Lay ta bừng tỉnh giấc người trăm năm

Sau đây là bài viết " Lay ta bừng tỉnh giấc người trăm năm" của Nhà thơ Đặng Huy Giang giới thiệu tập thơ " Giấc người" của Nhà thơ Quang Hoài do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2021.

Nhìn chung ở đời, phàm đã làm người đều phải biết chịu ơn. Đầu tiên là chịu ơn trời, chịu ơn đất. Tiếp theo là chịu ơn sinh thành, dưỡng dục. Sau nữa là chịu ơn duyên, chịu ơn phận…Nói một cách khác, sự chịu ơn cũng là những món nợ mà ta phải trả. Có khi trả cả đời mà vẫn không hết nợ, trả cả đời mà vẫn thấy thiếu. Nói cách khác: Sinh ra làm người, ta đã nợ trời, nợ đất, nợ công sinh thành, dưỡng dục, nợ duyên, nợ phận...Cũng có người sinh ra ở đời lại nợ tình, nợ nước mắt, nợ áo cơm, v.v…

img-20220203-232838-1643905971.jpg
Tập thơ 'Giấc người" của Nhà thơ Quang Hoài do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2021.

 

  Ngoài những món nợ rất phổ quát và rất con người ấy, khi đọc “Giấc người”, tôi hơi giật mình vì thấy Nhà thơ Quang Hoài còn đau đáu một món nợ khác mà bao năm nay ông mang trong người, ghìm nén trong người, những mong có một ngày trả nợ, những mong có một ngày được giải thoát. Món nợ ấy có tên là “nợ sự thật”. Hay nói một cách đầy đủ hơn: “Nợ sự thật” tức là nợ những gì có liên quan đến cái bản chất của sự thật, cái vốn có của sự thật và phải nói thật về nó, phải có câu trả lời về nó. Nói theo Nhà thơ Pháp A-ra-gông thì “Hãy gọi sự vật với đúng tên gọi của nó”. Và Quang Hoài đã hướng sự chuyển động thơ và cái đích thơ trong “Giấc người” của mình theo dòng chảy của tinh thần ấy.

    Đó là một xuất phát khó khăn, hành trình đến đích khó khăn và đến được đích lại càng khó khăn. Đơn giản vì trong khi sự giả dối “bận rất nhiều lần áo xống” thì “sự thật lại cởi trần”.

    Mặt khác, từ xa xưa đến nay, văn chương nói chung và thơ nói riêng, có chức năng như một tấm gương phản ánh hiện thực. Trong tấm gương phản ánh hiện thực  này, có hai lớp: Bề mặt và bề sâu. Bề mặt là nhìn thấy, là hiện thực thứ nhất. Bề sâu là cảm thấy, là hiện thực thứ hai. Trong đó, cảm thấy luôn được đánh giá cao hơn nhìn thấy. Nhưng theo quan niệm của Quang Hoài thì cao hơn và sâu hơn cảm thấy là ngẫm cảm. Theo tôi, trong tấm gương phản ánh hiện thực ấy, không phải là hiện thực mà cái bóng của hiện thực, mới đáng được đánh giá cao.

    Và trong quá trình trả “nợ sự thật” theo đúng nghĩa, nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì bằng sự ngẫm cảm và phản ánh cái bóng của hiện thực, Quang Hoài đã “vượt thoát” theo cách của ông.

     Tất cả những gửi gắm ấy, ký thác ấy được chốt lại trong “Sẹo hoàng hôn”, “Sấm giao thừa”, “Không đề 2”, “Vu vơ ngày đại dịch”, “Chưa thành người lớn”, “Một giuộc”, “Lạc bờ nhân gian”, “Chuyện ở Xứ Mờ”, “Chuyện ở ao tù”, “Giấc người”, “Một giấc”, “Mơ ngự đỉnh non”…Đây là một vệt thơ đáng chú ý nhất, làm nên dáng dấp và hồn cốt của “Giấc người”.

    Trong “Sẹo hoàng hôn”, Quang Hoài đặt ra câu hỏi: “Lẽ nào mọi đắp bồi/ Chỉ để khâm liệm một trượt trôi/ Mênh mang hồ ngày ấy mưa rơi?”. Năm từ “khâm liệm một trượt trôi”trong một dòng thơ bảy từ này, quá hay! Ở đây, “mọi đắp bồi” thật vô ích vì nó chỉ để lại hậu quả “khâm liệm một trượt trôi”. Từ hai câu mang tính dẫn dụ“Sóng quấn sóng vỗ bờ/ Vỗ chỗ ta ngồi còn hằn hình vết sẹo…”dẫn đến kết cục một tứ thơ lạ lẫm gói tròn trong hai câu “Con sóng nào vỗ nhoà/ Sẹo hoàng hôn trong ta?”.Cảm giác một sự giã biệt mãi mãi đầy ám ảnh và đau đớn lẫn đổ vỡ thành sẹo một “lâu đài huyền ảo” một thời trong Quang Hoài qua bài thơ này là rất rõ.

