Theo một nhà báo xuất thân từ môi trường đào tạo báo chí, những nhà báo không qua trường lớp ít nhất có 3 ưu điểm hơn họ. Trước hết đó là yếu tố năng khiếu vì không học báo chí mà biết làm báo thì đó là hơn hẳn những người học báo chí ra. Thứ hai là có chuyên môn và quan hệ ngành dọc. Do đó, khi tiếp cận đề tài thì họ hiểu chuyên môn và có thể khai thác thông tin từ các bậc thầy, bè bạn và đối tác của nhà trường. Thứ ba là các nhà báo không qua trường lớp thì về cơ bản không hề bị chi phối bởi những “khuôn vàng, thước ngọc” của môi trường đào tạo báo chí.
Xung quanh thực tế này, TS Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, ông không chỉ coi các nhà báo viết về khoa học công nghệ là những người phản ánh các hoạt động khoa học công nghệ. Các bài viết của họ không chỉ đơn thuần ở mức phản ánh, mỗi nhà báo còn phải là một người làm "khoa học".
Theo ông, các bài báo khoa học công nghệ chính là bản dịch từ ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ đời thường, biến từ những kết quả khoa học, những công trình khoa học sang văn viết, trở thành tri thức của cuộc sống để khoa học và công nghệ được phổ biến đến toàn thể nhân dân".
Qua ý kiến trên đây của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, có thể nói khi viết báo về khoa học công nghệ thì các nhà báo “tay ngang” có rất nhiều ưu thế vì họ thực sự hiểu biết chuyên môn với lĩnh vực cần phản ánh. Vấn đề còn lại là làm sao diễn đạt ra ngôn ngữ phổ thông để đông đảo bạn đọc tiếp nhận được.
Vậy cần phải làm gì để các nhà báo được đào tạo chính thức qua trường lớp không dễ bị thua ngay trên sân nhà? Chắc chắn, điều cần phải làm là phải có sự thân thiện giữa các lĩnh vực khoa học công nghệ với sinh viên ngành báo chí, truyền thông. Nên chăng, bên cạnh các chương trình đào tạo chính thức, các cơ sở đào tạo cần tạo điều kiện để sinh viên được giao lưu nhiều hơn với các nhà khoa học và nhà báo chuyên viết về khoa học công nghệ.
Trong khi các nhà trường chưa thực sự làm được việc đó, nên chăng sinh viên ngành báo chí nên chủ động tìm đến các hội thảo, diễn đàn khoa học chuyên ngành đã và đang được nhiều nơi tổ chức miễn phí. Và cũng có một địa chỉ rất hay là Diễn đàn Cà phê Thứ Bảy do nhạc sĩ Dương Thụ phụ trách với sự hợp tác của Tập đoàn Trung Nguyên vẫn diễn ra hàng tuần ở Hà Nội và TPHCM. Tại đây, rất nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau đã được mời thuyết trình. Tất nhiên, muốn tham dự thì ít nhất cũng phải tự chi trả về đồ uống cho mình nhưng tri thức tiếp thu được là hết sức giá trị.