Xuất phát từ niềm đam mê và một lòng hướng Phật, nghệ nhân Lâm Tường Quân nỗ lực suốt 10 năm để phát triển Nghệ Thuật Phật Giáo Hương Sen Vạn Đức và Hải Thiên Phật Quốc.
Sau một thập kỉ dành nhiều tâm huyết cho nghề điêu khắc tượng Phật bằng gỗ, nghệ nhân Lâm Tường Quân đã đạt được những thành tựu nhất định. Trong đó, cơ sở Nghệ Thuật Phật Giáo Hương Sen Vạn Đức cũng chuẩn bị kỉ niệm 10 năm thành lập, đồng thời Hải Thiên Phật Quốc còn chào đón rất nhiều quý tăng ni, phật tử từ nhiều quốc gia trên thế giới đến thưởng lãm tượng phật, thưởng trà tại nơi đây.
Theo nghệ nhân Lâm Tường Quân, anh bén duyên với nghề nhờ tâm hướng Phật và niềm đam mê với các pháp thân của các Ngài, từ đó anh quyết tâm theo đuổi con đường này và lan tỏa tấm lòng hứớng phật của mình thông qua các tác phẩm điêu khắc tượng Phật và xây dựng nên các chánh điện trang nghiêm của nhiều ngôi tự trên cả nước.
Nghệ nhân 9X chia sẻ: "Từ nhỏ đã được biết đến đạo Phật và được đến nhiều ngôi tự trên thế giới nhìn thấy được sự uy nghiêm của Tam Bảo và sự phát triển không ngừng của Phật giáo những quốc gia khác nhau mà tôi từng được ghé thăm. Vì vậy với lòng tôn kính, tôi muốn làm một việc ý nghĩa là tạo nên những bức tượng và pháp thân của các Ngài để lưu giữ và cho mọi người chiêm bái ".
Sau nhiều năm làm nghề, Lâm Tường Quân cũng hiểu được những khó khăn trong nghề. Trong đó ở nhiều đất nước khác nhau sẽ có những hình dung về các đấng tâm linh không giống nhau, chính vì thế nam nghệ nhân cũng cố gắng giữ lại sự uy nghiêm của các kim thân song song với việc sáng tạo nghệ thuật.
"Dù mỗi quốc gia có hình dung về các kim thân khác nhau nhưng trong đó cũng rất nhiều sự tương đồng nên mình sẽ chọn lọc các yếu tố khác nhau để có thể tạo tác nên những tác phẩm là những kim thân mang tính sáng tạo nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm, thanh tịnh trên mỗi pháp thân. Quan trọng nhất là tôi lưu lại trên mỗi pháp thân cái tâm của người Việt, tôi gửi gắm vào các Ngài tấm lòng của dân tộc Việt để khi người Việt Nam hay các bạn bè quốc tế nhìn vào họ sẽ cảm nhận và biết được đây là các pháp thân được tạo tác từ Việt Nam", anh chia sẻ.
Nói thêm về những thử thách trong nghề, nam nghệ nhân 9X tiết lộ: "Mỗi tác phẩm đều có cái khó khác nhau vì không dễ có thể đặc tả được nét mặt, dáng đứng hay sự uy nghiêm toát ra từ thần sắc của các Ngài".
Với nghệ nhân Lâm Tường Quân “tượng không chỉ là tượng” mà trong tượng còn có một sức sống lôi cuốn đối với người chiêm ngưỡng. Những pho tượng Phật do anh và những người thợ thực hiện không chỉ tinh xảo trong từng đường nét mà còn đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật. Lâm Tường Quân chia sẻ, trong các loại tượng gỗ, thì điêu khắc tượng Phật là khó nhất, để tạo nên phần hồn cho từng bức tượng, ngoài bàn tay khéo léo và sự kiên trì, người thợ phải thật sự có phẩm hạnh và sự thành tâm.
Với tài năng của mình, nghệ nhân Lâm Tường Quân đã từng thực hiện nhiều kim thân có kích thước lớn trong đó có thể kể đến là bức tượng Quan Âm có chiều cao lên đến 6,8m và trọng lượng 8 tấn. Tuy vậy, đối với Lâm Tường Quân dù là tác phẩm lớn hay nhỏ anh đều đặt hết tâm sức, lòng hướng thiện của mình vào đó.
Nam nghệ nhân 34 tuổi tâm niệm: "Dù là một tác phẩm lớn hay nhỏ cũng đều khó khăn riêng nhưng cái tâm của mình đặt vào là như nhau cũng giống như con đường trung đạo của đức Phật". Bên cạnh đó, Lâm Tường Quân cũng nhấn mạnh rằng khi theo nghề này điều quan trọng nhất là phải giữ tâm và giữ giới để mỗi tác phẩm làm ra đều trang nghiêm, thanh tịnh, mang đến sự uy nghiêm cho những nơi thờ tự và cho những ai có duyên được chiêm bái.
Sau nhiều năm làm nghề, Lâm Tường Quân cảm nhận được con người của mình ngày càng bao dung hơn và tình yêu thương ngày càng lớn hơn trước sự đổi thay của đất trời. Tất cả đều là sự vận hành của vũ trụ và mọi thứ đều có nhân quả. Hơn thế nữa, anh cũng cảm nhận bản thân đã gặp được những duyên lành cũng như vượt qua thử thách một cách bình thản hơn.