Lâm Thị Mỹ Dạ viết bài thơ "khoảng trời hố bom"

Lâm Thị Mỹ Dạ là nữ nhà thơ của vùng đất Quảng Bình nhưng tài năng thơ của chị nổi tiếng khắp cả nước. Mỹ Dạ cùng học với chúng tôi ở Trường Cấp 3 Lệ Thủy, Quảng Bình.

Hồi đó, mới học lớp 9, chị đã có bài thơ "Nón chị" được tặng giải thưởng thơ của trường và giải thưởng thơ của Hội văn nghệ Quảng Bình. Học xong cấp 3 chị không được đi đại học vì lý lịch-hạn chế của một thời bao cấp. Hàng ngày chị ở nhà làm ruộng và bán hàng với mẹ ở xã Lộc Thủy, Lệ Thủy và... làm thơ. Hồi đó nhà thơ Hải Bằng bán sách ở Công ty phát hành sách Quảng Bình. Một lần ông đưa sách lên Lệ Thủy bán, nghe người ta nói ở đây có cô bé Mỹ Dạ làm thơ hay lắm. Thế là ông đến nghe Dạ đọc thơ. Rồi ông về đề nghị nhà thơ Xuân Hoàng, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình để Lâm Thị Mỹ Dạ điều về làm văn thư, rồi biên tập ở tạp chí của Hội. Năm 1972, khi mới 23 tuổi, chị được giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ với 3 bài thơ Đường ở Thủ Đô, "Khoảng trời hố bom"và "Chuyện cổ nước mình".

dh1bcq2-1669695624.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là thơ trực cảm, bất ngờ và đầy nữ tính.Khoảng trời hố bomlà một trong những bài thơ hay nhất của thơ chống Mỹ, cứu nước. Những bài thơ "Chuyện cổ nước mình, Khoảng trời - hố bom" của chị được giảng dạy trong chương trình tiếng Việt, văn học phổ thông. Có lần tôi được nữ thi sĩ kể cho nghe chuyện đến với bài thơKhoảng trời hố bom. Đó là năm 1968, Mỹ Dạ được đi thực tế cùng các văn nghệ sĩ Quảng Bình trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn. Hình ảnh cô gái thanh niên xung phong được đi phép về thăm quê. Nhưng về đến nhà thì ngôi nhà thân yêu của mình đã trở thành hố bom sâu hoắm. Thế là chị khoác ba lô quay trở lại đơn vị. Năm 1972, Lâm Thị Mỹ Dạ lại có dịp lên tuyến đường Trường Sơn tìm cô gái, nhưng không thấy nữa. Chỉ thấy những hố bom sâu hoắm. Thế là tứ thơ hình thành...

Mỹ Dạ viết: "Một ngày trong chiến tranh, chúng tôi đi thực tế trên tuyến đường Trường Sơn. Tôi đã gặp và sống hai ngày với một tổ đội thanh niên xung phong. Họ có 7 cô gái. Người tiểu đội trưởng có vẻ già hơn so với các bạn của mình. Tôi hỏi chị:

- Sao chị chưa giải ngũ?

Người phụ nữ có khuôn mặt gầy, khắc khổ, chậm rãi trả lời tôi:

- Tôi đã được giải ngũ cách đây ba năm. Lúc đó tôi 24 tuổi. Tôi đã đi bộ mấy trăm cây số với một chiếc ba lô để trở về quê hương. Quê tôi ở Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng mấy chục cây số. Ở đơn vị, lâu lắm tôi mới nhận được thư của gia đình. Lá thư gần đây nhất của em gái tôi báo tin gia đình vẫn bình an. Vất vả, khó nhọc sau gần 20 ngày băng rừng, vượt núi, tránh bom đạn..., tôi mới bước chân lên được địa phận Thanh Hóa quê tôi. Lòng tôi xốn xang, háo hức, vui sướng nghĩ đến phút đoàn tụ gia đình. Ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người thân yêu mà tôi đã xa cách gần 4 năm nay. Rồi kìa, trước mặt tôi hiện ra bóng cây đa đầu làng thân thuộc. Cây đa đã bị bom chém cụt mấy cành, nhưng vẫn gan góc đứng giữa trời. Trời ơi, làng của tôi! Tôi kêu lên, nước mắt ứa trào. Tôi chạy như bay không còn biết mệt là gì. Tôi tưởng tượng ra một bữa cơm ấm áp, đầy tiếng cười của ngày đoàn tụ. Tôi chạy, lòng dâng ngập cảm xúc. Tôi chạy và chạy... Ơ kìa, cái gì thế này? Đập vào mắt tôi là cảnh tan hoang của những ngôi nhà bị sập. Cây cối gãy đổ, xiêu vẹo. Các hố bom chồng chất nhau. Hoảng hốt, bàng hoàng, tôi chạy thêm một đoạn nữa. Tôi ước tính đúng khoảng này là ngôi nhà của mình. Tôi đứng sững lại. Trước mắt tôi là một hố bom sâu hoắm. Một hố bom rất lớn, mà chỉ có bom tấn mới đào được như vậy. Tôi qụy xuống. Người không còn cảm giác nữa...

