Ông Dần năm nay đã ngoài 70, nhưng còn tráng kiện lắm. Lâu lắm rồi tôi không gặp ông. Nhà ông “hai mặt phố” ngay góc ngã tư đường Nam Sơn, góc vuông giữa Nhà văn hóa Nam Sơn và lối qua “kho cựa Hầu”. Đường Nam Sơn nhiều lối rẽ, tôi chưa nhớ tên ngõ, ngách vì là người xa quê. Ở các đô thị lớn, đường rồi đến ngõ, ngách (trong Nam gọi là hẻm, xẹc); nhưng làng Nam Sơn xưa, nay là phố mới có 2 đường lớn là Nam Sơn và Ngạn Sơn, giao với quốc lộ 1A, nay là đường Xô viết Nghệ Tĩnh, các ngõ, ngách hình như chưa có tên.
Quê lên phố, như đứa trẻ mới “tập đi”, dần dần sẽ hoàn thiện diện mạo phố, lối sống phố. Chỉ mong tình làng, nghĩa xóm đừng “xa cách phố”, vẫn “tắt lửa tối đèn” có nhau là ổn.
Nam Sơn xưa là một làng trong năm làng của Đại lộc (cũ), nhưng là làng duy nhất có nghề dêt chiếu. Ông Dần là người “phát minh” ra nghề nhuộm chiếu. Từ chiếu đậu in ra thành chiếu hoa, dù rằng in đơn giản, giống như bôi màu lên các khuôn đã cắt sẵn. Sau đó, đưa là “lò” ủ nhiệt cho màu ăn vào từng sợi cói.
Tôi nghe nói lại, thì nghề này đã có lịch sử cả trăm năm. Lịch sử hình thành và phát triển nghề dệt chiếu Nam Sơn bắt đầu từ vị tổ dòng họ Nguyễn Duy cách đây khoảng 400 năm. Nguyễn Duy là dòng họ lớn của Nam Sơn, khi tôi lớn lên đã thấy nhà thờ họ Nguyễn Duy uy nghiêm. Bom rơi, đạn nổ như vậy, nhưng nhà thờ họ này không việc gì. Nay nhà thờ họ Nguyễn Duy đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nói về xuất xứ nghề dệt chiếu, chuyện rằng có một nhà buôn giàu có tên là Đỗ Đạm, người thôn Càn Miếu, xã Hương Cần, Quỳnh Lưu (Nghệ An), bị người ghen ghét vu oan cho tội ăn cắp “quan vật”. Lúc này quan trấn xứ Nghệ An là Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, phụ tá theo hầu ông là tú tài Nguyễn My Thọ, đều là người Trảo Nha. Án kiện lên quan, Đỗ Đạm phải theo hầu kiện vào tận Trấn Dinh. Qua vùng đất Trảo Nha, lính áp giải nghỉ chân một đêm, nhờ đó ông gặp được tú tài Nguyễn My Thọ, bèn thực tình kể hết đầu đuôi cơ sự.
Nhận thấy ông bị oan, hôm sau tú tài Nguyễn My Thọ theo đoàn áp giải vào Trấn Dinh gặp Tào Quận công trình trước sự việc. Lần ấy nhờ sáng suốt của Tào Quận công mà Đỗ Đạm được giải oan. Ông đội ơn mới đem vàng bạc châu báu đáp tạ song cả Tào Quận công lẫn tú tài My Thọ đều không nhận. Đương lúc chưa biết làm sao thì Đỗ Đạm biết chuyện tú tài Nguyễn My Thọ có vợ đã lâu chưa có con trai, mới ngỏ ý đem cô con gái đi theo cha hầu kiện gả cho. Tú tài Nguyễn My Thọ đồng ý. Được thêm vợ, ai dại gì mà không đồng, nói gì cỡ tú tài?
Con gái Đỗ Đạm về đất Trảo Nha (tên cũ của làng Nam Sơn) làm dâu, gia tài đem theo là tay nghề dệt chiếu học được từ nhà mẹ đẻ, cô bèn truyền dạy cho bà con trong làng. Từ đó trở đi, ngôi làng ven chân núi ngoài trồng trọt săn bắt, lại có thêm một nghề sinh nhai mới: nghề dệt chiếu.
Nói chuyện ông tú tài Nguyễn My Thọ “gật” lấy thêm vợ, tôi lại nhớ ông nội. Em gái bố tôi tên là O Hoan vốn nổi tiếng nhất đất Hai Làng, một tên cũ nữa của đất Trảo Nha xưa, Nam Sơn nay. Gái xinh thì nhiều trai ngỏ lời, ngỏ ý muôn đời là quy luật. Thế nhưng ông nội tôi lại gả cho một chàng trai, từ Đức Thịnh (huyện Đức Thọ) vào lập nghiệp. Lý lẽ của ông nội tôi là “Trâu, ruộng bề bề không bằng một nghề làm ăn”. Làm nông hồi đó chưa được coi là một nghề. Dượng tôi khác với trai làng có nghề may quần áo.
Nói thế để biết “ghi ơn” ông tú tài Nguyễn My Thọ, ông đã sáng suốt khi nhìn biết cô con gái ông Đỗ Đạm có nghề dệt chiếu mà gật đầu nhận làm vợ. Nhờ ông mà dân làng Nam Sơn có nghề dệt chiếu tồn tại cả trăm năm, thêm thu nhập để nuôi sống người dân. Nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà thơ....sinh ra lớn lên ở quê hương, ra đi lập nghiệp thành danh nhờ thoi dệt chiếu quê nhà.