    Trong “Sấm giao thừa” - một hiện tượng lạ của thời tiết, trong cảnh giới của mình, Quang Hoài nhận ra cái hiện thực của thời cuộc có ảnh hưởng đến con người sống trong thời cuộc ấy. Mắc mớ có. Trở ngại có. Vì sao? Vì tất cả vẫn “Chưa ra khỏi hẻm mịt mùng”. Vì tất cả vẫn “Tắc luồng lạch/ nghẽn thác ghềnh” nên chẳng “Thuyền nào cập được Bến Xuân một thời”. Rồi nhân “Giao thừa/ sấm dậy rung trời” mà Quang Hoài mới ngộ được “Lay ta bừng tỉnh giấc người trăm năm!...”.

   Trong “Lạc bờ nhân gian”, bắt đầu từ “thảng thốt một chiều”, cái hiện thực (tôi) và cái lãng mạn (con diều) từng gắn bó bên nhau như một, giờ tách làm hai khi bị cắt rời dẫn đến hiện tượng mà người làm thơ không thể không đặt ra một ngờ vực: “Đứt tôi…diều ngã vào đêm?” và một khẳng định: “Đứt diều…tôi ngã vào miền bơ vơ!”. Và kết cục tất dẫn đến là “Hai con hai ngả lạc bờ nhân gian!”.

   Và có thể còn nhiều điều đáng để nói, đáng để suy ngẫm nữa trong “Chuyện ở Xứ Mờ”, “Chuyện ở ao tù”,“Giấc người”, “Một giấc”, “Mơ ngự đỉnh non”…

Với“Vu vơ ngày đại dịch” và “Virus”, Quang Hoài nhìn ra được những cái sâu hơn, xa hơn, bản chất hơn, mang dấu ấn thời cuộc và thời đại hơn, có giá trị đánh động, cảnh báo, cảnh tỉnh một cách có chủ ý. Hai dẫn chứng dưới đây được coi là sở cứ:

    Đây là dẫn chứng thứ nhất:“Đại dịch toàn cầu/ Bóp hầu chân lý/ Đồng chí đâu?/Tình yêu đâu?/ Nhoè màu đen - đỏ…”.

Đây là dẫn chứng thứ hai:“Virus dơi phơi mặt chuột/ Virus người toang thế gian!”.

     Trong “Giấc người”, Quang Hoài nhiều lúc đụng đến cái tất yếu, cái quy luật thật chí lý bằng thơ. Đầu tiên là “Hành trình”: “Hành trình/ ngắn ngắn/ dài dài…/ Đi nhanh/ đi chậm/ không ngoài/ lối ta”. Tiếp sau là “Chỉ một”: “Ai cũng chỉ một/ thế rồi…/ Lên giời/ xuống đất/ một thôi…/Một đường!”.

    “Giấc người” cơ bản là như thế nhưng không chỉ có thế! Điểm xuyết đâu đó là những câu thơ tình. Trong “Ngày không nhau” và “Khúc xạ”, Quang Hoài sở hữu những câu thơ tình đắm đuối, đẹp một cách mong manh, mới đọc lên đã thấy nao lòng: “Cúi xin ngọn gió heo may/ Đừng se sắt thổi những ngày không nhau…”;“Em gần thế sao xa xăm thế/ Biết bao giờ ta lại bên nhau?”.

Cũng có thể coi “Giấc người” là sự tỉnh thức của một bản lĩnh thơ. Qua tỉnh thức, Quang Hoài càng ngày càng nhận thức lại hoặc nhận thức ra chân sự thật mà cả đời ông đã theo đuổi và hoà mình trong đó, có lúc có thể đã sống với nó và chết vì nó. Đọc “Giấc người”, ta càng hiểu: Nhận thức luôn là một quá trình, không phải lúc nào cũng bất biến và hoàn toàn nhất quán.

Phố Khuất Duy Tiến - Hà Nội

 Đêm 28-7-2021

     Đ.H.G.