Theo ông Trịnh Hoàng Tùng, quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế của Thủ đô, nơi diễn ra nhiều hoạt động sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước, là địa bàn nóng về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), trong đó có công tác PCCC. Quận Hoàn Kiếm luôn được xác định là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao do đây là địa bàn có diện tích chật hẹp, mật độ dân cư đông. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế (38/166 tuyến phố và hơn 800 ngõ xe chữa cháy không tiếp cận được). Nguồn nước chữa cháy công cộng có 44 trụ cấp nước, đạt 9,5% so với tiêu chí quy định.
Địa bàn tập trung nhiều loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa nhiều hàng hoá thường được xây dựng theo dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát nạn, ban công được cơi nới và quây bằng lồng sắt. Khi xảy ra cháy nếu không kịp thời xử lý dễ gây cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, những khó khăn, bất cập trong công tác PCCC của quận trong thời gian ngắn khó thể khắc phục được. Vì vậy, UBND quận xác định công tác PCCC là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và của từng người dân. Từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về PCCC trong cán bộ, nhân dân, bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.
Nhận định về việc nâng cao nhận thức và ý thức người dân trong công tác phòng PCCC trên địa bàn, ông Trịnh Hoàng Tùng cho rằng, công tác PCCC của quận Hoàn Kiếm thời gian qua đạt kết quả rất tốt.
Ông chia sẻ, có nhiều mô hình, cách làm hay được lãnh đạo các cấp Bộ Công an, UBND thành phố ghi nhận và chỉ đạo nhân rộng ra toàn thành phố; điều này rất đáng mừng khi quận Hoàn Kiếm đã lan tỏa được mục đích của các mô hình đó tới phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhắc đến một số bài học cần lưu ý trong công tác PCCC:
Thứ nhất, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, từ phường đến cơ sở. Đảng ủy, chính quyền phường quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; cán bộ cơ sở nhiệt tình, sát sao, đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ chiến sỹ công an phường nhiệt tình, trách nhiệm, quyết tâm và sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn phường.
Thứ hai, phải tổ chức và làm tốt công tác tuyên truyền từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, các ban ngành đoàn thể và nhân dân trong công tác PCCC để công tác này phải được sự quan tâm và vào cuộc của toàn xã hội, các cấp, các ngành coi đây là tiêu chí của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.
Thứ ba, công an phải là lực lượng nòng cốt tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để vận động các ban ngành, cơ quan doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cán bộ nhân dân trên địa bàn cùng tham gia thực hiện Luật PCCC.
Thứ tư, đổi mới sáng tạo về nhận thức, biện pháp phù hợp với từng địa bàn, từng khu tập thể, chủ động nắm chắc địa bàn tích cực phòng ngừa ngăn chặn không để xảy ra cháy, cháy lan trong từng hộ, số nhà, đường phố và cơ quan đóng trên địa bàn…
Theo ông Trịnh Hoàng Tùng, nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là chủ các cơ sở kinh doanh còn chưa quan tâm đến công tác PCCC, vẫn còn các trường hợp phải xử lý vi phạm hành chính về PCCC, cá biệt có trường hợp phải ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động kinh doanh để răn đe.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội về công tác PCCC, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác phấn đấu kìm chế cả 3 tiêu chí về số vụ cháy, thiệt hại về người và tài sản góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn quận và Thủ đô.