Làm thầy phải có cái “Tâm”

Có nhiều ý kiến cho rằng: Người làm nghề giáo phải hội tụ đủ những phẩm chất: “Tâm”, “Tài” và “Đức”. Hướng tới Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2021, xin có đôi điều về cái  “Tâm” của người làm thầy.
1-lam-thay-phai-co-cai-tam-1635214263.jpg
Học sinh cũ thăm Thầy Lưu Văn Thanh, giáo viên Trường THCS Mỹ Hưng (Hòn Đất –Kiên Giang) nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Trong mọi thời đại, giáo dục đào tạo luôn được đề cao, coi trọng. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” với mục tiêu tổng quát là “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc. Người đã nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa” và đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Trong mọi hoàn cảnh của đất nước thì nghề giáo vẫn luôn nhận được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Họ không đơn thuần là những người dạy học mà đã thực sự trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận khi Tổ quốc cần.

L.N.Tônxtôi đã từng nói: “Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất- đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt”; còn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì: “Nghề dạy học chính là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”...

Thật không hề đơn giản để có một nghề cao quý, trong khi nghề giáo lại là “nghề cao quý nhất”. Có lẽ điều khiến nghề giáo trở thành cao quý nhất chính là ở tấm lòng nhiệt thành với tất cả mọi thế hệ con người, mà để làm được việc đó đòi hỏi người Thầy phải có cái “Tâm”.

Để có được cái“Tâm”, người thầy phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình, có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp.

Cái “Tâm” đối với nghề giáo là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu. Sự nghiệp “trồng người” không chỉ là cung cấp lý thuyết khô khan cứng nhắc, mà còn là cả một quá trình quan sát, chỉ bảo và truyền đạt kinh nghiệm về cuộc sống, trở thành một người bạn đáng tin cậy của học sinh, sinh viên.

Người thầy phải biết hiến thân cho nghề dạy học, biết hi sinh vì lợi ích tương lai, vì học sinh thân yêu; phải có tâm huyết với nghề mới có hứng thú, say mê chăm chút từng đơn vị kiến thức bài dạy, từng nội dung tiết giảng, hiểu và cảm thông với từng em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn; động viên, khuyến khích những em học sinh học yếu vươn lên; phát hiện, chăm bồi những học sinh giỏi, có năng khiếu để các em ngày càng phát triển; cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được đứng lớp, khi thấy học sinh của mình từng bước trưởng thành…

Muốn được như thế thì giáo viên - người Thầy phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học.

Việc trồng Người xưa nay vốn đã khó, ngày nay lại có phần khó hơn xưa. Đó chính là trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã làm cho xã hội biến đổi mạnh mẽ, đối tượng người học cũng khác xưa, tác động từ các nhân tố ngoài nhà trường đến học sinh ngày càng lớn, thì đòi hỏi nghề giáo cũng phải biến đổi, nhưng phải mạnh mẽ hơn thì mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, mục tiêu ngày càng lớn, áp lực ngày càng nhiều của muôn mặt cuộc sống đem đến,…

Cho nên, đứng trước những thay đổi nhanh chóng của hiện thực đời sống xã hội, cái “Tâm” của người thầy giáo cần phải vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của mình, không vì những khó khăn của bản thân, gia đình, không vì những tác động của cái xấu, cái tiêu cực mà “lung lay” cái “Tâm”... Người thầy phải tích cực, phải đồng hành cùng thế hệ trẻ thắp lên khát vọng hùng cường của dân tộc để sánh vai với các cường quốc năm châu bốn biển.

Trong bất cứ thời đại nào thì những người thật sự yêu quý nghề giáo họ cũng đều mang trong mình khát vọng lớn lao là gọt giũa hoàn thiện phẩm cách con trẻ, đào tạo thế hệ trẻ đáp ứng với sự kỳ vọng của gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong sâu thẳm tình yêu nghề của mình và xuất phát từ tận đáy lòng- người thầy giáo với những lời giảng bao giờ cũng nhằm để làm “kim chỉ nam” cho các em tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Là người thầy, vì hiểu rõ được trách nhiệm của mình nên họ cũng đã phải thường xuyên rèn giũa để củng cố tấm lòng nhiệt huyết, cùng với cái “Tâm” chân thành, niềm “khát khao” cống hiến và dẫn dắt thế hệ trẻ để tạo ra các thế hệ tương lai của đất nước vừa có tài, vừa có đức; vừa hồng, vừa chuyên.

Không phải ngẫu nhiên mà xã hội tôn sư - trọng đạo. “Đạo” làm người đã khó, “đạo” làm thầy còn khó hơn. Chọn nghề giáo tức là đã chọn cho mình con đường đi đến chân lý, con đường đi đến sự hoàn thiện. Con đường này không dễ dàng cho những ai không xem trọng cái “tâm” làm Thầy, không vững vàng trước nghịch cảnh, không chịu đựng được gian khổ, mềm lòng trước vật chất, tiền tài của xã hội phù hoa,...

Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi người thầy phải nâng cao phẩm chất và năng lực của mình, giữ vững cái “tâm” để thực hiện “đạo” làm thầy. “Tâm” có sáng thì “đạo” mới sáng; “đạo” sáng thì hình tượng mới tỏa ánh hào quang, huy hoàng, xứng đáng với sứ mệnh cao cả mà Đảng và nhân dân đã giao phó - NHÀ GIÁO!