Bà con lối xóm chạy đến, thấy tôi, họ kêu lên:

- Con ơi! Còn chi nữa con ơi! Ông bà, cha mẹ, anh em con ở dưới đó cả rồi. Quả bom tấn rơi trúng hầm đã làm tan nát cả nhà con rồi!

Đau đớn, tôi lấy tay cào bới đất đai tìm kiếm. Nhưng chính tôi cũng không biết mình tìm kiếm cái gì nữa. Bàn tay tôi quờ quạng đụng phải những mảnh bát vỡ nằm rải rác quanh miệng hố bom. Trời ơi! Những chiếc bát, bữa cơm đầm ấm của gia đình tôi! Còn đâu, còn đâu... Tôi ở lại vài ngày trong gia đình người chị họ. Đó là những ngày kinh hoàng nhất trong đời tôi. Đau đớn đến vô cảm. Tôi như người mất hồn. Sau đó, khi đã trấn tĩnh lại, tôi quyết định vác ba lô trở về đơn vị để tiếp tục chiến đấu trả thù cho những người thân yêu... Bây giờ, nơi này là tổ ấm, là ngôi nhà duy nhất của tôi. Tôi sẽ ở đây cho đến ngày thống nhất Đất Nước...

Đầu năm 1972, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Tôi có dịp trở lại con đường Trường Sơn, tìm gặp lại đội thanh niên xung phong năm xưa, thì được tin họ đã đi sâu vào chiến trường. Không biết họ sống chết thế nào. Đi thêm vài chục cây số nữa, tôi gặp rất nhiều hố bom đọng đầy nước. Những ngày ác liệt trong tiểu đội của họ ai còn? ai mất? Có bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trên những tuyến đường ra trận. Chuyện kể về họ thật mà như huyền thoại. Đêm đêm, khi máy bay Mỹ quần đảo, ném bom hòng triệt phá con đường lưu thông Nam-Bắc, đã có biết bao người lính cảm tử, tự mình thắp lên những ngọn đuốc đánh lạc hướng máy bay địch, kéo luồng bom đạn về phía mình để cứu con đường khỏi bị thương. Hiếm hoi có người trở về. Còn những người hy sinh, thân xác họ hòa vào đất đai dưới đáy hố bom.

Tôi nhìn xuống hố bom. Nước đọng lại nhưng khoảng trời trong ngắt. Một cánh chim bay qua. Một đám mây bay qua. Cả mặt trời cũng dừng lại nơi này. Ai đã chết ở đây? Là ai? Là ai?... Tôi nhớ đến những người lính cảm tử, những người nữ thanh niên xung phong mà tôi đã gặp. Biết đâu họ cũng đã hóa thành một khoảng trời trong hố bom này! Các bạn ơi! Các bạn ở nơi nào? Tôi kêu lên. Im lặng. Không có tiếng trả lời. Mà chỉ có những khoảng trời lặng lẽ vời vợi nhìn tôi...".

Bài thơ"Khoảng trời hố bom"của Mỹ Dạ đã được viết ra từ sự thật bi tráng đó... Đọc tâm sự của Lâm Thị Mỹ Dạ về chuyện viết bài thơ "Khoảng trời hố bom" ta mới thấy từ thực tế cuộc sống chiến đấu vào thơ như thế nào. Tứ của bài thơ sâu xa hơn, cao hơn hiện thực rất nhiều.Khoảng trời hố bomlà hồn người soi chiếu vào nỗi đau chiến tranh với bao nỗi niềm sâu xa, trăn trở!Cái chết em xanh khoảng trời con gái /Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em/Gương mặt em bạn bè tôi không biết/Nên mỗi người có gương mặt em riêng...Câu thơ kết là sự lan tỏa, sự nhân ảnh vô tận về chân dung chiến tranh và chân dung của người thanh niên xung phong, người chiến sĩ...

Trái tim người lính