Lào Cai: Mô hình trường học bán trú ở Sa Pa được lòng dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Đình Thơm

29/10/2021 16:22

Theo dõi trên

Sa Pa (Lào Cai) là thị xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến. Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, các em được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp đã được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

dt1-85-1635499187.jpg
Kiểm tra thực phẩm trước khi nhập kho trường Tả Van

 

Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa cho biết: Mô hình trường học bán trú ở vùng cao đã thực sự được lòng dân và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thị xã. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở đạt 97%, tỷ lệ chuyên cần đạt 98%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, bên cạnh học văn hóa, các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Tả Van (xã Tả Van, TX Sa Pa) luôn thực hiện tốt công tác chăm lo cho học sinh bán trú. Trường thực hiện tốt các chế độ chính sách của thầy cô và học sinh, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên yên tâm công tác và học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt nhất. Thầy giáo Trần Đình Hiệu, Hiệu trưởng chia sẻ.Năm học 2021 – 2022, nhà trường có 1030 học sinh (HS). Thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với học sinh  bán trú,  trường có 341 học sinh được hưởng chế độ. Nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện thị xã Sa Pa, với 70% học sinh là con em dân tộc thiểu số,  việc duy trì đủ số học sinh đến lớp luôn là vấn đề nan giải vì địa bàn rộng, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập thiếu thốn, đường đến trường xa nên thường bỏ học giữa chừng. Từ khi trường chuyển sang mô hình bán trú, việc duy trì đủ số học sinh đến lớp học của trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau mỗi buổi tan học, học sinh không phải quay về bản như trước đây mà được bố trí nơi ăn, chốn ở ngay tại trường; các bậc phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em mình.

dt2-56-1635499113.jpg
Giờ hoạt động giữa giờ của học sinh trường PTDTBT tiểu học và THCS Tả Van

 

Để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với học sinh bán trú, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu đã tham mưu cho UBND xã về việc triển khai chế độ chính sách hỗ trợ cho học sinh, phối hợp tuyên truyền tới các ngành, đoàn thể, thôn, bản và các bậc phụ huynh trên địa bàn. Trường tham mưu cho UBND xã thành lập Hội đồng tuyển sinh và xét duyệt các chế độ hỗ trợ cho học học sinh  theo từng năm học, được thực hiện đúng đối tượng theo quy định.

Nhiều năm nay, nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh, với 3 bữa trên ngày, định mức ăn đối với học sinh Tiểu học là 23.636 đồng/ngày/HS, còn học sinh THCS là 20.000 đồng/ngày/HS; hàng tháng, mỗi học sinh được hỗ trợ 15 kg gạo. Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn cho các em. Nhà trường lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm có uy tín nằm trong chuỗi cúng ứng thực phẩm trên địa bàn thị xã Sa Pa và ký cam kết trách nhiệm, đồng thời lưu mẫu thức ăn theo quy định. Thực đơn, thực phẩm được thay đổi theo ngày, niêm yết công khai.

dt3-44-1635499246.jpg
Bảng công khai tài chính của trường Tiều học Hàm Rồng

 

Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các em, nhà trường đã phân công cán bộ, giáo viên hàng ngày giám sát nguồn thực phẩm đầu vào và quá trình chế biến thức ăn. Nhà trường thường xuyên phối hợp với UBND xã, trạm y tế xã kiểm tra chất lượng thực phẩm của đơn vị cung ứng và giám sát bữa cơm hàng ngày của HS để bữa ăn của các em luôn đảm bảo an toàn thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng.

Đến thăm trường Trường tiểu học Hàm Rồng thuộc phường Hàm Rồng vào đúng giờ ăn cơm bán trú của các em học sinh, chúng tôi thấy được chất lượng bữa ăn rất phong phú có rau, thịt, trứng. Năm học này, trường có 94 học sinh thuộc tổ 1, 2, 3 đây là các tổ thuộc diện đặc biệt khó khăn, các cháu ở đây được hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Tuy là không phải trường dân tộc bán trú nhưng mọi hoạt động ở đây luôn được các thầy cô đặc biệt quan tâm, chính vì thế việc duy trì số học sinh đến lớp của nhà trường luôn gần 99%.

dt4-18-1635499303.jpg
Bữa ăn của học sinh trường TH Hàm Rồng

 

Việc chi trả chế độ cho HS trong trường hợp các em nghỉ học, không ăn cơm tại trường được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ chấm công, tổng hợp theo từng tuần, tháng. Kết thúc năm học sẽ chi trả cho phụ huynh học sinh theo bảng chấm công của giáo viên chủ nhiệm các lớp.

Nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với HS bán trú nên những năm học gần đây, công tác duy trì sĩ số của nhà trường luôn được đảm bảo, các em yên tâm học tập, rèn luyện, tạo nền tảng để nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.