Khi tôi lớn lên, đã được nhìn thấy một nghề mưu sinh rong ruổi khắp Bắc Nam bằng bàn chân, đó là nghề buôn nồi đất. Nồi đất thật khó vận chuyển bằng xe cơ giới. Vỡ mất. Nghề chiếu cói Nam Sơn cũng rong ruổi chẳng khác gì.
Để làm chiếu, nguyên liệu đầu tiên phải dùng đến là cói, phương ngữ Nghệ gọi là lác. Sau đó là đay. Cói được mua từ các làng ven sông, hói các huyện ở Hà Tĩnh như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân; hoặc Nghê An. Thậm chí dân làng ra tận Thanh Hóa mua về. Đay cũng vậy. Ngoài Thái Bình có những huyện nổi tiếng trồng đay như Hưng Hà...
Cói được mua về, nếu là cói tươi được chẻ ra, phân loại theo độ dài, ngắn phơi khô. Đay cũng vậy, sau khi phơi khô thì xé nhỏ ra. Công việc xe đay, phù hợp với các bà, các mẹ; nối các sợi đay ngắn lại với nhau, hai bàn tay vo, vuốt cho tròn lại và cuộn lại thành cuộn tròn.
Khi dệt chiếu, công việc đầu tiên là rải sợi đay đều theo chiều dài được cố định thành “khuôn” trên nền nhà, dài hơn chiều dài một đôi chiếu. Đay rải có sợi trên, sợi dưới; và luồn vào dụng cụ dệt gọi là go. Go có nhiều khổ, ứng với chiều rộng loại chiếu cần dệt, ví dụ chiếu trải giường đơn, giường đôi. Go chiếu được các nghệ nhân thiết kế, đảm bảo yếu tố kỹ thuật khi rải sợi đay, luồn vào go thì hai sợi trên và dưới bắt chéo nhau, chèn chặt sợi cói....Tôi không phải là người dệt chiếu, nhưng quan sát bố và mẹ làm thì thất có nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo lép. Xe đay phải bảo đảm sợ đay vo tròn, mảnh; điểm nối không phát hiện ra. Lúc dệt, hai bàn tay cầm hai đầu go phải dập đều, cho sợi lác phía nào cũng được nén đều, chặt. Khi dệt chiếu, vắt sợi lác ở biên chiếu cho khéo để chiếc chiếu chặt chắc, dùng được bền.
Dệt chiếu thủ công phải có hai người. Người ngồi trên ghế có nhiệm vụ dệt, người ngồi mép bên có nhiệm vụ cầm soi đưa sợi cói vào. Phối hợp phải nhịp nhàng.
Chiếu dệt xong được được phơi nắng, phơi xong thì bó lại từng đôi, chờ ngày đưa ra chợ Nghèn bán; hoặc bán cho từng người mua gom để vận chuyển đi các chợ, bán cho dân các vùng miền khác. Chiếu Nam Sơn, từng “vượt biên” sang Lào, bán cho người Lào và người Việt sinh sống làm ăn trên đất Lào. Nói chung là có thương hiệu.
Thời thịnh vượng nhất nghề dệt chiếu Nam Sơn là cả làng dệt chiếu. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, nghề chiếu dần dần biến mất. Có nguyên nhân của thị trường là bây giờ có nhiều loại chiếu thay thế, ví dụ chiếu trúc, chiếu nhựa; đời sống vật chất lên lên người dùng nệm, ga ngày càng nhiều. Với nghề chiếu thủ công Nam Sơn, còn có lý do là không có lợi nhuận do chi phí cao, giá bán ngày càng thấp. Nay cả làng chỉ còn vài ba hộ. Gần ngõ nhà em trai tôi, mấy năm trước về còn gặp chị Nhân phơi lác. Có nghĩa là chị vẫn còn dệt chiếu.
Những người yêu lịch sử đất nước, hẳn đều nhớ giai thoại Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ ở Kinh thành Thăng Long. Khi đó Nguyễn Thị Lộ chừng 16 tuổi, vừa qua trăng tròn rất đẹp. Trăng 16 thường đầy hơn, đẹp hơn rằm. Thấy Nguyễn Thị Lộ bán chiếu, Nguyễn Trãi mới ghẹo rằng: “Nàng ở đâu đi bán chiếu gon. Phải chăng chiếu bán hết hay còn. Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi. Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Nguyễn Thị Lộ đáp: “Thiếp ở Hải Hồ (có bản ghi Tây Hồ) bán chiếu gon. Hỏi chi chiếu bán hết hay còn. Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ. Chồng còn chưa có, hỏi chi con”.
Thấy cô gái bán chiếu có tài, có sắc đẹp rạng rỡ ở tuổi trăng tròn, Nguyễn Trãi xin cưới về làm vợ lẽ. Sau này, bà cùng Nguyễn Trãi vào Thanh Hóa giúp Lê Lợi khởi nghĩa xưng vương. Tiếc rằng, cuối đời Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị oan khất (vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng), dẫn đến bị tru di cả họ.
Nhiều vùng quê nhờ làm chiếu mà thành thương hiệu du lịch, văn hóa, cho đến tận bây giờ. Chiếu đi vào lịch sử, vào văn học nghệ thuật. Với người dân làng tôi, chiếu cũng là một phần “hồn làng”. Đáng buồn, người nhớ nghề chiếu Nam Sơn, ngày càng hao vơi. Trong tôi, từ hôm gặp ông Dần, những hồi ức về làng, không thể quên được....
Hà Tĩnh, ngày 22/5/2021
NĐH