá khó và chắc chắn có câu trả lời. Chỉ có điều là cách thức thực hiện phải có sự thay đổi mang tính cách mạng. Và căn cơ vẫn phải là giáo dục để làm sao đưa được những kiến thức khoa học công nghệ vào các chương trình đào tạo về văn học nghệ thuật.
Như thế, vấn đề ở đây có lẽ là nếu xây dựng chiến lược phát triển văn học nghệ thuật thì phải làm sao để khoa học công nghệ phải trở thành một thành tố không thể thiếu. Ai cũng thấy, nếu không có sự bắt tay giữa điện ảnh và công nghệ thông tin thì sẽ không thể có được các bộ phim “bom tấn” về khoa học giả tưởng với yếu tố kỹ xảo hết sức quyết định cho sự thành công. Và theo một đạo diễn điện ảnh có uy tín thì cần phải có những chương trình đào tạo chính thức về kỹ xảo cho giới đạo diễn điện ảnh để họ thực sự hiểu về nó và “ra đầu bài” cho các đối tác công nghệ cho bộ phim của mình.
Còn nếu nói đến sáng tác văn học, nếu như cứ tiếp tục mở các trại sáng tác theo cách thức vẫn thực hiện từ trước đến nay thì e rằng những tác phẩm của các thành viên được triệu tập sẽ không có gì mới cả. Vì thế, việc cần làm là tăng cường sự tiếp xúc, hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà văn và nhà khoa học trong mọi lĩnh vực.
Đến đây, cũng cần nói thêm là thực tế ở Việt Nam hiện đang có không ít nhà văn có bằng cấp chính thức của các ngành khoa học công nghệ. Vậy tại sao lại không thể thúc đẩy, động viên họ viết ra những tác phẩm hàm chứa các nội dung về khoa học công nghệ?
Không rõ, lãnh đạo của các ngành văn học nghệ thuật Việt Nam đã cảm nhận gì về thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang từng ngày, từng giờ tác động đến chính họ? Nên chăng, cần có một diễn đàn chung để quy tụ cả hai giới nghệ thuật và khoa học để cùng bàn về thực tế này. Hẳn rằng, một khi chưa làm được việc đó thì e rằng việc xây dựng Chiến lược phát triển văn học nghệ thuật nước nhà sẽ bị khiếm khuyết và không thể theo kịp với thực tế của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
__________________________
*Phó Tổng thư ký
Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam