Làng du lịch sinh thái Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) của tôi nằm cách trung tâm TP khoảng 20km về hướng Tây và trãi dài bên bờ bắc con sông Túy Loan (xã Hòa Phong) hiền hòa thơ mộng với hệ sinh thái phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng mang tính đặc trưng của làng quê Hòa Vang nói riêng và của xứ Quảng xưa nói chung với đình làng, nhà cổ Tích Thiện Đường, vườn trái cây Nam bộ, vườn hoa hướng dương, bảo tàng nông nghiệp “mini”, đường làng quê bốn mùa hoa nở… Cuối làng Thái Lai là cánh đồng sen rộng lớn, đến mùa nở hoa thơm ngát được bao bọc bởi những lũy tre làng và ven cánh đồng quê với con trâu gặm cỏ đã thu hút nhiều bạn trẻ đến ngắm cảnh, Check in…
Những năm qua, các cấp lãnh đạo huyện, xã xét làng Thái Lai quê tôi rất giàu tiềm năng du lịch cộng đồng nói chung và du lịch sinh thái - văn hóa nói riêng nên đã được huyện, TP chọn đầu tư, phát triển bên cạnh sự đồng thuận của người dân và sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn mới Saemaul (SGF). Sau thời gian triển khai xây dựng, hôm nay Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai chính thức khai trương đưa vào hoạt động với nhiều kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách du lịch gần xa.
Trước khi vào sâu trong làng, xin mời du khách nên tham quan ngôi đình cổ kính được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp TP vừa được trùng tu, tôn tạo. Theo tư liệu, đình làng này hình thành cách đây gần 300 năm với lối kiến trúc theo quy cách xây dựng thời triều Nguyễn; trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng còn lưu giữ được nét cổ xưa. Trong chống Pháp, đình là nơi hội tụ của người dân địa phương đứng lên giành chính quyền; trong chống Mỹ, mặc dù là vùng bị địch chiếm đóng, nhưng người dân vẫn kiên trung, một lòng theo cách mạng và đình trở thành nơi tập kết lương thực, vũ khí, che giấu cán bộ vượt qua những giai đoạn khó khăn, ác liệt. Đình làng Thái Lai qua bao thế hệ vẫn là nơi hội tụ, phát sinh những giá trị truyền thống của dân làng, hình thành nhiều phong tục tốt đẹp có sức lan tỏa lớn, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Giữa làng quê Thái Lai yên tĩnh, không gian thoáng mát như làng trái cây Nam bộ, khách du lịch theo con đường bê-tông rộng khang trang để đến tham quan các khu vườn kiểu mẫu như vườn của ông Nguyễn Đăng Sữ, Nguyễn Văn Dự, Đỗ Hữu Minh… Đặc biệt, gia trang Đỗ Gia Viên của chủ nhân Đỗ Hữu Minh rộng 5.000m2 với các vườn cây ăn quả rợp bóng mát và có nhiều loại hình nghệ thuật, tiểu cảnh theo kiểu cổ xưa, hài hòa. Du khách có thể ngồi uống trà, nghỉ ngơi, thư giãn dưới các nhà rường, nhà lục giác, bát giác…và gửi những hình ảnh đẹp về bạn bè, người thân.
Trong Đỗ Gia Viên, tâm điểm là ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường với 200 năm tuổi. Đây là ngôi nhà cổ độc nhất ở TP còn giữ được vẹn nguyên với lối kiến trúc đặc trưng nhà Việt cổ. Tuy đã qua nhiều thế hệ sinh sống nhưng ngôi nhà vẫn giữ nguyên nét kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt xưa, từ cái nồi đồng nấu cơm, bộ tràng kỷ bằng gỗ, liễn đối, bàn thờ ông bà, tổ tiên; tủ đồ cổ gốm sứ…
Đặc biệt, thời gian gần đây, ông Đỗ Hữu Minh với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT đã xây dựng một “bảo tàng” nông nghiệp thu nhỏ trưng bày gần như đầy đủ các nông, ngư cụ truyền thống với hàng trăm hiện vật, vật dụng luôn đồng hành, gắn bó lâu đời với nghề nông, nghề rừng, nghề đánh cá trên sông Túy Loan. Các hiện vật được xếp ngăn nắp, gọn gàng theo từng chủ đề. Ông Đỗ Hữu Minh cho hay: “Trong mỗi không gian, chúng tôi luôn giới thiệu hiện vật rất rõ ràng, chi tiết để du khách có thể chiêm nghiệm. Bảo tàng nông ngư cụ này sẽ là nơi giáo dục sinh động, trực quan để du khách, học sinh, sinh viên tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, lịch sử phát triển của nghề nông và các ngành nghề khác như: nghề ép dầu phộng, nghề nấu đường, nghề đánh cá…”.
Đến với làng Thái Lai, nếu có nhu cầu nghỉ qua đêm, ngoài việc có thể sử dụng dịch vụ cắm trại ở các bãi cỏ ven sông, trong làng có nhiều homestay của các hộ dân nơi đây cũng luôn sẵn sàng phục vụ với đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất và mạng Wifi phủ khắp để du khách có thời gian trải nghiệm, khám phá, ghi nhận được sự bình yên đáng ngạc nhiên của một làng quê nông nghiệp chưa bị ảnh hưởng trong quá trình đô thị hóa. Đến đây, du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn “đặc sản quê hương” như: Bánh tráng Thái Lai nướng giòn, Mì Quảng, sắn hông lá dứa, khoai lang hấp, bánh xèo, mít trộn, bánh gói, bánh bột lọc, bánh tro, bánh đúc, măng trộn, búp chuối trộn... đậm chất “cây nhà, lá vườn” của nông dân sản xuất và chế biến.
Trao đổi với chúng tôi bên bàn trưng bày “đặc sản quê hương”, chị Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn cho hay, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai là điểm nhấn “du lịch xanh” của địa phương nói riêng và TP nói chung. Trách nhiệm của phụ nữ chúng tôi là trước , trong và sau Ngày khai mạc, hội viên phụ nữ phải tích cực giữ gìn, tôn tạo cảnh quan “sáng, xanh, sạch đẹp” với phương châm “đẹp nhà, đẹp vườn, đẹp đường, đẹp ngõ”. Ngoài ra, chúng tôi còn huy động các hội viên phụ nữ đến chế biến các món ăn đặc sản quê hương phục vụ quý vị đại biểu và du khách đến tham dự buổi khai trương hôm nay.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho hay, qua một thời gian khảo sát, đánh giá tiềm năng tiến tới xây dựng đề án, các ngành chức năng của huyện, xã đã tiến hành thăm dò ý kiến người dân trong thôn Thái Lai và được đồng thuận cao. TP cũng đã có chủ trương phát triển du lịch đường thủy nội địa, khớp nối Thái Lai vào mạng lưới du lịch đường sông với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Đây là những yếu tố thuận lợi để người dân Thái Lai kỳ vọng vào việc đầu tư, phát triển làng du lịch sinh thái cộng ngày thêm phát triển.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, sáng ngày 29/5/2022, UBND Hòa Nhơn phối hợp với Làng du lịch cộng đồng sinh thái Thái Lai tổ chức Lễ khai trương Làng du lịch cộng đồng sinh thái Thái Lai. Đến tham dự buổi lễ. Dự lễ khai mạc có đại diện lãnh đạo các cấp, các ban ngành từ TP và địa phương và đông đảo người dân, du khách, các công ty lữ hành tham gia. Tương lai không xa, Làng du lịch cộng đồng sinh thái Thái Lai sẽ vươn cao, vươn xa cùng với những sản phẩm du lịch cộng đồng có thương hiệu ở Đà Nẵng. Chúng tôi luôn phối kết hợp, với UBND xã Hòa Nhơn và địa phương nhằm tạo nên nhiều sản phẩm du lịch như: ẩm thực quê hương, chợ quê… để góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hòa Vang./.
Một số hình ảnh khác: